Phụ Lục
Sự thành công của Doom 2016 đặt một gánh nặng lên vai id Software khi họ phải đem lại cho game thủ một trải nghiệm càng hấp dẫn hơn, càng cuồng loạn hơn trong khi vẫn giữ nguyên cốt lõi của thương hiệu FPS này. Nhưng đó lại là điều mà Doom… không giỏi, nếu không muốn nói là dở: lịch sử phát triển đầy vấp váp của Doom 3 và Doom 4 (tiền thân của Doom 2016) nói lên rằng thành công của quá khứ là gánh nặng chứ không phải là bệ phóng của Doom. Vậy nên khi những hình ảnh đầu tiên của Doom Eternal được công bố, không ít game thủ vẫn giữ thái độ nghi ngại và quan sát chứ không hưng phấn vì sự tồn tại của trò chơi.
Thế nhưng càng đến gần ngày phát hành, sự nghi ngại đó càng loãng đi để nhường chỗ cho sự hào hứng theo từng thông tin mới được tiết lộ, từng trailer mới được trình chiếu. Và khi trò chơi được phát hành chính thức vào đêm 19/3 vừa qua, tất cả những nghi ngờ còn sót lại trong Mọt tui tan thành mây khói và nhường chỗ cho sự hưng phấn tột cùng.
Hãy mở bản OST này trước khi đọc tiếp.
Cũng như lưỡi cưa máy của Doom Slayer vẫn trung thành xé tan lũ ác quỷ, vòng lặp gameplay của Doom Eternal vẫn giống hệt như Doom 2016. Game thủ vẫn bước vào một màn chơi, xé nát tất cả những con ác quỷ cản đường trong một đấu trường nhỏ, rời khỏi đó để giải một vài câu đố nho nhỏ và bước sang đấu trường kế tiếp, cứ thế cho đến hết màn chơi và hết trò chơi. Bạn vẫn làm tất cả những điều này trên nền nhạc của Mick Gordon, tiếng kêu gào của ác quỷ và tiếng gầm gừ của súng ống. Vẫn rất quen thuộc. Vẫn là hương vị của Doom.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì Doom Eternal sẽ chỉ là một kẻ soán ngôi tầm thường. Để tạo ra một Doom Eternal mà tác giả cực kỳ yêu thích (như bạn có thể thấy qua lượng bài về Doom Eternal xuất hiện gần đây), id Software đã cải tiến vòng lặp gameplay đó thành một thứ gì đó tinh tế hơn – tha thứ cho Mọt tui dùng từ “tinh tế” trong một tựa game mà mọi thứ đều kềnh càng, hung bạo và ác liệt, nhưng đây có lẽ là từ ngữ chính xác nhất. Từ lượng đạn ít ỏi mà game thủ được mang theo, khả năng phối hợp của các loại ác quỷ khác nhau đến sự tồn tại của các biện pháp “khui đồ hộp” đối thủ để lấy tài nguyên ra sử dụng, tất cả đều được cân đo đong đếm để đảm bảo rằng Doom Eternal luôn luôn thử thách, luôn luôn thúc đẩy người chơi tiến về phía trước, và luôn luôn khiến họ được tưởng thưởng, dù đó là một con suối màu sắc phun ra từ kẻ địch hay một Mastery Token có thể khiến bạn mở khóa nâng cấp cuối cùng cho một món vũ khí ngay & luôn.
Sự cân đối mà id Software đã tạo ra cho gameplay của Doom Eternal chắc chắn không hề dễ dàng, bởi giờ đây Doom Slayer có rất nhiều công cụ trong tay. Có thể bạn sẽ cảm thấy “choáng” khi đọc qua danh sách những công cụ này: ngoài 9 khẩu súng, Doom Slayer còn được sử dụng cưa máy, súng phun lửa, móc thịt (trên Super Shotgun), Blood Punch, Double Jump, Dash, Crucible. Mỗi loại công cụ lại có được một vai trò riêng, đóng góp cho sự cơ động của Doom Slayer hoặc đem lại cho anh máu, giáp, đạn – những tài nguyên thiết yếu nhất và cũng thiếu thốn nhất. Bạn không thể bỏ qua bất kỳ một công cụ nào mà phải không ngừng chuyển đổi giữa chúng ngay khi có thể nhằm tạo ra một nhịp điệu đầy chết chóc, khi lũ ác quỷ không ngừng đổ gục còn Doom Slayer không ngừng rip & tear. Đó là còn chưa kể đến con dao găm thú vị: dù không thực sự là vũ khí mà bạn trực tiếp sử dụng, nó vẫn đem lại cho game thủ những pha kết liễu vừa tàn khốc lại vừa buồn cười.
Có thể bạn không thích sự hạn chế về đạn dược mà id Software đã tạo ra, nhưng với Mọt tui đó là một cơ chế rất cần thiết để game thủ có thể sử dụng hết tất cả các công cụ mà Doom Slayer có được và trải nghiệm trò chơi theo đúng mong muốn của id Software. Nó khiến người chơi không bao giờ có thời gian để suy nghĩ mà phải luôn “improvise, adapt, overcome” theo từng tình huống mới xảy ra trong từng giây. Đây là một định hướng gameplay hoàn toàn hợp lý bởi Doom Slayer là hóa thân của cuồng nộ, là nỗi kinh hoàng của ác quỷ. Anh chiến thắng trong máu và thịt bằng cách trực diện với kẻ thù cùng nòng súng của mình, chứ không phải chiến thắng kiểu “sạch sẽ” của một chiến lược gia chỉ hiểu chiến trường qua bản đồ, con số và mũi tên.
Sự tồn tại của các Slayer Gate cũng là một điểm nhấn đáng kể của trò chơi. Nếu như ở thế giới bên ngoài, tốc độ của game là 110% thì trong Slayer Gate, con số đó hẳn phải là 120%. Những đấu trường này là nơi mà kỹ thuật và sự hiểu biết của game thủ về các loại công cụ của bản thân cũng như điểm yếu của kẻ địch bị thử thách ở mức cao nhất bởi những con ác quỷ hùng mạnh nhất, phiền hà nhất đều xuất hiện tại đây, và chúng xuất hiện không chỉ một lần. Vậy nên ngay cả khi đã biết trước rằng việc vượt qua các Slayer Gate là không hề dễ dàng, Mọt vẫn rất bất ngờ khi thực sự đặt chân vào Slayer Gate đầu tiên. Bù lại, cảm giác thành tựu mà game thủ sẽ nhận được khi vượt qua Slayer Gate đầu tiên cũng khó có thể mô tả được bằng lời. Bạn chỉ cần biết rằng vào lúc đó, Mọt đã đứng dậy vung hai tay lên trời và hét lên “Yeah!!!”
Nếu tính riêng phần bắn súng của Doom Eternal, Mọt rất muốn cho nó điểm số 11/10 bởi id Software đã phá vỡ giới hạn của một tựa game bắn súng với trò chơi của mình. Có thể nói rằng Doom Eternal là tựa game mà làng FPS cần có, nhưng họ không biết mình muốn có cho đến khi được tận tay trải nghiệm trò chơi.
Rời khỏi những bối cảnh “an toàn” nơi nhà phát triển có thể tự do phát huy trí tưởng tượng như sao Hỏa hay Địa ngục, id Software đưa chúng ta đến với một Trái đất theo phong cách “kinh dị cơ thể” vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Quen thuộc là bởi bạn vẫn nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, những tấm biển quảng cáo và các phương tiện giao thông bình thường, còn xa lạ là vì giờ đây chúng bị bao phủ trong dung nham và bướu thịt – những sản phẩm của Địa ngục. Sự tồn tại của khung cảnh Trái đất dị dạng và điêu tàn này càng làm cho Doom Slayer có thêm lý do để phẫn nộ, bởi cuộc chiến của anh là cuộc chiến bảo vệ sự tồn tại của loài người, bất kể kẻ địch là ai.
Sự xuất hiện của Urdak cũng là một bổ sung đáng giá cho Doom Eternal. Nó là một phần không thể thiếu trong cả cốt truyện lẫn gameplay của trò chơi khi là công cụ giúp hé lộ quá khứ của Doom Slayer, kết nối giữa gã người trần mắt thịt Doom ”guy” thuở xưa với siêu chiến binh Doom Slayer hiện tại. Nó cũng là công cụ để vén lên tấm màn bí ẩn của Samuel Hayden, nhân vật từng là câu đố lớn với người chơi. Những màn chơi trên sao Hỏa, Địa ngục dù xuất hiện rất ít ỏi nhưng lại mang đậm nét riêng và đều “over the top” theo phong cách hài hước của riêng mình – Mọt tui trợn mắt, há mồm khi thấy “máy dịch chuyển” mà Doom Slayer sử dụng, hay khi anh làm đúng điều mà Samuel Hayden khuyên không nên làm là đục lỗ vào bề mặt sao Hỏa bằng khẩu BFG-10000.
Nhưng dù là Trái đất, sao Hỏa, Địa ngục hay Urdak, từng màn chơi của Doom Eternal đều hết sức rộng lớn và đầy rẫy bí ẩn khơi gợi trí tò mò. Chúng cũng được điểm xuyết bằng những ngõ ngách nho nhỏ được tạo ra với yếu tố platform vừa đủ thử thách, không trừng phạt quá nặng nề khi bạn thất bại và trao tặng cho bạn những món quà nho nhỏ nếu bạn thành công. Theo Mọt, những cuộc thám hiểm này không phá hỏng nhịp độ của trò chơi mà thật ra là một chút thư giãn và giải trí cần thiết để game thủ thư giãn bộ não của mình trước khi bước vào trận chiến đấu cuồng loạn kế tiếp.
Vào thời điểm bài đánh giá này được thực hiện, Doom Eternal chỉ có một chế độ multiplayer duy nhất là Battlemode, nơi một Doom Slayer được trang bị tận răng chiến đấu với hai con ác quỷ trong những đấu trường nhỏ nhưng nhiều tầng lớp và chướng ngại vật. Chế độ này thay thế cho phần Team Deathmatch quen thuộc trong series Doom, bởi theo lời id Software thì Team Deathmatch đã quá lỗi thời và không phù hợp với định hướng của họ cho cuộc tàn sát mới nhất mà Doom Slayer tham dự. Chế độ Invasion mà id Software hứa hẹn hiện chưa được ra mắt, nhưng đây không phải là điểm trừ bởi trong tình trạng “quặt quẹo” hiện tại của server Bethesda, Mọt tui có thể mất kết nối 3 lần chỉ trong một màn chơi. May mắn là việc mất kết nối không ảnh hưởng gì đến gameplay của phần chơi đơn mà chỉ làm Mọt không nhận được điểm kinh nghiệm để unlock các vật phẩm trang trí vớ vẩn.
Battlemode có thú vị không? Mọt xin được trả lời ngay rằng có – dù vào vai ác quỷ hay Doom Slayer, mỗi trận chiến luôn có nhịp độ rất dồn dập, là sự pha trộn giữa những pha trốn tìm đầy adrenalin với các cuộc đọ súng ngắn ngủi nhưng ác liệt, đòi hỏi sự tập trung cao độ của người chơi. Nó tái hiện lại cảm giác mà phần Singleplayer đem lại cho game thủ: những người chơi trong vai ác quỷ luôn cảm thấy mình là kẻ yếu và buộc phải áp dụng chiến thuật hit & run, trong khi người giữ vai trò Doom Slayer luôn được khuyến khích lao tới tiếp cận đối phương và trao tặng chúng những món quà nằm chờ đợi trong nòng súng. Các đấu trường đều được thiết kế để phục vụ cho lối chơi này khi chúng chứa rất nhiều cổng dịch chuyển và bệ phóng phục vụ Doom Slayer nhưng cũng có đầy rẫy các bức tường và chướng ngại vật mà ác quỷ có thể dùng để ẩn náu.
Battlemode là một chế độ PvP 2vs1.
Cũng phải nói rằng Battlemode hiện khá thiếu cân bằng: khi cả ba đều thuộc “hạng gà” thì phần thắng dễ dàng rơi vào nanh vuốt lũ ác quỷ bởi lợi thế về số lượng và khả năng hồi sinh; còn khi trình độ của game thủ lên cao, Doom Slayer thường xuyên là kẻ chiến thắng. Tuy nhiên bởi Battlemode là một chế độ PvP không đối xứng và có sự tồn tại của quá nhiều biến số như trình độ của game thủ lẫn kỹ năng của con ác quỷ mà họ lựa chọn, việc cân bằng chế độ này hẳn sẽ cần rất nhiều thời gian.
Bên cạnh việc nâng cấp gameplay, Doom Eternal còn là nơi mà game thủ chứng kiến nỗ lực nâng cấp cốt truyện của id Software. Trò chơi ẩn chứa rất nhiều manh mối và thông tin kết nối giữa các bản Doom cũ (trừ Doom 3 và Doom 3: Resurrection of Evil) với Doom “reboot.” Nó cũng đem lại cho game thủ một khái niệm rõ ràng hơn về vũ trụ của Doom vốn không hề nhất quán và ẩn chứa rất nhiều điều rối rắm, chồng chéo khiến game thủ tranh cãi suốt hàng chục năm trời. Game đã cho chúng ta biết Doom Slayer là ai và anh có được sức mạnh hiện tại như thế nào, nhưng cũng vẽ ra cả một vũ trụ (hoặc đa vũ trụ) rộng lớn với nhiều phe phái, thế lực có mối quan hệ bạn – thù, lợi ích phức tạp.
Bên cạnh việc thỏa mãn trí tò mò của game thủ bằng cách giải đáp nhiều thắc mắc cũ, Doom Eternal cũng tạo nên nền tảng cho những tựa game của tương lai khi đặt ra cho game thủ nhiều câu hỏi mới. về số phận của các nhân vật quen thuộc và động cơ của họ, về giọng nói bí ẩn ở gần cuối game, về những gì đã và sẽ xảy ra với Doom Slayer sau khi anh được người Trái đất “phong thần,”… Có thể nói rằng Doom Eternal không chỉ đem lại cho game thủ một phần bắn súng “đỉnh của đỉnh” mà còn là một phiên bản rất có giá trị trong việc mở rộng thế giới của trò chơi. Vậy nên nếu bạn là một fan của series này nói riêng hay là fan FPS nói chung, Doom Eternal vẫn là một trò chơi không thể bỏ qua.
Sau ngày ra mắt của Doom Eternal, id Software hiện tại đang ngồi trên một chiếc ghế nóng. Sau khi hoàn tất hai bản mở rộng đã được lên kế hoạch cho trò chơi, nhà phát triển này sẽ một lần nữa phải vượt lên chính mình để tạo ra một người nối nghiệp xứng đáng với tầm vóc của nó. Đây chắc chắn là một thử thách hết sức gian nan bởi Doom Eternal đã đẩy sự trông đợi của game thủ lên một tầm cao mới, và họ sẽ không hài lòng nếu phiên bản kế tiếp không đem lại một trải nghiệm càng hấp dẫn hơn.