Phụ Lục
Wolfenstein: Youngblood là sản phẩm của sự hợp tác giữa Machine Games, studio chịu trách nhiệm phát triển dòng game Wolfenstein kể từ năm 2014 với Arkane Studios, cái tên đứng đằng sau các tựa game Dishonored đầy thú vị. Là một tựa game spin-off với nhân vật chính không phải là William B.J. Blazkowicz, Youngblood cho game thủ được gặp gỡ hai chị em sinh đôi Zofia và Jess trong cuộc hành trình tìm kiếm ông bố vừa biến mất một cách bí ẩn của mình.
Như các bạn đã biết trong bài viết trước của Mọt, Youngblood là một tựa game mang nhiều điều mới mẻ chưa từng xuất hiện trong một tựa Wolfenstein. Nó có gameplay được thiết kế cho co-op hai người, bổ sung thêm tính năng RPG bên cạnh phần bắn súng truyền thống, và đặt nặng yếu tố giữ chân người chơi ngay cả khi họ đã hoàn tất cốt truyện. Đó là những thử nghiệm mới mẻ và đáng được hoan nghênh, nhưng bản thân trò chơi có khá nhiều vấn đề khiến nó không thể là một tựa game đỉnh cao mà đành dừng lại ở mức một sản phẩm chơi được và bạn sẽ quên ngay khi hoàn tất phần cốt truyện.
Với cùng một phong cách khoa trương và tếu táo, cả đồ họa lẫn gameplay của Wolfenstein: Youngblood đều tỏ ra rất quen thuộc với những ai từng chơi qua các phiên bản trước. Vẫn còn đó những khẩu súng có hộp đạn chiếm một nửa màn hình, có khả năng biến kẻ địch thành một đám sương mù đỏ hay các loại khí tài quân sự chỉ có trong trí tưởng tượng. Vẫn còn đó mức độ khốc liệt trong chiến đấu gần như không thể tìm thấy trong bất kỳ một tựa game nào khác, khiến game thủ háo hức muốn tìm đến những loại vũ khí mới và thử nghiệm những phương thức chiến đấu mới. Vẫn còn đó những hành lang xám xịt, nơi các binh sĩ của Đế chế thứ 3 chen chúc chờ đến lượt… lãnh đạn, và sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ giờ chúng có thể lãnh đạn từ 4 khẩu súng thay vì chỉ 2.
Nhưng trong quá trình chơi Youngblood, những thử nghiệm mà Machine Games đưa vào Youngblood khiến cho Mọt nhận thấy rằng bên dưới lớp bình cũ là một chất rượu mới. Với nhiệm vụ giải phóng Paris, hai chị em nhà Blazkowicz sẽ phải lần lượt phá hủy thế lực kẻ thù trong ba quận của Paris (và quận thứ 4 sẽ mở khóa về cuối game) theo bất kỳ thứ tự nào mình muốn. Bạn sẽ được thả vào giữa một bản đồ thế giới mở không quá rộng lớn nhưng đầy ngõ ngách và các căn phòng bí mật chờ được khám phá – đặc trưng của những tựa game có bàn tay của Arkane Studios. Bạn không chỉ phiêu lưu và chiến đấu trên mặt đất, mà còn trên các balcony, trong các căn phòng, ngóc ngách bí mật và cả trong mê cung hầm mộ khổng lồ nằm trong lòng đất Paris.
Dù môi trường trong game có nhiều tầng lớp là vậy, phần nội dung cốt truyện của trò chơi tỏ ra quá loãng, với rất ít tiến triển trong cốt truyện và chỉ vừa đủ để làm nền thúc đẩy các sự kiện trong game. Gần như không có một nhiệm vụ hay màn chơi nào thực sự hấp dẫn và đáng nhớ trong Youngblood, một phần bởi bối cảnh của game quá hạn chế và đây là một điều rất đáng thất vọng nếu như so sánh với những màn chơi trên sao Thủy, trên đoàn xe lửa hay tuyến cáp treo của các phiên bản trước.
Mà thật ra, bản thân hệ thống các nhiệm vụ trong game cũng không có gì ấn tượng. Bạn sẽ bắt gặp những nhiệm vụ không chỉ đòi hỏi gun & run thông thường mà có chút gì đó khác biệt, chẳng hạn tìm và giải cứu một vài NPC, bắn phá vài công trình của kẻ địch hay ám sát một nhân vật quan trọng, nhưng tất cả đều chẳng để lại một chút ấn tượng gì – các NPC được cứu chẳng còn xuất hiện lại, việc ám sát đơn thuần là cài bom cho nổ từ xa, và việc bắn phá các mục tiêu quan trọng cũng chỉ bắt bạn phải kéo cò súng thêm vài lần nữa.
Trong Youngblood, cả bạn lẫn kẻ địch đều được gán những con số cấp bậc, và tất cả vũ khí đều có mức sát thương. Bạn có thể cải thiện những chỉ số của bản thân bằng cách luyện level, mua nâng cấp mới, học kỹ năng (Pep Signal) mới, và tất cả những điều này giúp nhân vật của bạn dần mạnh lên, đủ sức đối đầu với những đối thủ ngày càng mạnh mẽ, được bọc giáp dày hơn và có hỏa lực mạnh hơn trong các thành lũy (game gọi là Brother).
Nhưng vấn đề ở đây là tất cả những tính năng về cấp bậc này tạo ra một cảm giác rằng chúng chỉ tồn tại để… cầm chân game thủ, và kéo dài thời lượng của game. Quả thật mỗi khi lên level, nhặt được đủ tiền để mua nâng cấp cho vũ khí hay Pep Signal mới, Mọt tui có được một chút hưng phấn vì cảm thấy công sức cày cuốc của mình được tưởng thưởng, nhưng cảm giác hưng phấn đó nhanh chóng biến mất khi nó biến Wolfenstein: Youngblood thành một tựa game cày cuốc đơn thuần. Nó cũng “thọc gậy bánh xe” vào trải nghiệm bắn súng của trò chơi, do mọi thứ đều chịu ảnh hưởng của cấp độ. Dù Mọt gọi Paris trong game là open world, nhưng trên thực tế bạn sẽ chịu rất nhiều hạn chế vì những khu vực được gọi là “end game” luôn có những kẻ địch level rất cao, đủ sức tiễn bạn chầu trời mà chẳng mất một giọt máu.
Rất lâu rồi mới có một tựa game kế thừa tinh thần của Contra tốt như Blazing Chrome, gần như chúng ta có thể gọi nó là một bản sao hoàn hảo hơn cũng được.
Nếu phải load lại một checkpoint, Mọt tui muốn lý do là vì mình headshot chưa đủ nhiều hay bỏ sót một đối thủ khôn ngoan, chứ không phải vì đối phương có số 25 trên đầu còn Mọt chỉ mới 15. Hệ thống cấp bậc và sức sát thương này có thể khiến game thủ hào hứng cày cuốc trong những tựa looter shooter mà bạn có thể khoe gear như Borderlands hay Destiny 2, nhưng Youngblood không phải là game online, và cũng không có đủ nội dung để “giữ lửa” cho việc cày cuốc đó.
Dù phần chơi cốt truyện của Youngblood có kết thúc như một tựa game bắn súng bình thường, trò chơi được thiết kế với mục đích níu chân game thủ và khuyến khích họ chi tiền vào microtransaction. Sau khi bạn đã hoàn tất nội dung cốt truyện của game, Youngblood vẫn cho bạn trở lại với Paris để làm những nhiệm vụ hàng ngày, hàng tuần và bổ sung thêm một hệ thống sát thương, theo dõi tiến độ tương tự các game looter shooter. Nhưng như Mọt đã nói, Youngblood không có đủ nội dung để giữ chân game thủ tiếp tục cày cuốc, và các nâng cấp mà bạn nhận được chỉ đơn thuần là thêm máu, thêm giáp, thêm sát thương… Chúng chẳng có gì thú vị, không bổ sung thêm bất kỳ tính năng mới nào vào gameplay, mà chỉ đơn thuần tồn tại để kéo dài thời lượng chơi của game thủ một cách vô nghĩa.
Bản thân hệ thống lên cấp của game đã là một điều nhảm nhí, bởi ban đầu nó được dùng để giữ bạn tránh xa các khu vực end game, nhưng khi bạn đã đạt đến cấp độ này, kẻ địch cũng lên cấp theo bạn. Tại sao không vứt bỏ hẳn hệ thống level này và thay thế bằng lượng kẻ địch đông đảo ở các khu vực quan trọng (dù cũng đã khá đông), điều vừa đem lại thử thách một cách công bằng, lại vừa khiến game thủ có “cảm giác kiêu hãnh và thành tựu” khi vượt qua thử thách đó?
Nhìn một cách tổng thể, Wolfenstein: Youngblood là một tựa game không đến nỗi tệ - nó vẫn giữ được gameplay súng đạn đầy máu lửa, sự hài hước thô bỉ và chất hành động quen thuộc của series. Tuy nhiên bởi là một game spin-off với rất nhiều thử nghiệm mới lạ, từ tính năng RPG đến hệ thống microtransaction, Mọt cảm thấy game đã bị pha loãng quá nhiều và không thể được xem là một trải nghiệm chặt chẽ, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Game vẫn chơi được, nhưng bạn sẽ quên ngay trò chơi sau khi kết thúc phần cốt truyện, và chẳng có lý do gì khuyến khích bạn trở lại với game nếu không có một người bạn để cùng co-op. Hi vọng rằng trong phần kế tiếp của series, chúng ta sẽ được trở lại với William và gameplay FPS thuần túy.