Phụ Lục
Bên cạnh Razer Deathadder huyền thoại, có lẽ Razer Basilisk là dòng chuột gaming thành công nhất của Razer trong những năm gần đây. Sau khi phiên bản đầu tiên Razer Basilisk được tung ra vào năm 2018, hãng đã liên tục cải tiến chú chuột này và giờ đây chúng ta có version 3 của nó, vừa được tung ra chỉ khoảng vài tháng trước. Để xem liệu chú chuột này có gì khác biệt với người tiền nhiệm và đem lại gì cho game thủ, chúng tôi thực hiện bài viết đánh giá này cho bạn đọc Mọt game.
Đúng như tên gọi của nó, Razer Basilisk V3 là phiên bản thứ 3 của dòng sản phẩm chuột gaming Razer Basilisk. Chú chuột này được thiết kế dành cho những game thủ thuận tay phải với kiểu dáng đẹp, độ chính xác cao, có phần thân bằng nhựa chắc chắn, ba nút bên cạnh trái dành cho ngón cái và một phím cuộn đầy tính năng. Nó phù hợp với cả Claw Grip lẫn Palm Grip, đặc biệt là Palm Grip (hay nút Paddle, theo cách gọi của Razer).
Là một chú chuột có dây, những game thủ có nhu cầu cao về khả năng kết nối và độ trễ hoàn toàn có thể tin tưởng vào Razer Basilisk V3. Sợi cáp này được bọc chống rối nhưng cũng cực kỳ mềm mại, và chúng tôi hoàn toàn không có cảm giác ngăn trở, vướng víu trong quá trình sử dụng. Cảm biến của nó cũng có độ chính xác cực cao do được Razer nâng cấp từ 20.000 DPI lên 26.000 DPI, dù chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có game thủ nào “chịu chơi” đến mức chiến game ở mức DPI này. Dù vậy, nó chắc chắn là một trong những cảm biến mượt mà, chính xác và nhạy bén nhất trên thị trường hiện tại.
Trong khi phiên bản cũ của Basilisk có bánh xe cuộn với cả chế độ cuộn Tactile và Free Spin, Razer Basilisk V3 có thêm một tính năng mới được Razer tập trung quảng cáo với khả năng tự động chuyển đổi giữa hai tốc độ cuộn chậm và nhanh. Các phím chuột cơ bản cũng có kha khá cải tiến, trong đó đáng nói nhất là Razer đã nâng cấp các switch cơ khí lên 70 triệu lần nhấn, hứa hẹn làm bạn với game thủ trong một thời gian rất dài.
Bộ nhớ được Razer trang bị trên thân chuột cho phép lưu trữ 5 profile để game thủ có thể tháo chuột, “nhấc ba lô lên và đi” mà không cần phải cài đặt lại phần mềm một cách phiền hà. Mặc định 5 profile này có độ nhạy lần lượt tăng từ 400 DPI, 800 DPI, 1600 DPI, 3200 DPI và 6400 DPI; có thể được điều chỉnh qua Razer Synapse. Ngay cả khi không có nhu cầu di chuyển, việc có thể chuyển đổi giữa các profile trong các tựa game khác nhau chỉ bằng một nút bấm luôn là một điều rất tiện lợi.
Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất của Razer Basilisk V3 không phải là nút cuộn hay cảm biến siêu nhạy, mà là dàn đèn LED khủng 16,8 triệu màu bao quanh chuột và đem lại cho game thủ sự sướng mắt cần thiết khi chơi game vào ban đêm. Sau khi cài đặt Razer Synapse, bạn có thể tự do tùy biến màu sắc của dải đèn này cho phù hợp với tâm trạng và sở thích hay để cho đồng điệu với các linh kiện gaming khác trên bàn của mình. Những game thủ cần một chú chuột có cả tính năng lẫn ngoại hình hoàn toàn có thể hài lòng với Razer Basilisk V3.
Việc chuyển đổi từ loại chuột gaming mà tác giả đang sử dụng sang Razer Basilisk V3 thực sự rất dễ dàng, bởi hình dáng thân chuột cũng như sắp xếp các nút bấm trên chúng cực kỳ giống nhau (dù Basilisk V3 có ít nút hơn). Thay đổi lớn nhất đến từ trọng lượng – Razer Basilisk V3 chỉ nặng có 100 gram nên cảm giác rê, lắc, vẩy sẽ khác biệt kha khá, nhưng đây là vấn đề của cá nhân tác giả. Bạn đọc hoàn toàn có thể không gặp phải sự thay đổi này nếu đang sử dụng những chú chuột có cân nặng tương đương.
Cài đặt phần mềm cho Razer Basilisk 3 cũng không hề rắc rối. Ngay khi cắm chuột vào máy, Windows 10 tự động nhận diện chuột và sau đó, Razer Gaming Software sẽ tự động xuất hiện, dẫn bạn đến với các phần mềm cần thiết (Razer Synapse) để tận dụng hết tính năng của chú chuột này. Bạn cũng có thể chọn thêm Razer Cortex nếu muốn – đây là một phần mềm quản lý tài nguyên của PC, với khả năng đóng các ứng dụng chạy nền, dồn hết sức mạnh của các linh kiện vào tựa game bạn đang thưởng thức.
Nút cuộn của Razer Basilisk V3 thực sự là một trong những thay đổi lớn nhất của chú chuột này so với sản phẩm tiền nhiệm. Nó hỗ trợ hai chế độ cuộn được gọi là Tactile (cuộn theo từng nấc rõ ràng) – và Free Spin (cuộn nhanh), đồng thời bạn có thể bật thêm tính năng tăng tốc cuộn trong Razer Synapse. Sự hỗ trợ của tính năng mới Smart Reel cho phép chuột tự động chuyển giữa hai chế độ này mà không cần bạn chạm vào nút đổi mode nằm ngay dưới nút cuộn, Razer Basilisk V3 có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong công việc lẫn gaming. Có thể bạn chưa cần tính năng này, nhưng sự tồn tại của nó là một điểm cộng đáng chú ý.
Bên cạnh đó, khả năng đẩy nút cuộn này sang trái và sang phải đem lại cho bạn thêm hai “nút” có thể được lập trình để sử dụng trong các tựa game yêu cầu nhiều thao tác. Bạn hoàn toàn có thể gán cho chúng các tính năng cần kíp nhưng ít khi được sử dụng, thuận tiện hơn nhiều so với các phím bấm ở cạnh phải bàn phím. Việc mở túi đồ trong các tựa game hành động hay kiểm tra danh sách nhiệm vụ khi chơi RPG hoàn toàn có thể được gán cho hai nút chuột này, giúp bạn không cần nhấc tay trái khỏi bốn phím WSAD quen thuộc. Tác giả tin rằng mọi chú chuột gaming đều phải có tính năng này, bởi nó đem lại 5 chức năng khác nhau ngay trên một đầu ngón tay duy nhất.
Chưa hết, tính năng HyperShift mà Razer đưa vào chuột khiến cho số lượng nút mà bạn có thể sử dụng trên Basilisk V3 tăng gấp đôi. Nó tương tự như nút Shift trên bàn phím: khi gán tính năng HyperShift vào một trong các nút bấm trên chuột và ấn giữ nó, bạn sẽ có thể kích hoạt những tính năng mới trên các phím chuột. Ví dụ khi chơi FPS thì nút chuột phải luôn là ngắm bắn, nhưng khi giữ nút HyperShift và bấm chuột phải, nó có thể là mở menu ping hay nhặt đồ. Nhờ tính năng này, dù không có lượng nút “khủng” như Razer Naga, Razer Basilisk V3 vẫn cho phép game thủ sử dụng rất nhiều tính năng cùng một lúc.
Ngày mà tác giả được “bóc tem” chú chuột Razer Basilisk V3 cũng là ngày mà phần chơi multiplayer của Halo Infinite chính thức được phát hành, nên đây là một trong những tựa game được tác giả sử dụng để trải nghiệm nó. Sự kết hợp giữa một chú chuột chơi game tuyệt vời mới cáu cạnh với một trải nghiệm bắn súng đỉnh như Halo Infinite (trừ Battle Pass trông có vẻ quá cày cuốc) thực sự là một trong những điểm sáng trong sự nghiệp cày game của tác giả năm nay. Chỉ có deadline mới có thể buộc tác giả phải cắt ngang cuộc chơi của mình để thực hiện bài viết này nhằm chia sẻ cảm nhận về Razer Basilisk V3 với bạn đọc.
Dù thời gian sử dụng Razer Basilisk V3 còn chưa dài, tác giả đã bị thuyết phục bởi chú chuột gaming này. Từ chất lượng build, tính năng, ngoại hình của nó đều thuộc hàng đỉnh, trong khi “điểm yếu” có dây thực ra là một ưu điểm với những game thủ đặt nặng hiệu năng khi chơi game và luôn muốn thống trị các bảng xếp hạng. Nếu bạn đang cần tìm một chuột gaming mới cho mình, Razer Basilisk V3 là một lựa chọn cực kỳ đáng cân nhắc.
Tham khảo thêm thông tin về sản phẩm tại: https://www.razer.com/gaming-mice/razer-basilisk-v3
Mua hàng tại XGear: https://thenewxgear.com/san-pham/chuot-razer-basilisk-v3
hoặc Playzone: https://www.playzone.vn/chuot-razer-basilisk-v3.html