Phụ Lục
Bởi Mọt tui đang sử dụng chú chuột G502 cũng của Logitech, nên khi dùng thử G402 thực sự không hề thấy “lạ tay.” Với hình dáng tương tự ông anh G502, G402 là một phiên bản gọn gàng hơn hẳn nhưng vẫn không thiếu những tính năng cao cấp có trên phiên bản lớn và điều này đã giúp nó được không ít game thủ chuyên nghiệp trên thế giới lựa chọn sử dụng. Bạn sẽ tìm thấy cảm biến chất lượng cao, thiết kế công thái học (ergonomic) phù hợp tối đa với bàn tay của người dùng, một loạt 5 phím bấm phụ bên cạnh trái của chuột, bao gồm các nút tăng giảm DPI, nút “sniper” để dành cho những lúc bạn cần bắn tỉa, và hai nút dành cho ngón cái có thể lập trình được. Dĩ nhiên nó vẫn bị tinh giản một vài tính năng cao cấp, chẳng hạn hệ thống tạ để thay đổi trọng lượng, các nút chuột giữa, dây cáp bọc chống rối, khả năng cuộn theo từng nấc,… nhưng điều này không có nghĩa là G402 không phải là một chú chuột tốt cho game.
Cũng như G502, G402 đem lại cảm giác cầm nắm thoải mái và thuận tay, đặc biệt là ngón cái của bạn vẫn được nâng đỡ bằng một vết lõm vào trên thân chuột. Điều này giúp game thủ không phải cạ ngón tay cái của mình lên bề mặt tấm lót chuột và có thể rê chuột một cách nhẹ nhàng, mượt mà hơn. Vị trí tiếp xúc của các ngón tay khác với thân chuột lại có phần thay đổi: ngón út của bạn không được nâng đỡ nhiều như ngón cái, trong khi hai nút chuột lớn không còn lõm nhẹ ở giữa để tạo “chỗ nghỉ” tự nhiên mà hoàn toàn phồng lên. Có thể mỗi người thích một kiểu thiết kế khác nhau, nên Mọt sẽ không đánh giá thiết kế nút chuột nào tốt hơn – bạn cần phải tự làm quen và cảm nhận chúng.
Ở mặt dưới của chuột là bốn chân đế teflon cực lớn, giúp tạo độ trơn trượt cần thiết khi rê chuột trên bề mặt pad. Giữa thân chuột là cảm biến – trái tim của G402 và là thứ định hình tính năng của chú chuột này. Theo thông số kỹ thuật, cảm biến này có khả năng cảm nhận các di chuyển một cách chính xác ở tốc độ 2,5m/giây (xấp xỉ tốc độ chạy của bạn đấy) và được sự hỗ trợ của gia tốc kế để hoạt động khi tốc độ di chuột tăng lên cao hơn nữa.
Tính năng mà Mọt tui đánh giá cao nhất trên G402 (và trên bất kỳ một chú chuột chơi game nào khác) là khả năng chuyển đổi mức DPI chỉ bằng một nút bấm. Ngoài hai nút nằm ở cạnh nút chuột trái đem lại khả năng tăng – giảm DPI theo từng nấc được định sẵn, điểm sáng của G402 nằm ở nút “sniper” được thiết kế nằm gọn ở đầu ngón tay cái của game thủ. Đây là một thiết kế đã được chứng minh là “chuẩn” cho game thủ FPS và được rất nhiều nhà sản xuất sử dụng trên các chú chuột chơi game FPS cao cấp của mình. Game thủ chỉ việc ấn định sẵn một mức DPI phù hợp (qua phần mềm Ghub) và từ thời điểm này, bạn có thể sử dụng mức DPI lý tưởng để bắn tỉa bất kỳ lúc nào chỉ với thao tác nhẹ nhàng di chuyển ngón tay cái mà thôi.
Kể cả nút sniper, tất cả 8 phím bấm trên thân chuột đều có thể lập trình được để đem lại cho game thủ sự tiện dụng khi chơi các tựa game khác nhau, bao gồm cả những game không phải FPS. Bạn có thể dùng các phím bấm này để thực hiện những macro từ ngắn đến dài, chẳng hạn ngắm – chuyển chế độ ngắm hoặc đơn giản là ném lựu đạn thay thế cho nút G quen thuộc. Dù có vẻ như không nhiều game thủ sử dụng các tính năng lập trình này, sự xuất hiện của nó vẫn là một điều tốt bởi bạn không biết được lúc nào mình sẽ cần sử dụng tính năng lập trình đó. Đặc biệt, các macro này khá tiện lợi nếu bạn “chiến” Đế Chế bởi các công trình, đơn vị quân trong game dùng phím tắt theo vị trí trên giao diện chứ không phải theo tên của đơn vị, nên bạn có thể đưa các cụm phím thường dùng như Shift + Q / W / E… vào các nút chuột để thao tác mua quân được nhanh hơn.
Bạn có nhớ Mọt từng đánh giá một chú chuột chơi game khác của Logitech là G103? Nếu như một chú chuột tầm giá “nhập môn” như G103 cũng được trang bị chip nhớ onboard thì sản phẩm tầm trung như G402 dĩ nhiên cũng có. Chip nhớ onboard của G402 cho phép game thủ lưu lại nhiều profile với các mức DPI khác nhau (tối đa 5 mức) và chuyển qua lại giữa các mức, các profile một cách dễ dàng bằng các nút chuột mà không cần đến phần mềm hay driver. Nếu là một người dùng cao cấp, bạn còn có thể điều chỉnh độ sáng và chế độ sáng của các đèn LED trên thân G402. Vị trí các đèn này đã thay đổi so với G502 của Mọt: chúng nay “ẩn nấp” ở bên dưới hai nút G6, G7 và không quá nổi bật như vị trí nằm lọt thỏm giữa ngón cái và ngón trỏ như G502.
Sau khi thiết lập các mức DPI thường dùng vào G402, tác giả bắt đầu dùng thử chú chuột này để chiến FPS theo đúng thiết kế của Logitech. Trong quá trình thử nghiệm thực tế, G402 không khiến Mọt cảm thấy sự khác biệt gì so với G502 – một điều đáng khen ngợi bởi đây vẫn là một sản phẩm ở phân khúc thấp hơn so với G502. Bạn sẽ vẫn thực hiện những cú rê chuột, vẩy sniper một cách nhẹ nhàng, những đường cong trên thân chuột vẫn ôm sát vào lòng bàn tay đem lại sự thoải mái khi điều khiển (Mọt tui cầm chuột kiểu palm grip). Các nút chuột vẫn lách tách vui tai, và Mọt vẫn… ăn hành trong các tựa game FPS thiên về PvP như thường lệ. Dù Mọt tui không thể tận dụng hết hiệu năng của G402 như các gosu CSGO, chú chuột này vẫn đem lại cho tác giả sự thoải mái, tiện dụng và khả năng tùy biến thường chỉ xuất hiện trên những sản phẩm tầm cao hơn.
Logitech G402 là một chú chuột ở phân khúc trung cấp mang rất nhiều ưu điểm trong tính năng lẫn thiết kế. Nó chỉ thực sự “hụt hơi” nếu bạn tìm kiếm những thứ không ảnh hưởng đến hiệu năng mà chỉ thuộc dạng phụ trợ như đèn LED 16 triệu màu hay các quả cân giúp thay đổi trọng lượng bởi Logitech cần cân chỉnh để tối ưu giá thành, nhưng những sự thiếu thốn đó đã được bù đắp bằng các tính năng thực dụng nhất trên một chú chuột – bộ nhớ lưu profile, phím bấm lập trình được, nút sniper,… Vì vậy nên ngay cả khi bạn là một game thủ đòi hỏi cao về ngoại hình, G402 vẫn là một lựa chọn rất hấp dẫn khi mang giá tầm trung nhưng hoạt động như “hàng khủng” tầm cao.