Phụ Lục
Biomutant là một tựa game hành động nhập vai lấy bối cảnh hậu tận thế, kết hợp với nhiều yếu tố đặc trưng của thể loại thế giới mở. Trò chơi được phát triển bởi Eperiment 101 – một studio game có trụ sở đặt tại thành phố Stockholm, Thụy Điển, và được phát hành bởi THQ Nordic vào hôm 26 tháng 5 vừa qua. Đến với Biomutant game thủ sẽ được vào vai một loại động vật có vú, với bộ lông nhiều màu sắc, có ngoại hình lại tạp giữa các loại cáo, chồn, chó mèo và chuột.
Tuy rằng vũ trụ của Biomutant không hề có sự xuất hiện của con người, song đã có khá nhiều đánh giá cho rằng đây là một lời cảnh tỉnh đáng sợ đối với thực trạng hiện tại của toàn bộ nhân loại. Tình trạng rác thải ô nhiễm, những cuộc chiến tranh tàn khốc ở khắp mọi nơi, bệnh dịch hoành hành và thậm chí là lòng tham vô đáy của con người, chỉ muốn trục lợi cho bản thân và kéo xã hội đi xuống.
Kể từ lần đầu tiên được công bố vào 21 tháng 8 năm 2017, với sự kết hợp giữa một thế giới hậu khải huyền đầy màu sắc, lối chơi bay nhảy chặt chém bắn súng (như dòng game Devil May Cry), phong cách kung-fu đậm chất truyền thống Trung Hoa và giọng đọc huyền thoại của David Shaw Parker. Biomutant không chỉ nhanh chóng trở thành một trong những tựa game được mong đợi nhất trong suốt nhiều năm qua, mà còn hứa hẹn sẽ mang đến cho người hâm mộ những trải nghiệm nhập vai thế giới mở vô cùng độc đáo, thậm chí là cùng sánh vai với siêu phẩm Legend of Zelda: Breath of The Wild.
Cốt truyện của Biomutant được thiết kế theo dạng phân nhánh, nói một cách dễ hiểu nghĩa là mọi sự lựa chọn của người chơi xuyên suốt quá trình trải nghiệm, sẽ phần nào đóng vai trò là yếu tố quyết định những sự kiện sẽ diễn ra tiếp theo. Theo đó tất cả sẽ xoay quanh Cây Sự Sống, hiện đang chết dần chết mòn vì các loại chất thải nguy hiểm đang bắt đầu ngấm sâu vào bên dưới lòng đất, khiến cho nền văn hóa của các sinh vật trong Biomutant đang phải đối mặt với sự diệt vong.
Thế nhưng thay vì chung tay góp sức để cải thiện tình hình, thì 6 bộ lạc lớn nhất của Biomutant bắt đầu xảy ra nhiều xung đột, dẫn đến nhiều cuộc chiến đẫm máu. Ba bộ lạc trong số họ thì muốn tìm cách khắc phục và chữa lành cho Cây, nhưng những bộ lạc còn lại thì muốn lợi dụng thời điểm khốn khổ này để mở rộng lãnh thổ, cũng như để củng cố quyên lực của chúng. Lúc này, người chơi chỉ được phép lựa chọn ủng hộ một trong 6 bộ lạc nói trên, mục đích chính là vừa để tiêu diệt tất cả những kẻ cầm đầu của phe đối nghịch, vừa tìm cách để hợp nhất tất cả các bang phái thuộc phe đồng minh.
Về lý thuyết, Biomutant là một tựa game thuộc thể loại hành động nhập vai tuy nhiên, trò chơi không ép buộc game thủ phải “dính” với bất cứ thứ gì mà họ đã chọn ở màn hình tạo nhân vật. Chẳng hạn như theo bài tổng hợp những giống loài và class nhân vật trong Biomutant của Mọt tui, thì class Dead-Eye sẽ chuyên dùng các loại súng ống vì sở hữu thông số bổ trợ cũng như kỹ năng giúp tăng sát thương cho vũ khí tầm xa. Nhưng chúng ta vẫn có thể tăng điểm vào những thông số bổ trợ cho lối chơi cận chiến hoặc thậm chí là phép thuật. Theo đó, người chơi cũng được toàn quyền sử dụng bất cứ thứ gì mà mình muốn, từ nhiều khẩu súng và kiếm, cho đến đủ các loại trang phục, lẫn áo giáp.
Bên cạnh đó, Biomutant còn giới thiệu đến game thủ hai loại điểm cực kỳ quan trọng để giúp họ tăng sức mạnh và khả năng chiến đấu, gọi là Biomutations và Psi-Powers. Biomutations chính là những thông số cơ bản nhất mà nhân vật đang sở hữu, chẳng hạn như ngoại hình, giới tính, nhiều dạng thuộc tính và kỹ năng bổ trợ. Còn Psi-Powers chính là những loại phép thuật đặc biệt mà người chơi có thể tận dụng, một số ví dụ điển hình như Spark Ball là “chưởng” một khối cầu điện về phía địch, hoặc là Freeze dùng để đóng băng đối thủ.
Ngoài ra, có thể nói rằng Hệ thống Aura (Aura System – Dark & Light) hay còn gọi là Âm-Dương cũng là một trong những điểm nhấn khá là thú vị của Biomutant. Nói cho dễ hiểu thì đây chính là một trong những cách để game “nhận biết” được tính cách của game thủ qua các lựa chọn của họ xuyên suốt quá trình chơi. Ví dụ như nếu ta chọn không giúp người dân vô tội trong những lúc khó khăn, thì ở những lần gặp mặt sau này với những thành viên của các bang phái khác trong game, họ sẽ tỏ thái độ tùy theo tai tiếng của nhân vật chính.
Không những thế, tính năng này đồng thời còn là một cách giúp game thủ Biomutant “cày điểm” cho một vài thông số bổ trợ cơ bản, chẳng hạn như các loại điểm kháng (kháng sức nóng, kháng lạnh, kháng độc tố và kháng phóng xạ) và sức mạnh, cũng như để mở khóa thêm nhiều dạng kỹ năng đặc biệt khá là hữu dụng trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Thế giới hậu tận thế của Biomutant còn được thiết kế với những màu sắc rực rỡ, cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố truyền thống và những đổi mới của thế giới hiện đại. Tuy rằng điều đó cũng đã phần nào làm nổi bật được chất lượng đồ họa và lối chơi chủ đạo của game khi so với các tựa game cùng thể loại, nhưng theo một nghĩa nào đó, những thứ này lại mang đến những cảm giác như thể trò chơi vẫn chưa được đầu tư đến nơi đến chốn. Nếu không muốn nói là tương đối tệ.
Chúng ta có thể lấy bối cảnh cũng như môi trường của Biomutant để làm ví dụ. Tàn tích của những ngôi làng cũ kỹ nằm xen kẽ với những khu xí nghiệp, thành phố hiện đại. Thoạt nhìn thì ý tưởng này trông có vẻ khá là hấp dẫn, bởi sự tương phản giữa cái cũ và cái mới luôn là một thứ gì đó khiến cho Mọt tui cảm thấy khá là thích thú. Đó là chưa nói đến việc cảnh quan thiên nhiên, hiệu ứng ánh sáng của trò chơi cũng phần nào giúp cho game toát lên được vẻ đẹp thơ mộng huyền ảo. Tuy nhiên đa phần những nơi này lại khiến cho Mọt tui cảm thấy không được sống động, nói cách khác thì khá là vô hồn. Chắc có lẽ cũng bởi vì số lượng NPC xuất hiện trong từng thành phố, từng ngôi làng tương đối ít, hoặc ở một khía cạnh nào đó, những sự kiện hoặc nhiệm vụ trong game (cả chính lẫn phụ) vẫn chưa thực sự tạo được tác động tới nhân vật chính.
Một yếu tố khác đáng lẽ ra sẽ là thế mạnh của Biomutant nếu được thực hiện tốt tuy nhiên, nó lại trở thành một trong những điểm trừ lớn nhất khiến cho Mọt tui cảm thấy rất tiếc. Đó chính là mảng âm thanh, nói chính xác hơn vấn đề nằm ở chỗ cách dẫn chuyện của trò chơi và các cuộc hội thoại của nhân vật. Như Mọt tui đã nhắc ở trên, tựa game này tuy rằng đã tận dụng một cách khá hiệu quả phong cách kể chuyện của ông David Shaw Parker - một trong những giọng đọc cực kỳ tài năng, từng đảm nhận vai diễn người dẫn truyện trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood, điển hình như The Man Who Know Infinity (Người đi tìm vô cực) và The Magical Legend of Leprechauns (Truyền thuyết kỳ diệu về yêu tinh).
Song chất giọng của ông đã phần nào bị lu mờ bởi cách những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật trong Biomutant. Nói thẳng ra là game có quá nhiều hội thoại nhưng hầu hết (dường như là tất cả) lại không sử dụng diễn viên lồng tiếng riêng, mà lại dùng một thứ ngôn ngữ “nhà làm” (như tiếng Simlish trong series The Sims), nghe chẳng hiểu gì. Sau đó lại “nhờ” ông David phiên dịch lại từ A đến Z và cứ vậy mà trải dài cho đến tận cuối game. Việc này đã khiến cho rất nhiều game thủ, bao gồm cả Mọt tui, cảm thấy khá là… buồn ngủ và gần như không thể tập trung vào việc theo dõi cốt truyện một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên vấn đề đó cũng khá khó để giải quyết một cách hiệu quả, cũng bởi vì trên căn bản Experiment 101 là một nhà phát triển game với đội ngũ nhân sự chỉ xấp xỉ tầm khoảng từ 18 cho đến 20 người. Kéo theo đó là nhiều điều bất cập, có thể một phần là do ngân sách hạn hẹp, nên buộc lòng studio phải làm như vậy để tiết kiệm chi phí, phần khác là do bị nhà phát hành “dí” deadline. Và tất nhiên, tuy đó cũng chỉ là những suy đoán của Mọt tui sau 5-6 giờ trải nghiệm nhưng Mọt tui vẫn nghĩ nếu Experiment 101 có thêm nhiều thời gian hơn để chăm chút cho Biomutant, chắc chắn rằng trò chơi sẽ được cộng đồng game thủ đón nhận một cách nồng nhiệt.
Trong thời điểm nhà nhà người người gặp không ít khó khăn vì dịch Covid, thì chuyện phát triển được một tựa game vừa đủ hay vừa mang tính giải trí cao và quan trọng hơn hết là phù hợp với tất cả mọi người, là một việc tương đối khó, nhất là đối với hầu hết các studio game lớn nhỏ trên toàn thế giới. Qua đánh giá của Mọt tui ở phía trên, chắc hẳn nhiều anh em cũng phần nào hiểu được rằng tại sao Biomutant hiện nay đang phải hứng chịu một lượng “gạch đá” khổng lồ từ phía cộng đồng game thủ.
Tuy nhiên mặc cho những lời chê bai, chỉ trích, Mọt tui vẫn muốn đánh giá tựa game này một cách công bằng hết mức có thể. Thế nên dù cho hầu hết những yếu tố liên quan đến gameplay, cũng như cốt truyện, gần như lúc nào cũng mang đến cảm giác nhàm chán vì chưa thực sự được đầu tư đến nơi đến chốn. Nhưng khi nhìn nhận ở một khía cạnh khác, thì Mọt tui vẫn không thể nào phủ nhận một điều rằng, Biomutant là một trong số ít những tựa game sở hữu nhiều ý tưởng khá hay, đã từng xuất hiện trong suốt nhiều năm đổ lại. Chẳng hạn như sự kết hợp giữa lối chiến đấu bắn súng-chặt chém đậm chất series Devil May Cry và tinh hoa võ thuật của Trung Hoa cổ đại.
Chính vì vậy, trong tương lai Mọt tui rất mong rằng studio Experiment 101 sẽ cập nhật nhiều bản vá để sửa lỗi, cũng như để cải thiện tất cả những bất cập đã được Mọt tui kể ở trên. Bởi lẽ theo nhận định cá nhân của mình, thì đây thực sự là một tựa game có tiềm năng để phát triển lâu dài và cái mà nó cần nhất ở thời điểm hiện tại, là tình yêu đến từ phía nhà phát triển.
Chấm điểm: 6/10
Ưu điểm:
Nhược điểm: