Mọt Leo Cây tui từng cảm thấy rất thú vị khi xem đoạn clip ngắn về một người đưa cho con cua cầm con dao thái lan rồi quay cảnh nó vừa chạy vừa khua con dao như tự vệ trước ống kính. Và đến ngày 29/7 vừa qua, Steam bất ngờ phát hành một tựa game indie thú vị mang tên Fight Crab tái hiện lại đúng cái hình ảnh quái lạ này kèm theo cả một đấu trường đầy thú vị.
Fight Crab không có một cốt truyện gì cả và vì là game Indie nên khi vào bên trong thoạt hình nó khác là “rác” vì được thiết kế theo lối rất thô sơ. Mọt có cảm giác người thiết kế game này hoàn toàn bỏ qua khái niệm thiết kế giao diện và chỉ làm vừa đủ để người dùng có thể điều chỉnh các thứ. Chúng ta có thể hoàn toàn thông cảm với việc đây là một game indie với nhân lực hạn chế và khó có thể yêu cầu giao diện của nó phải hoành tráng đẹp đẽ như các game AAA được. Nhưng dù sao nó cũng là một điểm trừ.
Về phần điều khiển, ngoài bàn phím – chuột cho PC, game cũng hỗ trợ cả 2 giao diện tay cầm điều khiển phổ biến là Xbox và PlayStation. Các điều khiển cũng vừa đủ đơn giản để một cái tay bấm game có thể đủ nút chức năng vận hành. Ngoài các hướng di chuyển và tấn công cơ bản, chỉ còn nút phòng thủ/kẹp, nhặt đồ và mở hyper mode.
Cách đánh nhau của những chú cua trong Fight Crab khá đơn giản. Bạn phải làm mọi cách để “lật ngửa” kẻ địch lên, và trong vòng 3 giây sau khi bị lật ngửa nếu không lật lại để chiến đấu tiếp được xem như bị xử thua. Bạn sẽ có vũ khí chính là cặp càng to khỏa của loài cua, bạn có thể đẩy cặp càng về trước để xô ngã kẻ địch, cũng có thể dùng nút kẹp để “gắp” trúng kẻ địch và tìm cách lật hắn xuống. Cặp càng cũng có thể vớ bất kỳ vật thể nào rơi gần đấy làm vũ khí, đúng nghĩa một cuộc đánh nhau.
Cua cũng có HP nhưng được tính theo số phần trăm tăng dần từ 0, số này càng cao thì bạn sẽ càng mệt mỏi và mất thăng bằng, nó sẽ làm bạn dễ bị lật ngửa hơn. Các đòn từ vũ khí và kẹp làm tăng chỉ số này rất nhanh. Một điểm ấn tượng của game này là bạn phải điều khiển 2 cái càng của chú cua trong một nền vật lý tả thực, tức là nó sẽ xiệu vẹo đủ kiểu khá là buồn cười. Nếu bạn từng trải nghiệm những game như Octo Dad hay Human Fall Flat sẽ hiểu cảm giác “gồng” mình điều khiển kiểu này.
Mặc dù đây là một game hứa hẹn cho chơi mạng nhưng nhà phát triển cũng ưu ái dành cho Fight Crab một chế độ chơi đơn với nhiệm vụ hướng dẫn làm quen và đánh nhau với boss. Màn chơi đầu sẽ là hướng dẫn cơ bản còn sau đó là giao chiến với các đối thủ do máy điều khiển qua nhiều màn chơi khác nhau. Mỗi màn chơi có một chuỗi đối thủ với hình dạng và… giống loài khác nhau. Ngoài các loại cua từ cua huỳnh đế tới cua Cà Mau còn có các loài giáp xác “lai cua” như tôm tích (mantis shrimp), tôm hùm (lobster).
Kèm theo các đối thủ là những vũ khí vừa quen thuộc vừa kỳ lạ mà chúng mang theo ở mỗi màn chơi. Đôi khi là gươm giáo, khiên đỡ, dao thái lan, súng lục và cả… hỏa tiễn. Mỗi lần bạn chiến thắng các đối thủ, bạn sẽ mở được chủng loài cua và vũ khí của chúng cầm trong shop, từ đó bạn có thể mua và trang bị cho mình.
Game sử dụng một loại tiền duy nhất là… chỉ số cua. Bạn trải qua các màn chơi đơn, đánh bại kẻ địch và nhận điểm này. Chỉ số điểm này sẽ dùng để nâng cấp sức mạnh trong phần kỹ năng hoặc mua vũ khí, loài cua mới trong shop. Chính vì vậy bạn sẽ phải lựa chọn giữa mạnh hơn hay… mới hơn.
Nói một cách đơn giản thì chế độ chơi đơn được thiết kế mang 3 mục đích khác nhau để chuẩn bị cho game thủ trước bước vào phần chơi mạng đó là luyện tập, trang bị, tăng sức mạnh. Một khi bạn đã có kha khá kinh nghiệm, bạn sẽ bắt đầu bước vào phần đối kháng cùng bạn bè.
Chơi mạng được chia làm 3 mảng khác nhau. Mảng co-op được đặt vào phần chơi đơn vì đơn giản là bạn sẽ cầu viện đến các bạn bè mình nếu các màn chơi đơn quá khó. Ở chế độ này, bạn bè sẽ cùng nhau chiến đấu để “lật ngửa” kẻ địch.
Phần Versus là chế độ chơi mạng chính, tại đây bạn sẽ vào đấu trường và thách đấu trực tiếp 1 chọi 1 với người chơi khác. Bạn sẽ mang con “cua chiến” mà mình rèn luyện mất bao công sức trong phần chơi đơn ra để so kè với kẻ địch. Các trận đấu của chế độ này đều là đấu đơn với kết quả phân định trong 1 trận, tuy nhiên nếu vẫn muốn đấu tiếp thì hai người chỉ cần ở lại phòng chơi và nhấn sẵn sàng để làm thêm trận nữa.
Chế độ còn lại là Spectate. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và không muốn trực tiếp đánh nhau thì có thể vào đây để… làm khán giả. Bạn sẽ được “bay tự do” và quan sát các trận đấu của người khác từ nhiều góc độ khác nhau.
Game được xây dựng trên nền tảng 3D khá tốt, các hình ảnh có độ chân thực ở mức chấp nhận được, bạn vẫn nhìn ra được các loài cua qua đặc điểm chi tiết của chúng hay các đồ vật có thể chộp lấy và phang vào đầu kẻ địch. Tuy nhiên Fight Crab vẫn có một số lỗi về góc nhìn cũng như camera hạn chế ở một số góc chiến đấu.
Về nhạc nền, game tỏ ra cực “bựa” khi phát một bài nhạc Nhật sôi động ngay trong menu chính khiến bạn liên tưởng mình đang chơi một game có phong cách… Power Ranger hay Kamen Rider. Nhưng rốt cục là mấy con cua choảng nhau.
Nhìn chung, Fight Crab là một tựa game indie đơn giản, phẩm chất gần như phụ thuộc hết vào gameplay kỳ lạ và vui nhộn của nó thay vì cốt truyện hay đồ họa. Đây là một game thích hợp với những cuộc chơi nối mạng với bạn bè. Nếu những trận LMHT, Đột Kích, ĐTCL trở nên quá mệt mỏi, bạn có thể rủ bạn bè mua game này để có những trận cua đại chiến rất khác lạ. Nếu bạn là game thủ “tự kỷ” cũng có thể mua game này để trải nghiệm độ thú vị của một con cua khi chinh phục nhiều đối thủ chơi đơn khác nhau với nhiều loại vũ khí đa dạng.
Ưu điểm:
Nhược điểm: