Khi Call of Duty: Black Ops 4 giới thiệu chế độ Battle Royale có tên Blackout, đa số người hâm mộ đều nghĩ rằng đây là trò chơi sẽ đánh gục hoàn toàn PlayerUnknown's Battlegrounds (PUBG) trong thể loại Battle Royale. Thậm chí nhiều người còn dự đoán nó sẽ vượt lên trên cả Fortnite.
Thời điểm Black Ops 4 phát hành là lúc mà PUBG đang có dấu hiệu bị hụt hơi. Trò chơi của Treyarch cũng sở hữu những yếu tố vượt trội hơn hẳn so với PUBG. Tối ưu đồ họa tốt, gameplay đỉnh cao, phiên bản thứ tư này cũng tập trung toàn bộ những gì tinh túy nhất của dòng game Black Ops.
Trong thời điểm mới mở bán, các con số thống kê của Call of Duty: Black Ops 4 cũng rất ấn tượng. Ba ngày đầu tiên, game đã tẩu tán được hơn 8 triệu bản, thu về tới 500 triệu USD. Trong tuần đầu tiên, trò chơi này cũng đã bán được tới hơn 10 triệu bản. Đây có thể nói là một sự khởi đầu cực thuận lợi. Và tất nhiên, người hâm mộ hoàn toàn có thể gắn cho siêu phẩm này những cụm từ hoa mỹ như “Kẻ hủy diệt PUBG”, “trò chơi định nghĩa lại Battle Royale”,...
Tuy nhiên, tính tới nay đã 3 tháng kể từ ngày phát hành, Call of Duty: Black Ops 4 đã có dấu hiệu hụt hơi. Thậm chí game còn chưa thể vượt qua được một Battlegrounds đang ở phía bên kia của sườn dốc phong độ. Tất cả chỉ số của Call of Duty: Black Ops 4 đều sụt giảm, dẫn tới cổ phiếu của Activision Blizzard giảm theo.
Như vậy có thể thấy Call of Duty: Black Ops 4 đã phần nào đó thất bại, dù doanh thu những ngày đầu rất khả quan. Đây không phải là một tựa game tồi, nhưng nếu để nói là “hủy diệt PUBG” thì thực chất Black Ops 4 lại đang cho thấy sự lép vế hơn.
Giá cả vẫn là vấn đề khó tiếp cận
Mặc dù cái giá 60 USD (gần 1,4 triệu VNĐ) hoàn toàn tương xứng với chất lượng của Call of Duty: Black Ops 4. Nhưng nó vẫn khó để có thể cạnh tranh được với mức giá chỉ hơn 300 ngàn VNĐ của PlayerUnknown's Battlegrounds trên Steam, hay thậm chí Fortnite còn là miễn phí. Phiên bản rẻ hơn của Black Ops 4 cũng đã có giá tới 40 USD (tương đương hơn 900 ngàn VNĐ).
Nếu như Call of Duty: Black Ops 4 không so sánh với PUBG, không cạnh tranh trong thể loại Battle Royale, mà vẫn tập trung vào cốt truyện như các phiên bản trước đó thì không có gì để bàn. Nhưng Treyarch dấn thân vào BR game, mang cùng thể loại với PUBG nên sự so sánh là chắc chắn.
Người dùng sẽ chọn Battlegrounds vì giá rẻ nhưng vẫn đem lại được một trải nghiệm Battle Royale tốt. Mức giá rẻ hơn sẽ khiến nhiều người có thể tạm thời bỏ qua cho sự tối ưu có phần kém của PUBG. Họ tập trung hơn vào trải nghiệm cùng bạn bè của mình. Thậm chí có thể nói những lỗi bug hay glitch của PUBG còn là một yếu tố đem lại sự vui vẻ, khiến người chơi cảm thấy sảng khoái hơn Call of Duty.
Bên cạnh đó, những người chơi Battle Royale không phải ai cũng nghe và đã từng chơi Call of Duty. Về cơ bản thì họ chỉ là những người thấy game nào rẻ và hot thì mua. Mức giá hơn 1,2 triệu của Black Ops 4 là quá chát để có thể phủ sóng rộng rãi tới toàn thể người hâm mộ Battle Royale.
Khi không thể lôi kéo người dùng từ PUBG sang vì mức giá cao, làm sao Call of Duty: Black Ops 4 có thể “hủy diệt” được PUBG cơ chứ. Tất nhiên game có giá tận 60 USD sẽ phải đem lại trải nghiệm khác biệt. Nhưng khi người dùng vừa nhìn giá đã tặc lưỡi rồi nghĩ “thôi, giá chát chơi ‘Pắp-di’ cho lành” thì ai có thể biết được Black Ops 4 đem lại trải nghiệm đáng tiền.
PUBG thân thiện hơn với đại đa số game thủ
Mặc dù Call of Duty: Black Ops 4 lấy bối cảnh tương lai, giúp cho sự sáng tạo trở nên không có giới hạn trong việc lựa chọn vũ khí và cách chiến đấu, nhưng lại quá xa rời thực tế. Còn bối cảnh và các loại vũ khí trong PlayerUnknown's Battlegrounds được lấy cảm hứng trực tiếp từ đời thực. Nó khiến cho người chơi cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận hơn. Súng trong Call of Duty xưa nay đều bị chê là quá thiếu thực tế vì độ giật gần như không có. Còn PUBG tạo ra được những loại vũ khí từ độ giật cho tới tạo hình, bám rất sát các nguyên mẫu có ngoài đời.
Bên cạnh lối bắn thông thường, Call of Duty bây giờ đều thêm thắt những item hoặc kỹ năng đặc biệt cho nhân vật để giúp cho các trận đấu thêm phần hấp dẫn, như chạy nhanh hơn, nhìn xuyên tường, giảm được tiếng bước chân,... Đây là yếu tố hợp lý khi game lấy bối cảnh tương lai hiện đại, nơi có những món đồ công nghệ cao với tính năng đặc biệt.
Tuy nhiên, vô hình chung với đại đa số người dùng, những tính năng này lại gây quá mất cân bằng giữa những người chơi với nhau. Nó sẽ khiến cho kỹ năng cá nhân của mỗi người chơi không còn được đề cao nữa. Còn PUBG sở hữu tính chân thực cao, game không có skill đặc biệt nào cho người chơi mà tự mỗi cá nhân đều phải dựa vào đầu óc chiến thuật của mình để trở thành người sống sót cuối cùng. Tất nhiên chế độ Blackout của CoD vẫn yêu cầu người chơi phải có chiến thuật, nhưng những kỹ năng đặc biệt mà game đem lại có thể sẽ ảnh hưởng và đổi chiều thắng - thua có phần bất hợp lý.
Tất cả những yếu tố độc đáo có trong Black Ops 4 đều giúp cho mỗi trận đấu trong game hấp dẫn và phong phú hơn. Nhưng nếu như để thân thiện hay dễ tiếp cận với người dùng thì PlayerUnknown's Battlegrounds mới đem lại độ chính xác và chân thực cao.
Bên cạnh giá cả, lối chơi có phần đơn giản hơn nhưng vẫn bám sát thực tế của PUBG vẫn khiến người chơi cảm thấy dễ dàng và thoải mái tiếp cận hơn so với Call of Duty: Black Ops 4.
Call of Duty: Black Ops 4 bỏ qua nền tảng Steam
Lý do cuối cùng nhưng lại là lý do quan trọng nhất khiến sản phẩm của Treyarch không thể cạnh tranh được với PUBG, Call of Duty: Black Ops 4 đã “hít-le” với Steam để về nền tảng “cây nhà lá vườn” Battle.net. Ngay từ đầu, khi Activision thông báo sẽ đưa Call of Duty về với Battle.net, toàn thể cộng đồng người hâm mộ đã ngờ vực về một tương lai mờ mịt cho Black Ops 4.
Battle.net là nền tảng của riêng Blizzard, chỉ phát hành các game của Blizzard mà thôi. Còn Steam là cổng game digital chung cho toàn bộ các hãng game. Có lẽ tôi không cần phải nói về độ phủ sóng của Battle.net thấp như thế nào so với nền tảng của Valve. Số lượng người dùng trên Battle.net dù cũng không phải nhỏ nhưng so với Steam về cả user lẫn sự tiện lợi thì vẫn còn thua một bậc.
Cộng đồng game thủ vẫn ưa chuộng sử dụng Steam để mua và download game hơn. Có những người thậm chí còn không chơi một tựa game nào của Blizzard, họ không muốn phải cài đặt Battle.net chỉ để chơi Call of Duty.
Bên cạnh đó, những lùm xùm của Blizzard với người hâm mộ cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng ít nhiều tới Battle.net. Cộng đồng game thủ giờ đây đã không còn đặt niềm tin vào các sản phẩm của hãng nữa rồi. Thậm chí có những người còn sẵn sàng tẩy chay tất cả những gì liên quan tới Blizzard.
Suy cho cùng, việc đưa Call of Duty: Black Ops 4 về với cổng game “cây nhà lá vườn” Battle.net là điều dễ hiểu. Nó có ích cho Activision rất nhiều trong việc kiểm soát giá bán, các chương trình khuyến mãi hay lượng người truy cập vào game,... Tuy nhiên, chia tay Steam cũng đồng nghĩa Activision đã tự tay gạt bỏ đi một phần lớn lượng người hâm mộ trò chơi của mình.
Tạm kết
Call of Duty: Black Ops 4 vẫn là một siêu phẩm. Mặc dù đã loại bỏ đi phần chơi đơn nhưng Treyarch vẫn biết cách thôi miên người hâm mộ bằng các chế độ chơi khác. Xét một cách công bằng về chất lượng, PlayerUnknown's Battlegrounds không có cửa để so với Black Ops 4, vốn là một tượng đài lớn trong dòng game bắn súng. Nhưng PUBG lại sở hữu những yếu tố có thể chiều được phần đông cộng đồng game thủ như giá thành rẻ, cách tiếp cận lối chơi không quá phức tạp, đề cao tính chiến thuật và kỹ năng của game thủ,...
PUBG phù hợp hơn với đại đa số người dùng. Do đó, việc trải nghiệm game cùng với bạn bè thực sự sảng khoái. Ngay cả những lỗi ngớ ngẩn có trong PlayerUnknown's Battlegrounds cũng có thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong cộng đồng, hay là những giờ phút vui cười thư giãn của game thủ với bạn bè mình.
Call of Duty: Black Ops 4 dù có thực sự hay tới đâu, có vượt trội hơn so với PUBG về chất lượng hay sự tối ưu, nhưng game vẫn chưa đủ để trở thành “kẻ hủy diệt” PUBG. Nếu nói cho đúng thì thời điểm Call of Duty chập chững bước vào Battle Royale, Battlegrounds đã xây dựng được một chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng người hâm mộ thể loại này.