Rich Geldreich, một cựu nhân viên Valve làm việc cho hãng trong thời gian từ 2009 đến 2014 vừa dành ra vài ngày để đăng tải những mẩu tweet chứa các thông tin mô tả những cuộc đấu tranh nội bộ của các công ty “tự quản lý.” Ông không nói tên cụ thể, nhưng trong số những công ty được nhắc đến có một công ty đặt trụ sở tại Bellevue, Washington – thành phố mà Valve tọa lạc.
Trong số những bình luận này, một số có thể được xem là đúng với bất kỳ công ty nào, nhưng số khác tỏ ra cụ thể hơn rất có thể nói về chính Valve, cha đẻ Half-Life và nền tảng Steam. Ví dụ: ông nói về đợt sa thải hàng loạt hồi năm 2013, và chúng ta biết rằng đó là lúc Valve sa thải hàng loạt nhân viên làm việc trong mảng phần cứng và mobile của hãng.
Trong số những thông tin mà Rich tiết lộ, khá nhiều điều tỏ ra gây shock cho người đọc. Theo ông, một công ty mình nhắc đến cố ý tiết lộ quyển sổ tay “thân thiện với nhân viên” để đánh bóng bản thân, trong khi thực tế đó là môi trường làm việc đầy căng thẳng, toàn những trò “đâm sau lưng” hay “ném đá giấu tay” nhằm theo đuổi tiền bạc và chức vụ.
Trong bài viết này, Mọt game xin được chọn ra vài mẩu tweet của Rich, và chỉ ra những gì khiến chúng ta tin rằng ông đang nói về Valve:
“Ở công ty tự quản có chế độ tiền thưởng: khi bạn chạm vào một dự án, bạn sẽ dính vào đó cho tới khi nó được tung ra. Đội ngũ phát triển sẽ dùng tiền thưởng của bạn làm con tin rồi tuyên bố phần việc của bạn có lỗi hay gì đó. Cơ bản đó là tống tiền hợp pháp trong công ty.”
Hồi năm 2013, nhà kinh tế học Yanis Varoufakis, một cựu binh khác của Valve nói rằng tiền thưởng là phần rất quan trọng trong thu nhập của nhân viên Valve. Cơ chế trả lương của hãng có một phần rất lớn là thưởng, trong khi lương chỉ được trả ở mức tối thiểu.
“Công ty tìm đến một lĩnh vực mới. Họ thuê một nhân viên quan trọng tạm thời, sau đó sa thải cô ấy 1 năm sau mà không báo trước bởi họ đã thuê được hết bạn của cô ấy và bạn của những người bạn đó.”
Câu tweet này có thể đang nói về Jeri Ellsworth, nữ lập trình viên nổi tiếng trong mảng thực tế tăng cường (AR) được Valve săn về để dẫn đầu bộ phận phát triển AR của hãng. Sau đó, họ vứt bỏ mảng này và sa thải cả Jeri cùng vài nhân viên khác.
“Một chiến thuật thuê người khác là tuyển một tác giả, nhà phát triển nổi tiếng hay ai đó có kỹ năng đặc biệt (chẳng hạn nhà kinh tế học). Để họ viết về trải nghiệm tuyệt vời của mình ở công ty. Sau khi xong việc, để họ âm thầm ra đi.”
Nếu như ba chữ “nhà kinh tế học” không nhắc nhở bạn, tác giả xin được chỉ ra rằng Rich ám chỉ ông Yanis đã được nhắc đến bên trên. Ông từng viết các bài blog cho Valve trong một thời gian dài.
“Tất cả các tổ chức tự quản lý đúng nghĩa đều phải để lộ Sổ Tay Nhân Viên chính thức một cách không chính thức. Nó phải thật xịn và thật hấp dẫn. Các chuyên gia tạo ra chúng để dụ các tân binh vào đường hầm. Dân nội bộ thì chế giễu những sổ tay đó.”
Hồi năm 2012, sổ tay nhân viên của Valve đã bị tiết lộ. Nếu bạn muốn đọc nó, Mọt có link bản PDF của nó tại đây.
Rich cũng nhắc đến việc trong công ty có các vị “nam tước” thế lực nằm trong đội ngũ lãnh đạo, các nhân viên muốn có công việc ổn định phải bợ đỡ những nhân vật này. Mọi thứ nhân viên làm cũng sẽ được quản lý và theo dõi chặt chẽ.
“Ở những tổ chức tự quản bạn có thể được đưa vào những văn phòng mở khổng lồ, được cho những màn hình ngoại cỡ. Đó là để chuẩn hóa các cách giao tiếp và theo dõi hiệu quả hơn. Mọi thứ sẽ bị theo dõi, dù là trực tiếp bởi phòng tổ chức, một trong số các vị nam tước hoặc bạn bè của họ.”
Nhiều nhân vật giấu tên khác cũng nói về Valve gần giống những nhận định của Rich trên Glassdoor, trang web đánh giá công ty nặc danh. Một người gọi quá trình đánh giá nhân viên của Valve là “cuộc thi độ nổi tiếng,” và một người khác nói cách mà Valve che giấu lương thưởng tạo ra sự lo lắng hãi hùng trong đội ngũ nhân viên.
Một đánh giá cực xấu về Valve trên Glassdoor nói rằng “nếu bạn tin những lời trau chuốt của Valve, bạn sẽ nghe rằng không có sếp, không có quản lý, không có giám sát và cấu trúc công ty là mọi người đều thông minh, ngầu ngụa, khôn ngoan nên có thể làm việc hoàn toàn tự chủ. Nhảm nhí. Để thành công tại Valve, bạn phải thuộc phe nào đó có quyền quyết định. Ngay cả khi bạn thành công tạm thời, hãy tin chắc là mình có “hạn sử dụng.” Bất kể bạn chăm chỉ đến đâu, sáng tạo và hiệu suất đến mức nào, nếu sếp và những người quan trọng không thích bạn, bạn sẽ bị sa thải.”
Valve vốn là một công ty đầy bí ẩn, nơi mà các nhân viên có thể “trôi” từ dự án này sang dự án khác mà không có hạn chế nào. Trong khi đó, sếp tổng Gabe Newell trả lời thư của các fan cũng như những lời bình luận trên Reddit một cách vui vẻ, nhưng vẫn giữ tấm màn huyền bí che phủ bản thân. Sự bí ẩn này khiến những lời bình của Rich nổi bật, bởi ai cũng muốn biết làm việc ở Valve sẽ như thế nào.
Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều người bày tỏ mình có trải nghiệm tốt ở Valve. Điều này cũng được nhắc đến trên Glassdoor và nhiều nơi khác, nhất là trên blog hoặc Twitter, chẳng hạn bài viết của Michael Abrash hồi năm 2012 khen ngợi sự tự do ông có được ở Valve, và cấu trúc tự quản của công ty giúp mình đạt được những kết quả đáng nhớ, “những điều có thể sẽ chẳng bao giờ xuất hiện dưới những kiểu quản lý bình thường.” Đến năm 2014, Michael rời Valve để gia nhập Oculus.
Sau những lời bình luận của mình về “các công ty tự quản,” Rich cho biết mình không muốn trao đổi thêm với báo giới, và sẽ không trả lời các câu hỏi. Tất cả những mẩu tweet mà ông đã viết đều dựa trên những sự kiện có thật, bao gồm những gì xảy ra với những nhân viên hoặc cựu nhân viên của nhiều công ty khác nhau.
Nếu có hứng thú với tất cả những gì mà Rich đã viết, bạn có thể đọc chúng trên trang Twitter của ông.