Iron Harvest thường bị đánh giá là rất giống Company of Heroes, một dòng game RTS nổi tiếng của thập kỷ trước do Relic phát triển và SEGA phát hành. Nhận định này hoàn toàn chính xác, bởi ngoài phong cách đồ họa giống hệt, gameplay của Iron Harvest trông cũng có rất nhiều nét tương đồng với Company of Heroes. Vẫn những toán bộ binh bắn về phía nhau khi nấp đằng sau các bức tường đất, hàng rào hay máy kéo, vẫn những thứ vũ khí cổ điển nhưng không kém phần chết chóc, vẫn lối chơi chiếm các điểm tài nguyên và vẫn những cuộc chiến khởi đầu từ các đơn vị quân nhỏ lẻ, nhưng nhanh chóng nóng lên khi đủ loại vũ khí hạng nặng đến chiến trường.
Tuy nhiên, trò chơi cũng có một nét riêng độc đáo đủ để khiến những game thủ Company of Heroes ngày nào: thay vì để chiến trường bị cày xới dưới bánh xích của những cỗ xe tăng, Iron Harvest sẽ để bạn dùng gót giày sắt giẫm nát chiến trường, bởi nó sở hữu những cỗ máy chiến tranh dưới hình dạng mech hết sức ấn tượng. Mọt tin rằng chỉ riêng điều này cũng đã đủ để khiến game thủ chơi thử Iron Harvest, nhưng trò chơi còn có những điểm đặc sắc khác nữa, chẳng hạn như...
Thế giới của Iron Harvest được xây dựng dựa trên một bối cảnh giả tưởng là World of 1920+, được vẽ ra bởi họa sĩ người Ba Lan Jakub Rozalski. Những tác phẩm của ông kết hợp giữa các khung cảnh đồng quê đầu thế kỷ 20 với những cỗ máy chiến tranh to lớn chạy bằng dầu diesel, xả khói đặc ngập trời. Sự tương phản mạnh mẽ của những bức tranh này đã khiến nhà phát triển King Art quyết định biến nó thành nền tảng cho một tựa game chiến thuật, và sau một khoảng thời gian phát triển dài hơn 4 năm cùng một chiến dịch gọi vốn kiếm được 1,5 triệu USD, trò hơi cuối cùng đã ra mắt.
Bởi được xây dựng dựa theo những bức tranh của Jakub Rozalski, thế giới của game hoàn toàn không có bóng dáng của bánh xích và lốp xe. Thay vào đó, chúa tể chiến trường trên bộ là những con mech to lớn, với ngoại hình tương tự những cỗ xe tăng mà chúng ta quen thuộc nhưng phương thức di chuyển của chúng đã được đổi thành chân. Mọt tui có được một ấn tượng mạnh mẽ về trò chơi khi được thấy những con mech hành động. Chúng không gọn gàng và nhanh nhẹn như Dragoon trong StarCraft hay những cỗ máy tối tân của Mech Warrior, mà là những cỗ máy chiến tranh to lớn kềnh càng, chậm chạp và bẩn thỉu, phá hủy mọi thứ bằng sức mạnh nguyên thủy trong khi lừng lững nhìn xuống chiến trường.
Vào thời điểm hiện tại, Iron Harvest có vẻ ưu tiên hơn cho mục chơi đơn, với ba phần chiến dịch hoàn chỉnh trong khi chỉ mới có vài chế độ chơi mạng. Mọt tui không phàn nàn về điều này, dù sẽ có không ít game thủ mong muốn trò chơi có nhiều chế độ multiplayer hơn hiện tại.
Cũng như những tựa game chiến thuật khác, game thủ cần có tài nguyên để xây dựng quân đội của mình. Việc xây dựng căn cứ trong Iron Harvest rất đơn giản bởi bạn chỉ có vài công trình, một số loại trụ phòng thủ và khoảng gần 20 đơn vị quân cho mỗi phe, trong khi tài nguyên đến từ việc chiếm các cột cờ nằm giữa các vùng của bản đồ và bảo vệ nó rồi chờ đợi. Nhịp độ của trò chơi tỏ ra khá chậm rãi và chừa chỗ cho game thủ tính toán, bởi khác với StarCraft hay AOE đòi hỏi trình độ micro, Iron Harvest (và Company of Heroes) có giới hạn quân thấp, và những cỗ máy chiến tranh xuất hiện trong game cũng chỉ chạy bằng dầu (hoặc than?) chứ không phải bằng những loại nhiên liệu của tương lai.
Khi sử dụng bộ binh, game thủ sẽ cần phải bảo vệ họ bằng cách sử dụng các loại chướng ngại vật được sắp đặt đầy trong môi trường, từ các bức tường gạch đá, các đụn rơm hay những căn nhà hoang, những điều rất quen thuộc với người đã chơi qua Company of Heroes. Dù họ chỉ là người trần mắt thịt yếu ớt, tốc độ di chuyển cao và sự linh hoạt là điều khiến game thủ không thể bỏ rơi bộ binh để sử dụng toàn những con mech kềnh càng. Các đơn vị bộ binh là loại quân duy nhất có thể chiếm các điểm tài nguyên, và họ cũng khá đa dạng với các loại vũ khí như súng trường, lựu đạn, súng máy, bẫy rập, chất nổ,… Họ cũng có thể nhặt vũ khí hạng nặng mà các đơn vị quân (cả ta lẫn địch) bị tiêu diệt bỏ lại trên chiến trường, khiến họ trở thành “xương sống” đích thực của quân đội.
Trong khi đó, những con mech là nắm đấm mà bạn cần để thực sự hủy diệt đối thủ. Chúng có nhiều loại khác nhau từ những cái thùng sắt tròn trịa được lắp một đôi chân và mang theo khẩu súng trường ngoại cỡ đến một con nhện khổng lồ bốn chân phớt lờ mọi chướng ngại trên chiến trường. Khi một toán quân địch nấp trong một căn nhà, việc dùng bộ binh để tiêu diệt chúng sẽ mất rất nhiều thời gian bởi cơ chế giảm sát thương khi ẩn náu sau vật cản của trò chơi, nhưng bạn có thể chấm dứt cuộc chiến một cách nhanh chóng khi sử dụng mech: những phát đạn pháo của nó có thể đâm xuyên cả căn nhà, hoặc trực tiếp đi xuyên qua tòa nhà khiến nó đổ sụp như một lâu đài cát dưới sóng biển. Chúng cũng có thể được dùng để thuyết phục kẻ địch rằng “you shall not pass” khi được đặt sau những vị trí chiến lược và được sự yểm trợ của bộ binh.
Với sự linh hoạt của lính thường và sức mạnh thô bạo của mech, Iron Harvest đạt được một sự cân bằng kha khá giữa các đơn vị đắt tiền và rẻ tiền. Ngay cả khi thua sút về kinh tế, nếu biết sử dụng các đơn vị lính thường một cách linh hoạt, game thủ có thể khiến cho cả một sư đoàn thiết giáp của địch xoay vòng vòng, liên tục chịu tổn thất nặng nề trong khi vẫn đạt được mục đích của mình. Sau đó, bạn còn có thể thu hoạch tài nguyên từ những xác mech cháy đen của kẻ địch, sản xuất ra những con mech mới để “gậy ông đập lưng ông” và đảo ngược thế cờ. Đó là còn chưa kể đến ba đơn vị lính “anh hùng” của mỗi phe tham chiến, với những kỹ năng hết sức hữu dụng có thể giúp họ một mình đối kháng cả một đoàn quân!
Ngoài việc kế thừa lối chơi của Company of Heroes, Iron Harvest còn kế thừa cả phần hình ảnh của nó. Trò chơi sở hữu đồ họa 3D cực kỳ chi tiết theo chuẩn mực của một tựa RTS, khi bạn có thể kéo camera cực gần mặt đất và xoay 360 độ để quan sát chiến trường hệt như đang xem một bộ phim. Các đơn vị quân cũng có kích thước khá phù hợp – bạn sẽ không gặp phải cảnh lính to, tàu nhỏ như thường thấy trong các tựa RTS khác (chẳng hạn Red Alert hay StarCraft), giúp đem lại cảm giác hết sức chân thực cho trò chơi. Bạn thậm chí có thể nhìn rõ gương mặt của từng binh sĩ, cảm nhận được sự to lớn của các con mech và áp lực mà nó gây ra khi xuất hiện trên chiến trường.
