Ngày nay, game thủ có cơ hội thưởng thức Diablo khi đang di chuyển với Diablo 3 phiên bản Switch, và sắp tới sẽ có thêm tựa game Diablo “các bạn không có điện thoại à” Immortal do NetEase phát triển, nhưng bạn có biết rằng suýt nữa thì chúng ta đã được chơi Diablo di động từ… đầu thế kỷ hay không? Nếu bạn chưa biết, hãy để Mọt kể cho bạn nghe một câu chuyện thú vị về Diablo và Blizzard nhân dịp Diablo 4 vừa được công bố còn Diablo Immortal tạm thời im hơi lặng tiếng chờ ngày ra mắt của mình.
Đó là vào mùa hè năm 2000, khi Diablo 2 vừa được phát hành. Đội ngũ làm Diablo 2 đã hoàn thành phần việc của mình, nên Blizzard North quyết định chia họ làm ba nhóm nhỏ. Max Schaefer và Tyler Thomson cùng kéo thêm một số nhân viên nữa để tạo thành đội ngũ phát triển bản mở rộng Lord of Destruction và sau này là những người đầu tiên tham gia vào việc làm ra Diablo 3. Nhóm thứ hai chuyển sang một vị trí làm việc mới và bắt đầu tạo ra hàng loạt ý tưởng cho “Project X,” và nhóm thứ ba gồm những người không có hứng thú với việc tiếp tục làm Diablo 2 hay một dự án do người khác khởi đầu. Theo lời ông Dave Brevik, đồng sáng lập Blizzard North thì “nhóm thứ ba này được quyền tự quyết định làm gì.”
Trong số những người thuộc nhóm thứ ba có Jon Morin, một lập trình viên kỳ cựu của Blizzard. Ông kiếm được một bộ Development Kit (Devkit) của máy Game Boy Advance (GBA) do Nintendo sản xuất, một hệ máy chơi game cầm tay có màn hình màu thuộc hàng tiên tiến nhất thời bấy giờ. Các nhà làm game có thể viết các phần mềm và đưa nó vào trong Devkit rồi cắm nó vào một máy GBA như thể một băng trò chơi bình thường, nên Jon có ý tưởng mới: làm một tựa game Diablo nhỏ có thể được hoàn thành mà không cần đến một đội ngũ đông đảo như các tựa game PC hay console truyền thống.
Chẳng mấy chốc, Jon lôi kéo được một đội ngũ gồm lập trình viên Steven Woo, họa sĩ Alan Ackerman và nhà thiết kế màn chơi Stefan Scandizzo để tạo ra một tựa Diablo cho GBA. Sau đó Kenny Williams tham gia trong vai trò nhà sản xuất, rồi họ trình bày dự án của mình với nhà sáng lập Dave Brevik. Cũng như Diablo 2, phiên bản Diablo cho GBA này sẽ có nhiều lớp nhân vật, rất nhiều kho báu để game thủ lục tung và vô số quái vật để họ chém giết. Ông Dave kể lại rằng mình nghĩ đó là một ý tưởng rất thú vị. “Một tựa game Diablo nhỏ với một thị trấn và rất nhiều hầm ngục? Tôi sẽ ngấu nghiến nó.”
Tuy nhiên khi các sếp của Blizzard South (đội ngũ làm WarCraft và StarCraft, sau này sáp nhập với Blizzard North vào năm 2005) đọc được nội dung trò chơi của Jon, họ lại khuyến khích Jon phát triển trò chơi cho Game Boy trắng đen thay vì Game Boy Advance màu sắc. Lý do của điều này là mặc dù GBA mới hơn và mạnh mẽ hơn, GB lại có thị phần lớn hơn và nhiều người sử dụng hơn hẳn. Bởi Game Boy được Nintendo sản xuất nhắm tới đối tượng thanh thiếu niên, Jon quyết định đặt tên cho tựa game của mình là Diablo Junior (Diablo thiếu nhi) và uốn nắn nội dung của trò chơi theo hướng không bạo lực, phù hợp với trẻ nhỏ.
Gameplay của Diablo thì bạn đã biết rồi, rất đơn giản và toàn các thao tác click chuột đơn giản, thỉnh thoảng bấm vài nút để nhặt đồ, xem kỹ năng, dọn kho… Nhưng Jon muốn tựa game của mình có nhiều hơn thế, và ông quyết định học hỏi từ Pokémon khi đặt ra một tính năng trao đổi hàng hóa tương tự. Nếu như Pokémon cho phép game thủ trao đổi các Pokémon độc quyền thì Diablo sẽ có những vật phẩm đặc biệt. “Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng hay, và tôi nghĩ nó sẽ hoạt động tốt,” ông Jon kể lại. “Một phần là nó có tên Blizzard, nó là Diablo, và ý tưởng trao đổi đồ rất được yêu thích vào thời điểm đó.”
