Phụ Lục
Borderlands 3, phiên bản đánh số mới nhất của series game looter shooter Borderlands đã được ra mắt. Sau khi bỏ ra hai tuần “cày cuốc” với trò chơi và trải nghiệm từ những điều thú vị nhất đến những điều gây bất mãn nhất của trò chơi, Mọt xin được chia sẻ cảm nhận và đánh giá của mình về Borderlands 3 với bạn đọc.
Một thời gian dài sau khi những sự kiện trong Borderlands 2 kết thúc (trong cốt truyện, các sự kiện trong Borderlands: The Pre-Sequel diễn ra trước Borderlands 2), thành phố bay Sanctuary đã bị phá hủy khiến Lilith và những người còn sống sót của lực lượng Crimson Raider phải sử dụng những căn cứ tạm thời. Lilith muốn tìm đến những Vault đã được đánh dấu trong dải thiên hà để ngăn người khác dùng chúng vào mục đích xấu xa, nhưng để làm được điều này, họ phải tìm lại được chiếc chìa khóa chứa bản đồ các Vault đã bị thất lạc.
Sau vài năm tìm kiếm, Crimson Raider chẳng những không tìm được manh mối nào mà còn bị… thụt lùi khi phải đối đầu với một thế lực mới trỗi dậy là Children of the Vault. Do hai chị em Tyreen Calypso và Troy Calypso – các streamer bị bệnh vĩ cuồng - thành lập. Children of the Vault (COV) xem Crimson Raider là kẻ thù, bởi hai chị em này cũng muốn chiếm lấy các Vault mà Crimson Raider của Lilith đang tìm kiếm. Chúng tấn công các căn cứ của Crimson Raider và phá hoại hoạt động của họ, khiến tình thế càng trở nên gian nan cho Lilith. Thật may mắn là vào lúc này, Crimson Raider tìm được sự trợ giúp mới: bốn Vault Hunter mà Marcus chở về trên chiếc xe khách cọc cạch mà game thủ đã quen thuộc từ bản Borderlands đầu tiên.
Cùng với những người đồng đội mới, Lilith và những người còn sống sót của Crimson Raider lên chiếc phi thuyền Santuary 3 để bay vào vũ trụ, tìm đến những Vault mà họ đã nhìn thấy trong tấm bản đồ cuối phần 2. Cuộc phiêu lưu mới vào những biên cương xa xôi bắt đầu kể từ đó.
Cũng như ba người tiền nhiệm Borderlands 1, 2 và Presequel; Borderlands 3 là một tựa game bắn súng hấp dẫn game thủ bằng hàng tỉ khẩu súng khác nhau. Điều này vốn đã là điểm nhấn của series kể từ phiên bản đầu tiên, nhưng trong Borderlands 3, đội ngũ Gearbox đã nâng cấp số lượng súng này lên bằng nhiều phương thức mới. Nếu như trong các phiên bản trước, những khẩu súng mà Gearbox quảng cáo có thể cực kỳ giống nhau và chỉ khác biệt đôi chút về chỉ số, Borderlands 3 có thêm hai phương thức mới để tạo sự khác biệt: tính năng phụ trợ và ngoại hình. Điều này đem lại sự đa dạng cần thiết cho các loại vũ khí, thôi thúc game thủ tìm kiếm những loại súng mới có vẻ ngoài hầm hố hơn, tính năng tốt hơn, và quan trọng nhất là phù hợp với cách build nhân vật của mình hơn.
Thật vậy, Mọt đã tìm ra rất nhiều loại vũ khí trong quá trình cày cuốc Borderlands 3, nhưng có lẽ chỉ mới là một phần rất nhỏ của những gì trò chơi đem lại. Lấy ví dụ nhân vật Zane mà Mọt đang chơi: sau khi bỏ công tìm kiếm những cái khiên có dung lượng lên đến hàng chục ngàn, Mọt tui tình cờ “vấp” phải một cái khiên Legendary mang tên Rough Rider có dung lượng bằng… 0. Cùi bắp? Không hề. Đi kèm với dung lượng bằng 0 là hai hiệu ứng giảm sát thương nhận được và tăng lượng máu tối đa, biến Zane thành một thùng máu. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ. Khi được bắt cặp cùng class mod có hiệu ứng phá vỡ khiên mỗi khi sử dụng kỹ năng kích hoạt (nút F hoặc G) và tăng sát thương cho nhân vật khi mất khiên, chúng ta có một combo thú vị. Chưa hết, khi kết hợp cùng bộ kỹ năng đóng băng và AOE mà Mọt đang theo đuổi, Zane biến thành một cỗ máy giết chóc (ít nhất là trong giai đoạn hiện tại) và có thể càn quét qua những binh đoàn Maliwan hay Children of the Vault một cách khá dễ dàng.
Điều này không có nghĩa là Borderlands làm tốt mặt cân bằng kỹ năng, vũ khí và nhân vật. Khoảng thời gian 2 tuần là không đủ để Mọt cày cuốc trang bị cho một mình Zane, chưa nói gì đến ba nhân vật còn lại. Đó là còn chưa kể đến việc Gearbox đã tung ra một bản patch để nerf bớt tỉ lệ rơi các vật phẩm Legendary trong game, một điều gây tranh cãi giữa những game thủ đã cày phủ phê với những tay chậm chân như Mọt. Nhưng dựa trên những gì mà những game thủ hạng nặng chia sẻ trên các diễn đàn của game, Zane của Mọt là nhân vật… yếu nhất khi đến với các thử thách end game như chế độ Mayhem. Điều này xảy ra bởi sức mạnh các kỹ năng của nhân vật tăng chậm hơn rất nhiều so với lượng máu và sát thương của kẻ địch, và Zane quá phụ thuộc vào các kỹ năng của mình.
Tuy nhiên, Mọt phải nói rằng trong thời điểm hiện tại, Borderlands 3 vẫn là một tựa game hấp dẫn. Game thủ chắc chắn sẽ có được niềm vui khi thưởng thức Borderlands 3, dù là bạn đi theo cốt truyện của nó hay cày cuốc tìm kiếm những loại vũ khí mới. Thật ra, rất nhiều game thủ chơi Borderlands nói chung và Borderlands 3 nói riêng chỉ để thỏa mãn nhu cầu cày cuốc của bản thân mình.
Borderlands 3 đem lại cho game thủ một lượng nhân vật khổng lồ, từ những nhân vật kiểu gag manga như Crazy Earl đến quan trọng như Tiny Tina, từ các Vault Hunter quen thuộc như Lilith, Mordecai, Brick, Maya, Zer0… đến những cái tên mới toanh như Ava, Jakobs, Tyreen, Troy; và cả Rhys từ Tales from the Borderlands cũng góp mặt. Sự trở lại của các nhân vật cũ luôn là một điều đáng hoan nghênh, bởi các fan của Borderlands đã gắn bó với họ đủ lâu để vui mừng khi thấy họ trở lại. Chúng ta vẫn có Claptrap lắm mồm (dù người lồng tiếng đã thay đổi), Moxxi quyến rũ, Marcus tham tiền, Lilith quyết đoán… Tính cách và động cơ của các nhân vật này được thể hiện khá tốt qua các nhiệm vụ của trò chơi, được bao phủ bằng một lớp gia vị hài hước thô tục và trẻ con đúng kiểu Borderlands, dù đôi khi chúng trở nên quá lê thê và thừa thải.
Thế nhưng hai nhân vật phản diện chính của game là Tyreen và Troy Calypso lại có phần… trống rỗng. Là những “influencer” nổi tiếng tầm cỡ vũ trụ, chị em nhà Calypso xây dựng nên Children of the Vault bằng… các video clip của mình. Nhưng trong phần lớn thời lượng của trò chơi, Mọt cảm thấy chúng chỉ là lớp vỏ ngoài phục vụ cho cốt truyện của game, “ác để mà ác” và chỉ toàn những lời đe dọa hay thách thức rỗng tuếch kiểu “Like, Follow and Obey”. Chúng không so sánh được với Handsome Jack – nhân vật phản diện tốt nhất của Borderlands cho đến thời điểm hiện tại, bởi gã trai đẹp này thực sự thích thú với những hành vi tàn ác của mình, và tìm thấy niềm vui từ điều đó. Ngay cả những manh mối có thể chỉ đến một thời điểm cao trào giữa hai chị em Calypso trong game cũng bị bỏ qua, nhưng Mọt sẽ không spoil những manh mối này để bạn tự khám phá.
Tóm lại, cốt truyện của Borderlands 3 có vẻ như muốn nói lên một điều gì đó, nhưng không thực sự nói ra cho game thủ. Trò chơi cố gắng khai thác sự hài hước và châm chọc bằng cách đặt ra hai nhân vật phản diện là streamer – nghề nghiệp đang rất thu hút trong mắt các bạn trẻ, nhưng rồi lại lùi bước và chẳng nhấn mạnh được điều gì. Nhưng có lẽ Mọt hơi khắt khe với hai nhân vật phản diện của Borderlands 3 trong những đánh giá này, bởi Jack là nhân vật chính của một tựa Borderlands và sau đó đóng vai nhân vật phản diện của hai tựa game khác, còn hai chị em nhà Calypso chỉ mới có một tựa game cho mình. Hãy chờ đợi, và biết đâu Borderlands 4 sẽ cứu vãn hình tượng của chúng?
Khi Borderlands 3 được phát hành trên Epic Games Store, Mọt biết rằng mình sẽ gặp nhiều lỗi khi chơi – không phải chỉ lỗi từ bản thân game, mà cả những lỗi đến từ phía cửa hàng của Epic. Và điều đó đã xảy ra ngay lập tức: sau khi cài đặt game ở tòa soạn đúng thứ 6 ngày 13, tác giả chọn nhân vật Moze và “chiến” game khoảng 2 giờ. Tắt game, Mọt tận mắt thấy tính năng cloud save của Epic Games Store hoạt động để upload tiến độ lên server của Epic, nhưng khi về đến nhà định “cày” game suốt 2 ngày cuối tuần, file save đó… không hề tồn tại. Điều này dẫn đến sự ra đời của nhân vật Zane, nhưng vấn đề với server cloud của Epic lại xảy ra một lần nữa khi sáng thứ 2, Mọt mở máy ở tòa soạn và nhận ra rằng save ngày chủ nhật đã “bốc hơi” vì một lý do nào đó (nó vẫn tồn tại trong PC ở nhà). Điều này ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của Mọt, và cũng ảnh hưởng đến rất nhiều game thủ khác trên khắp thế giới, khiến Epic và Gearbox phải tìm cách khắc phục vấn đề bằng một bản hotfix.
Trong khi đó, bản thân Borderlands 3 cũng có khá nhiều lỗi. Biểu tượng của vũ khí, trang bị lẫn lộn với nhau khi mở inventory là chuyện thường tình, trong khi trùm có thể trở nên bất tử vĩnh viễn, khiến công sức cày qua 2/3 bình máu của bạn trở thành… công cốc. Các waypoint đánh dấu nhiệm vụ thỉnh thoảng biến mất khiến game thủ không thể tìm ra, xe cộ nhiệm vụ bị phá hủy không thể được tạo mới, nhân vật bị kẹt vào địa hình hoặc rơi luôn khỏi bản đồ cũng là những bug thường gặp. Nhiều game thủ khác nhắc đến những lỗi như bị âm Guardian Rank khi bật cloud save, NPC bạn cần tìm bốc hơi, game crash,… dù Mọt may mắn chưa bắt gặp những lỗi này.
Điểm trừ kế tiếp của Borderlands 3 là sự keo kiệt đến khó hiểu của Gearbox trong vấn đề kho chứa đồ. Với một tựa game tự hào là có hàng tỉ món vũ khí và khoảng gần trăm loại Legendary, trò chơi cho mỗi nhân vật... 40 slot chứa đồ (thêm 50 slot trong kho cho tất cả nhân vật dùng chung), hoàn toàn không đủ cho việc cất chứa những vũ khí yêu thích của Mọt. Cheat Engine sẽ là vị cứu tinh cho game thủ trong trường hợp này, nhưng đây vẫn là một điều phiền toái không cần thiết vốn đã tồn tại từ các phiên bản Borderlands trước đây.
Cũng không thể không nhắc đến một điều đáng cười (và đáng buồn) có liên quan đến kho đồ của game thủ: khi các “trâu cày” tìm ra cách để farm đồ Legendary hàng loạt, Gearbox đã tung ra một bản patch cho game để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên không rõ vì sao bản patch này không thể được cập nhật vĩnh viễn, mà phải được cài lại mỗi lần bạn bật game. Thế là nỗ lực của Gearbox có thể dễ dàng bị hóa giải khi game thủ mở trò chơi ở chế độ offline.
Borderlands 3 đã thành công tạo ra một vòng lặp bắn – nhặt – tiếp tục bắn đầy thỏa mãn cho những game thủ yêu thích thể loại looter shooter. Tuy nhiên về mặt cốt truyện và xây dựng nhân vật, Borderlands 3 tỏ ra hơi đuối sức khi phải so sánh với các bậc đàn anh. Dù đây không phải là một khuyết điểm quá lớn vì không ít game thủ chơi Borderlands để “shoot & loot”, một cốt truyện hấp dẫn luôn là nền tảng để nắm giữ sự chú ý của game thủ. Trò chơi cố gắng tạo ra kịch tính bằng cách “nắn gân” các nhân vật quan trọng, nhưng những tình tiết đó tỏ ra khá khiên cưỡng và thiếu hợp lý, đôi khi còn khiến bạn... chán ghét nhân vật mà trò chơi cố gắng khiến bạn phải đồng tình trong cuộc chơi.
Câu nói tổng kết Borderlands 3 đơn giản và chính xác nhất có lẽ là… nó vẫn là Borderlands. Gearbox đã cố gắng cải tiến hệ thống vũ khí của trò chơi để đem lại cho game thủ sự hào hứng mới khi chơi game và đó là một thành công đáng ghi nhận. Phần hình ảnh của game cũng sắc nét và chi tiết hơn rất nhiều dù vẫn giữ phong cách giả 2D quen thuộc, chưa kể tùy chọn DirectX 12 được bổ sung vào game cho những game thủ có PC hàng khủng được dịp đốt phần cứng. Game vẫn sử dụng sự hài hước thô bỉ và cộc cằn, thứ có thể “chạm dây cười” người này nhưng hoàn toàn vô dụng với người kia, nên việc đánh giá nó là ưu điểm hay khuyết điểm là tùy thuộc vào từng người – với Mọt tui, nó là một điểm cộng.
Hiện tại, nội dung của Borderlands 3 đủ để khiến nó tỏa sáng dù còn có khá nhiều vấn đề, nhưng nếu bạn là một game thủ có kiên nhẫn, việc chờ đợi thêm vài tháng để Gearbox khắc phục bug và thực sự hoàn thiện trò chơi là một quyết định khôn ngoan.