Tôi may mắn không chơi các phiên bản trước đó. Dòng game kinh dị trứ danh này không hợp với gu game của tôi. Thể loại game kinh dị mà tôi yêu thích nhất, trớ trêu thay lại là Fatal Frame. Thế nhưng tôi bắt đầu chơi Resident Evil 5 khi phát hiện ra đây là một trò chơi hỗ trợ lối chơi co-op compaign, vốn là lối chơi yêu thích của tôi.
Thời trước, thường game chỉ dành cho người chơi “tự kỷ” là chính. Nói “tự kỷ” có thể hơi quá nhưng ít ra giúp bạn hình dung được tổng thể. Khi đó, hầu hết các game bắn súng, từ FPS cho tới TPS đều chỉ đơn thuần là người chơi một thân một mình chìm đắm trong thế giới hư ảo của trò chơi. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, người ta đã mở rộng hơn đối tượng chơi game. Bạn không còn cần phải đơn thân “tự kỷ” với nhân vật trong game nữa. Người chơi giờ có rất nhiều lựa chọn khác, chơi với anh chị em trong cùng mái nhà, chơi với bạn ở tận đâu đâu cách nửa vòng trái đất, hoặc nếu thích, bạn vẫn có thể tiếp tục cuộc đời “tự kỷ” cùng nhân vật trong game. Cách chơi nào hợp với bạn thì chơi. Đơn giản thế thôi.
Trước khi chơi Resident Evil 5, tôi có từng chơi qua Resident Evil 1 và 2 cùng với phiên bản Veronica. Như đã nói, đây không phải là dòng game kinh dị yêu thích nên tôi chỉ dừng lại ở mức chơi cho biết chứ chưa hoàn thành các bản game lần nào. Có lẽ vì thế nên lần đầu trải nghiệm Resident Evil 5 lại mang đến những cảm nhận rất khác. Cụ thể, lần đầu chơi game để lại khá nhiều ức chế, chẳng hạn nhân vật đi khá chậm, thậm chí khi bạn nhấn nút chạy thì nhân vật của bạn vẫn giống như đang bị què hơn là đang chạy. Đặc trưng của dòng game Resident Evil là như vậy, chưa kể việc xoay góc nhìn của nhân vật khá khó khăn.
Mỗi lần xoay nhân vật khá giống cực hình, và nếu không cẩn thận thì bạn sẽ chẳng thể nào biết kẻ thù đang đứng ở phía nào để chờ “táng” bạn. Trong khi ở bản Resident Evil 5, Capcom đã chuyển game sang thể loại hành động nhịp độ nhanh, nhưng vẫn giữ lại nét điều khiển đặc trưng như các bản Resident Evil cũ, khiến việc điều khiển ban đầu khá khó khăn. Mặc dù kẻ thù trong game không phải là các tay đua marathon, nhưng phần lớn các màn chơi, chúng kéo ra đầy màn hình, chỉ chực đánh hội đồng bạn trong vòng vây.
Vài ngày trước, tôi đã ngồi chơi lại game để tái cảm nhận lại cảm giác trong game. Thật ra mà nói, Resident Evil 5 không thuộc loại dễ chơi. Ở độ khó Normal, người chơi bình thường hoặc lần đầu chơi Resident Evil đã có thể cảm thấy khó, chủ yếu là do góc camera gây “quạu đeo” và việc điều khiển nhân vật lúc nào cũng chậm chạp khiến người chơi khó phản ứng trước kẻ thù và ngoại cảnh. Chưa kể, người chơi muốn nhắm bắn kẻ thù lại phải đứng cố định mới có thể khai hỏa được, trong khi nhiều game bắn súng cùng thể loại cho phép bạn vừa di chuyển vừa nhắm bắn.
Trong khi đó, game lại chạy nhịp độ nhanh, điều này khá nghịch lý. Đạn dược và súng ống của bạn trong game tuy không tới nỗi thiếu thốn, nhưng trừ khi bạn là một tay súng tài ba có thể headshot thật dễ dàng ra, phần lớn bạn sẽ lâm vào tình huống “tẩu vi thượng sách” rồi xoay người lại bắn bừa sau. Đó là do, số lượng kẻ thù ở mỗi thời điểm có thể tập trung rất đông trước màn hình. Việc điều chỉnh góc xoay của nhân vật và giương súng nhắm bắn tất cả kẻ thù tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nếu trình độ bắn của bạn hơi bị tồi, xem như việc sống sót qua màn khó có thể khả thi, đặc biệt là những ai đã vốn quen với các dòng game hành động tốc độ cao như series Gears of War hay Halo.
Ở phiên bản Resident Evil 5, Capcom đã đưa vào chế độ chơi co-op lần đầu tiên trong series. Người chơi sẽ luôn có một nhân vật đồng hành (A.I.), vừa hỗ trợ bạn trong màn chơi, vừa trò chuyện với bạn cho… đỡ buồn trong suốt quá trình chơi. Nhân vật này có thể do máy điều khiển, cũng có thể là một người chơi đồng bọn khác của bạn.
Hôm nay Mọt Game sẽ cùng kể về lịch sử dòng game Resident Evil, khởi đầu với cái tên quan trọng nhất – tập đoàn Umbrella.
Nhìn chung, ở chế độ chơi Amateur và Normal, A.I. của game làm việc tương đối tốt mặc dù tôi thường xuyên bị nhân vật này đứng cản tầm bắn khá khó chịu. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ phải cắn răng nã súng vào nhân vật A.I. này vài phát để nhân vật đồng hành này biết điều mà né sang một bên. Nhưng cẩn thận đấy, ở độ khó Veteran trở lên việc bắn vào nhân vật A.I. hay đồng đội sẽ khiến họ mất máu.
Một trong những vấn đề bực nhất là ở một số màn chơi, nhân vật của người chơi và A.I. bị tách ra 2 khu vực khác nhau. Chẳng biết A.I. làm gì ở khu vực của mình, nhưng thỉnh thoảng nhân vật này lại bị chết tức tưởi mà người chơi lâm vào tình trạng không thể hỗ trợ được, đặc biệt là khi bạn tìm cách qua màn quá nhanh hoặc mới chơi lần đầu. Cách chơi tốt nhất khi chơi cùng nhân vật này là đi từ từ, tiêu diệt toàn bộ kẻ thù xuất hiện trong tầm ngắm và từng cảnh, từ gần cho tới xa bằng mọi loại vũ khí mà bạn có, rồi hẵng tìm đường qua màn. Nếu không…
Trong khi chơi với A.I. có thể gây ức chế cho nhiều người chơi thích kiểu chơi đơn độc, thì chế độ chơi co-op trong Resident Evil 5 lại thực sự khiến game tỏa sáng khi bạn chơi cùng đồng bọn. Cũng cần nhắc lại đây là một game có mang yếu tố kinh dị, nhưng kinh dị trong game lúc này chỉ là thứ yếu, vì mức độ hành động của phiên bản 5 đã được Capcom tăng tốc độ lên cao. Mà đời cũng không phải luôn như ý. Nếu bạn chơi với một người chơi có trình độ thua kém bạn nhiều, khả năng bạn sẽ gặp những ức chế tương tự như khi chơi với A.I. Mặc định khi vào màn chơi, game sẽ luôn để chế độ co-op là ai muốn vào cũng được.
Do vậy, nếu không lưu ý điều chỉnh, bạn có thể đụng phải những người chơi trình độ khá kém, thay vì hỗ trợ bạn trong màn chơi thì lại mau chóng trở thành gánh nặng tệ hơn cả A.I. Đây là một yếu tố tôi rất không thích khi nhà sản xuất để mặc định như vậy trong Resident Evil 5. Cá nhân tôi đã từng đụng vài người chơi như thế, cảm giác như đó là một đứa trẻ nào đó chơi (Resident Evil 5 được ESRB đánh giá là M, game không dành cho trẻ em!), chứ không phải là một người chơi trưởng thành. Việc thiếu giao tiếp khi chơi game cũng mang lại nhiều rắc rối. Vì thế, trước khi chơi chung với ai đó, hãy chắc rằng bạn đã có sẵn headset để tiện trao đổi cùng đồng đội.
Màn chơi trong Resident Evil 5 được thiết kế tốt, vừa phải. Từ Chapter 1 đến Chapter 5 càng lúc càng khó đi và rắc rối hơn, buộc người chơi phải đi lòng vòng để tìm cách giải bài toán mở cửa đi tiếp hoặc qua màn. Chẳng hạn như ở Chapter 3, người chơi sẽ phải đi qua rất nhiều địa danh trong màn bằng ca-nô lấy cho đủ đồ mới có thể mở cánh cửa ngay đầu màn để đi tiếp. Hay như trong Chapter 4, người chơi phải đi lòng vòng qua lại lên xuống màn chơi vài lần mới có thể giải đố mở cửa đi tiếp. Độ khó ở các màn sau càng trở nên khó hơn màn trước, kẻ thù hung hăn hơn, khó chết hơn cùng với việc thiếu đạn diễn ra thường xuyên hơn ở lần chơi đầu có thể khiến người chơi dễ cảm thấy nản. Chapter 5 thì màn chơi khá dài, đi rất lâu, lại có cả đoạn hai nhân vật bị tách ra riêng rất xa, rất khó bọc lót cho nhau. Màn này cũng có vài quái vật rất khó chịu. Tôi còn nhớ, ở lần đầu chơi, tôi và đồng đội đã bị vài con quái khó ưa trong màn này hạ sát không biết bao nhiêu lần. Ngay cả lần chơi lại gần đây nhất, kịch bản cũng lặp lại y chang vậy, ức chế kinh khủng.
Resident Evil CODE:Veronica nối tiếp sau sự kiện tại thành phố Raccoon, với nhân vật chính là Claire Redfield trên căn cứ bí mật của dòng họ Ashford.
Boss trong Resident Evil 5 đa phần đều là quái vật khổng lồ. Ở độ khó Amateur và Normal tuy chưa đủ gây khó cho người chơi nhưng khả năng boss gây nhũng nhiễu lại nhiều, dễ làm rối người chơi. Độ khó Veteran có thể gây ít nhiều khó khăn cho người chơi hơn và đã có thể xếp vào dạng khó. Phần lớn các trận đánh boss có thể kéo dài 5 đến 10 phút với điều kiện bạn phải biết rõ về con boss đó. Ở lần chơi ban đầu, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhận định chiêu bài của con boss mà ra kế sách tiêu diệt tương ứng. Một khi đã nắm được bài của boss, trận chiến đôi khi có thể trở nên khá nhàm chán. Tôi nghĩ thời gian từ 5 đến 10 phút là hợp lý cho một trận đánh boss.
Không may mắn là các con mini boss trong Resident Evil 5 lại có vẻ khó nhằn hơn. Điểm yếu trên người chúng rất nhỏ lại thường tung đòn trí mạng, nếu sơ ý bạn sẽ mất mạng như chơi ngay và buộc phải chơi lại từ checkpoint gần nhất. Lời khuyên của tôi là hãy cẩn trọng, tránh tiếp cận với những con mini boss mà bạn chưa từng gặp lần nào trong suốt thời gian chơi. Còn các trận đấu boss, thường boss luôn rơi ra cho bạn máu đều đều, mỗi đòn đánh của boss cũng không mất quá nhiều máu. Chưa kể, không gian trong các trận đấu boss cũng rộng rãi, dễ trốn và né đòn hơn.
Amateur, Normal và Veteran thì vậy, nhưng ở chế độ chơi Professional thì A.I. tỏ ra vô dụng, hầu như đẩy mọi thứ cho bạn tự liệu. Thậm chí bạn còn phải mất công bảo vệ cho nhân vật vô dụng do máy điều khiển. Lúc này, cộng sự của bạn đã trở lại với định nghĩa “nhân vật đồng hành” đúng nghĩa cùng với hàng loạt hành vi gây khó khăn, cản trở bạn tác chiến trong quá trình chơi như đã nói ở trên. Những lần hai nhân vật bị tách ra thành hai khu riêng có thể trở thành cơn ác mộng vì trình độ A.I. khiến bạn “bỗng dưng muốn khóc”, trong khi “đẳng cấp giang hồ” của kẻ thù lại tăng vượt bậc. Một đòn đánh của chúng có thể rút trọn cả thanh máu của bạn và A.I. rất nhanh. Trong hầu hết các trường hợp bạn buộc phải tìm chỗ nào đó để bọc lót bằng súng rifle cho nhân vật A.I. hoàn thành nhiệm vụ… mở cửa giúp bạn chẳng hạn.
Đấy thực sự là một ức chế không thể nào tả xiết. Các trận đánh boss trong chế độ chơi Professional cũng khó nhằn hơn rất nhiều. Mỗi đòn đánh của boss gần như đều là trí mạng đối với nhân vật của người chơi, đó là chưa kể boss cũng “tăng động” và ra đòn hung hăng hơn nhiều so với Amateur và Normal. Đổi lại, nếu là lần chơi thứ 2 hoặc thứ n, đa phần là bạn đã mở khóa được một số chức năng của trò chơi do nhà sản xuất thiết kế sẵn, ví dụ như súng bắn không bao giờ hết đạn. Hơn hết, thời điểm này bạn cũng đã nâng cấp vũ khí lên kha khá: nhiều đạn hơn, bắn mạnh hơn, khả năng xuyên thấu nhiều mục tiêu sát nhau cao, tầm nhắm xa hơn (súng rifle). Thật may mắn là độ khó Professional chỉ được game mở khóa sau khi bạn hoàn thành độ khó Veteran nên thời điểm này thì chắc chắn tay nghề và vũ khí của bạn đã được thăng nhiều cấp.
Còn nếu bạn lần đầu chơi độ khó Veteran, việc thiếu đạn dược ngay từ đầu game là chuyện chắc chắn. Chế độ chơi Professional không chỉ tăng sát thương của kẻ thù lên nhiều lần mà còn hầu như không mấy khi rơi đạn ra. Nếu không dùng tính năng bắn không hết đạn thì người chơi không có cách nào khác ngoài bỏ chạy để qua màn là chính. Tôi thì không thích chơi như vậy, chưa kể còn kẹt nhân vật A.I. Có lẽ chỉ những người chơi kỳ cựu và cực yêu thích Resident Evil 5 mới muốn thử lửa ở độ khó Veteran ngay từ lần đầu chơi game này. Số ấy chắc hiếm :).