Về mặt cốt truyện, nhóm của Jon đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau trước khi quyết định rằng Diablo Junior sẽ là tiền truyện của Diablo 1. Game sẽ có ba thành phố lớn, mỗi thành phố đều dẫn bạn đến với trung tâm của thế giới và gặp gỡ hàng binh đoàn quái vật trên đường. Game thủ sẽ có thể chọn một trong ba nhân vật khác nhau, và lựa chọn này quyết định vị trí bắt đầu trò chơi của bạn cũng như khu vực đầu tiên mà họ gặp phải khi bước ra khỏi thành phố.
Với ý tưởng về gameplay và cốt truyện được ấn định, bộ tứ bắt đầu phát triển ý tưởng của mình. Jon và Steven tạo ra các công cụ làm việc cần thiết, trong khi Alan và Stefan vẽ ra các hình ảnh phác thảo đầu tiên cho nhân vật, vật phẩm, hầm ngục… Các hình ảnh này được tạo ra chỉ nhằm thử nghiệm và làm quen với việc phát triển game cho Game Boy, đồng thời phục vụ cho việc tạo ra một phiên bản mẫu để xem trò chơi sẽ trông ra sao và chạy như thế nào theo đúng truyền thống của Blizzard North.
Đội ngũ phát triển Diablo Junior nhanh chóng đạt tới cột mốc đầu tiên khi tạo ra một bản demo có nhân vật di chuyển được trong một hầm ngục, nhưng cũng vào lúc này các sếp Blizzard (công ty mẹ của cả Blizzard North và Blizzard South) phát hiện ra một nguy cơ: làm game trên máy của Nintendo cực khó có lời. Theo lời ông Steven, vào thời đó giá bán các băng Game Boy là rất đắt và các nhà phát triển game buộc phải mua băng trực tiếp từ Nintendo, nên bộ phận tài chính của Blizzard South nói rằng Diablo Junior có rủi ro thua lỗ rất cao.
“Blizzard xem xét và họ kiểu như là, “ừ, chúng ta chưa từng làm game Game Boy nên không có kinh nghiệm quảng cáo loại game đó”,” ông Alan kể. “Khi bạn làm game cho Game Boy, bạn mua băng từ Nintendo. Nếu bạn nghĩ game sẽ bán được 50.000 bản, bạn phải mua 50.000 băng và họ (Nintendo) kiếm lời từ đó.” Nếu bán ế, đống băng đó sẽ nằm mốc meo trong kho và gây thiệt hại tài chính cho Blizzard.
Nhưng thật ra ngay cả khi game bán chạy hơn mong đợi, Blizzard sẽ vẫn phải đau đầu với những băng game của Nintendo. Khi bán hết hàng, Blizzard sẽ phải đặt thêm từ Nintendo, và những băng mới có thể sẽ phải mất nhiều tháng trời mới đến nơi vì chúng cần được sản xuất, đóng gói và gửi bằng tàu từ Nhật sang Mỹ. Sau đó, Blizzard lại phải ghi game, đóng gói và gửi đến nhà bán lẻ. Khoảng thời gian này là đủ để khiến trò chơi nguội đi trong mắt game thủ, và làm giảm lợi nhuận từ đợt hàng đầu tiên.
“Có quá nhiều rủi ro với Diablo Junior vì có quá nhiều cách mất tiền khi làm game console,” theo lời ông Alan. “Chúng tôi nghĩ thương hiệu Diablo sẽ bán chạy, nhưng họ (các sếp Blizzard) nói với chúng tôi rằng “các anh có quyền quyết định. Các anh biết về tất cả các rủi ro. Các anh có đủ tự tin với dự án này đến mức sẵn sàng để công ty chấp nhận những rủi ro đó?””
Đội ngũ làm Diablo Junior tìm đến với nhà sáng lập Blizzard North Dave Brevik, nhưng ông Dave cũng để cho họ tự quyết định tiếp tục phát triển hay hủy dự án. Alan xin lời khuyên của một người bạn đã từng làm game console và nhận được hai câu hỏi: đây có phải là lần đầu cả nhóm làm việc cùng nhau và liệu hệ máy họ đang làm có lạ lẫm không? Alan phân tích vấn đề và nhận ra rằng dù họ từng làm chung trong dự án Diablo 2, đây là lần đầu tiên họ hợp tác trong vai trò một nhóm; trong khi Game Boy là một hệ máy hoàn toàn xa lạ với cả nhóm. Alan quyết định hủy bỏ Diablo Junior.
Giờ đây, ông Alan nói rằng thỉnh thoảng mình vẫn nhìn lại và hối tiếc rằng mình đã không đi tới cùng với Diablo Junior, nhưng quyết định hủy game có thể là chính xác. Chúng ta sẽ không bao giờ có được đáp án đúng cho vấn đề này, nhưng ít ra thì giờ đây nếu muốn chơi Diablo khi di chuyển, bạn có thể dùng Switch để cày cuốc Diablo 3.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]