Phụ Lục
Sades Cpower là một trong những sản phẩm được Sades sản xuất nhắm vào những game thủ mong muốn có một chiếc tai nghe “it just works” (mượn tạm slogan cũ của Apple), tức chỉ cần cắm vào máy là sử dụng mà không cần phải lo đến những chuyện linh tinh như cài driver, chỉnh màu LED, mở bộ biến âm hay những thứ tương tự. Nó cũng có mức giá rất vừa túi tiền, giúp game thủ không phải suy nghĩ đắn đo nhiều khi đứng trước kệ sản phẩm hay đọc các bảng giá. Vậy thì chất lượng của chiếc tai nghe này ra sao?
Sades Cpower là sản phẩm thuộc phân khúc giá cạnh tranh của Sades, và bạn có thể dễ dàng nhận ra điều đó khi nhìn vào chiếc tai nghe này. Nó có ngoại hình đơn giản hoàn toàn bằng nhựa màu đen, được điểm xuyết bằng màu xanh dương đặc trưng của hãng Sades bao gồm logo, một số chi tiết trên micro và ở mặt trong của củ tai. Chiếc tai nghe này không có phần đệm ở đỉnh đầu tương tự Tpower, nhưng nhờ trọng lượng rất nhẹ (chỉ khoảng 200gram), việc thiếu vắng phần đệm này không phải là một vấn đề quá lớn khi đeo lâu.
Bù lại, cặp đệm tai mà Sades trang bị cho Cpower tỏ ra khá thoải mái khi đeo. Chúng có kích thước lớn đủ để trùm kín vành tai của game thủ, mềm mại và không quá nóng bức. Hai củ tai có thể được điều chỉnh theo 9 cấp độ với cảm giác kéo ra – thu vào khá chắc tay, có thể giữ yên vị trí khi được đeo trên đầu game thủ. Riêng phần mic lại hơi khác biệt bởi nó được thiết kế trên một thanh nhựa cứng không thể uốn cong và cũng không tháo rời được.
Bù lại, bạn có thể nâng lên hạ xuống phần mic này nhờ khớp nằm ở vị trí tiếp xúc với củ tai. Thao tác nâng mic của Cpower cũng đồng nghĩa với việc tạm thời vô hiệu hóa (mute) khả năng thu âm của mic, và nó sẽ được bật trở lại khi bạn hạ mic xuống vị trí mặc định. Ngày càng nhiều nhà sản xuất sử dụng phương thức tắt mic này (được gọi là swivel to mute) và đây là một điều mà Mọt tui cảm thấy rất tiện dụng khi sử dụng tai nghe.
Chiếc tai nghe Sades Cpower thực sự không có bất kỳ tính năng “màu mè hoa lá” nào, nhưng đó là bởi nhà sản xuất đã cắt giảm tất cả những điều râu ria để tập trung vào việc đem lại cho game thủ một tai nghe chất lượng trong tầm giá. Mic của Sades Cpower có khả năng bắt âm thanh đủ tốt để phục vụ cho các nhu cầu thông thường của game thủ khi chat qua Discord hay Skype cùng bạn bè. Việc người dùng không thể điều chỉnh được khoảng cách giữa mic với miệng mình có thể là một vấn đề, nhưng cũng có thể game thủ sẽ không phàn nàn – Mọt tui đã quen với những chiếc tai nghe có khả năng điều chỉnh vị trí mic nên cảm nhận sự thiếu vắng tính năng này trong Sades Cpower rõ rệt hơn. Suy cho cùng thì chất lượng của một cái mic nằm ở việc nó thu âm rõ được đến đâu chứ không nằm ở chỗ nó có thể uốn bẻ được như thế nào.
Trong khi đó, khả năng tái hiện âm thanh của Sades Cpower ở mức khá tốt. Trong các trận đặt bom của tựa game bắn súng Valorant mà Riot vừa mới phát hành, những âm thanh khá chính xác do các màng loa kích thước 40mm trong hai củ tai tạo ra giúp Mọt tui có thể biết được hướng tấn công của kẻ địch, kỹ năng nào được họ sử dụng… Nhờ vậy, Mọt có thể quay súng đề phòng đúng phương hướng và thỉnh thoảng có những pha “xuất thần,” một điều hiếm khi xảy ra bởi tốc độ phản ứng của tác giả không thuộc hàng đỉnh cao.
Chuyển sang World War Z, tựa game mà Mọt tui cày khá nhiều trong thời gian gần đây, Sades Cpower tiếp tục chứng minh nó có thể làm tốt phần việc của mình khi cho phép tác giả phân biệt được tiếng của những con zombie Lurker quái ác đến từ phía nào hay những loại zombie nào đang ở xung quanh. Tuy nhiên khi sử dụng các loại vũ khí hạng nặng có tiếng súng nghe rất sướng tai trong game, Cpower có vẻ “đuối” trong việc tái hiện các âm thanh trầm đục mà chúng tạo ra khi so sánh với bộ loa ngoài mà Mọt đang sử dụng hàng ngày.
Khi chuyển sang chơi Command & Conquer Remastered và Borderlands 3, sự thiếu sót trong việc tái hiện âm thanh trầm của Sades Cpower không còn là vấn đề, bởi trong những tựa game này có rất nhiều điều diễn ra cùng lúc và âm thanh của chúng tạo ra thường chồng chéo lên nhau. Trong hoàn cảnh này, các màng loa của nó vẫn có thể thể hiện các tiếng động khác nhau một cách khá rõ ràng và tách biệt, không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của game thủ. Đây là điểm cộng đáng kể với một sản phẩm ở tầm giá tiết kiệm như Sades Cpower.
Ngoài việc là một sản phẩm phù hợp để chiến game PC, Sades Cpower còn có một điểm cộng khác: nó hỗ trợ cả các hệ console PS4, Xbox One, Switch và mobile nhờ sử dụng đầu cắm 3,5mm. Cũng như khi kết nối Cpower với PC, việc kết nối nó với các thiết bị này cũng hết sức đơn giản, game thủ có thể plug & play mà không cần phải thực hiện thêm một thao tác nào.
Nếu bạn cần một tai nghe có chất lượng ổn, hợp túi tiền, Sades Cpower là một lựa chọn khá tốt. Nó không phải là chiếc tai nghe đẹp nhất hay thoải mái nhất của Sades mà Mọt từng sử dụng (vị trí này thuộc về Locust Plus), nhưng chắc chắn là một sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu chat chit, chơi game, nghe nhạc của game thủ.
Ưu điểm:
Nhược điểm: