Phụ Lục
Sau khi chơi Two Point Hospital, Mọt tui bỗng cảm thấy mình có tài năng thiên bẩm để làm một vị giám đốc bệnh viện. Với đôi mắt nhìn người tinh đời và khả năng quản lý ngoại hạng, những bệnh viện được Mọt quản lý đều nhanh chóng ăn nên làm ra, với hàng dãy người bệnh xếp hàng chờ được khám những chứng bệnh… trên trời. Các nhà thuốc hoạt động hết công suất, những nhân viên tài năng và mẫn cán luôn được thăng chức lên lương, và các vị thị trưởng hay nhà báo tham quan đều dành cho bệnh viện của Mọt tui những lời có cánh, còn những hồn ma lảng vảng luôn bị dọn sạch trong vài giây. Túm cái váy lại, tui là viện trưởng thiên tài!
Mục tiêu của bạn trong Two Point Hospital rất đơn giản: trị càng nhiều bệnh nhân càng tốt, và kiếm đánh giá 3 sao cho bệnh viện của mình. Thật ra, bạn chỉ cần nhận được 1 sao để có thể mở khóa bệnh viện mới và nhiều tính năng mới, nhưng 3 sao là một thử thách cộng thêm khá thú vị giúp kéo dài thời lượng của trò chơi. Để có 1 sao, game thủ chỉ cần hoàn thành một vài nhiệm vụ đơn giản như lắp đặt các thiết bị chữa trị hay trang hoàng bệnh viện một cách đơn giản. Trong khi đó, nếu muốn 3 sao, Mọt tui cần phải lắp đặt rất nhiều tiện nghi cho bệnh viện nhằm làm hài lòng cả nhân viên lẫn bệnh nhân, và trầy trật “cày” điểm Kudosh để mở khóa các vật phẩm như quầy đồ chơi, sạp báo, bánh kẹo, máy game thùng…
Two Point Hospital cố gắng loại bỏ sự nặng nề của môi trường bệnh viện bằng cách phát minh ra những chứng bệnh kỳ quặc, chẳng hạn lightheaded (đầu bóng đèn), mime (chú hề), hay “bệnh siêu sao”… Có đến 50 chứng bệnh khác nhau, đại đa số chúng đều là những trò đùa hoặc chơi chữ khá nhạt, nhưng là điều không thể thay thế trong một tựa game lấy đề tài bệnh viện như Two Point Hospital.
Tuy chưa phải là một game thực sự hoàn hảo, nhưng Spider-Man xứng đáng là game về đề tài siêu anh hùng hay nhất từng xuất hiện trên Playstation 4.
Dù các chứng bệnh trong Two Point Hospital chỉ là những trò đùa, bạn vẫn phải cố gắng chữa khỏi cho tất cả, bởi những chứng bệnh hài hước này đều tỏ ra chí mạng. Một khi chữa trị thất bại, bệnh nhân có thể té sml ngay trong bệnh viện của bạn và biến thành một hồn ma quậy phá, đồng thời để lại những bãi chất nhờn màu trắng vương vãi khắp nơi. Nếu thất bại quá nhiều, hậu quả là rất thảm khốc: bạn sẽ phải trả thêm tiền thuê một anh lao công có khả năng dọn ma, chưa kể danh tiếng của bệnh viện sẽ sụt giảm, khiến bạn không thể tuyển mộ những nhân viên tài năng. Các bệnh nhân giàu sụ cũng sẽ ngừng ghé thăm, dẫn đến việc thu không đủ bù chi và rồi phá sản.
Ở những bệnh viện đầu tiên, những điều mà bạn cần theo dõi rất đơn giản bởi chỉ có vài chứng bệnh đơn giản mà một vài bác sĩ và y tá, một tiếp tân, một lao công là đủ để xử lý mọi việc. Càng về sau, số lượng phòng chẩn đoán và chữa trị ngày càng tăng, và Mọt phải quản lý một đội ngũ “khổng lồ” vài chục nhân viên, làm việc ở nhiều tòa nhà khác nhau và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ, từ nơi làm việc sang trọng, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ tiện nghi và… toilet. Các bệnh nhân cũng ngày càng “chảnh,” đòi hỏi chỗ ngồi thoải mái, các phòng khám xịn, thiết bị chữa bệnh đắt tiền, được giải trí bằng báo chí, chơi game, phòng bệnh hạng sang, vân vân và vân vân.
Để Mọt tui lấy một ví dụ để minh họa. Khi một bệnh nhân bước vào cửa, anh ta cần phải biết mình sẽ đi đâu. Bạn cần một bàn tiếp tân và một nhân viên làm việc ở đó. Do chưa biết bị gì, có thể anh ta cần phải được chẩn đoán qua một phòng khám tổng quát (General Diagnosis), rồi phòng khám đa khoa (General Practitioner), sau đó đến phòng chẩn đoán tim mạch, phòng chụp X quang, phân tích mẫu máu, và cuối cùng là vào phòng điều trị nội trú. Tổng cộng bạn cần 7 nhân sự khác nhau để phục vụ bệnh nhân này, chưa kể đến việc có thể bạn sẽ phải nghiên cứu những phương pháp chữa trị mới để mở khóa những phòng bệnh mới cho những chứng bệnh lạ. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên đều xứng đáng khi bệnh nhân được chữa khỏi, một trái tim lớn hiện lên trên đầu anh ta và bạn nhận được một cục tiền bự, đủ để đền đáp cho công sức của mình.
Trong khi bệnh nhân lang thang trên hành lang của bệnh viện chờ đến lượt mình, họ sẽ đói, khát, buồn chán, mắc ị và có thể là… nhiễm thêm bệnh mới nếu môi trường không sạch sẽ. Điều này mở ra cho bạn cơ hội kiếm thêm từ việc bán đồ ăn (bí quyết của Mọt là máy bán snack mặn kế máy bán nước ngọt), quầy đồ chơi, canteen… Các bác sĩ, y tá và lao công của bệnh viện thỉnh thoảng cũng cần được nghỉ ngơi, và họ đòi những căn phòng nghỉ sang trọng, có đủ thứ từ TV, điện thoại, sofa xịn để giải trí sau giờ làm việc. Khi bạn bận rộn đáp ứng những đòi hỏi của nhân viên lẫn bệnh nhân, chẳng mấy chốc mà một bệnh viện lớn đã thành hình.
Khi danh tiếng của bệnh viện lên cao, dù là từ lời truyền miệng của những người được chữa khỏi, do nhân vật nổi tiếng ghé thăm hay một chiến dịch quảng cáo hoành tráng, bệnh nhân sẽ xuất hiện trước cửa các phòng khám ngày càng nhiều. Những chứng bệnh mới và những vấn đề mới sẽ xuất hiện. Dù mỗi chứng bệnh đều có nơi để chữa trị riêng, tất cả bệnh nhân đều phải đi qua quá trình chẩn đoán và vì thế có thể tạo ra “nút cổ chai” trong bệnh viện của bạn. Việc nhận ra và khắc phục những nút cổ chai này khá dễ dàng, bởi những phòng chẩn đoán quá tải đều sẽ có một con số lớn hiển thị bên trên, báo hiệu cho vị giám đốc biết có bao nhiêu người đang chờ tới lượt mình được khám ở đó.
Khi click vào từng bệnh nhân hoặc nhân viên của mình, Mọt tui tìm thấy một bảng chỉ số lớn tập hợp tất cả những vấn đề mà nhân vật đó đang gặp phải, tất cả nhu cầu họ đang cần, và cả những chỉ số cá nhân. Bạn có thể phớt lờ một số chỉ số của nhân viên, chẳng hạn một bác sĩ chuyên khoa tâm lý hoàn toàn có thể làm việc ở phòng khám đa khoa (dù sẽ chậm hơn), hay y tá chuyên về thuốc có thể chẩn đoán ở phòng tim mạch… nhưng nếu muốn mọi thứ hoạt động trơn tru, hoàn hảo và tối ưu lượng đô la chảy vào túi mình, game thủ sẽ phải bỏ thời gian chăm chút cho nhu cầu và chuyên môn của họ.
Trong khi đó, chỉ số quan trọng nhất mà bạn phải chú ý trên các bệnh nhân là thời gian họ chịu chờ (hiển thị bằng con số ngay trên đầu). Khi thời gian này kết thúc, bệnh nhân sẽ bỏ đi và không bao giờ quay trở lại. Thật may mắn là trường hợp này ít khi xảy ra, bởi bệnh nhân chỉ phải chờ đợi khi bạn chưa có phương án chữa trị hoặc phòng khám mà họ cần. Nếu chưa thể đáp ứng nhu cầu đó, “bác sĩ trả về” là lựa chọn tốt nhất của bạn.
Sau khi đã đạt 1*, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua bệnh viện hiện tại và tìm đến những thử thách mới, hoặc trở lại với những bệnh viện cũ bất kỳ lúc nào mình muốn. Tất cả các bệnh viện này đều dùng chung kho vật phẩm mà bạn đã mở khóa, nên bạn hoàn toàn có thể trở lại những bệnh viện cũ và nâng cấp chúng với những thiết bị mới và các phòng khám mới sang trọng hơn. Nhờ những thiết bị mới này, Mọt tui có thể “xử đẹp” những vấn đề trước đây tưởng chừng rất khó vượt qua, chẳng hạn khi một vị bác sĩ đòi có cái toilet cấp 4. Điều này đem lại cho Mọt cảm giác như đang chơi một tựa game thế giới mở, dù thật ra trong Two Point Hospital mọi thứ đều chỉ gói gọn trong các bức tường.
Sức hấp dẫn của Two Point Hospital nằm ở chỗ đội ngũ phát triển đã khéo léo phân chia trò chơi để game thủ luôn cảm thấy mình tiến bộ. Những món đồ chơi mới liên tục xuất hiện, các lô đất mới được mở khóa, những chứng bệnh mới được tìm ra, và những đồng đô la lẫn Kudosh liên tục chảy vào tài khoản giúp game thủ không ngừng tìm ra cách mới để làm đẹp cho bệnh viện của mình. Khi bệnh viện đẹp hơn, cả nhân viên lẫn bệnh nhân đều có tâm trạng tốt hơn và họ lại tiếp tục góp phần làm hầu bao của vị viện trưởng đáng kính (là Mọt tui đó) ngày càng phình to hơn nữa.
Một điểm đáng khen khác của Two Point Hospital là một vài thử thách độc đáo mà trò chơi đem lại. Dù các dịch bệnh mới, loại phòng khám mới, những trò chơi chữ mới đều không hề đáng nhớ, game có một vài màn chơi thú vị dành cho bạn. Khi phải điều hành một bệnh viện thuộc trường Y, Mọt tui chỉ có thể thuê một đám sinh viên mới ra trường non choẹt, không một chút kinh nghiệm. Lúc được đặt vào ghế giám đốc một bệnh viện công, viện trưởng phải tự móc tiền túi trang trải chi phí vận hành bởi bệnh nhân không phải trả xu nào khi khám bệnh tại đây, và khiến tài khoản ngân hàng của tác giả xì nhanh hơn bong bóng. Chúng là những bệnh viện đáng nhớ nhất trong trò chơi, dù tất cả các bệnh viện khác đều rất thú vị và đem lại cho tác giả hàng giờ liền đập phá và trùng tu đủ kiểu để phục vụ bệnh nhân của mình tốt nhất.
Tóm lại, nếu bạn là fan của thể loại mô phỏng và quản lý, hay đã từng yêu thích Theme Hospital, Đánh giá Two Point Hospital là một tựa game hấp dẫn mà bạn cần phải chơi thử. Với đồ họa tươi sáng và nội dung (cố gắng) tỏ ra hài hước, nó ẩn chứa một gameplay gây nghiện có thể khiến bạn “cày” từ sau giờ làm việc đến nửa đêm về sáng mà vẫn còn thòm thèm.