Khả năng hủy diệt môi trường cũng là một điều đáng khen khác trong Iron Harvest. Bạn sẽ thấy vùng đồng quê thanh bình ban đầu dần biến thành một bãi chiến trường điêu tàn, các ngôi nhà khang trang đổ sập thành những đống gạch ngói tan hoang, mặt đất bị cày xới bằng đạn pháo để lại những hố bom lồi lõm, xác những con mech cháy đen nằm lại trên chiến trường,… Phần đồ họa thực sự đã thể hiện được sức mạnh hình ảnh của trò chơi, đồng thời lột tả được sự ác liệt của các trận đọ súng dù nó chỉ là một thế giới giả tưởng. Tính năng phá hủy chiến trường này cũng phần nào gợi cho Mọt nhớ về World in Conflict, một tựa game chiến thuật xuất sắc khác ra đời nhiều năm trước đây.
Không kém cạnh đồ họa, âm thanh của trò chơi là sự kết hợp giữa những hiệu ứng âm thanh xuất sắc, từ tiếng nổ của đạn pháo đến tiếng gầm gừ của động cơ bên trong những cỗ máy chiến tranh khổng lồ. Trong các trận chiến, bạn có thể phân biệt được những tiếng súng chát chúa, các tràng đạn đan chéo qua chiến trường, tiếng la hét của binh sĩ và tiếng bước chân nặng nề của những con mech, tất cả hợp nhau lại thành một giai điệu tàn khốc của chiến tranh. Game có một số câu thoại lên gân quá đà nghe hơi “chuối” trong các đoạn phim cắt cảnh, nhưng đây chẳng phải là vấn đề lớn và hoàn toàn có thể bỏ qua.
Với một gameplay khá thú vị, Iron Harvest thực ra cũng chưa hoàn hảo. Về tổng quan, Mọt khá thích gần 20 màn chơi chiến dịch của game nhưng một vài màn trong số đó tỏ ra “đuối” hẳn so với những màn còn lại, và có vẻ như được thiết kế để… làm game thủ bực mình hơn là đem lại sự thử thách và tưởng thưởng xứng đáng khi vượt qua, chẳng hạn các màn chơi hành động bí mật.
Bên cạnh đó, gameplay của trò chơi phần nào mâu thuẫn với chính nó khi nhà phát triển vừa phải đảm bảo ba phe phái tương đối cân bằng, vừa phải làm cho họ có được nét riêng. Một ví dụ đơn giản là hệ thống bộ binh: dù ba phe có ba đơn vị lính cơ bản khác nhau sử dụng súng trường (Polania), súng tiểu liên (Saxony), shotgun (Rusvie) và ba đơn vị mặc “exosuit” khác nhau, các loại bộ binh khác đều giống hệt nhau: Engineer, Gunner, Grenadier, Machine Gunner, Medic, Flamethrower. Vì vậy, gameplay của ba phe phái không có đủ nhiều khác biệt để làm hài lòng những game thủ khó tính.
Về tổng thể, Mọt có thể nói rằng Iron Harvest là một tựa game chiến thuật khá hấp dẫn, một làn gió mát trong bối cảnh thể loại game chiến thuật đang lay lắt sống qua ngày bằng những bản remaster của Age of Empires hay các tựa game theo lượt với chiến trường nhỏ hẹp. Bằng cách dựng nên một thế giới vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, Iron Harvest đem lại cho Mọt niềm vui khám phá trong từng màn chơi chiến dịch, sự hào hứng trong từng trận đụng độ, và vì thế nếu bạn là một fan RTS, đừng nên bỏ qua Iron Harvest!
Hiện tại, game đang được bán trên Steam với giá 695.000 đồng. Epic Games Store hiện chưa có giá, còn PS4 và Xbox One có thể sẽ phải chờ đến năm sau. Dù giá bán khá cao, Mọt tin rằng trò chơi xứng đáng với mức giá này.
Ưu điểm:
Nhược điểm: