Phụ Lục
Khi Microsoft công bố sự tồn tại của Gears Tactics trong vai trò game chiến thuật được phát triển cho fan của một dòng game hành động, Mọt tui đã có chút nghi ngờ. Gears of War chinh phục game thủ vì chất hành động rực lửa, những nhân vật kềnh càng thích thể hiện tình đồng đội kiểu Mỹ, các pha đọ súng khốc liệt khi những khẩu súng Lancer gầm rú trước kẻ thù. Mọt cho rằng khi chuyển sang làm một tựa game chiến thuật, những yếu tố trên sẽ phần nào mất đi hoặc bị bỏ rơi vì sự khác biệt cơ bản giữa hai thể loại và vì thế nó khó có thể thành công. Bên cạnh đó, thể loại theo lượt đang nằm dưới sự thống trị của XCOM, và một tựa game mới cùng thể loại chắc chắn sẽ bị rất nhiều áp lực khi game thủ mang ra cân đo đong đếm với tượng đài này.
Nhưng giờ đây khi Gears Tactics chính thức ra mắt, những lo ngại của tác giả đã hoàn toàn bị đánh tan. Đội ngũ phát triển game đã đem lại cho tác giả (và cả những fan Gears khác) một tựa game chiến thuật theo lượt nhưng vẫn đầy khốc liệt và máu lửa. Nó cũng không thua kém gì nhiều so với XCOM, và thậm chí còn tạo được sự khác biệt đáng nhớ với những game thủ đã từng chơi qua các bản XCOM mới nhất. Hãy để Mọt tui nói cho bạn biết trò chơi này đã chuyển thể chất hành động của Gears vào một tựa game TBS như thế nào.
Việc Gears Tactics bị so sánh với XCOM là không thể tránh khỏi bởi cả hai quả thật trông rất giống nhau, từ phong cách đồ họa, bối cảnh tương lai, gameplay dựa dẫm vào các vật cản, đến cốt truyện nói về sự phản kháng của con người trước cuộc tấn công của một loài sinh vật lạ. Tuy nhiên sự tương đồng đó chỉ dừng lại ở bề ngoài, còn khi đi sâu khai thác gameplay, hai trò chơi không thể nào khác nhau hơn được nữa.
Cụ thể, sự khác biệt đó đến từ thiết kế gameplay của hai trò chơi. Trong khi XCOM đặt game thủ vào tình thế phải thua và buộc bạn vùng vẫy để giành lấy chiến thắng, Gears Tactics cho bạn vào vai kẻ mạnh. Đây là một lựa chọn khá hợp lý vì dòng game Gears of War gốc luôn thể hiện hình ảnh các nhân vật chính cường tráng, mạnh mẽ và gan góc. Gears Tactics cũng thay thế sự hồi hộp lo sợ việc mất đồng đội vĩnh viễn của XCOM bằng sự hào hứng game thủ có được khi tàn sát kẻ địch trên màn hình.
Thật vậy, việc tiêu diệt đàn Locust trên chiến trường đôi khi không đòi hỏi quá nhiều công sức của game thủ. Mỗi nhân vật mà bạn điều khiển đều có đến ba hành động trong một lượt đi và bạn có thể chi xài chúng vào việc di chuyển, nổ súng, dùng kỹ năng theo bất kỳ thứ tự nào mình thích. Nhưng đó là trên lý thuyết, còn trong thực tế bạn có thể có từ 4 đến… vài chục hành động trong tay mình bởi các nhân vật có kỹ năng buff cộng hành động cho nhau, còn khẩu súng gắn cưa máy bá đạo Lancer có thể hành quyết kẻ địch và phục hồi hành động. Nếu phân phối hành động và lựa chọn mục tiêu hợp lý, game thủ có thể biến các chiến binh của mình thành những cỗ máy diệt Locust đáng gờm.
Tính năng Overwatch mà Gears Tactics vay mượn từ XCOM cũng có chút thay đổi giúp game trở nên đơn giản hơn. Khi bạn ra lệnh cho một nhân vật vào trạng thái Overwatch, nhân vật đó sẽ tự động bắn kẻ địch khi chúng di chuyển trong tầm bắn, một tính năng cực kỳ hữu dụng khi game thủ cần bảo vệ cánh hoặc bủa vây kẻ thù. Với tất cả những thay đổi trên, Gears Tactics khuyến khích game thủ không ngừng tiến về phía trước, chơi một cách liều lĩnh và lựa chọn một cách nhanh chóng, những điều tưởng chừng không thể thực hiện được trong một tựa game chiến thuật theo lượt vốn đồng nghĩa với lối chơi chậm rãi và tính toán, không có nhiều hạn chế về thời gian.
Nhưng các nhân vật của bạn nguy hiểm không có nghĩa là các đối thủ của bạn không nguy hiểm. Lũ Locust của Ukkon (nhân vật phản diện chính trong game) cũng cực kỳ đáng gờm nếu bạn rơi vào những cái bẫy chúng giăng ra. Lao vào cận chiến với một tên Locust cầm shotgun sẽ khiến nhân vật “tung tóe” khắp nơi vì chúng có khả năng tự động phản đòn, trong khi di chuyển một cách bất cẩn sẽ khiến nhân vật rơi vào cái bẫy Overwatch của kẻ địch. Chúng cũng luôn đông đảo hơn rất nhiều – việc game spawn một lần 5 con quái, mỗi con có thể lấy nửa bình máu trong một cú đánh - không phải là chuyện lạ, nên dù mỗi chiến binh Gears có thể dọn vài con quái trong lượt đi của mình, Mọt tui vẫn phải thận trọng và cố gắng phân biệt đâu là hành vi dũng cảm hữu ích và đâu là sự liều lĩnh ngu ngốc.
Vậy nên khi chơi Gears Tactics, óc chiến thuật của game thủ sẽ được thể hiện qua việc chọn mục tiêu và sử dụng kỹ năng, vũ khí mà các nhân vật đang có trên người để tiêu diệt kẻ địch một cách nhanh chóng nhất nhưng lại an toàn nhất có thể, rồi tìm cách duy trì tốc độ đó. Mọt tui đánh giá việc thành công tạo ra nhịp độ và quán tính này là điểm mạnh lớn nhất của trò chơi, đem lại một luồng gió mới cho thể loại chiến thuật theo lượt vốn đang bị XCOM và những bản sao của nó thống trị trong một thời gian dài.
Microsoft không thiếu tiền nên hình ảnh và âm thanh chưa bao giờ là vấn đề với những tựa game của họ. Gears Tactics cũng được lợi từ sự giàu có này: tất cả những gì xuất hiện trên màn hình của game thủ, từ vật thể trong môi trường đến nhân vật tham chiến và các phát đạn đều được tạo hình đẹp mắt, đi kèm các hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng ấn tượng khiến bạn thực sự cảm nhận được mình đang đứng giữa chiến trường. Bên cạnh đó, Gears Tactics cũng sử dụng những đoạn phim cắt cảnh đẹp mắt và giọng lồng tiếng chuyên nghiệp để truyền tải cốt truyện của mình, giúp game thủ dễ dàng cảm nhận được cảm xúc và không khí của trò chơi.
Các nhân vật của chúng ta cũng được dựng hình một cách hết sức mượt mà và chân thực. Dù trong phần lớn thời gian game thủ sẽ nhìn ngắm nhân vật của mình từ góc nhìn trên cao, game vẫn có góc nhìn qua vai nhân vật và vì thế Splash Damage cùng The Coalition hoàn toàn không lơ là mảng này. Các hành động của nhân vật đều mượt mà và chi tiết, những biểu cảm trên khuôn mặt của họ đều chân thực, và những điều nhỏ nhặt này đem lại cho game thủ sự hưng phấn cần thiết khi tiêu diệt lũ Locust dù là bằng lựu đạn, cưa máy, lưỡi lê hay một phát đạn sniper.
Nếu như cuộc chơi của Gears Tactics đầy hào hứng và tạo ra cảm giác mãnh liệt trong từng trận chiến thì cốt truyện của game lại có phần chậm lại một cách khó hiểu về cuối game. Thông thường, một tựa game luôn nhồi nhét thật nhiều nhiệm vụ phụ ở đầu trò chơi để cho game thủ cơ hội luyện cấp cho nhân vật, cày cuốc tìm trang bị và học những kỹ năng mới rồi cắt hết các nhiệm vụ đó khi đến gần cuối câu chuyện (thường được gọi là “Point of no return”) để tập trung cho cốt truyện. Gears Tactics cũng học hỏi điều này lại chỉ làm đúng nửa đầu: game có nhiệm vụ phụ, nhưng được dùng để kéo dài thời lượng game hơn là bổ sung cho nội dung game.
Lý do mà Mọt tui đưa ra nhận định này là bởi Gears Tactics quả thật có rất nhiều nhiệm vụ phụ độ khó cao mà game thủ có thể nhận để tìm kiếm các loại trang bị, vũ khí tốt hơn cho nhân vật vào thời điểm đầu, nhưng sai lầm của đội ngũ phát triển là để chúng tồn tại cả vào thời điểm end game. Thật khó hiểu khi thay vì kết nối các nhiệm vụ chính lại với nhau để tạo cảm giác dồn dập, căng thẳng phù hợp với những trận chiến cuối cùng, game lại bắt người chơi phải đi làm một đống nhiệm vụ phụ trước khi mở khóa nhiệm vụ chính kế tiếp. Gears Tactics cũng không có được sự đa dạng cần thiết trong thiết kế nhiệm vụ, điều càng khiến tiến độ của game chậm lại dù những màn chơi sau cùng của nó vẫn giữ nguyên được gameplay tốc độ cao mà Mọt đã nhắc đến bên trên.
Những trận đấu trùm của game có thể là điểm cộng, có thể là điểm trừ tùy theo sở thích của game thủ - với Mọt tui, chúng hơi thiên về điểm trừ. Ba con trùm của game đều có một điểm chung là sở hữu một lượng máu cực kỳ khổng lồ, nhưng lại không biết tận dụng lượng máu đó để gây khó dễ cho game thủ. Chúng chỉ có một vài chiêu thức đơn giản và cố định, không thay đổi suốt cuộc chiến nên sau khoảng vài phút đầu, game thủ sẽ biết hết cách đối phó với từng chiêu thức và sau đó chỉ cần bỏ ra khoảng… 20 phút để kéo máu một mục tiêu duy nhất. Đây là một quãng thời gian rất dài ngay cả với một tựa game theo lượt và nó đóng góp vào việc khiến game thủ cảm thấy sự trì trệ trong cốt truyện của game.
Nhìn chung, Gears Tactics là một tựa game chiến thuật theo lượt hấp dẫn, có khả năng đem lại cho game thủ những trận chiến rất hấp dẫn dù về tổng thể có chút sai lầm trong việc khống chế nhịp điệu của trò chơi. Nếu đội ngũ phát triển không cố gắng kéo dài thời lượng mà cốt truyện tuyến tính của game đem lại bằng cách bổ sung các nhiệm vụ “phụ” (nhưng bắt buộc phải làm), Gears Tactics sẽ là một tựa game hấp dẫn hơn rất nhiều dù thời gian chơi có thể sụt giảm. Hi vọng rằng khi làm Gears Tactics 2, Splash Damage và The Coalition sẽ khắc phục được sai lầm này và đem lại cho game thủ một tựa game càng hấp dẫn hơn.