Phụ Lục
Trong chế độ Battle Royale của Warzone, mỗi trận chiến sẽ có đến 150 game thủ cùng tham dự, được chia thành 50 đội 3 người (Squad). Mỗi game thủ được mang theo hai loại vũ khí chính, hai loại lựu đạn và một số kỹ năng (Perk), với rất nhiều lựa chọn từ tăng tốc đòn cận chiến, đạn xuyên giáp, tăng lượng tiền kiếm được, đổi vũ khí nhanh hơn…
Cũng như PUBG, một trận đấu Battle Royale của Warzone sẽ khởi đầu khi 150 game thủ cùng nhảy khỏi chiếc máy bay vận tải với luồng khói đỏ sau lưng và lao xuống vùng đất Verdansk rộng lớn bên dưới. Bản đồ này có kích thước rất lớn và mật độ công trình dày đặc để thỏa mãn nhu cầu sống, chiến đấu, nhặt nhạnh và… chết của 150 chiến binh. Điều thú vị là nếu như đã quen thuộc với các chế độ multiplayer của Call of Duty – không chỉ Modern Warfare mà của cả series – bạn sẽ nhận ra rằng Verdansk được ghép lại từ các bản đồ multiplayer cả cũ lẫn mới và vì thế quen thuộc đến lạ lùng.
Tốc độ gameplay cao cũng là một điều đáng chú ý trong Warzone. Các nhân vật của chúng ta “live fast, die young” đúng nghĩa: họ chạy nhanh như Usain Bolt và rất yếu ớt trước súng đạn. Dù bạn có thể mang thêm giáp để hấp thụ sát thương và có thanh máu tự động hồi phục hệt như trong các chế độ multiplayer của Modern Warfare, nhân vật của bạn hoàn toàn có thể bị bắn hạ chỉ bằng một phát súng. Bên cạnh đó, số lượng mảnh giáp cũng rất có hạn và vì thế không phải lúc nào nhân vật cũng trong tình trạng vũ trang toàn diện.
Sự tồn tại của các tòa nhà cao tầng cũng được tận dụng làm một phương tiện để tăng tốc gameplay. Nhân vật có thể di chuyển từ tầng trệt lên sân thượng cực nhanh qua khoang thang máy, nên một kẻ địch từng đứng ở mặt đất có thể sẽ xả súng xuống bạn từ trên cao chỉ sau đó vài giây, rồi nhảy khỏi sân thượng và hạ cánh an toàn nhờ chiếc dù luôn ở sau lưng 24/7. Nếu khéo léo tận dụng sự cơ động này, game thủ sẽ có thể gây ra rất nhiều bất ngờ cho kẻ địch, đặc biệt là khi bạn có thể bật – tắt chiếc dù nhiều lần và rút súng khi đang ở giữa không trung.
Trong Call of Duty: Warzone, sự tồn tại của các trạm mua sắm Buy Station là một tính năng thay đổi hẳn lối chơi của game. Bằng cách sử dụng những đồng tiền mà bạn kiếm được trong trận đấu thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ phụ được tạo ngẫu nhiên gọi là Contract, game thủ có thể dễ dàng chạm tay vào những loại vật phẩm Killstreak như trụ súng tự động, mortar (Cluster Strike), máy bay không kích A10 (Precision Strike), túi hồi sinh, thùng đạn…
Các vật phẩm này cực kỳ hữu dụng và thậm chí là “OP,” chẳng hạn UAV không ngừng báo địa điểm của kẻ địch cho bạn, hay Cluster Strike và Precision Airstrike có thể diệt gọn cả một đội đối thủ. Số khác lại có ích trong những tình huống ngặt nghèo, chẳng hạn khi bạn bị kẹt ngoài vòng bo, có chiếc mặt nạ phòng độc trong tay có thể là sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại (dù animation đeo / gỡ mặt nạ rất phiền hà). Không ít game chủ chê bai sự tồn tại của Killstreak trong chế độ Battle Royale, nhưng Mọt tui nghĩ rằng nếu thiếu vắng chúng thì vai trò của tiền sẽ yếu đi nhiều và ảnh hưởng đến kết cấu của trò chơi về tổng thể.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của khả năng chi tiền gọi Loadout (vốn là 6.000$, nhưng đã được cập nhật thành 8.500$ rồi 10.000$) cũng góp phần hạ thấp tầm quan trọng của may rủi và nhặt nhạnh. Khi mua Loadout, game sẽ trực tiếp ném bộ “đồ nghề” mà game thủ đã dày công mở khóa và nâng cấp trong phần chơi mạng của Modern Warfare xuống chiến trường, đem lại cho bạn cơ hội sử dụng những khẩu súng mình yêu thích và phù hợp nhất với bản thân.
Có thể nói rằng sự tồn tại của tiền trong Warzone đã thay đổi hẳn lối chơi của nó so với các tựa game Battle Royale khác. Nó khiến cho game thủ có thể chọn điểm hạ cánh tùy thích mà vẫn có thể bước ra với những món trang bị không thua kém bất kỳ đối thủ nào, trong khi những Apex Legends hay PUBG luôn buộc game thủ phải mạo hiểm bước vào những “điểm nóng” để tranh đoạt nếu không muốn thua ngay từ vạch xuất phát. Mỗi phương thức đều có ưu điểm của mình, nhưng Warzone dễ chịu hơn hẳn.
Thể loại game kinh dị sinh tồn ngày nay rất hay cho hành động bắn súng vào để câu khách, nhưng lâu dài nó lại làm mất đi cái chất hù dọa vốn có.
Trong khi các tựa game khác cùng thể loại đặt nặng các yếu tố nhặt nhạnh trang bị và quản lý túi đồ, Call of Duty: Warzone đã cố gắng giảm thiểu tầm quan trọng của hai tính năng này xuống mức tối đa. Game thủ không cần phải bận tâm đến việc nhặt từng ống ngắm, thay thế linh kiện lắp đầu nòng hay tìm kiếm băng đạn dung lượng lớn bởi trò chơi hoàn toàn không cho phép thay thế chúng trong trận đấu.
Thay vào đó, bạn chỉ cần chú ý đến độ hiếm của vũ khí. Vũ khí càng hiếm sẽ có càng nhiều linh kiện được lắp sẵn, và đó là sự khác biệt duy nhất giữa các loại vũ khí ở các độ hiếm khác nhau. Việc tìm kiếm các loại “hàng khủng” cũng rất dễ dàng bởi những thùng chứa vũ khí cấp cao (Epic, Legendary) luôn phát ra những âm điệu khá vui tai, báo hiệu cho game thủ trong khu vực về sự tồn tại của chúng. Mọt tui khá thích tính năng này bởi nó đem lại cho game thủ nhiều trận đụng độ hơn.
Khả năng hồi sinh liên tục của game thủ cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Sau khi chết lần đầu tiên, game thủ sẽ bị ném vào Gulag và phải tham gia vào một trận đấu 1vs1 để giành quyền hồi sinh (nhưng mất sạch tất cả những gì đã có trước khi bị hạ). Sau đó, đồng đội có thể hồi sinh bạn tại các trạm Buy Station bằng cách chi ra 4.500$. Khoản tiền này không quá lớn nhưng là một trừng phạt khá hợp lý bởi nó ảnh hưởng lớn đến túi tiền của cả đội, khiến khoảng cách đến Loadout càng xa hơn.
Với tất cả những biến tấu trên, các trận chiến trong Call of Duty: Warzone rủi ro hơn nhưng cũng thỏa mãn hơn, đặc biệt là với những game thủ “trình còi” như Mọt. Tất cả người chơi đều có rất nhiều cơ hội để phục thù kẻ đã bắn hạ mình cũng như được đối đầu trực diện với kẻ địch, và điều đó đem lại cho người chơi cảm giác hài lòng vì được làm điều gì đó trong game, thay vì bực tức khi bỏ thời gian vào trận chiến mà chẳng được thể hiện chút gì.
Trong khi Battle Royale là ngôi sao chính của Warzone, trò chơi này còn có một chế độ khác là Plunder. Mục đích của trò chơi cũng không phải là làm kẻ sống sót sau cùng, vì game thủ có thể hồi sinh bất tận, mà là kiếm được số tiền cần thiết qua việc tiêu diệt kẻ địch và hoàn thành các nhiệm vụ trong game trước khi lên trực thăng đào tẩu.
Dù Plunder sử dụng cùng một bản đồ Verdansk như Battle Royale, nhưng việc nó loại bỏ những yếu tố như vòng bo hay Gulag và cho hồi sinh thoải mái đã khiến nhịp game chậm đi thấy rõ. Game thủ không còn cảm giác căng thẳng khi phải trông chừng những phát đạn bắn lén từ mọi hướng và cũng không bị vòng bo “lùa” vào gần nhau, nên tất cả mọi người có thể tự do chơi theo ý mình.
Theo Mọt, đây là một chế độ thích hợp để… luyện tập, chẳng hạn dành thời gian để làm quen với từng ngõ ngách của bản đồ hoặc đọ súng với người khác để cải thiện kỹ năng ngắm bắn của bản thân. Đôi khi nếu bạn muốn xả stress thì Plunder cũng là một chế độ chơi thích hợp, nhưng việc thiếu vắng cảm giác rủi ro và căng thẳng của Battle Royale khiến chế độ này không thực sự hấp dẫn người chơi.
Đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của game thủ Warzone trong khoảng thời gian hơn một tháng vừa qua. Không phải nhà phát triển Infinity Ward không cố gắng chống cheat bởi trước khi Mọt thực hiện bài viết này, họ công bố đã có hơn 70.000 tài khoản gian lận trong Warzone bị khóa, và nói rằng “chúng tôi không khoan nhượng với cheater.” Nhưng như thế là chưa đủ bởi kẻ gian vẫn có thể dùng aimbot, bắn xuyên tường, xóa độ giật của vũ khí cùng nhiều năng lực siêu nhiên khác mà người chơi bình thường không thể có được. Các đoạn replay chứa bằng chứng về những kẻ gian lận này xuất hiện đầy rẫy trên các diễn đàn, MXH và subreddit có liên quan đến trò chơi.
Nạn gian lận trong game hoành hành đến mức giờ đây, các game thủ chơi Call of Duty: Warzone trên console đang thi nhau… tắt chế độ crossplay nhằm né tránh những kẻ chơi gian lận trên PC, một trong những “đặc sản” của nền tảng chơi game này. Bên phía PS4, nếu game thủ tìm trận đấu khi tắt crossplay, game sẽ mở một popup khuyến khích game thủ bật crossplay nếu có thể. Đối với game thủ Xbox, họ sẽ phải vào cài đặt hệ thống của chiếc console để tắt tính năng crossplay, nhưng sự phiền hà này không ngăn cản được người chơi Warzone tắt crossplay nhằm né tránh kẻ gian lận. Nhưng ít ra họ còn có cách trốn tránh, còn với game thủ PC như Mọt thì giải pháp duy nhất là... cầu nguyện cho mình không gặp phải những kẻ gian lận này.
Warzone không phải là một tựa game cách mạng mà chỉ là một tựa Battle Royale được xây dựng trên nền tảng của Call of Duty và bổ sung thêm một số biến tấu nhằm tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên như thế là đã đủ: trò chơi đem lại các pha đọ súng hấp dẫn, những trận chiến hào hứng, tôn trọng thời gian của game thủ thể hiện qua việc cho họ nhiều cơ hội để bóp cò. Nếu Infinity Ward có thể khắc phục được nạn hack, cheat cũng như học hỏi từ sự “đuối sức” của Apex Legends và giữ vững tốc độ cập nhật nội dung cho trò chơi, nó sẽ là một đối thủ mà Fortnite phải dè chừng trong thời gian tới.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]