Thoạt nhìn có vẻ một số bạn sẽ nhận ra phong cách của Hades rất quen thuộc. Thực ra đây chính là sản phẩm tiếp theo của studio Supergiant Games, nơi khai sinh ra các tác phẩm chất lượng như Pyre, Transistor, Bastion. Đặc biệt phong cách vẽ tranh màu của Hades rất tương đồng với Pyre.
Hades ra mắt vào ngày 17/9 vừa qua và lập tức đạt được sự ủng hộ của đông đảo game thủ cũng như nhiều lời khen tặng của giới phê bình. Mọt cũng tò mò muốn xem thử tựa game tầm trung này có những yếu tố gì khiến nó được đánh giá cao như vậy. Giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Cốt truyện của Hades nói về… Zagreus là con trai của thần Hades. Anh là hoàng tử của địa ngục và có thân thể bất tử. Tuy nhiên sự bất tử của anh không phải là mình đồng da sắt giết không chết mà mỗi khi bị chết anh sẽ hồi sinh lại tại chính điện của vua địa ngục Hades.
Zagreus không thích cuộc sống tại địa ngục nên anh quyết tâm trốn thoát khỏi nơi này tìm lên mặt đất và đến đỉnh Olympus. Hades không phản đối nhưng làm khó bằng cách ra lệnh các thủ hạ ngăn chặn anh trên đường đi với hy vọng anh sẽ nản mà bỏ cuộc, có thể coi đây là cuộc chiến tranh lạnh của hai cha con.
Câu chuyện “bỏ nhà ra đi” của chàng hoàng tử đã được mọi người biết đến nhờ hệ thống bép xép của các bà tám mang rank thần. Các vị thần khắp cõi tam giới đều hay tin và công khai giúp đỡ Zegreus bằng cách ban sức mạnh riêng của mình để hỗ trợ anh trong quá trình vượt các tầng địa ngục tìm lên mặt đất.
Cứ thế, sau mỗi lần thất bại Zegreus lại quay về đối mặt với ông lão thân sinh bận rộn suốt ngày cằn nhằn và lại ủ mưu cho lần trốn thoát kế tiếp với hy vọng lần này sẽ đi xa hơn.
Mọt vốn không thích lắm các game Rogue-lite vì nó là dạng game dễ làm nhưng khó hay. Chính vì yếu tố chết và lặp lại, công sức đổ ra làm một game dạng này sẽ tiết kiệm hơn làm các game dài hơi khác. Tuy nhiên để một con Rogue-lite thực sự hay cần phải cân chỉnh các yếu tố một cách thật cẩn thận.
Điểm yếu của dạng game này chính là sự lặp lại dễ khiến người chơi cảm thấy chán. Nếu không cân chỉnh và sáng tạo ra nhiều chức năng phụ trội giúp người chơi quên đi cái nhàm chán của việc cứ chết rồi đi lại đó, game sẽ nhanh chóng bị bỏ rơi.
Thật may là Hades đã vượt qua điều này khá xuất sắc. Gameplay Rogue-lite của nó lặp lại với các bản đồ và tuyến đường ngẫu nhiên giúp mỗi lần đi lại là một hành trình khác, chỉ có căn phòng đầu tiên để khởi hành là giống nhau.
Tuy nhiên Hades còn làm hơn thế nữa khi đặt các diễn biến cốt truyện theo những lần chơi lại và phát triển sức mạnh của nhân vật Zagreus. Sau mỗi lần hồi sinh và trở về chính điện, Zagreus lại có những cuộc đối thoại mới với các NPC tại đây như anh hùng Achilles, chúa địa ngục Hades, nữ chúa Nyx. Sau này lại có thêm nhiều nhân vật khác trong thần thoại Hy Lạp được mở ra theo độ tiến triển của người chơi. Cốt truyện cũng dần hé lộ thêm các sự kiện liên quan như nguồn gốc của Zagreus.
Nói cách khác, mỗi lần bạn trở lại ban đầu là lại có một tiến triển và những thứ mới để khám phá. Bạn sẽ không cảm thấy chán vì cứ theo một vòng lặp vô hồn mà thay vào đó ngay cả khi chết đi làm lại bạn vẫn háo hức muốn biết điều gì sẽ chờ bạn ở nhà trước khi bắt đầu một lượt đi nữa.
Chưa hết, mỗi NPC có hẳn một hệ thống tình bạn, mỗi khi bạn tặng một bình thuốc đặc biệt nhặt được trong khi đi thám hiểm sẽ tăng độ thân mật với NPC này. Các hoạt động hỏi đáp và codex đều đếm ngược theo số lần trò chuyện và mỗi lần như thế chỉ có thể thực hiện sau 1 đợt hồi sinh. Chính vì vậy đối với Hades, một lần thất bại không có nghĩa là thua mà là một bước tiến triển về cốt truyện của game.
Như đã nói ở trên, các vị thần khắp cõi tam giới mà nhất là đám bà tám trên đỉnh Olympus sẽ ngẫu nhiên trao tặng những buff sức mạnh giúp Zegreus có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc hành trình của mình. Các buff này được phân loại thành chủ động (active), bị động (passive) và phân cấp theo độ hiếm. Chúng chỉ có tác dụng trong lượt đi hiện tại, nếu chết sẽ được reset về 0.
Các buff bị động sẽ cộng hẳn vào sức mạnh của Zegreus trong khi buff chủ động sẽ kích hoạt và kéo dài một khoảng thời gian nhất định. Độ hiếm của buff sẽ quyết định độ mạnh mà nó tăng cho Zegreus biểu thị theo thang bậc màu quen thuộc.
Các buff cũng sẽ hỗ trợ một trong 3 loại tấn công mà Zegeus sở hữu. Trong đó 2 loại đầu là Attack và Special Attack phụ thuộc loại vũ khí đang sử dụng và loại thứ 3 là Cast có tác dụng như một phi tiêu phóng ra và phải được thu hồi để dùng tiếp.
Khởi đầu, bạn sẽ sử dụng kiếm và có thể mở thêm 3 loại vũ khí cao hơn là Cung, Khiên và Thương. Mỗi loại cần thu thập số chìa khóa nhất định và chúng có phong cách đánh hoàn toàn khác nhau.
Không như sức mạnh buff của các thần, có nhiều loại nguyên liệu khác mà bạn có thể thu thập và giữ lại sau các lần thất bại. Chúng bao gồm tiền để mua sắm các thứ hỗ trợ dọc đường, gamestone để xây dựng các công trình tăng lợi ích và nâng cấp nội thất điện chính, ngọc tím để nâng các kỹ năng nội tại đặc biệt như hồi sinh nhanh, hồi máu,...
Tuy nhiên bên cạnh những điểm hay, Hades cũng có một số bất cập. Đầu tiên là lỗi crash game, nó không xảy ra thường xuyên nhưng do cơ chế game chỉ save khi bạn kết thúc hành trình và hồi sinh nên nếu crash giữa quãng là… mất sạch. Mọt bị crash đúng 1 lần nhưng nó lại là chuỗi đi dài nhất gần đến phòng boss. Sau khi vào lại thì bao nhiêu là tài nguyên gom về đã mất sạch, game chỉ load lại ở đầu màn trước khi bước ra khỏi cửa.
Điểm bất cập thứ 2 chính là vật cản. Nếu vật cản hiện hữu như bức tường hay cột thì dễ nhưng một số phòng cái khe trên sàn có thể băng qua được nhưng một số khe khác rộng hơn một tí thì được tính là vật cản. Mọt trúng đòn oan nhiều lần vì tưởng phóng qua khe thoát được thì lại… đập đầu vào tường vô hình. Nó giống như một pha lỡ tay Flash ẩu trong LMHT vậy.
Hades là một game sử dụng đồ họa 2D kiểu tranh vẽ tay nhưng phải nói là nó được làm rất đẹp và tỉ mỉ. Hình vẽ các vị thần đều sắc nét và tôn lên phong thái đặc trưng riêng của mỗi thần. Bên cạnh đó chuyển động của mô hình nhân vật được làm cực mịn và linh động. Đây là điều bổ trợ rất thích hợp với phong cách combat đánh kết hợp di chuyển càn lướt linh hoạt của game.
Về âm thanh thì nhạc nền cùng các giọng lồng tiếng được thực hiện khá tốt. Các diễn xuất giọng toát ra được phong cách đặc trưng của từng vị thần và từng trạng thái biểu cảm cụ thể.
Tóm lại, Hades là một game chất lượng với độ hoàn thiện cao. Không những đồ họa 2D vẽ đẹp mà gameplay cũng được sắp xếp thông minh tránh nhàm chán cho người chơi. Đặc biệt kiểu chiến đấu linh hoạt sẽ chinh phục các fan thích game kiểu hành động chặt chém tốc độ cao.
Ưu điểm:
Nhược điểm: