Kể từ thuở sơ khai của game, cuộc chạy đua giữa các biện pháp bảo vệ bản quyền (DRM) và “hải tặc” – những người dùng game crack đã tồn tại. Nó làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, làm mòn hàng mm nhựa của vô số anh hùng bàn phím, chưa kể hàng tỉ tỉ Byte dung lượng ổ cứng mà các diễn đàn, trang web phải dùng để chứa đựng những cuộc tranh cãi giữa đôi bên.
Bây giờ, sau hàng chục năm tranh đấu, cả crack lẫn DRM đều đã có những đại diện của riêng mình. Trong khi crack có Voksi (F for respect), CPY, 3DM, Reloaded, Skidrow… thì DRM cũng có SafeDisc, SecuROM, Denuvo… Trong số này, có lẽ chỉ còn Denuvo là kẻ thống trị DRM và “cân” tất cả các nhóm crack bằng những phiên bản cập nhật không ngừng được tung ra cho các nhà phát triển. Công ty Denuvo tự hào rằng mình là kẻ dẫn đầu trong lĩnh vực DRM, và gần đây nhất, họ vừa “lên lớp” các nhà phát triển còn chưa chịu sử dụng DRM của mình bằng một bài viết nói rằng nếu một trò chơi không có Denuvo, nó sẽ mất đi một khoản tiền khổng lồ vì người ta chỉ muốn chơi bản crack free.
Cụ thể, chủ sở hữu Denuvo là Irdeto vừa công bố một nghiên cứu rằng sau khi theo dõi số lượt tải lậu của một tựa game AAA giấu tên không dùng Denuvo trong vài ngày đầu ra mắt, Denuvo thấy rằng trò chơi đó nhanh chóng bị crack và xuất hiện trên các trang chia sẻ peer to peer (P2P, chẳng hạn torrent). “Irdeto theo dõi số lượt tải của một tựa game thể thao lớn không dùng DRM trên các mạng P2P sau khi trò chơi này bị crack ngay ngày phát hành,“ Irdeto cho biết. “Trong tuần đầu tiên, có 355.664 lượt tải torrent được ghi nhận. Dựa trên giá bán của trò chơi, điều này cho thấy số doanh thu bị mất từ P2P là khoảng 21.336.283 USD.”
Irdeto cũng nói rằng những ngày đầu tiên sau khi phát hành một tựa game là cực kỳ quan trọng, bởi 40% doanh thu nằm trong 4 ngày đầu tiên, và 80% doanh thu nằm trong 2 tuần đầu tiên. Thông thường, Denuvo có thể bảo vệ được trò chơi qua khoảng thời gian này, nhưng ngay cả khi nó bị crack chỉ sau một ngày, điều đó vẫn xứng đáng: “Nghiên cứu nhận thấy rằng 12% số lượt tải torrent xảy ra trong ngày đầu tiên bản crack xuất hiện trên các mạng P2P.” Với những thông tin trên, Irdeto kết luận là nếu một công ty không sử dụng giải pháp bảo vệ bản quyền, họ sẽ mất một lượng tiền khổng lồ nếu trò chơi bị crack trong 14 ngày đầu.
Nhưng luận điểm “không có Denuvo = lỗ nặng” mà Denuvo sử dụng để đánh bóng cho giải pháp DRM của mình liệu có đúng không? Nửa đúng nửa sai. Chắc chắn nhà phát hành sẽ thiệt hại phần nào vì có một số game thủ không mua bản quyền vì sự xuất hiện của crack, nhưng đại đa số game thủ dùng crack chắc chắn sẽ nhịn chứ không bỏ tiền mua game nếu crack không tồn tại. Mọt cũng từng chứng minh rằng DRM không ảnh hưởng nhiều đến doanh số của game, mà thậm chí còn có một vài lợi ích nhất định. Thật ra, việc sử dụng DRM đôi khi nó còn đi ngược lại mong muốn của nhà phát triển.
Để Mọt cho các bạn một ví dụ cho trường hợp này: Spore, tựa game của Maxis được EA phát hành vào năm 2008. Giải pháp DRM được EA lựa chọn là SecuROM, nhưng họ không nhắc tới cái tên này ở bất kỳ đâu – trên hộp đĩa, trong sách hướng dẫn, trong điều khoản người dùng. Họ đưa ra những quy định khắc nghiệt: máy tính phải xác nhận bản game là chính hãng khi cài vào máy, mỗi khi online, mỗi 10 ngày một lần. Chưa hết, key của game cũng chỉ có thể được dùng tối đa 3 lần – nếu bạn phải cài lại Windows, format ổ cứng hay gỡ game cài lại vì một lý do gì đó, bạn đã mất một lần dùng key. Sau khi game thủ phản ứng dữ dội, giới hạn này được EA hào phóng… nâng lên 5, và nếu muốn nhiều hơn, người chơi phải xin phép EA để được cài một tựa game họ đã bỏ tiền ra để sở hữu.
Để bào chữa cho những biện pháp thô bạo trên, EA gọi SecuROM là “tiêu chuẩn của ngành game,” dù các cựu binh Maxis gọi việc dùng SecuROM trong Spore là một vụ “té sml” và “một thảm họa hoàn toàn có thể tránh được. Cái giá phải trả cho sự lạm dụng DRM này là Spore bị đánh giá cực thấp trên Amazon, và những game thủ tiềm năng bỏ sang kiếm bản crack. Điều này khiến trò chơi trở thành tựa game bị “hải tặc” ghé thăm nhiều nhất trong năm 2008.
Trong năm 2008, EA cũng bị kiện 2 lần vì sử dụng DRM trong Spore. Đến tháng 12/2008, EA mới chịu bán Spore mà không có SecuROM, nhưng đã quá trễ - những game thủ tiềm năng muốn chơi game đã chuyển sang dùng bản crack, và doanh thu của trò chơi thấp đến mức 10 năm đã trôi qua mà chúng ta chưa thấy Spore 2, còn Maxis chỉ còn tập trung vào thương hiệu The Sims hái ra tiền của họ.
Vậy đấy các bạn ạ. Có vẻ như tất cả những lý lẽ bên trên được đưa ra chỉ nhằm “đánh bóng” cho Denuvo trong bối cảnh họ vẫn chưa thể có được khoảng cách an toàn với các nhóm crack. Assassin’s Creed Odyssey, Soul Calibur 6, Megaman 11, Football Manager 2019… đều đã bị crack trong thời gian gần đây, trong đó có những game sử dụng Denuvo 5.1 và 5.2, các phiên bản mới nhất hiện tại.