Số lượng game thế giới mở lấy bối cảnh tội phạm nhiều hơn bạn tưởng – ngoài GTA, chúng ta còn có hai cái tên khác là Mafia và Godfather. Chúng cũng là những tựa game được đông đảo game thủ yêu thích nhưng vì nhiều lý do khác nhau lại không trở nên phổ biến và đem lại nhiều lợi nhuận như GTA. Trong bài viết này, Mọt tui sẽ đánh giá Mafia: Definitive Edition, phiên bản đầu tiên của series Mafia và cũng là phiên bản remake công phu nhất của series này.
Mafia: Definitive Edition là bản làm lại của Mafia ra mắt năm 2002, và gần như trung thành tuyệt đối với phiên bản gốc. Trò chơi vẫn lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 30, khi quốc gia này đang gặp nhiều gian khổ do kinh tế suy thoái và mất mùa do hạn hán, bão bụi – thứ thiên tai khiến cả thập kỷ này bị người Mỹ gọi là Những năm 30 bẩn thỉu (Dirty Thirties). Lệnh cấm rượu cũng được ban bố trong thời kỳ này, biến việc say xỉn trở thành phạm pháp dù nó không kéo dài lâu.
Câu chuyện của chúng ta sẽ xảy ra tại thành phố Lost Heaven, bản sao của thiên đường tội phạm Chicago đầu thế kỷ trước và xoay quanh nhân vật chính Tommy Angelo, một tay tài xế taxi đổi nghề làm Mafia. Game thủ sẽ được chứng kiến sự thăng tiến của anh ta từ kiếm ăn từng bữa đến giàu sụ, và sự sụp đổ của hắn ta từ người lương thiện thành kẻ phải chạy trốn cái chết vì “ngộ độc chì.”
Nếu đang trông chờ một tựa game thế giới mở hoành tráng và tự do như GTA khi mua Mafia: Definitive Edition, bạn sẽ phải thất vọng. Thành phố Lost Haven rộng lớn xung quanh bạn thật ra chỉ là “ảo ảnh”: toàn bộ nội dung của game chỉ xoay quanh những nhiệm vụ bó hẹp trong một vài khu vực nhất định, và bạn sẽ không tìm thấy những hoạt động bên lề kích thích trí tò mò và đam mê khám phá trong lòng game thủ. Đây là một điều hơi đáng tiếc nhưng cũng không ngoài ý muốn bởi phiên bản Mafia gốc cũng có cấu trúc tương tự.
Với khoảng hơn 20 nhiệm vụ chính và không có nhiệm vụ phụ hay các hoạt động có thể khiến game thủ xao lãng cuộc chơi, Mafia: Definitive Edition thực sự khá ngắn – Mọt tui hoàn tất trò chơi chỉ trong hai ngày cuối tuần sau khi game ra mắt, nhưng điều này cũng phù hợp với mức giá 700.000 đồng của trò chơi. Bù lại, sự ngắn gọn và chuẩn xác này đem lại cho chúng ta một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn từ đầu đến cuối, chỉ bị cắt ngang bằng những đoạn phim cắt cảnh thể hiện cuộc trao đổi đầy ngờ vực và thăm dò giữa nhân vật chính Tommy với tay thanh tra Norman. Cái giá phải trả cho trải nghiệm chặt chẽ và liền mạch này là sự thiếu tự do, nhưng Mọt tin rằng nhờ vào một cốt truyện xuất sắc, Mafia không cần đến sự tự do đó.
Không phải là bạn không thể khám phá thành phố Lost Heaven theo ý muốn của mình, nhưng bạn không thể thực hiện điều đó trong phần chơi cốt truyện. Để có thể làm điều này, game thủ cần phải rời khỏi phần chơi cốt truyện để chuyển sang chế độ Free Roam, nơi bạn có thể tự do đi lại trong Lost Haven, khám phá một bản sao khá chân thực của Chicago đầy tai tiếng. Trong chế độ này, tất cả các nhiệm vụ đều sẽ biến mất và game thủ được tự do lái các cỗ xe cọc cạch thời bấy giờ đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Lost Heaven. Đặc biệt, Hangar 13 đã bổ sung mô tô vào trò chơi, đem lại một trải nghiệm lái xe thú vị hơn hẳn.
Những game thủ chưa biết rõ về Mafia: Definitive Edition sẽ bị “dội” vì sự vắng bóng của các nhiệm vụ phụ, nhưng nói chung Mafia không phải là bản sao của GTA và vì thế chúng ta chỉ có thể chấp nhận. Tuy nhiên, Mọt tui vẫn cảm thấy Mafia đã bỏ qua một cơ hội đáng tiếc để trở thành một thế lực lớn trong làng game thế giới mở về tội phạm. Nếu nhà phát triển Hangar 13 có thể san sẻ chút ít các hoạt động phụ trội mà họ đã tạo ra cho Mafia 3 vào Mafia: Definitive Edition, game hẳn sẽ lôi cuốn được nhiều đối tượng game thủ hơn trong khi vẫn có thể làm vừa lòng các fan cũ của mình.
Trong khi cốt truyện là thế mạnh của trò chơi, Mọt tui không thể nói điều tương tự về mảng combat và chuyển động của nhân vật. Trong vai trò là một tựa game bắn súng dựa trên các chướng ngại vật (thường gọi là cover-shooter, tương tự Gears of War), việc điều khiển nhân vật Tommy lẽ ra phải mượt mà và thuận tiện bởi bất kỳ thiếu sót nào cũng hiển hiện rõ trước mắt người chơi, nhưng Mafia: Definitive Edition không làm được điều đó. Anh chàng Tommy tỏ ra khá lúng túng và vụng về, trong khi các pha cận chiến tỏ ra thiếu “lực” và không có cảm giác trúng đòn còn camera quay loạn xạ. May mắn là các khẩu súng trong game có cảm giác bắn khá ổn và gánh được phần combat của trò chơi.
Là một phiên bản làm lại (remake) chứ không phải nâng cấp (remastered), Mafia: Definitive Edition thực sự có rất nhiều lý do có thể thuyết phục game thủ bỏ tiền mua trò chơi. Đồ họa của game là một bước tiến vượt bậc – ngay cả khi đặt trước những tựa game của năm 2020, phần hình ảnh của trò chơi vẫn không hề kém cạnh. Dù thành phố Lost Heaven có hơi vắng vẻ so với các con phố đông đúc của Los Santos trong GTA V, Mọt tui vẫn cảm thấy rằng những con phố, các tòa nhà và cư dân của thành phố này trông đẹp mắt hơn so với tựa game của Rockstar, đặc biệt là trong những đêm mưa khi cả thành phố lên đèn và ánh sáng từ các tấm bảng hiệu hắt lên từ mặt đường sũng nước.
Một điểm sáng khác trong phần hình ảnh của Mafia: Definitive Edition là những địa điểm được sử dụng cho các nhiệm vụ cốt truyện đều hết sức thú vị. Đó có thể là một nông trại bỏ hoang giữa trời bão tố, một nhà hàng đầy vết đạn hay một bảo tàng nghệ thuật chứa đầy những tác phẩm vô giá (và có thể sẽ thành vô giá trị sau khi nhiệm vụ kết thúc). Chúng đem lại một bầu không khí độc đáo cho từng nhiệm vụ, giúp game thủ luôn nhớ rõ về trải nghiệm của mình trong trò chơi.
Một điều đáng chú ý khác là phần hội thoại của game đã được viết lại hoàn toàn, trong khi biểu cảm trên khuôn mặt các nhân vật và động tác của họ cũng chân thực hơn hẳn nhờ sử dụng công nghệ bắt chuyển động. Điều này đem lại cho Mọt tui một trải nghiệm rất thú vị: một bên, Mọt vẫn còn lờ mờ nhớ được trò chơi trông như thế nào trong quá khứ, và không thể ngừng so sánh nó với phiên bản hiện tại và luôn trầm trồ vì sự khác biệt mà quãng thời gian gần 20 năm có thể tạo ra.
Trong phiên bản làm lại này, có vẻ như Hangar 13 đã bổ sung kha khá tính năng mới hoặc cải thiện những vấn đề cũ cho Mafia: Definitive Edition. Game giờ đây có một hệ thống dẫn đường khá thú vị, được tích hợp vào game dưới hình thức những tấm biển chỉ đường xuất hiện tại các ngã rẽ một cách nổi bật, vừa giúp game thủ dễ dàng tìm được điểm đến vừa tránh phá vỡ cảm giác về một thành phố đầu thế kỷ 20. Bạn cũng có thể tắt tính năng Felony để các anh cảnh sát khó tính bỏ qua cho những tội lỗi “tày trời” như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ và có thể chú tâm vào các hoạt động phạm tội phục vụ cho gia tộc dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, game cũng không thiếu bug và những điều “chưa tới.” Mọt tui vài lần rơi khỏi bản đồ và bị kẹt luôn dưới lòng đất của Lost Heaven, trong khi nhiều game thủ khác trên Reddit phàn nàn chuyện các nhiệm vụ có bug, NPC kẹt trong vật thể khiến họ không thể làm tiếp mà phải khởi động lại từ đầu. Các hiệu ứng cháy trong game trông khá tầm thường, có phần còn tệ hơn cả Left 4 Dead 2 đã ra mắt 11 năm trước đây.
Nhìn chung, Mafia: Definitive Edition là một phiên bản làm lại ổn thỏa của tựa game gốc được phát hành năm 2002. Trò chơi không có sáng tạo vượt bậc nào và càng không đột phá về gameplay, nhưng nó truyền tại được trọn vẹn nội dung của tựa game gốc trên một nền đồ họa tốt hơn, âm thanh và ánh sáng tuyệt vời hơn hẳn. Điều này khiến Mọt tui hi vọng rằng một ngày nào đó, EA sẽ làm lại Godfather để tựa game tội phạm không kém phần kinh điển này đến với game thủ ngày nay.
Với mức giá 700.000 trên Steam, nhìn chung Mafia: Definitive Edition khá đáng đồng tiền nếu bạn cần một tựa game nặng về cốt truyện hơn là sự tự do khám phá kiểu GTA. Game cũng có bán trên Epic Games Store với mức giá tương đương nhưng vào thời điểm Mọt thực hiện bài viết này, trò chơi vẫn chưa có ngày phát hành chính xác mà chỉ ghi là “mùa thu 2020.”
Ưu điểm:
Khuyết điểm: