6 tháng trước đây, EA đã gây “chấn động” cho các fan của thể loại RTS khi công bố Command & Conquer: Rivals, phiên bản mobile ăn theo dòng game chiến thuật vang bóng một thời. Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng, EA đã cố gắng xoa dịu game thủ bằng cách công bố làm lại bản Command & Conquer gốc cũng như Red Alert. Nhưng khi hai phiên bản làm lại còn đến gần 2 năm nữa mới ra mắt game thủ, Command & Conquer: Rivals đã kịp ra mắt cộng đồng trên Android và iOS. Liệu đây là một tựa game chiến thuật đáng chơi, hay là một trò bào tiền những ai đam mê thương hiệu RTS này?
Hẳn các bạn đã biết rằng Command & Conquer: Rivals có gameplay rất, rất khác với Command & Conquer truyền thống. Nó tỏ ra vượt trội so với các game chiến thuật từ Trung Quốc đang hoành hành trên thị trường Việt Nam nhờ có yếu tố xây nhà – đào mỏ - mua quân, dù đã được đơn giản hóa rất nhiều. Chiến trường Command & Conquer rộng lớn ngày nào được thu gọn lại lọt thỏm trên màn hình 6” của smartphone, và được chia làm các ô lục giác đơn giản. Trong những trận đấu ngắn gọn chỉ kéo dài 2-3 phút, game thủ có thể tự do điều khiển các đơn vị của mình di chuyển, tấn công và phòng thủ trên các ô này. Do chiến trường của game rất nhỏ hẹp, mọi hoạt động của đôi bên luôn hiển hiện rõ trên màn hình.
Lối chơi của game cũng rất dễ hiểu. Mỗi bên có một căn cứ và bốn slot để xây các công trình mua quân, trong khi việc khai thác khoáng sản Tiberium được tinh giản bằng cách mua xe và để mặc nó tự làm việc. Bạn sẽ chiến thắng khi phá hủy được căn cứ địch bằng hai cách: chiếm các Capture Point để hướng quả tên lửa hạt nhân về phía căn cứ đối thủ, hoặc trực tiếp sử dụng quân đội của mình công kích “nhà chính.” Toàn bộ tính chiến thuật của game được xây dựng dựa trên hệ thống kéo – búa – bao, với ba loại đơn vị quân là bộ binh, cơ giới và máy bay. Nói một cách đơn giản, bạn muốn để “kéo” của mình tấn công “bao” của địch trong khi điều “bao” của mình ra ngăn chặn “búa” của đối phương. Vì vậy, trò chơi luôn là những cuộc đối đầu tay đôi đặt nặng khả năng micro của game thủ, và không một đơn vị quân nào vô dụng nhờ lối chơi này.
Một trận đánh PvP của Mọt (phe xanh).
Do mang thương hiệu Command & Conquer, hệ thống đơn vị quân của game đem lại cho game thủ sự quen thuộc cần thiết. Bạn có thể chơi cả hai phe phái NOD và GDI, nhưng game chỉ cho phép sử dụng GDI cho đến khi tài khoản của bạn lên cấp 9. Trong khi GDI tương đối đơn giản nhờ lối chơi thẳng mặt và các hiệu ứng dễ hiểu, NOD đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn đôi chút bởi các đơn vị của họ đều được thiết kế cho các chiến thuật “đâm thọc” hoặc đánh du kích. Có thể kể đến các loại quân mang hiệu ứng đặc biệt như Scarab hay Chemical Warrior gây sát thương lên mọi đơn vị, hay Attack Bike có đến 3 đơn vị trong đội thay vì chỉ một, vì thế có sát thương cao hơn dù khá “mềm.” Trong game cũng có nhắc đến Scrin, lực lượng ngoài hành tinh từng xuất hiện trong bản Tiberium Wars. Có thể EA sẽ bổ sung thêm lực lượng này vào game trong tương lai.
Hiện tại, Command & Conquer: Rivals chỉ có đúng một kiểu chơi duy nhất là đấu xếp hạng, với thứ hạng tăng dần từ Iron, Bronze, Silver, Gold, Platinum, Diamond, Master và cuối cùng là Tiberium. Game sẽ tự động bắt cặp đấu tùy vào điểm rank của bạn. Nhìn chung, các trận chiến trong Rivals tỏ ra khá hấp dẫn và hào hứng, cũng như tương đối cân bằng giữa những game thủ chưa nạp tiền. Đó là nhờ Rivals giới hạn cấp tối đa của các đơn vị quân mà bạn có thể đưa vào trận đấu – ngay cả khi đã nâng cấp quân lên level 9 hay 10, nếu vẫn đang ở rank Bạc, các đơn vị quân đó chỉ được tính là cấp 8. Càng leo rank, bạn càng có thể sử dụng các đơn vị quân cấp cao hơn.
