Được phát triển trong vòng hơn 5 năm, khởi đầu chỉ là một dự án độc lập nhỏ, Song of Horror đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi nó mang trở lại không khí của các tựa game kinh dị sinh tồn cổ điển, với lối chơi thuần túy là giải đố và sống sót. Đặc biệt Song of Horror là tựa game hiếm hoi phát triển được một AI cho riêng mình, khi nó cho phép các con ma trong game có thể tiến hóa và biết hành động theo những gì mà người chơi đang thực hiện.
Lối chơi của Song of Horror chủ yếu xoay quanh ngôi nhà của nhà văn Sebastian P. Husher, điều tra sự mất tích bí ẩn của ông ta và gia đình, cũng như tìm hiểu về cái thế lực hắc ám đang nguyền rủa ngôi nhà này. Game được chia ra làm 3 chương khác nhau, ứng với đó là tới 13 nhân vật đủ loại, chúng ta có thể coi các nhân vật này tương ứng với “mạng” của game, người chơi sẽ lựa chọn và lần lượt điều khiển từng người một, nếu nhân vật hiện tại chẳng may mất mạng thì người kế tiếp sẽ tiếp tục, cho tới khi bạn hoàn thành game hoặc không còn ai để mà “thí tốt” nữa.
Với việc mỗi một nhân vật chỉ có một mạng sống duy nhất, cơ chế hiệu ứng cánh bướm cũng xuất hiện trong Song of Horror. Mỗi lần chơi mới luôn nối tiếp cái cũ, với việc nhân vật mới sẽ thừa hưởng tất cả tiến trình, câu đố và đồ vật mà tiền bối mình để lại. Tuy vậy cách mà game phản ứng lại cũng rất ngẫu nhiên, thí dụ như lần đầu chơi bạn chọn tay quản gia của nhà Husher, thì khi đi vào ông ta sẽ không kích hoạt hệ thống chống trộm, nhưng kẻ tiếp sau thì do không có chìa khóa nên vừa mở cửa là chuông báo động sẽ reo inh ỏi.
Điều này gây ra các hậu quả khác nhau trong quá trình chơi, đơn giản là với việc để chuông chống trộm vang lên, thì chẳng khác nào báo cho con ma biết vị trí của mình cả. Các nhân vật trong Song of Horror có những chỉ số cơ bản khác nhau, nó xoay quanh 3 thứ là thể lực, độ linh hoạt và khả năng giữ bình tĩnh.
Thể lực nhằm giúp bạn chạy trốn khi bị con ma đuổi bắt, độ linh hoạt có thể hiểu là kích thước cơ thể nhằm lách qua chướng ngại vật và quan trọng là khả năng giữ bình tĩnh, vì trong quá trình chạy trốn, một vài kẻ yếu bóng vía có thể bị dọa vỡ tim mà chết, chứ chưa cần đụng mặt ma thật.
Có lẽ chỉ cốt truyện A Plague Tale: Innocence mới chọn nhân vật phản diện chính là một đám chuột cống tổ bố, nhưng có sức mạnh đủ để hủy diệt mọi thứ.
Con ma hay nói đúng hơn là thực thể đang “sống” tại ngôi nhà không có hình dạng, không bị ảnh hưởng bởi các quy luật vật lý, nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trong quá trình chơi. Không như các game kinh dị khác khi kẻ địch xuất hiện theo từng khu vực hoặc cốt truyện, thì con ma trong Song of Horror gần như chẳng có quy luật nào cả, nó sẽ luôn bám theo nhân vật chính và có thể thòi mặt ra bất ngờ để lấy mạng bọn họ. Người chơi sẽ phải quan sát xung quanh, lắng nghe các cánh cửa cảm thấy nghi ngờ, để chắc rằng thứ chờ đợi mình phía sau kia không phải là cái chết.
Mỗi cánh cửa đóng kín trong Song of Horror đều cho phép nhân vật áp tai lên và nghe ngóng, bạn sẽ phải tự phán đoán xem cái tiếng xào xạc kia là gió thổi qua khung cửa sổ hay con ma đang đứng chờ mình. Đôi khi chính cảm giác của người chơi sẽ là thứ phản lại họ, người viết đã bị lừa khi nghe được tiếng trẻ con khóc ở đầu bên kia và hớn hở mở cửa, chỉ để nhận lại một khuôn mặt đen sì với cái miệng sâu hoắm đang chờ đợi để nuốt chửng mình.
Song of Horror không có kịch bản tuyến tính vì con ma biết phản ứng theo người chơi, chỉ có một thứ suy đoán được là khi bạn cảm thấy xung quanh mình xuất hiện các đốm đen trên tường, thì phải bằng mọi giá chui vào một cái tủ để trốn khỏi con ma. Song of Horror không hề sử dụng các màn Jump-scare rẻ tiền mà nó tạo ra một áp lực khủng khiếp bao trùm lên người chơi theo từng bước đi của họ.
