Phụ Lục
Nếu bạn đã từng chơi Sekiro: Shadows Die Twice hay yêu thích các thể loại game “cực khó” như dòng Souls, Nioh, Bloodborne hay… Flappy Bird thì bạn sẽ cảm thấy rất “trigger” khi nghe lời đề nghị thô bỉ trên. Tuy nhiên sự thật là đang có một số ý kiến cho rằng các game quá khó nên để 1 chế độ “easy mode” để những người… chơi hổng qua nổi có thể trải nghiệm game cho bằng bạn bằng bè.
Ngoài luận điệu chính thức theo kiểu “game là dành cho mọi người nên mọi người đều có quyền được hưởng game như nhau”, các ý kiến khác cũng chỉ thẳng mặt một số người chơi game khó là… tự cho mình thượng đẳng. Họ chỉ trích một số game thủ dùng cái mác “phá đảo Dark Souls hay Sekiro: Shadows Die Twice” để lên mặt với mọi người. Từ đó họ đòi “công bằng” bằng cách yêu cầu phải có chế độ dễ để không ai có quyền lên mặt như vậy.
Nói chung thì một khi chơi game lâu năm và trông thấy cái sự khó nhằn của các game dạng Dark Souls, Mọt tui lại cảm thấy những người đủ sức vượt thử thách đó họ có quyền tự hào lắm chứ! Thử thách đó không phải ai cũng làm được, người làm được chứng tỏ họ có tài năng và sự luyện tập hay thậm chí là sự chịu đựng ức chế của hàng trăm hàng ngàn lần chết để đạt tới cảm giác xiên chết cụ thằng trùm cuối và xem end game.
Tất nhiên, xét về làng game hẳn bạn cũng biết có nhiều loại game và game thủ cũng có nhiều loại không kém. Có người thích chặt chém, có người thích giải đố lại có người thích casual giải trí nhẹ nhàng. Theo những phân loại đó, game cũng hình thành nhiều mảng khác nhau để phục vụ nhu cầu từng nhóm. Những người không muốn chơi game khó có thể chơi casual sẽ hợp khẩu vị hơn, những người thích thử thách sẽ chọn các thể loại như chặt chém kiểu Souls để thử thách kiên nhẫn hay giải đố để thử thách trí não.
Việc yêu cầu một game thiết kế cho người thích thử thách như Sekiro: Shadows Die Twice hay Souls có chế độ dễ để ai cũng có thể phá đảo thì chẳng khác nào cho game thủ casual xâm lấn thể loại dành cho game thủ hardcore. Việc này có thể ví như đòi tạo điều kiện cho cá lên cạn và… trèo cây đua với khỉ. Kiểu quan niệm “cào bằng” như thế sẽ làm làng game trở nên một màu và giết chết sự phong phú của thị trường game. Game dành cho tất cả mọi người nhưng mỗi loại game lại chỉ dành cho một nhóm người đặc trưng nhất định. Đừng đòi cho cá leo cây!
Các ý kiến đòi có chế độ riêng cho người không cày nổi game khó đều cho rằng game khó gây bất công cho những người không đủ trình trải nghiệm. Nhưng thực sự khi nhìn kỹ, nếu để cho những người chơi hời hợt chiến thắng game khó thì nó mới thực sự là bất công. Thử nghĩ xem bạn bỏ bao công sức để nghiên cứu game, tốn bao nhiêu mạng và thời gian để tìm ra phương pháp đánh trùm khả dụng. Sau đó đùng một cái có thằng chơi easy mode qua được con trùm trong 10 phút, vậy có bất công với người đã kiên trì rèn luyện hay không?
Việc này cũng giống như sự việc đỉnh Everest có tuyến tàu điện đi từ chân núi lên đỉnh vậy. Những người bỏ thời gian luyện tập, mạo hiểm tính mạng để chinh phục nóc nhà thế giới sẽ cảm thấy rất bất mãn vì 1 gã nào đó với vài chục đô mua vé có thể lên thẳng đỉnh núi check-in rồi đi xuống trong ngày. Rồi sẽ chẳng còn ai dùng việc leo Everest để chinh phục bản thân nữa, vì nó đã không còn là thành tựu của những người hiếm hoi đủ sức đạt được nữa rồi.
Nên nhớ giá trị phần thưởng càng tăng cao khi càng có ít người đạt được. Faker sẽ chẳng thể nổi tiếng nếu ai chơi LMHT cũng biểu diễn được những pha thần thánh như vậy mà chẳng cần phải qua khổ luyện như anh ấy.
Việc tạo ra bao nhiêu mức độ khó hay sắp xếp nó như thế nào không phải muốn là được. Nó phải được tính toán kỹ lưỡng bởi nhà thiết kế game. Vì vậy bạn có thể thấy nhiều game cung cấp đến 5 – 7 mức độ khó khác nhau nhưng có những game không cho bạn chọn mức độ khó luôn. Bởi vì việc gia giảm hay cân chỉnh sức mạnh của các bên trong 1 mức độ khó cụ thể rất phức tạp.
Với những game có các thành phần dễ tính toán, ví dụ như bắn súng bạn có thể gia giảm độ khó bằng HP kẻ địch, độ chính xác khi bắn của ta và địch, sát thương nhân vật gây ra… Nhưng với một game thiết kế theo cơ chế đối kháng và quan sát chiêu thức đối phương như Sekiro: Shadows Die Twice hay dòng Souls, việc ấn định độ khó rất rắc rối. Nếu đưa các mục của game bắn súng vào thì 1 là chẳng mấy tác dụng hoặc 2 là mất hẳn cảm giác phấn khích khi giao chiến. Nên nhớ cảm giác căng như dây đàn lúc cận kề cái chết là cái chính làm nên trải nghiệm độc đáo của dòng game này, làm game dễ quá sẽ khiến bạn chẳng có chút cảm xúc nào hết.
Tóm lại, bạn ở đâu thì ngồi yên ở đó. Bạn muốn biết trải nghiệm game thì có thể xem người khác chơi trên stream hay Youtube, muốn biết tường tận cốt truyện thì có thể xem trên Motgame.vn. Xin đừng đụng tới món ăn tinh thần của người chơi khác.
Bọn game thủ “khổ dâm” chơi mấy game hành xác như Sekiro: Shadows Die Twice đã không chê mấy cái game bạn chơi là dễ ợt hay cùi bắp rồi đòi làm nó khó lên chục lần thì bạn cũng đừng đòi làm game khó trở nên dễ hơn dọn đường cho sự ích kỷ và lười biếng của bạn lên ngôi.
Hoặc nếu bạn quá muốn? Hãy mua bản PC và tải cái trainer về mà chơi, cần gì phải hô hào cho mệt!