Phụ Lục
Cutscene hay các đoạn phim cắt cảnh là một yếu tố rất quan trọng trong một tựa game. Nó giúp câu chuyện, bối cảnh diễn ra trong trò chơi đó được liền mạch hơn, tạo thêm thời gian để phát triển tính cách của từng nhân vật. Các đoạn cắt cảnh này thường dài độ một hoặc hai phút và được xen lẫn giữa các màn chơi.
Tuy nhiên, có những người lại có vẻ không thích những đoạn phim ngắn này cho lắm. Họ chỉ muốn nhấn skip bỏ qua để tới với lần chơi tiếp theo một cách nhanh nhất có thể. Lý do cho vấn đề này thì có rất nhiều, có thể họ không đủ kiên nhẫn để ngồi xem thay vì ngồi chơi, vốn tiếng anh của họ không đủ để hiểu được các đoạn hội thoại, họ đã chơi qua game và đang chơi lại lần thứ "n"...
Cộng đồng game thủ cũng có rất nhiều lần bàn luận, thậm chí là những lần lên án cho hành vi skip cốt truyện này. Vậy các trò chơi nên hay không nên có nút skip, cho phép người chơi bỏ qua các đoạn cắt cảnh?
Quả không ngoa khi nói những đoạn cắt cảnh chiếm khoảng 50% những gì hay nhất của một trò chơi. Ở những đoạn cinematic này, không chỉ đơn giản là bạn ngồi xem phim, không phải chỉ là ngồi nghỉ xả hơi sau một loạt các nhiệm vụ, những đoạn cutscene thực sự đem lại cảm xúc cho người trải nghiệm.
Tại đó, người chơi có thể hiểu hơn những câu chuyện, những tính cách của nhân vật chính mà phần gameplay không thể lột tả rõ được. Nó dẫn dắt người chơi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Thậm chí, những đoạn cao trào cũng có thể lấy đi nước mắt của người chơi. Bạn còn nhớ phân cảnh Joel ngồi ôm xác của Sarah, cô con gái của ông, đã bị một tên lính bắn chết do bị nghi dính đại dịch. Những ai đã từng chơi hoặc xem qua Youtube đều không thể kìm được nước mắt khi chứng kiến phân cảnh đó.
Hay như với trò chơi Life is Strange, một trò thiên về phần cốt truyện, nếu không có các đoạn cutscene, liệu bạn có thể hiểu được mối quan hệ của Max và những người xung quanh hay không? Chính những đoạn cắt cảnh là tư liệu giúp người chơi có những quyết định sáng giá hơn trong cả cuộc hành trình về sau của nhân vật chính.
Đặc biệt là với những trò chơi cho phép game thủ lựa chọn các đoạn hội thoại để tự phát triển những nhánh rẽ của cốt truyện. Nút skip lúc này sẽ thực sự nguy hiểm, nó khiến cho người chơi cảm thấy mông lung, không hiểu chuyện gì xảy ra chỉ sau khoảng 1 phần 3 thời lượng game.
Với các game bắn súng thì sao? Nhiều người sẽ cho rằng các game thuộc thể loại shooter sẽ tập trung hơn vào phần bắn chứ không phải là ngồi xem. Vậy series Call of Duty vì sao lại trở thành một trong những tượng đài của dòng game bắn súng? Đó là nhớ 3 phần Modern Warfare cùng các đoạn phim đã quá đi sâu vào lòng người hâm mộ. Nó đã thể hiện được tất cả những gì hào hùng nhất của những người lính, nhưng cũng không quên miêu tả chiến trường hiểm nguy và tàn ác như thế nào. Và nếu không có các đoạn cắt cảnh, chúng ta sẽ không hiểu được các nhân vật như Captain Price, Soap hay mối quan hệ của Yuri với Makarov,...
Cutscene là yếu tố không thể thiếu của video game. Ngay cả với những game platform cũng chứa những đoạn phim cinematic có thể khiến cho người chơi cảm thấy phấn khích hơn, hiểu rõ nhân vật mình đang chơi cùng hiểu rõ câu chuyện mà mình đang trải nghiệm hơn.
Các đoạn cắt cảnh xen lẫn gameplay được chia làm 2 loại: Tương tác và không tương tác. Đa số các trò chơi đều sẽ dùng dạng cutscene không tương tác. Tức chỉ đơn giản là chiếu một đoạn phim và bắt người chơi ngồi xem từ đầu tới cuối. Có lẽ đây chính là lý do mà khá nhiều người không thích các đoạn cắt cảnh. Việc đang sử dụng tay một cách linh hoạt thì bỗng nhiên game lại bắt bạn ngồi không chỉ để xem một đoạn phim cũng có phần gây khó chịu. Mà chưa chắc bạn đã hiểu được đoạn phim đó nói về cái gì. Rất nhiều hãng sử dụng cutscene một cách hời hợt, không đầu tư dẫn tới ảnh hưởng tới chất lượng chung của toàn bộ trò chơi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều hãng game cũng lồng ghép thêm vào một dạng cutscene nữa, cho phép người chơi tương tác. Uncharted 2: Among Thieves đã làm rất tốt khoản này, đem lại một trải nghiệm hoàn toàn lôi cuốn. Về cơ bản loại cutscene này sẽ được phát triển riêng cho các NPC. Người chơi khi tới gần những nhân vật phụ, game lập tức sẽ thể hiện các đoạn cắt cảnh, đôi lúc là cho người chơi lựa chọn đối thoại với NPC luôn.
Cách này cho phép các nhân vật phụ có chiều sâu hơn, thể hiện được tâm lý của mình và có sự ảnh hưởng tới mạch cốt truyện chính. Hoặc chỉ đơn giản là game thủ lang thang trong khu vực trò chơi và đi bắt chuyện, khám phá toàn bộ khu vực mình đang chơi mà thôi.
Lấy ví dụ ngay ở Uncharted 2, khi Nathan ở làng Tây Tạng nổi tiếng trên ngọn núi tuyết thuộc dãy Himalaya. Đây là lần đầu tiên Nathan tới ngôi làng này, do rào cản ngôn ngữ nên anh không thể giao tiếp với người dân xung quanh.
Nếu như các trò chơi khác thường để cutscene mà không cho phép người chơi tham gia tương tác, thì Uncharted 2 lại làm ngược lại. Khi Nathan tới với một khu vực có 2 đứa trẻ Tây Tạng đang chơi bóng. Khi anh vừa tới, quả bóng ở ngay gần chân Nathan. Người chơi có thể cho Nathan đá quả bóng về chỗ bọn trẻ hoặc không? Và tất nhiên khi anh không đá sẽ tạo một ấn tượng không tốt trong mắt bọn trẻ và người dân xung quanh.
Việc thích hay không thích, bỏ hay không loại bỏ các đoạn cắt cảnh lại phụ thuộc vào thể loại game và gu trải nghiệm của người chơi. Nếu trải nghiệm các game đối kháng thì việc muốn nhanh chóng bỏ qua các đoạn phim cinematic là điều dễ hiểu, người chơi muốn nhanh chóng vào các trận đánh. Hơn nữa, game đối kháng phù hợp chơi với bạn bè hơn là ngồi một mình rồi tự tìm hiểu cốt truyện.
Nhưng ngược lại, đặc biệt là các game nhập vai RPG hiện nay, hoặc các sản phẩm tới từ Quantic Dream, nếu người chơi thích nhấn skip thì tôi đảm bảo những thứ hay ho của trò chơi sẽ bị phá bỏ hoàn toàn. Với các game RPG, những lời thoại, các đoạn cắt cảnh là bắt buộc phải có. Đây là thể loại game xây dựng nên một thế giới rộng lớn với rất nhiều rẽ nhánh câu chuyện. Chỉ cần người chơi nhấn skip trong một tích tắc thôi là có thể sẽ rơi vào trạng thái mông lung, không hiểu mình đang chơi cái gì.
Có lẽ các trò chơi vẫn cần phải có những đoạn cắt cảnh, và vẫn để lại nút skip cho những game thủ không có sự kiên nhẫn. Dù sao trò chơi điện tử sinh ra là để phục vụ rất nhiều đối tượng người chơi mà.
Và một điều quan trọng nữa, việc bạn có nhấn skip, bỏ qua các phân cảnh cutscene hay không thì đó là việc của bạn. Như đã nói ở trên, đó là tùy vào từng gu trải nghiệm của mỗi người. Nhưng xin đừng nhấn skip liên tục rồi sau đó lại đánh giá rằng game này chơi chả hiểu gì cả, đó là hành động tự ngược và rất dễ bị "ăn chửi" khi mang ra bàn luận.
Bạn có thể xem youtube, bạn có thể nhấn skip. Nhưng khi không trải nghiệm được hết những gì nhà phát triển đem lại thì bạn cũng đừng lên mạng chém gió, rồi lại tỏ ra “thượng đẳng” với những người đã tốn vài chục tiếng đồng hồ ngồi chơi và kei6n trì theo dõi mạch truyện.
Hiện giờ đang có rất nhiều game thủ như vậy. Họ khi chơi game chỉ trải nghiệm được một phần, nhấn nút ‘bỏ qua’ gần như toàn bộ những gì có trong game, cũng không thèm đi khám phá thế giới xung quanh. Nhưng rồi lại lên các diễn đàn mở miệng chê bai. Và khi phản bác thì họ lại lôi bài văn “Đó là trải nghiệm của tôi, tôi thích thì tôi nói”.
Đây được xem như là một cách không tôn trọng những người làm game, cũng như không tôn trọng chính đồng tiền mình bỏ ra mua game (trừ khi bạn chơi game crack).
Các đoạn cutscene có thể coi là một trong những tinh hoa của một tựa game. Nó giúp cho trò chơi có được sự thống nhất, liền mạch giữa các màn chơi với nhau. Bên cạnh đó, nó giúp cho người chơi có thể được nghỉ xả hơi một lúc, giúp các ngón tay đỡ mỏi mà lại vừa được chiêm ngưỡng những phân đoạn cinematic hoành tráng.
Không hề sai khi nói rằng việc nhấn nút skip, bỏ qua cutscene giống như bạn đã thẳng tay loại bỏ đi một nửa những gì hay nhất của trò chơi đó. Tuy nhiên, việc nhấn hay không nhấn nó là tùy vào trải nghiệm cũng như cách thưởng thức game của mỗi game thủ.
Video game chắc chắn sẽ còn phát triển các đoạn cutscene theo nhiều khía cạnh hấp dẫn hơn nữa, giúp người chơi có thể tương tác được nhiều hơn, chứ không còn chỉ là ngồi xem đơn thuần như xem phim nữa.