Phụ Lục
Chiến tranh là một trong những chủ đề chính của ngành công nghiệp game, và rất, rất nhiều tựa game đem niềm vui đến cho game thủ bằng cách lãng mạn hóa chiến tranh, hoặc dùng chiến tranh như nền tảng của nó. Bạn có thể nghĩ đến việc lang thang trong một thế giới hậu tận thế của Metro: Exodus, tái dựng “giấc mơ Mỹ” trong Fallout, tham gia vào những phi vụ hào hùng theo “tiếng gọi của nghĩa vụ” Call of Duty, hay chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực của toàn thiên hà trong Mass Effect.
Fallout và Call of Duty đều rất thú vị. Việc chuẩn bị cho chiến tranh trong Mass Effect 3 đem lại cảm giác thỏa mãn đến lạ lùng mỗi khi bạn thuyết phục được một chủng tộc mới đóng góp hạm đội chống lại kẻ thù chung. Thế giới hoang tàn của Metro: Exodus đem lại cho game thủ một thứ gì đó rất riêng, có chút u buồn nhưng cũng là nơi bạn tìm thấy những cuộc phiêu lưu lý thú. Tất cả những tựa game đó – và nhiều game khác nữa – đều khai thác chiến tranh theo hướng một điều thú vị mà game thủ có thể trải nghiệm, vì dù bạn là một phần của cuộc chiến hay trải nghiệm hậu quả của cuộc chiến, chúng đều khiến bạn tách biệt khỏi hậu quả của chiến tranh, và hiếm khi nhìn thấy hậu quả của nó lên thế giới quanh mình.
The Witcher 3 lại khác. Là một trong những tựa game để lại nhiều ấn tượng nhất cho Mọt tui trong nhiều năm chơi game của mình, thế giới của The Witcher 3 rộng lớn, sâu sắc và đầy những bất ngờ. Trò chơi cũng có một cuộc chiến tranh, nhưng CD Projekt Red lại thể hiện cuộc chiến này theo một cách hoàn toàn khác biệt khi xoáy sâu vào việc thể hiện sự tồi tệ của nó. Họ cho bạn biết rằng chiến tranh phá vỡ các gia đình, cướp đi sinh mạng và hủy diệt làng mạc.
Nếu bạn chưa biết về The Witcher, đây là một tựa game RPG thiết lập fantasy dựa trên các truyện cổ Ba Lan, lấy bối cảnh một vùng đất gọi là “các vương quốc phương bắc.” Đây là một khu vực gồm nhiều quốc gia có mối quan hệ phức tạp, chồng chéo được xây dựng bằng thù hận, hòa ước và tiền bạc. Bởi chúng nằm trong trạng thái rời rạc và vỡ nát, đế chế Nilfgaardian quyết định tấn công nhằm mưu đồ thôn tính các quốc gia này. Bạn là Geralt xứ Rivia, một gã thợ săn quái vật (Witcher) chuyên tiêu diệt xác sống, yêu tinh, ma quỷ, hay bất kỳ thứ quái thú nào khác.
Trong đại đa số game, nhà phát triển muốn làm vui game thủ chúng ta bằng cách đem lại cho chúng ta sức mạnh mình không có được trong đời thực, và biến bạn thành tâm điểm của mọi sự kiện khi những gì bạn thực hiện sẽ ảnh hưởng lớn đến tất cả những gì xảy ra xung quanh. The Witcher 3 cũng đi theo phương hướng này bởi dù sao thì bạn vẫn là gã Witcher hùng mạnh nhất trong lịch sử, nhưng Geralt không phải là tâm điểm của mọi thứ.
Trong kịch bản của CD Projekt Red, anh chàng có những mục đích riêng của mình, và luôn cố gắng tránh xa khỏi các mâu thuẫn giữa các bên tham chiến thay vì lao đầu vào đó, hoàn toàn không giống với hình tượng người hùng truyền thống của một tựa RPG. Bạn có thể nhận thấy điều này trong quá trình chơi: Geralt không bao giờ bước vào những trận chiến lớn, mà bạn chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc người ta đã tạm ngừng binh đao.
Khi chơi kỹ The Witcher 3, có lẽ bạn sẽ hiểu tại sao Geralt lại làm thế và đồng cảm với nhân vật này. CD Projekt Red không mô tả niềm vui của chiến tranh hay những vinh quang mà nó mang lại. Qua lời thoại của các binh sĩ trong game, bạn biết rằng cuộc chiến họ đang phải tham gia là những chuỗi ngày chán chường, mệt mỏi, kiệt quệ thỉnh thoảng xen lẫn sự điên cuồng. Với những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, họ chỉ tìm thấy sợ hãi và chờ đợi ngày được trở lại quê hương.
Một trong những nhiệm vụ ấn tượng nhất với Mọt tui là khi bước vào trong một cứ điểm của quân Nilfgaardian ở đầu game để gặp viên chỉ huy của lực lượng chiếm đóng. Khi Geralt tìm thấy mục tiêu của mình, ông ta đang nói chuyện với một người nông dân bản địa: binh sĩ của vị chỉ huy chiếm đóng ngôi làng cần lương thực, còn nông dân có lương thực.
“Nhìn vào tay tôi này,” vị chỉ huy nói. “Thấy những vết chai không? Đây là bàn tay của nông dân. Chúng ta là nông dân nói chuyện với nông dân. Anh có thể nộp bao nhiêu gạo?”
“Thưa ngài, 40 bushel. Lẽ ra có nhiều hơn, nhưng chúng tôi đã bị lính Temerian trưng thu trước đây và…”
Lúc này, vị chỉ huy ngắt lời: “Nộp lên 30 là đủ.”
Khó mà nói rằng viên chỉ huy đó là người xấu. Ông ta hành động một cách rất người khi lo cho binh sĩ của mình nhưng không phải bằng cách vắt kiệt nguồn sống của người khác. Khi người nông dân trở lại và giao nộp những túi gạo mốc, viên chỉ huy ra lệnh trừng phạt bằng cách quất roi bởi cảm thấy sự hào phóng của ông ta đã bị sỉ nhục. Người nông dân hẳn không xấu mà ông ta chỉ không có lựa chọn nào khác. Viên chỉ huy cũng không xấu, bởi ông đã cố gắng trao đường sống cho những người hoàn toàn xa lạ với mình. Hành động của cả hai đều chỉ nhằm bảo vệ bản thân, để sinh tồn chứ không phải vì thiện hay ác.
Những người lính trong thế giới của The Witcher 3 không có hứng thú với vinh quang hay danh vọng, mà chỉ muốn được bữa ăn no bụng, chỗ trú ẩn an toàn và vũ khí để bảo vệ mình. Nhưng bởi chiến tranh đã nổ ra, rất nhiều người không đạt được những nguyện vọng đó: xác chết của cả người Nilfgaardian và người phương bắc vương vãi khắp nơi, nằm trên các cánh đồng, bị treo trên cây, mục nát trong đầm lầy và nhiều nơi khác. Những người dân bình thường không quan tâm đến những điều lớn lao như ai sẽ cai trị mình, mà chỉ chú ý đến bữa ăn sắp đến. Họ biết rằng cuộc sống của mình có thể bị đảo lộn bất kỳ lúc nào, và không cố gắng để trở thành người hùng. Bạn chỉ thấy những con người bình thường đang đấu tranh để được quyền tiếp tục sống.
Hẳn bạn đã nhận ra sự tương đồng giữa The Witcher 3 với This War of Mine, một tựa game nổi tiếng khác nhờ thể hiện sự kinh hoàng của chiến tranh và buộc game thủ phải đưa ra những quyết định gian nan, thách thức chuẩn mực đạo đức của bản thân mình. Dù một game cho chúng ta có sức mạnh để tránh né hoặc thay đổi kết cục của cuộc chiến, còn game kia chỉ có thể giãy giụa để sinh tồn, cả hai đều chọn hướng đi khác lạ khi cho chúng ta thấy bộ mặt thật dữ tợn của chiến tranh.