Bạn sẽ chủ yếu chạy quanh ngôi nhà, tìm các manh mối hoặc chìa khóa để giải câu đố. Việc này nghe có vẻ đơn giản như thực ra nguy hiểm hơn nhiều, vì con ma trong Song of Horror biết phản ứng lại theo hành động người chơi, nó sẽ lần theo tiếng động để tóm lấy bạn, đồng nghĩa là di chuyển càng nhiều khả năng chúng ta bị tóm cổ giữa đường càng cao. Mỗi khi có một nhân vật nào đó chết đi, thì con ma cũng theo đó mà tiến hóa lên, hơn nữa thứ duy nhất kìm chân nó là ánh sáng – mà nguồn sáng chủ yếu trong game chỉ đến từ mấy cái đèn pin hoặc que diêm lúc nào cũng luôn trong tình trạng phụt tắt.
Song of Horror có 3 mức độ khó khác nhau, ở mức độ khó cao nhất bạn sẽ hoàn toàn cảm nhận được cảm giác bị săn đuổi và dồn vào góc kẹt là như thế nào, khi mà tất cả các cánh cửa đều quá nguy hiểm và các tiếng khóc, tiếng kêu cứu và tiếng sột soạt liên tục xuất hiện sau các cánh cửa, đến nỗi không thể phân biệt được đâu là người và đâu là ma. Tất nhiên cơ chế AI tự tiến hóa này của Song of Horror cũng chưa hoàn hảo, chúng ta có thể dùng mánh di chuyển nhanh hoặc nhớ đường đi từ trước để hạn chế gần như tối đa việc con ma có thể xuất hiện.
Tuy vậy Song of Horror vẫn bị chê bai khá nhiều, chủ yếu là các lỗi lặt vặt ảnh hưởng tới quá trình trải nghiệm. Đầu tiên game không bán một cục hoàn chỉnh mà nó chia thành 3 chương khác nhau, kiểu như DLC để bắt người chơi phải bỏ thêm tiền, điều này khiến rất nhiều game thủ cảm thấy khó chịu vì cả việc gián đoạn trải nghiệm cũng như bị hút máu. Biểu cảm trên khuôn mặt các nhân vật khá là căng cứng, hơn nữa một số nhân vật gần như không có liên quan gì tới mạch truyện chính, cho vào giống như để lấp đầy số lượng.
Một phần quan trọng nữa là cảnh tượng những nhân vật chính bị giết hại, đáng buồn là nó không được đầu tư đủ và chỉ được tường thuật lại thông qua các mẩu giấy hoặc thư viết tay để lại. Cuối cùng cơ chế điều khiển của game, đặc biệt là những trường đoạn QTE thật sự là thảm họa, việc canh nhịp tim quá sức ngẫu nhiên và rất khó bấm – gần như những ai dùng tay cầm sẽ không thể nào canh cho đúng được. Cơ chế AI tiến hóa theo quá trình chơi khá hay, nhưng việc cho phép nhân vật áp tai lên cửa nghe ngóng vô tình làm mất đi khá nhiều tính bất ngờ, đáng lý các nhà phát hành nên tạo ra nhiều tình huống ngẫu nhiên hơn để tăng phần hồi hộp.
Đồ họa của Song of Horror mang đậm phong cách Lovecraft, với các kiến trúc, vật liệu, đồ nội thất và tranh ảnh... nhuốm đầy màu sắc huyền bí. Bạn sẽ thấy một tông màu xám xịt bao phủ hoàn toàn ngôi nhà Sebastian P. Husher, điểm hay của game là nó kết hợp giữa ánh nhìn bình thường và các thông tin mà người chơi thu thập được. Một bức thư không có người nhận, các ghi chép vội vàng hoặc vài bức tranh trẻ con với nét vẽ ghê rợn... tất cả sẽ khiến không khí trong Song of Horror rất nghẹt thở và quái dị.
Âm thanh cũng làm rất tốt nhiệm vụ, không như những tựa game kinh dị khác thường không sử dụng nhạc nền mà chỉ dùng tiếng động chay, Song of Horror kết hợp cả 2 thứ này với nhau. Bình thường bạn sẽ không nghe thấy bất cứ thứ gì, nhưng khi bước vào một khu vực mới thì bỗng nhiên có các đoạn nhạc nỉ non từ những chiếc hộp nhạc phát lên, chúng lẩn quẩn đi bước chân của người chơi... tạo cho bạn cảm giác như có thứ gì đó đang theo dõi mình từ xa, nhưng đến cuối cùng lại không hề xuất hiện. Việc “mix” các bản nhạc này đã khiến cho Song of Horror trở nên đặc biệt đáng sợ, vì phản ứng đầu tiên của người chơi khi nghe thấy chúng là ngay lập tức tìm ra nguồn phát để tắt đi, vì con ma sẽ phản ứng theo tiếng động.
Song of Horror là một tựa game rất hay và có tính đột phá rất lớn, ngoài vài lỗi lặt vặt cũng như vài thứ chưa được tối ưu hoàn hảo thì nó thực sự có thể xem như một bước tiến dài cho thể loại kinh dị sinh tồn. Nếu như bạn đang tìm kiếm một thứ gì đó thực sự đặc biệt, thì Song of Horror chắc chắn là câu trả lời chính xác rồi đó.
Cấu hình tối thiểu: