Khi một game thủ bình thường muốn tìm hình ảnh người lớn đúng sở thích của mình, anh ta sẽ làm gì? Dĩ nhiên là mở trình duyệt, vào Google và gõ từ khóa cần thiết, bỏ ra vài phút đến vài giờ lùng sục và đánh giá chất lượng của hàng triệu kết quả rồi tắt đi sau khi đã hoàn tất làm điều cần làm. Nhưng đó là cách của những tay “người trần mắt thịt” như Mọt tui, còn với một anh chàng có tên Lukasz Piskorz (nick Twitter vanripperart) thì lại khác. Mọt tui tin rằng nhà phát triển indie này yêu thích các cô nàng hư hỏng có sừng mặc đồ vest đến mức anh ta làm ra Helltaker, một tựa game puzzle đơn giản nhưng vui nhộn và được đánh giá là có chất lượng cao đủ để… dụ dỗ các họa sĩ tài ba vẽ ra những hình ảnh thỏa mãn luật #34 của internet.
Nếu đó thực sự là mục đích của vanripperart, anh chàng đã thành công bởi giờ đây chỉ cần mở Google và gõ “Helltaker,” bạn sẽ tìm được vài triệu kết quả và vài chục ngàn tấm hình thể hiện các cô nàng ác quỷ dễ thương và đáng sợ của tựa game này trong mọi tư thế và độ tuổi khác nhau.
Vậy thì Helltaker là gì?
Khi được biết về trend mà Helltaker đang tạo ra, Mọt tui đã tò mò tìm kiếm cái tên này và phát hiện ra rằng nó là một tựa game miễn phí trên Steam, chỉ bán một bộ quyển artbook kèm… công thức làm bánh pancake – tại sao thì sau khi chơi game bạn sẽ rõ. Nhưng mặc dù là miễn phí, trò chơi lại có chất lượng cực cao: sau hơn 1 tháng ra mắt, game đã thu hút được hơn 30.000 game thủ bỏ thời gian viết review trên Steam, và 98% trong số đó đưa ra lời khuyên “nên chơi” cho tựa game này.
Nội dung của Helltaker có thể được tóm tắt bằng vài chữ ngắn gọn nhưng với mục tiêu… lừa số lượng từ, Mọt tui sẽ dùng lại phần giới thiệu của trò chơi trên Steam: nhân vật chính của chúng ta thức dậy vào một buổi sáng sau khi mơ thấy mình có một dàn harem toàn các cô nàng ác quỷ. Là một alpha male “thích thì nhích,” anh ta quyết định mở cổng xuống địa ngục (nghe cứ như mở cửa đi chợ) để hoàn thành giấc mộng của mình. Bước qua cánh cổng đó, quang cảnh địa ngục trải dài trước mắt anh ta với những bộ xương nhỏ nhắn đáng yêu, các khối đá vuông vắn và hình ảnh phong cách cartoon như một tựa game mobile tồi tàn. Với Mọt tui, đây quả là địa ngục.
Nhưng bên dưới lớp vỏ ngoài đơn giản đó, Helltaker là một tựa game thú vị mà Mọt cảm thấy mình sẵn sàng trả tiền để được chơi tiếp. Gameplay của nó rất đơn giản: bạn điều khiển nhân vật chính (không tên, Mọt tui sẽ tạm gọi anh ta là Lukasz) vượt qua nhiều chướng ngại vật nho nhỏ, đá đít những bộ xương, nhặt các chìa khóa và mở cửa căn phòng dẫn đến nơi các cô nàng ác quỷ đang chờ. Bạn chỉ cần biết hai điều đơn giản là mình chỉ có thể hạ được xương khi đá chúng vào một vật thể khác, và chàng alpha male Lukasz cũng chỉ đá bay được một tảng đá duy nhất là đủ để thưởng thức trò chơi.
Các câu đố trong game ban đầu khá dễ dàng, nhưng độ khó của chúng tăng lên rất nhanh – điều cũng bình thường bởi game chỉ có 9 màn chơi mà bạn có thể hoàn tất trong khoảng 40-50 phút. Trong mỗi màn chơi, game sẽ trao cho Lukasz một số lượt đi cố định, và mỗi lần Lukasz bị mắc bẫy hay thực hiện bất kỳ một hành động nào đều sẽ tốn một lượt đi. Khi hết lượt đi mà chưa đến được trước mặt cô nàng ác quỷ, Lukasz sẽ bị… trời đánh và phải khởi động lại màn chơi từ đầu. Game không giới hạn thời gian suy nghĩ nên game thủ có thể thoải mái chống cằm, bóp trán tìm giải pháp cho các màn chơi.
Riêng màn chơi thứ 9 của game lại là trường hợp đặc biệt: nó là một trận đấu trùm với gameplay hoàn toàn khác, đòi hỏi sự nhanh tay, lẹ mắt của game thủ khi phải liên tục điều khiển Lukasz di chuyển để né tránh xiềng xích và bẫy rập liên tục xuất hiện quanh mình. Khi mới bước vào màn chơi này lần đầu, Mọt khá bất ngờ bởi gameplay của nó thích hợp với một tựa game rogue-like hay hành động 2D hơn là một game giải đố như Helltaker. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Mọt không thích màn chơi này, bởi nó đem lại cảm giác “đổi gió” mới lạ và hào hứng – điều mà một màn chơi puzzle không đáp ứng được.
Dù Helltaker có các câu đố đòi hỏi phải động não, hằng hà sa số game khác trên thị trường cũng đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, Mọt tui tin rằng yếu tố góp phần lớn nhất vào thành công của trò chơi là các cô nàng ác quỷ mà tác giả tự vẽ nên. Các nhân vật này có đôi mắt to ngoại cỡ trên khuôn mặt theo kiểu anime, nhưng nét vẽ lại giống với kiểu comic phương tây tạo nên một nét đáng yêu đặc biệt. Ngoài ra, vài câu thoại ngắn của các nhân vật cũng góp phần định ra tính cách của họ, điều giúp các họa sĩ có thể dễ dàng sáng tác fanart phù hợp – điều mà Mọt tin rằng là mục tiêu của nhà phát triển vanripperart khi tạo ra một tựa game miễn phí như thế này.
Phần âm thanh của Helltaker lại cực kỳ đơn giản nhưng cũng vừa đủ để phục vụ trò chơi. Game chỉ có một vài hiệu ứng âm thanh đơn giản cho các nút menu và tiếng tung cước của nhân vật chính, cộng thêm nhạc nền chỉ gồm vài nốt ngắn nhưng vui nhộn đủ để khiến bạn lúc lắc theo nhịp điệu của các nhân vật trên màn hình. Chúng hẳn sẽ không để lại ấn tượng nào cho game thủ, nhưng hoàn toàn không khiến người chơi cảm thấy “chướng tai gai mắt” trong quá trình tìm cách chinh phục các cô nàng ác quỷ trong game.
Nếu bạn có chút thời gian để lãng phí hay tò mò “mấy cô nàng mọc sừng này có gì hot” như Mọt, Helltaker là một tựa game đáng chơi. Bạn có thể hoàn tất game trong khoảng dưới 1 giờ bởi các câu đố trong game chỉ đòi hỏi đôi chút động não và có thể bỏ qua trong menu, chỉ có màn đấu trùm cuối là không thể bỏ qua (nhưng có thể… không chơi) và sẽ lấy của bạn khoảng 15-20 phút thử đi thử lại trước khi chiến thắng. Tuy nhiên, trò chơi cũng có secret ending chỉ được mở khóa khi bạn khám phá được bí mật ẩn trong các màn chơi giải đố cũng như menu của nó, và Mọt Game sẽ để dành bí mật này cho bạn tự khám phá khi chơi game.
Bạn có thể tải trò chơi về máy từ Steam hoàn toàn miễn phí.
Ưu điểm:
Nhược điểm: