Phụ Lục
Được Delusion Studio Inc. cho ra đời vào năm 2017, tựa game Castle Burn là sự phối hợp của hai cha đẻ, một người là chuyên gia về dòng game RTS cho PC, một người là cựu nhân viên của HearthStone. Cũng vì thế tựa game này có cả sự kết hợp hài hòa giữa dòng game thẻ bài và RTS, hay còn gọi là chiến lược thời gian thực.
Thế nhưng đến tận mùa hè năm 2018 này, khi Delusion Studio bắt tay với Bluehole PNIX, phiên bản chính thức của tựa game này trên mobile mới được phổ biến. Hầu hết những người chơi qua tựa game này đều có những trải nghiệm tuyệt vời ngoài mong đợi. Vậy vì đâu mà các đánh giá Castle Burn nhận được có rất nhiều phản hồi tích cực như vậy?
Đi thẳng vào vấn đề, từ xưa đến nay, cốt lõi của một game chính là gameplay của nó, Castle Burn đã xử lý vấn đề này rất tốt. Tựa game này thuộc thể loại RTS đã rất quen thuộc với game thủ Việt, ví dụ như Age of Empires, Red Alert, StarCraft,… và khi kết hợp với thẻ bài trên nền tảng moblie, tựa game này trở nên vô cùng cuốn hút.
Kể ra thì hoành tráng vậy thôi, chứ đây không phải là tựa game đầu tiên như vậy. Đối thủ lớn nhất hiện nay phải kể đến Clash Royale, một tựa game tương tự với lượng người chơi, độ bao phủ rộng hơn rất nhiều và luôn nằm trong top những game mobile hot nhất hiện nay. Tuy nhiên đây không phải là một game ăn theo y hệt, Castle Burn có những điểm đặc biệt khác phức tạp hơn nhưng không kém phần hấp dẫn.
Người chơi sẽ bắt đầu trận đấu với một vị tướng, một nhà chính và các mỏ mana (energy sanctum) gần kề. Người chơi phải xây dựng các nhà lính (camp), các nhà khai thác mana song song với việc tạo lính từ các thẻ bài. Đây cũng là điểm khác biệt đáng chú ý nhất của Castle Burn với các tựa game khác như Clash Royale. Thay vì chỉ đợi tiền rồi bấm liên tục để tạo lính, người chơi phải luôn để ý đến lượng mana, số lính có thể sử dụng và hệ thống nâng cấp, có thể gọi nôm na là “lên đời”. Để lên đời 2 (Tier 2), bạn phải có 2 thẻ bài đời 1 và để lên đời 3 thì cần ít nhất 4 thẻ. Mỗi đời sẽ có các loại thẻ tương đương với quân lính mạnh hơn, mắc hơn và hiếm hơn.
Tùy vào nhãn quan chiến thuật, mỗi người chơi có thể thoải mái lựa chọn phong cách đánh, loại lính và cách điều binh khiển tướng của mình để giành chiến thắng. Một màn chơi kéo dài tối đa 7 phút, trong đó phút cuối cùng là “Burning time”, nhà chính của cả hai sẽ tự bị đốt cháy từ từ đến khi một bên hết máu trước. Nếu cả hai có lượng máu bằng nhau thì tính là hòa, nhưng những trường hợp như vậy ít khi xảy ra.
Hệ thống chiến đấu trong Castle Burn thực sự đa dạng. Đầu tiên là về các tướng (Hero) có 8 vị tướng có thể chọn trước mỗi trận đấu, mà mỗi tướng có một khả năng khác nhau. Người thì giảm sát thương cho đồng minh, người thì tăng tốc độ đánh cho quân lính, kẻ thì có khả năng solo cực mạnh,… Việc lựa chọn tướng tùy thuộc vào lối chơi và cách sử dụng của mỗi người.
Tiếp theo là hệ thống thẻ bài vô cùng phong phú, toàn các nhân vật bước ra từ thế giới thần thoại. Từ dòng họ nhà chuột, dòng giống người lùn, người Vikings, phù thủy, người khổng lồ, các loại rồng bay rồng bò, cho đến các tòa tháp bắn cung bắn đá, các loại thẻ thả độc, thả bom, thả thính, thả lửa… Có khoảng 40 sự lựa chọn cho người chơi, quan trọng là họ sở hữu bao nhiêu mà thôi. Thế nhưng không phải tạo ra chỉ cho đẹp, mỗi loại thẻ có công dụng, chỉ số và điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Các quân lính hay tòa tháp luôn có các quân khắc chế khác nhau, mà không nhất thiết phải chọn quân tốn tiền hơn mới mạnh hơn (như kiểu lính chọt cùi thọc tiết Paladin trong AoE II vậy). Ngoài ra người chơi còn có thể nâng cấp bằng cách ghép các loại thẻ cùng loại lại với nhau để cho ra một thẻ có level cao hơn, chất hơn.
Castle Burn có 2 thể loại PvP: đánh xếp hạng (rank) và đánh thường (casual). Với chế độ đánh thường, cũng là chế độ khi tạo phòng để chiến đấu với một người bạn, các tướng và thẻ được tính ở cùng level, khi đó thắng bại chủ yếu tại kỹ năng của mỗi người mà thôi. Còn với chế độ đánh xếp hạng, các tướng và thẻ bài tính theo level mà người chơi đã nâng cấp. Lúc này thì sự chi phối của các thẻ bài sẽ nhiều hơn, tầm quan trọng của kỹ năng sẽ bị giảm đi.
Các trận chiến PvE cũng hấp dẫn không kém, nhất là chế độ chơi đổi sang thủ thành, hay còn gọi là Tower defense. Người chơi có thể chọn cách đi theo cốt truyện (Path of the Adventurer) gồm 19 màn, hoặc so thời gian trụ được với người chơi khác trong Mist Rock Campaign. Với độ khó tăng dần (khó đến nỗi cảm giác như game tát vào mặt bạn vậy), chế độ này là một thử thách cho nhũng ai yêu thích thể loại thủ thành, hay đơn giản chỉ là tìm kiếm một trải nghiệm khác trong Castle Burn mà thôi.
Sau mỗi trận đấu hoặc hoàn thành các nhiệm vụ, người chơi có thể nhận được các phần thưởng bao gồm các gói thẻ bài, vàng hoặc ruby để mua sắm và nâng cấp.
Là một game RTS mang đậm tính chiến thuật, nhưng Castle Burn lại mang thiên hướng ‘pay to win’ khá nhiều. Như đã nói ở trên, những trận đấu xếp hạng thường chịu sự chi phối bởi các loại thẻ nâng cấp, level tướng hay cả một số thẻ hiếm chỉ mua mới có mà thôi. Một gosu RTS không nhét tiền vào thì cũng không bằng một newbie chịu chi được. Có thể nhiều người sẽ thấy việc bỏ tiền vào game là hết sức bình thường, nhưng đối với một game chiến thuật thì không hề. Điều này sẽ gây mất cân bằng trầm trọng trong hệ thống xếp hạng của game, khi mà những người chơi giữ top luôn có những thẻ bài huyền thoại, những thẻ bài giống của người khác nhưng chênh cả chục level, một con lính có thể chấp ba con cùng loại,… Đồng ý là những người top đầu thì cũng chỉ gặp những người cùng đẳng cấp, nhưng mà một tựa game RTS ít ra phải giữ lại tính cân bằng cho chiến thuật chứ!
Đồ họa của Castle Burn được thiết kế khá vui mắt, đơn giản dễ nhìn. Âm thanh, nhạc nền phù hợp với những nhân vật thần thoại trong game. Không có gì đáng để nói ngoài một điểm trừ nhỏ đến từ việc hiển thị trong game. Với một hệ thống thẻ bài khắc chế lẫn nhau, người chơi không thể xem trực tiếp trong trận đấu mà phải hết trận mới xem được. Điều này buộc người chơi phải ghi nhớ, gây ra những khó khăn nhất định cho người mới hoặc không thường xuyên chơi. Nếu muốn người chơi phải tự nhớ thì nhà phát hành nên có những giải pháp khác, như dựa trên số trận hoặc level của người chơi chẳng hạn. Chứ mỗi trận gặp một đối thủ khác nhau, sử dụng những thẻ bài khác nhau thì đến bao giờ mới nhớ nổi một cái "bảng tuần hoàn hóa học" đây!
Kết.
Nhìn chung, Đánh giá Castle Burn là một game thực sự đáng để trải nghiệm. Người chơi có thể bỏ qua việc ‘free to play but pay to win’ bằng cách chơi những trận đấu thường, không kém phần hấp dẫn đâu! Bù vào đó, sự đa dạng trong lối chơi cũng như các thẻ bài xuyên suốt một tựa game RTS như vậy là quá lôi cuốn. Tôi tin rằng nếu bạn chơi qua một lần, bạn sẽ muốn gắn bó lâu dài với một chiến trường đầy những nhân vật huyền thoại này!