Thú thật thì Mọt Leo Cây tui đây là một người hoài cổ. Sau nhiều năm thăng trầm với những biến tấu khác nhau của JRPG, Mọt bỗng thèm một chất cổ điển như Final Fantasy với các bản đầu thanh thuần hay Breath of Fire thuần túy của những ngày xưa cũ. Nhưng dạo quanh các store bán game chỉ gặp toàn game dựng từ RPG Maker với gameplay thuần copy và không mấy có chiều sâu khiến bản thân có chút nản lòng. Thế rồi mấy hôm trước Mọt vô tình lướt qua Aria Chronicle trên Steam và thực sự thấy đây là một game tiềm năng đáng chơi thử.
Trong các bài đánh giá của người dùng, họ mô tả đây là một kiểu Darkest Dungeon phiên bản phong cách Nhật. Tức là kết hợp giữa Dungeon Crawler và phong cách đánh theo lượt JRPG. Giá bán cũng đang được giảm nên tội gì không thử, và thật sự thì Mọt cảm thấy mình không mua nhầm chút nào.
Cốt truyện của Aria Chronicle khởi đầu khá đơn giản với cô công chúa Aria của vương quốc Tamageria đã có một chuyến hành hương cùng nữ paladin hộ vệ Tila và cậu nhóc thư ký Gerom. Khi họ chuẩn bị trở về thủ đô thì động độ một nhóm tà giáo bí ẩn trong rừng dẫn đến một số sự kiện bí ẩn diễn ra trong ngôi làng gần đó.
Những kẻ tà giáo này đang giấu giếm một âm mưu gì đó rất lớn liên quan đến cuộc chiến trong quá khứ giữa cái thiện và cái ác mà chính vị vua hiện tại là cha của Aria cũng từng tham gia. Aria cùng các bạn của mình quyết tâm ngăn chặn từ sớm âm mưu đen tối này để nó không làm hại những người dân vô tội của ngôi làng nhỏ và sau đó là cả vương quốc Tamageria.
Mới đầu Mọt tui hơi “hết hồn” khi biết rằng game có đến… 13 class nhân vật. Khởi động trò chơi bạn sẽ chọn một cho công chúa Aria và sau đó các nhân vật khác tham gia vào party cũng sẽ theo mẫu của 13 class này. Mỗi class đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau nhưng cũng có một số điểm chung nhất định. Điểm đặc sắc nhất trong các class này là chúng được thiết kế rất… lạ. Ngoài các loại cơ bản như paladin, priest, druid, mage… Aria Chronicle còn có các class rất độc đáo chứ cook, exile, charmer với những phong cách chiến đấu pha trộn đầy khác biệt.
Các loại vũ khí trang bị sẽ được một số class sử dụng chung. Ví dụ thanh kiếm cơ bản có thể được dùng bởi 5 class thay vì mỗi lớp dùng một vũ khí đặc thù. Điều này lại dẫn đến một nhược điểm là hệ thống trang bị và vũ khí trong Aria Chronicle chỉ vừa đủ chứ không được phong phú. Hầu như không có item riêng biệt cho mỗi class mà thường là dùng chung một vài class với nhau hoặc có item dùng được cho tất cả.
Ngoài 2 nhân vật chính được xác định là “không thể chết” là công chúa Aria và Tila (Gerom không tham gia chiến đấu) thì các nhân vật khác sẽ có thể chết nếu để bất tỉnh trong trận quá lâu. Do cơ chế game là sẽ tuyển dụng các lính đánh thuê vào party nên các nhân vật phụ này có thể chết hẳn cũng không ảnh hưởng cốt truyện, còn nếu bạn muốn giữ họ lại thì vẫn có cách để hồi sinh.
Việc “chết” này được xác định khi nhân vật bị hết HP và gục (rơi vào trạng thái coma). Bạn sẽ phải dùng phép hoặc item hồi sinh hoặc phải kết thúc nhanh trận đánh đó. Nếu quá số lượt mà không hồi sinh coi như nhân vật sẽ chết và bạn phải quay về nhà thờ trong làng để làm phép hồi sinh. Đây là một cơ chế “làm khó” người chơi khi một thành viên trong party phải mất rất nhiều thời gian để luyện cấp mà chết thì bằng mọi cách bạn phải cứu lại nếu không sẽ phải luyện lại người khác rất cực khổ.
Cơ chế luyện cấp cũng khá là công phu khi chỉ những nhân vật tham gia party trực tiếp đánh trận mới nhận được kinh nghiệm. Nghĩa là những nhân vật dự phòng sẽ phải luyện riêng và thay đổi liên tục. Mặt khác, game cũng cung cấp một chỉ số gọi là độ vui vẻ, nếu đi đánh nhau quá gian khổ hoặc bạn hủy nhiệm vụ thì độ vui vẻ sẽ bị tụt nghiêm trọng. Nếu nó quá thấp thì nhân vật sẽ bị trừ sức mạnh, bất tuân lệnh hoặc có khả năng rời bỏ party giữa trận. Bạn phải cho họ nghỉ ngơi và thay người khác vào để hồi phục chỉ số này. Nói cách khác là phải thuê nhiều nhân vật rồi thay xoay tua liên tục.
Phần combat của Aria Chronicle theo đúng những gì mà Mọt tìm kiếm. Nó theo bộ khung cổ điển của thể loại đánh theo lượt, hai bên lần lướt ra đòn thứ tự dựa theo chỉ số speed của nhân vật. Bạn có thể đánh thường hoặc tung kỹ năng có tốn MP, các kỹ năng sẽ có 5 dạng là tấn công, buff phòng thủ, debuff kẻ địch, hồi máu và thay đổi “thế tấn”.
Party của bạn sẽ được bổ trợ thêm một sức mạnh nữa là chiêu Ultimate. Chiêu thức siê cấp này sẽ được tích khi chiến đấu và dùng chung bởi toàn đội, nhưng mỗi class sẽ ra một chiêu khác nhau tùy chiến thuật. Ví dụ bạn có thể cho một Warrior dùng Ultimate đánh một đòn cực mạnh lên đối phương hoặc dành lần tung chiêu này cho Priest để hồi sinh và hồi máu cho tất cả đồng đội. Bạn chỉ được chọn 1 thôi nhé!
Tất nhiên, bạn vẫn có quyền dùng item thay vì tấn công hay dùng kỹ năng. Kho item dạng bổ trợ này cũng có khá nhiều thứ hữu dụng từ bình máu, bình MP cho đến các bình giải độc, hồi sinh, tăng kháng nguyên tố. Thậm chí cái lão già giả kim trong làng còn chế ra hẳn một quả bom... chất thải ném ra bốc mùi hôi thối xua quái bỏ đi ngay lập tức.
Đây là một game dựa vào kiến trúc Dungeon Crawler nên các nhiệm vụ và cốt truyện game đều diễn ra qua các đợt chui hầm ngục. Nói là hầm ngục chứ thực ra nó lại là các vùng ngoại ô có môi trường đặc trưng khác nhau mà thôi. Mỗi lần tiến vào bạn sẽ vào một cái bản đồ mini ngẫu nhiên và đi qua từng ô đại diện cho khu vực nhỏ trong đó. Mỗi ô có thể sẽ chứa các sự kiện khác nhau như gặp thương nhân, gặp rương báu, gặp trại nghỉ hồi máu…
Mỗi lần đi qua một ô sẽ tốn một lượng stamina, vì vậy bạn phải quyết định cân chỉnh các hoạt động của 1 đợt chui hầm để nó không bị cạn hết trước khi về đích. Khi Stamina về 0 mỗi lần di chuyển sẽ trừ thẳng vào chỉ số vui vẻ của tất cả nhân vật trong party. Nếu nhây quá đáng bạn sẽ gặp một thảm họa khó tránh là độ vui vẻ tụt dốc và party sẽ hỗn loạn ngay.
Sau mỗi lần đi hầm ngục bạn sẽ trở về làng nghỉ ngơi, các hiệu ứng bất lợi sẽ được xóa và HP – MP được hồi đầy. Ngôi làng cũng là nơi có nhiều tiện ích để bạn phát triển sức mạnh như quán rượu để nhận nhiệm vụ phụ hay tuyển thêm người vào party, lò rèn để mua hoặc tạo vũ khí trang bị từ nguyên liệu nhặt trong hầm ngục, nhà thờ hồi sinh nhân vật chết và buff phép cho lần chui hầm kế tiếp…
Điểm thú vị là bạn có thể bỏ tiền ra để nâng cấp các công trỉnh này. Các nâng cấp sẽ giúp mở khóa các tính năng cao cấp hơn giúp bạn mạnh hơn ở một mặt nào đó. Việc nâng cấp này khiến Mọt chợt nhớ đến Heroes III ngày xưa, mặc dù Aria Chronicle không sinh động được như vậy.
Aria Chronicle rất ý nhị khi cho phép bạn chọn ngôn ngữ hiển thị là tiếng Anh nhưng phát âm của nhân vật vẫn là tiếng Nhật. Nó rất thân thiện với những ai thích xem anime cũng yêu mến văn hóa Nhật. Phần âm thanh và nhạc nền của Aria Chronicle thì đậm chất Fantasy phương Tây vốn không lạ gì với các fan JRPG phong cách châu Âu như Breath of Fire hay Final Fantasy những bản đầu.
Và phần hình ảnh, mặc dù chỉ là một game 2D nhưng đồ họa của Aria Chronicle được vẽ rất đẹp. Ngoài chất anime Nhật rất đậm thì các mô hình cũng được vẽ rất sắc sảo và chuyển động của chúng cũng rất mượt mà. Điều này giúp cho các pha đánh nhau của các class cực kỳ đẹp mắt và uyển chuyển.
Mọt thích nhất là mô hình của cô gái bán hàng chợ đen Nadiya, một nét hippy cộng với mái tóc đỏ cực kỳ đẹp nhưng không kém phần đen tối và bí ẩn.
Đối với một tay thích hoài cổ hay nói đúng hơn là muốn có lại trải nghiệm gameplay JRPG cổ được tinh chỉnh chút đỉnh cho hợp thời như Mọt tui và chắc chắn là một cơ số không nhỏ các game thủ khác thì Aria Chronicle là một món quà bất ngờ thú vị. Kiểu chơi quen thuộc thêm chút mới lạ, đồ họa phong cách anime, cốt truyện fantasy kinh điển, tất cả chúng làm nên một trải nghiệm nhẹ nhàng quen thuộc nhưng rất đắt giá.
Aria Chronicle được xem như một game tầm trung với giá bán chỉ 144.000đ nhưng mang một độ sâu đáng kể về gameplay có thể coi là đáng từng xu với fan JRPG cổ điển.
Ưu điểm:
Nhược điểm: