Phụ Lục
Bên cạnh sự thành công của Need for Speed, EA còn sở hữu một thương hiệu game đua xe không kém phần đình đám khác, đó là Burnout. Trong phần lớn của thập niên 2000s, loại game Burnout của hãng phát triển Criterion Games đã thống trị thể loại đua xe.
Trò chơi là sự pha trộn hoàn hảo giữa các yếu tố như nhịp game nhanh và dồn dập, những pha va chạm slow-motion đầy tinh tế, cùng những bản soundtracks gây ấn tượng mạnh. Trong mỗi phần game mới được phát hành, Burnout liên tục phát triển và bổ sung nhiều tính năng thú vị, độc đáo.
Tuy nhiên, một thương hiệu game “lên voi xuống chó” là điều không quá mới trong ngành công nghiệp này. Cái tên Burnout đã ngã ngựa trong khoảng năm 2010. Thể loại đua xe đã thay đổi liên tục, Burnout đã không thể theo kịp được những thay đổi chóng mặt đó.
Gần 10 năm trôi qua, chúng ta gần như không còn nghe thấy tin tức gì về loạt game này. Có thể nói EA đã hoàn toàn ghẻ lạnh nó để tập trung đầu tư vào các dự án game có tiềm năng duy trì hơn. Nhưng điều đáng nói là hãng vẫn đang sở hữu và chưa hề có động thái buông bỏ giấy phép của Burnout.
Khi một studio phát triển thuộc sở hữu của một hãng phát hành, không phải lúc nào họ cũng có quyền tự quyết định làm game nào. Ví dụ, Burnout Paradise là một phần game thành công, nhưng EA – hãng đã mua lại Criterion vào năm 2004 – đã giao nhiệm vụ cho studio phát triển một phần Need for Speed mới. Tới cuộc họp báo của EA tại sự kiện E3 2010, họ đã công bố Need for Speed: Hot Pursuit, một tựa game mang nhiều nét tương đồng với Burnout.
Vấn đề của Burnout bắt nguồn từ đây. Hot Pursuit được đánh giá là cuộc cách mạng của cả dòng game Need for Speed, nhận được những lời đánh giá rất tích cực từ giới phê bình và cộng đồng người hâm mộ. Trò chơi thu về nhiều giải thưởng danh tiếng, và đã bán khoảng 5 triệu bản trong quý 3 năm 2010.
Hai năm sau, Criterion Games tiếp tục cho ra đời Need for Speed: Most Wanted, nối tiếp thành công vững chắc của loạt game. Burnout lúc này hoàn toàn bị lãng quên. Dù cho Criterion có muốn như nào đi chăng nữa, EA cũng chẳng dại gì đánh một canh bạc với Burnout khi Need for Speed đang đánh đâu thắng đó.
Sau khi 2 trò chơi Need for Speed phát triển dưới bàn tay của Criterion thành công vang dội, EA đã thực hiện một cuộc cải tổ lớn cho studio này. Hãng quyết định phân công tận 80% nhân viên của Criterion làm việc cho phần tiếp theo của series, Need for Speed: Rivals, cùng với hãng Ghost Games. Khoảng 1 tháng sau, Alex Ward, người đồng sáng lập ra Criterion cho biết 80% nhân lực đó đã được tạo thành một hãng phát triển mới, Ghost Games UK.
Trong khi đó, phần còn lại của Criterion, khi đó chỉ còn khoảng 16 người trong đội ngũ nòng cốt, sẽ tập trung phát triển một dự án game “chưa được công bố”. Tương lai của thương hiệu Burnout ngày càng một đen tối hơn.
Vào tháng Một năm 2014, tức chỉ vài tháng sau khi EA quyết định chuyển 80% nhân sự của Criterion sang Ghost Games UK, đồng sáng lập của Criterion – Alex Ward và Fiona Sperry – đã rời đi để tìm kiếm cơ hội khác. Hai tháng sau, bộ đôi này công bố studio mới của họ, Three Field Entertainment. Nhóm phát triển nhanh chóng thực hiện một IP mới cho Xbox One và PlayStation 4, tuy nhiên tựa game lại chỉ nhận được đánh giá ở mức trung bình, không có gì nổi bật.
Trên thực tế, ngay cả khi 2 người sáng lập đã rời đi, EA và Criterion đã tính tới phương án tiếp tục thương hiệu Burnout. Trong mùa hè năm 2014, hãng đã thông báo rằng mình đang làm việc với một trò chơi đua xe mới. EA cũng đã giới thiệu sơ qua về trò chơi này tại cuộc họp báo trong sự kiện E3 2014.
Tuy nhiên, vào năm 2016, EA đã đập tan kỳ vọng của người hâm mộ với thông báo rằng dự án sẽ bị hủy bỏ. Một điểm sáng hiếm hoi để Burnout có cơ hội tạo ra một màn comeback hoành tráng đã bị dập tắt.
Thứ đã giúp cho Burnout trở nên độc nhất trong mắt người hâm mộ chính là “phá hủy xe”. Đây là một yếu tố quan trọng và rất được ưa chuộng trong ngành game những năm 2000s. Twisted Metal là một thương hiệu game cũng rất nổi tiếng bên cạnh Burnout trong thể loại đua xe phá hủy này.
Tuy nhiên, sau gần 2 thập kỷ, các trò chơi phá hủy xe đã mất dần chỗ đứng trong ngành. Ví dụ về trò chơi chiến đấu trên xe có tên OnRush của hãng CodeMasters. Tựa game này tập trung vào hệ thống chiến đấu cho phép người chơi tăng tốc độ thông qua việc phá hủy những chiếc xe khác. Các nhà phê bình đã khen ngợi OnRush bởi sự đổi mới trong thiết kế gameplay. Tuy nhiên, xét về yếu tố thương mại, trò chơi này lại rất mờ nhạt.
Doanh số đáng thất vọng của OnRush đã khiến CodeMasters buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên. Nhìn sang thương hiệu Burnout, có lẽ EA đã biết rằng thị hiếu của ngành công nghiệp game ở thời điểm hiện tại là không phù hợp cho một trò chơi tiếp theo.
Một lý do khác nữa cũng khiến Burnout bị ghẻ lạnh, đó là từ các công ty sở hữu bản quyền hình ảnh ô tô. Đối với các hãng sản xuất xe hơi, những trò chơi đua xe như thế này là một cách quảng bá tuyệt vời. Xu thế này được ưa chuộng tới mức, các hãng xe không ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để mong có một vị trí trong trò chơi. Tuy nhiên, các hãng xe lại rất ngại khi hình ảnh xe bị va chạm trong game bị làm quá lên, có thể sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng ngoài đời thực.
Có rất ít người từng được biết tới các hệ máy console cực hiếm này, chứ chưa nói được – những chiếc máy chơi game có cuộc đời lặng lẽ nhất thế giới.
Ví dụ như trong Need for Speed: Payback, Ghost Games phải liên tục liên lạc với các hãng xe, bảo đảm với họ rằng các vụ va chạm trong game sẽ không đi quá xa. Nhà sản xuất xe hơi muốn hình ảnh khoang hành khách luôn là nơi an toàn nhất. Do đó, hầu hết các game đua xe ở hiện tại đã phải giảm đi mức độ thực tế của va chạm, khiến người chơi cảm thấy các hiệu ứng vật lý có phần không được thật.
Thật dễ hiểu vì sao khi EA không muốn tiếp tục một thương hiệu như Burnout, mà muốn tập trung vào Need for Speed hơn. Burnout sẽ không thể tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác ô tô như NFS đã làm được. Trên thực tế, một vài hãng xe hơi đã tuyên bố sẽ không hợp tác với một trò chơi phá hủy xe như Burnout.