Phụ Lục
Thế giới quái vật trong cốt truyện Resident Evil rất đa dạng, ngoại trừ đám Zombie và Tyrant là biểu tượng ra thì chúng ta còn có rất nhiều những sản phẩm thí nghiệm khác của Umbrella để phục vụ nhu cầu vũ khí sinh học. Thứ đầu tiên ra đời và có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các nghiên cứu sau này chính là Hunter – thợ săn người do Umbrella tạo ra nhằm đa dạng hóa trong lựa chọn tấn công.
Regenerador tuy không phải là Tyrant, nhưng trong cốt truyện Resident Evil nó vẫn là một sinh vật vừa nguy hiểm vừa có cấu tạo hoàn hảo tới đáng kinh ngạc.
Hunter là sản phẩm vũ khí sinh học có tuổi đời lâu nhất trong cốt truyện Resident Evil, mọi việc bắt đầu vào năm 1978 khi T-virus được phát hiện và tới 1981 thì thí nghiệm thành công, đạt được bước tiến lớn trong việc làm vũ khí như chúng ta đã biết. Nhưng do cơ chế miễn dịch của sinh vật, nên trong một cộng đồng luôn có 10% người miễn nhiễm với T-virus không bị biến thành Zombie. Điều này làm Umbrella không hài lòng, do đó họ đã bỏ công nghiên cứu những Hunter – một đội quân đặc biệt để săn đuổi những kẻ còn sót lại này.
Đầu tiên Umbrella chỉ thí nghiệm cách tạo B.O.W lên những sinh vật đơn giản như nhện, rắn hay bò sát vì gen của chúng đơn giản dễ đột biến nhất. Tuy vậy thành quả thu được lại rất khiêm tốn, vì tuy các vật chủ này phát triển kinh người về cả kích thước lẫn sức mạnh nhưng không hề tăng thêm trí thông minh. Một điều nữa là những loài này không có khả năng đột biến, có nghĩa là một con thằn thằn được cấy T-virus sẽ không bao giờ có thể phát triển thêm thành cái gì được.
Do đó Umbrella đã kết hợp tế bào bò sát (ếch, thằn lằn…) vào trứng đã được thụ tinh của con người, sau đó cấy T-virus vào. Thành quả của nó sẽ là một con bò sát khổng lồ đứng được trên 2 chân, với cấu tạo khá giống con người đi cùng các móng vuốt sắc nhọn để săn đuổi mục tiêu. Các Hunter này sau đó được sản xuất hàng loạt và xuất hiện dày đặc qua tất cả các seri Resident Evil. Chúng có thể nhận diện con mồi thông qua sóng não được kích thích sẵn, khiến Hunter trở nên điên cuồng và cực kỳ nguy hiểm.
Trong lịch sử phát triển của mình, Hunter đóng vai trò quan trọng xuyên suốt cốt truyện Resident Evil cho tới khi Umbrella bị đóng cửa sau thảm họa ở thành phố Raccoon, đặc biệt ở những phần Resident 1, 2 và 3 thì những con quái vật này chạm mặt người chơi vô số lần. Tuy không có sức mạnh dã man như Tyrant, nhưng chúng vẫn đủ sức cắt đứt đầu con mồi dễ dàng, có rất nhiều mẫu Hunter trong cốt truyện Resident Evil từ những ngày đâu, cho tới con cuối cùng do Veltro sản xuất.
Là mẫu Hunter đầu tiên Umbrella tạo ra trong cốt truyện Resident Evil, Hunter a ra đời khi cấy virus cùng với tế bào bò sát vào phôi người 3 tuần sau khi thụ thai, để có thể tách đôi 2 mã gene này ra thì Umbrella đã tạo ra một thứ gọi là βII strain. Kết quả đạt được rất khả quan khi con Hunter ra đời với hình dạng như một con thằn lằn lớn có thể đứng được bằng hai chân sau, chúng cũng có thể được nhân bản vô tính hàng loạt để sản xuất số lượng lớn. Từ lúc được thụ tinh cho tới khi trưởng thành mất khoảng 1 năm, sau đó là thời gian để tế bào tiếp tục phát triển.
Hunter a có trí thông minh tương đương một con khỉ đột, nó có thể học và nhớ được từ mười tới mười lăm mệnh lệnh cụ thể theo sự chỉ dẫn của người huấn luyện. Làn da của chúng đóng vai trò như áo giáp để chống đạn, Hunter a có tốc độ đặc biệt nhanh và thường làm việc theo nhóm, tấn công theo kiểu chạy vòng quanh con mồi. Các mẫu Hunter a được sử dụng chủ yếu ở viện nghiên cứu tại núi Arklay, đặc biệt là tiến sĩ Marcus rất thích sử dụng các con quái vật này để xem sức mạnh tới đâu với đám bảo vệ trạm nghiên cứu.
Là mẫu Hunter đầu tiên, do đó Hunter a đã rất nhanh bị thay thế bởi những đàn em thế hệ sau, điểm yếu của Hunter a là quá thiếu thông minh mặc dù sở hữu sức mạnh vượt trội, chúng tồn tại tới khoảng năm 1998 khi bị thả ra ở tai nạn phòng nhiên cứu Arklay, trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn sau vụ nổ dưới lòng đất.
Là mẫu thử tiếp theo được phát triển dựa hoàn toàn theo đặc tính ban đầu của Hunter a, các mẫu Hunter b do chi nhánh của Umbrella tại Châu Âu sáng tạo ra theo yêu cầu cải tiến toàn diện, có một điểm lợi là vì Hunter a có thể nhân bản vô tính số lượng lớn nên bộ phận Châu Âu có thể thoải mái thử nghiệm. Hunter b không sở hữu sức mạnh vượt trội như người anh, nhưng bù lại hệ thần kinh của nó tăng cao một cách đáng ngạc nhiên, cho phép con quái vật này phản xạ trong phạm vi ngắn và thậm chí là né được cả đạn.
Trong khi đang tiến hành thử nghiệm lần cuối để tiến hành sản xuất hàng loạt, chi nhánh Châu Âu đã lợi dụng thảm họa ở thành phố Raccoon để thả rất nhiều Hunter b xuống nhằm theo dõi khả năng của chúng ngoài thực địa, chúng ta đã thấy rất nhiều con quái vật này trong phần cốt truyện Resident Evil 3. Có một điểm mà các nhà khoa học Umbrella đã nhận ra sau mẫu Hunter b, đó là không cần phải quá quan trọng vào sức mạnh, khi tốc độ của đám Hunter có thể bù lại tất cả, nếu như nó có thể nhảy từ khoảng cách 6 mét tới gần và cắt đầu con mồi.
Ngoại hình của Hunter b gần như không có gì khác biệt so với người đàn anh của nó, ngoại trừ phần đầu bị u lên với phần tế bào lộ ra ngoài, biểu hiện cho hệ thống thần kinh được cải tiến tăng cường. Nhược điểm của việc này là khiến cho tầm nhìn của Hunter b bị giảm đi, nhưng bù lại tốc độ lẫn phản xạ của chúng tăng lên một cách không thể tin nổi, một con Hunter b có thể nhảy cao tới hơn 3 mét và phóng từ khoảng cách hơn 6 mét để tiếp cận con mồi. Lớp da của chúng cho phép chịu được những loại đạn hạng nhẹ, nhưng điều đó là không cần thiết vì trong những địa hình nhỏ những con Hunter b thậm chí có thể né được viên đạn tầm gần.
Sau thảm họa ở thành phố Raccoon, những con Hunter b không còn được thấy thêm lần nào nữa vì sự sụp đổ của công ty mẹ Umbrella.
Cũng được phát triển từ nguyên mẫu Hunter a, chi nhánh Umbrella ở Mỹ đã bắt đầu nghĩ tới chuyện cấy DNA của người với trứng đã thụ tinh và tế bào của loài lưỡng cư để tạo ra một mẫu Hunter mới, có khả năng thích nghi trong nhiêu môi trường và tấn công dưới nước. Giống như Hunter b thì đám Hunter y được thả thẳng xuống Raccoon để thử nghiệm, Jill đã gặp lũ quái vật này cũng như trực tiếp chiến đấu với chúng trong cốt truyện Resident Evil 3.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Hunter y là nó không hề có mắt và răng, hình dáng y hệt một con ếch khổng lồ nhưng có thể đứng bằng hai chân sau, đặc biệt kích thước của con quái vật này rất lớn, gần như là gấp đôi các người anh em của mình. Cách thức tấn công của Hunter y khá đơn giản là nó sẽ dùng cái miệng khổng lồ nuốt chửng con mồi, hoặc trong một vài trường hợp đặc biệt thì nó cũng có thể dùng móng vuốt có màng để đánh đập đối thủ.
Tuy vậy nhược điểm trí mạng của Hunter y là vì được phát triển theo gene của loài lưỡng cư, nên điều kiện hoạt động của Hunter y bắt buộc phải là những nơi ẩm ướt hoặc không có nhiệt độ cao, chính vì lý do này mà việc vận chuyển chúng là vô cùng phiền phức. Hunter y sẽ không thể tồn tại ở những nơi khô ráo, vì nhiệt sẽ khiến da và tế bào của chúng chết dần, cần phải bổ sung nước ngay lập tức để sống sót. Trí thông minh của Hunter y cũng chỉ tương đương Hunter a, thành ra với quá nhiều nhược điểm như vậy nó đã không thể sản xuất đại trà.
Sau khi Umbrella sụp đổ, các mẫu Hunter y bị tuồn ra ngoài và chủ yếu xuất hiện ở những vùng nhiệt đới vì đặc tính của mình. Tên trùm ma túy Javier Hidalgo có giữ vài con Hunter y tại dinh thự của mình, nhưng nhìn chung thì bọn quái vật này không thể phát triển như những người anh em khác.
Là mẫu Hunter sau cùng xuất hiện trong cốt truyện Resident Evil, nó không được sản xuất bởi Umbrella mà do tổ chức khủng bố Il Veltro tạo ra bằng cách cấy t-Abyss virus vào những con Hunter thường. Nó là sự kết hợp giữa sức mạnh của Hunter a, tốc độ của Hunter b cũng như đặc tính mới từ t-Abyss virus là thích nghi ở những vùng nơi có nước, đặc biệt là khả năng ẩn thân như tác kè vào môi trường xung quanh.
Ngoại hình của Farfarello gần giống như những con Hunter thông thường, chỉ khác là làn da tối màu đi cùng các gai nhỏ mọc đầy trên người. Chúng sở hữu khả năng phản xạ gần tương đương với những con Hunter b, với khả năng nhảy và vồ tới mục tiêu để tấn công, nhưng thứ quan trọng nhất chính là Farfarello có thể “tàng hình”. Bằng cách chuyển các sắc tố trên da giống như tắc kè, Farfarello sẽ biến bản thân trở nên trong suốt để hòa vào môi trường xung quanh, khi chiến đấu ở những nơi gần biển thì đây là thứ khiến cho con Hunter này gần như tàng hình.
Trí thông minh của Farfarello được cải thiện hơn nhiều vì nó nhận được nhiều loại virus hơn, con quái này biết kiên nhẫn tàng hình để bám theo con mồi và tấn công bất ngờ. Tuy vậy trong quá trình cấy virus cũng khiến cho Farfarello trở nên đột biến quá mức, nó cực kỳ hung hăng và khó kiểm soát cũng như thậm chí có thể nổi điên với chính người điều khiển.
Trên đây là những mẫu Hunter nổi bật xuất hiện trong cốt truyện Resident Evil, trong thời gian tới khi bản Resident Evil 3 Remake ra mắt chúng ta sẽ lại có dịp tái đấu với chúng ở thành phố Raccoon, nhất là khi bọn quái vật này có vẻ đã được nâng cấp toàn diện.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]