Phụ Lục
Quay trở lại thời điểm khi PlayStation thế hệ đầu tiên chuyển giao cho thế hệ thứ hai, toàn thế giới phải kinh ngạc với những gì hệ máy PS2 nhà Sony làm được. Không còn là những hình ảnh 8-bit nữa, nền tảng đồ hoạ game khi đó đã được nâng cấp lên những hình ảnh đẹp mắt, sống động hơn. Để rồi tới khi PlayStation 3 ra mắt, đồ hoạ game đã dần chạm ngưỡng thực tế, khiến người chơi không thể phân biệt nổi đâu là game đâu là thực.
Còn với nền tảng PC, hệ thống phần cứng được phát triển với tốc độ chóng mặt. Khoảng thời gian ra mắt các thiết bị phần cứng mới được tính bằng năm thì giờ rút xuống có lẽ chỉ còn được tính bằng vài tháng. Nhờ vậy, các nhà làm game được phép tận dụng để “chân thực hoá” đồ hoạ game hơn.
Tuy nhiên, khác với khoảng 10 năm trước, game thủ không còn trầm trồ tận phục, không còn kinh ngạc về sự phát triển của đồ hoạ game nữa khi nó vẫn đang từng ngày chạm tới ngưỡng thực tế. Tôi tự hỏi rằng: Liệu chúng ta có cần một nền đồ hoạ game đẹp hơn nữa không? Hay bây giờ là thời điểm các nhà phát triển game nên hướng tới việc làm tốt những mặt khác trong game khi đồ hoạ game đã và đang đạt được những thành tựu quá lớn.
Một trò chơi phải hội tụ 3 yếu tố Đồ hoạ - Gameplay - Cốt truyện. Tuỳ vào gu của mỗi game thủ mà 1 trong 3 yếu tố đó có thể trội hơn hẳn. Bên cạnh đó, nhạc nền cũng có thể là điểm thu hút người chơi. Tuy nhiên có một điều có lẽ bạn đọc phải đồng tình với tôi, rằng dù đồ hoạ game có đẹp tới mức như nào nhưng đi kèm với cách chơi được làm hời hợt, cốt truyện rỗng tuếch thì cũng vẫn đáng bị ăn gạch mà thôi.
Rất nhiều trò chơi đã chứng minh được rằng không cần thiết phải sở hữu một nền đồ hoạ quá chân thực. Một game theo phong cách 8-bit cũng vẫn có thể gây ấn tượng mạnh, trở thành hiện tượng nếu có cách chơi độc đáo, mới lạ, hoặc thêm cốt truyện có chiều sâu. Getting Over It sở hữu một cách chơi độc nhất vô nhị; To the Moon có câu chuyện khiến người chơi thực sự xúc động; Hotline Miami có gameplay với tốc độ nhanh, dễ gây nghiện cùng phần soundtrack cực đã tai.
Nếu như để ngồi kể tên những tựa game không cần sở hữu đồ họa đỉnh vẫn chiếm được cảm tình tốt với người hâm mộ, tôi có thể liệt kê một danh sách dài không tưởng.
Điều tôi muốn nói ở đây là cốt lõi của một trò chơi nằm ở nội dung. Chúng ta mua game không phải chỉ để ngắm đồ họa, mà còn là trải nghiệm gameplay hay thưởng thức những cốt truyện mang đậm tính nhân văn, sâu sắc. Đó mới là cái đáng giá khi game thủ móc hầu bao của mình 60 USD.
Định nghĩa đẹp của người dùng thường không có một quy chuẩn nhất định, nó phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Có người cho rằng đẹp là phải sát với thực tế từng chi tiết nhỏ nhất, nhưng cũng có người cho rằng chỉ cần vừa đủ nhìn là được rồi.
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều trò chơi sử dụng đồ họa thế hệ cũ, nhưng vẫn khiến cho game thủ phải trầm trồ khen đẹp bởi lối thiết kế mang đầy tính nghệ thuật.
Ở thời điểm hiện tại, cho dù một trò chơi có được làm đẹp tới mức nào đi nữa cũng không thể khiến cho người hâm mộ trầm trồ, kinh ngạc như khoảng 10 năm trước. Công nghệ đồ họa đã phát triển quá nhanh khiến người chơi không còn cảm giác hứng thú khi các hãng phô diễn đồ họa nữa. Họ dần chú ý hơn vào những khía cạnh khác của ngành công nghiệp trò chơi.
Bạn đọc có thể nhận ra điều này thông qua những sự kiện game lớn trên thế giới. Người hâm mộ họ trầm trồ vì các sản phẩm mới, phần tiếp theo nhiều cải tiến đỉnh hơn phần trước,... Các hãng game giờ đây khi quảng bá game cũng ít tập trung vào việc phô diễn đồ họa hơn so với thời kỳ trước.
Mặc dù hiện giờ mức giá của linh kiện máy tính đã có phần giảm nhưng nó vẫn thuộc hàng đắt đỏ nếu người chơi muốn build một cỗ máy chơi được tất cả game. Đặc biệt là với game thủ Việt, đa số game thủ đều thuộc độ tuổi học sinh, sinh viên hoặc người đi làm thu nhập chưa cao. Do đó, để build được một cỗ máy chơi game có thể trải nghiệm được mức độ họa cao nhất vẫn còn hạn chế với game thủ.
Hầu hết người chơi chỉ có thể trải nghiệm game ở mức độ họa tầm thấp hoặc trung. Như vậy việc nhà phát triển làm game quá đẹp sẽ dẫn tới việc lãng phí. Tất nhiên là game thủ cũng có thể thay thế linh kiện lắp ráp nhưng nó sẽ kéo theo nhiều yếu tố khác nữa như tài chính, sự phù hợp giữa linh kiện cũ và mới.
Còn đối với hệ máy Console như PS4 hay Xbox One, chúng đã đạt tới giới hạn. Các máy Console không thể thay thế hay nâng cấp linh kiện nên việc một trò chơi quá đẹp mà không được tối ưu tốt sẽ dẫn tới tình trạng giật lag, tụt khung hình. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới gameplay, đặc biệt là với các trò chơi có yếu tố bắn súng. Chỉ riêng việc FPS ở mức 30 đã là quá thấp để ngắm bắn rồi, nếu như tụt xuống dưới mức 30, người dùng sẽ không thể ngắm chuẩn xác được.
Đó còn chưa kể tới việc khi phần cứng bị vắt kiệt tài nguyên, máy sẽ bị nóng lên rất nhanh. Nếu như người dùng không vệ sinh thường xuyên, việc hỏng hóc xảy ra là tất yếu.
Trong cộng đồng game thủ, từng người sẽ có cách trải nghiệm game khác nhau. Có người chỉ quan tâm tới đồ họa, có người để ý tới từng chi tiết của gameplay hay thẩm thấu cốt truyện chứa đầy plot twist. Tuy nhiên, một trò chơi nếu chỉ sở hữu đồ họa đẹp mà nội dung sáo rỗng thì vẫn là một trò chơi tệ hại mà thôi.
Có lẽ chính sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến cho game thủ không còn bất ngờ với những thay đổi trong đồ họa của trò chơi điện tử. Và có lẽ hiện giờ, việc cố gắng phá vỡ ranh giới của đồ họa là chưa cần thiết. Thay vào đó, các hãng game nên chú ý nhiều hơn tới các khía cạnh khác của trò chơi như gameplay hay cốt truyện. Đó mới là những tinh hoa của một video game.