Nhưng như vậy thì EA kiếm tiền như thế nào? EA đã học hỏi thể loại game thẻ bài mà game thủ Việt chúng ta quá quen thuộc. Mỗi loại quân trong Command & Conquer: Rivals đều được đại diện bằng một thẻ, chia làm các độ hiếm bình thường/quý hiếm/độc nhất. Bạn có thể upgrade (nâng cấp) một loại quân 3 lần mỗi level (cấp) bằng tiền, mỗi lần đều tăng thêm chút ít chỉ số. Sau 3 lần upgrade, bạn cần phải cho đơn vị đó lên level bằng cách cho nó “ăn” những thẻ cùng loại, cấp càng cao cần càng nhiều thẻ. Những thẻ này rơi ra ngẫu nhiên từ các rương bạn nhận được khi tài khoản lên level, từ nhiệm vụ Bounty, các đoàn xe Convoy (một tính năng cho rương miễn phí đơn giản), nhưng chúng không bao giờ là đủ. Vì vậy, nếu muốn lên cấp đủ nhanh, game thủ cần phải chi VNĐ để mua cả tiền ảo lẫn rương trong cửa hàng và… cầu nguyện rằng mình sẽ nhận được loại thẻ mong muốn.
Và thế là bạn có hai lựa chọn: “cày bục mặt” để kiếm thùng gỗ bình thường, hoặc chi tiền thật mua các rương kim loại hào nhoáng mà EA bán trong shop để cho các đơn vị quân của mình mạnh lên. Dù sức mạnh của các đơn vị quân chỉ tăng thêm vài % mỗi khi lên cấp nên bạn vẫn có thể thắng bằng lính cấp thấp hơn nhờ hệ thống kéo – búa – bao, nhưng những ai chơi game online luôn biết rằng “góp gió thành bão,” những game thủ giỏi luôn biết cách để khiến vài điểm chênh lệch nhỏ bé nhanh chóng dồn lại thành ưu thế áp đảo trên chiến trường.
Một tính năng hốt bạc khác của Rivals là những đơn vị quân mới. Mỗi khi tung ra một loại quân mới, EA sẽ đưa một gói hàng chứa loại quân đó cùng các vật phẩm cần thiết để nâng cấp nó vào cửa hàng của trò chơi. Giá của chúng thuộc hàng… cắt cổ, đôi khi lên đến hơn 1 triệu đồng. Đáng giá hay không tùy từng người, nhưng tác giả cảm thấy một đơn vị quân trong một tựa game mobile không so sánh được với vài tựa game AAA. EA cũng cố gắng tưởng thưởng những game thủ miễn phí bằng một hệ thống mà họ gọi là “Fairplay”: khi game thủ có quân cấp thấp gặp người có quân cấp cao, bạn sẽ nhận nhiều điểm hạng hơn khi thắng, và mất rất ít (hoặc không mất) khi thua trận.
Tuy nhiên, Mọt tui cho rằng mô hình kinh doanh hiện tại chẳng sớm thì muộn sẽ khiến Command & Conquer: Rivals gặp rắc rối, bởi những tính năng kiếm tiền mà EA đang sử dụng sẽ biến nó thành Pay to Win. Càng lên những cấp cao hơn, lượng thẻ và tiền mà bạn cần để nâng cấp các loại quân của mình sẽ càng nhiều, và những ai chịu chi tiền vào cash shop để đẩy sức mạnh của mình lên mức tối đa sẽ có quá trình leo rank dễ dàng hơn rất nhiều so với những game thủ hoàn toàn Free to Play. Khi những người chơi miễn phí không chống lại được những game thủ trả phí, họ sẽ bỏ đi và lúc đó chỉ còn các game thủ trả phí “đóng cửa bảo nhau” khiến trò chơi ngày càng vắng vẻ và lụi tàn.
Về tổng thể, Mọt thích lối chơi đơn giản nhưng lại đầy chiến thuật của Rivals. Khả năng điều khiển các đơn vị quân một cách linh hoạt là điểm nhấn chính khiến nó vượt lên những đối thủ khác trên thị trường. EA đã thành công trong việc giữ lại cơ chế thu thập tài nguyên, mua quân và điều binh khiển tướng, cộng thêm những đơn vị quân quen thuộc giúp game thủ nếm trải được hương vị Command & Conquer ngày nào. Bạn có thể sẽ thích Command & Conquer: Rivals như Mọt, mà cũng có thể ghét nó vì “lỡ dại” mang thương hiệu Command & Conquer, nhưng có một điều không thể phủ nhận: Đánh giá Command & Conquer: Rivals là một tựa game chiến thuật độc đáo, hấp dẫn mà những ai thích RTS nên thử một lần.