Phụ Lục
Bomb review là hiện tượng hàng loạt người dùng đánh giá tiêu cực về một mặt hàng hoặc một tác phẩm nào đó. Có điều thay vì nhận xét về chất lượng sản phẩm, họ lại công kích những vấn đề ngoài chuyên môn như chính trị, văn hóa hay đơn giản là không ưa đội ngũ làm ra sản phẩm đó.
Trong thời điểm internet phát triển rộng rãi khiến nhiều cư dân mạng bị ngáo quyền lực, bạn có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng bomb review ở khắp mọi nơi. Và như một lẽ hiển nhiên, với số lượng khách hàng đông đảo thì trò chơi điện tử cũng là một đối tượng ưa thích để bị ném bom. Tất nhiên game quá dở thì bị chê hội đồng là lẽ đương nhiên nhưng game không tệ vẫn bị chê mới đáng quan ngại.
Lịch sử ngành giải trí đã chỉ cho chúng ta thấy rằng không ít những bộ phim và các tựa game dù nhận được điểm số cao từ giới chuyên môn nhưng vẫn bị ăn những quả bomb review chí mạng từ cộng đồng. Nếu bạn thắc mắc câu chuyện đó diễn ra như thế nào thì hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu trong video ngày hôm nay nhé, chúng ta bắt đầu thôi.
Đầu tiên thì thuật ngữ “bomb review” xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo của tác giả Ben Kuchera vào năm 2008. Trong bài báo đó, Ben đã nói về việc những người chơi Spore - một tựa game nhập vai thời gian thực, đã đồng loạt để lại những đánh giá tiêu cực trên Amazon chỉ vì lối chơi mờ nhạt và bất mãn với hệ thống quản lý của trò chơi.
Theo lời Ben thì việc ăn bomb review như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trò chơi. Cụ thể hơn, Ben cho rằng những game thủ có ý định tiếp cận với Spore sẽ “quay xe” vì hiệu ứng truyền miệng khi có quá nhiều người chê nó. Tất nhiên giới chuyên môn có lý của họ, còn game thủ thì lại coi bomb review là cách gửi gắm tâm tư của mình đến nhà sản xuất, với hy vọng họ có thể sửa chữa những thứ chưa hoàn thiện.
Đương nhiên nếu những đánh giá tiêu cực ấy đúng với sự thật thì chẳng có gì. Đằng này bomb review lại trở thành công cụ phá hoại của những tay ngáo quyền lực. Bọn họ bắt đầu lạm dụng bomb review chỉ để tẩy chay tựa game mình không thích hay tệ hơn là để hạ bệ đối thủ. Từ đó có rất nhiều trò chơi đã bị đánh giá tệ nhưng với lý do kiểu như tôi cho nó một sao vì nhìn mặt thằng cha trên bìa đĩa thấy ghét.
Trong suốt quá trình phát triển của ngành công nghiệp game, đã có không ít trò chơi bị ăn bomb review và không thiếu những cái tên nổi tiếng như Mass Effect 3, Star Wars: Battlefront II, Death Stranding và The Last of Us Part II. Cũng trong năm 2023, dù quý I còn chưa chính thức trôi qua, đã có 3 cái tên kịp rơi vào sổ đen khi nhận rất nhiều đánh giá tiêu cực.
Con ma xui xẻo đầu tiên sẽ là Forspoken. Trước khi phát hành vào ngày 24 tháng 1, nhiều người đã tin rằng Forspoken sẽ là bom tấn đầu tiên mở màn cho năm 2023 bội thu với hàng loạt game chất lượng cao. Có điều thực tế không tươi đẹp như tưởng tượng. Nó vả bôm bốp vào mặt người chơi khi Forspoken xịt đến không thể xịt hơn.
Tựa game của Vuông Enix nhận được hơn 3 nghìn đánh giá trái chiều trên Steam, chưa kể tổng kết của người dùng trên Metacritic càng làm cho nỗi đau thêm dài khi PC đạt 1,8 điểm còn PS5 thì khá hơn với 3,5 điểm. GIới chuyên môn cũng chẳng đánh giá cao tựa game này khi nó chỉ được chấm 60 lẻ vài ba điểm an ủi.
Thất bại thảm hại của con game này còn báo tới mức khiến đơn vị sản xuất là Luminous Studio phải đóng cửa. Nhiều trang báo mạng cho rằng Forspoken đang bị cộng đồng game thủ quăng bom review với mục đích nào thì chưa được làm rõ, nhưng khi những game thủ nghe vậy, họ chỉ cười xòa và bảo cái này không phải bomb review.
Forspoken nhận được hàng loạt đánh giá tiêu cực ấy chỉ đơn giản vì trò chơi tệ, cực kì tệ, chứ chẳng có bom biếc nào ở đây cả. Cánh game thủ cũng cho rằng hầu hết đánh giá tiêu cực của Forspoken - ngoại trừ những thành phần hùa theo, là đúng người, đúng việc, và không có một chút oan ức nào ở đây cả.
Rất nhiều người đánh giá rằng lời thoại và kịch bản trong Forspoken, cụ thể là cách nhân vật chính Frey nói chuyện khó ưa hơn họ nghĩ. Thêm vào đó, nhiều người cũng cho rằng đồ họa của trò chơi và thế giới mà nó xây dựng là một điều cực kỳ đáng thất vọng và nhạt như nước ốc. Về cơ bản, Forspoken bị chê đơn giản vì nó là một tựa game tệ, chứ chẳng phải bom biếc gì như báo chí làm quá.
Tuy nhiên, một bộ phận ngoan cố ủng hộ tựa game lại cho rằng, Forspoken bị đánh giá tiêu cực vì nhân vật chính là một người phụ nữ da màu. Đám thượng đẳng kia không thể chấp nhận việc nhân vật chính là phụ nữ da màu nên mới ném đá trò chơi. Việc này đã gây nên một sự tranh cãi khá lớn trên Steam và diễn đàn Game Faqs. Đương nhiên là nó không lớn như cuộc thánh chiến trên Hogwarts Legacy nhưng cũng đủ gây ra vài làn sóng nho nhỏ.
Bạn thử đoán xem, ai là người chiến thắng trong cuộc tranh cãi đó? Chỉ cần nhìn số điểm trên Steam và Metacritic, ta sẽ thấy phe tẩy chay Forspoken đã thắng. Đơn giản bởi Forspoken đã làm người chơi quá thất vọng so với những gì mà trailer của nó mang lại. Thông qua câu chuyện của Forspoken, ta có thể thấy rằng, không phải bất kỳ tựa game nào nhận nhiều đánh giá tiêu cực cũng là bomb review.
Trái với Forspoken là câu chuyện về Hogwarts Legacy, một tựa game lớn đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Cụ thể là hai hệ tư tưởng khác biệt giữa game thủ chân chính và những người ghét các phát ngôn của J.K. Rowling. Về cơ bản thì phần đông anti Hogwarts Legacy cho rằng chơi game là kỳ thị giới tính và ủng hộ luận điểm của tác giả tiểu thuyết Harry Potter.
Còn băng game thủ thì cho rằng phe kia đang woke vì làm méo gì việc chơi một game thế giới mở về phù thủy lại đồng nghĩa với việc kỳ thị giới tính. Cuộc tranh cãi này đã tạo thành một đề tài lớn trên mạng xã hội trong khoảng vài tuần sau khi Hogwarts Legacy ra mắt. Trong thời gian đó cộng đồng antifan của trò chơi không chỉ dừng ở việc khẩu chiến mà còn đi bạo lực mạng cả những streamer và Vtuber có ý định chơi thử tựa game.
Và như một lẽ dĩ nhiên, họ không thể nào bỏ qua cái trò bẩn thỉu đi bomb review như một hình thức để dìm tựa game xuống. Hàng loạt những đánh giá tiêu cực cùng các điểm số ở mức âm vô cực được gửi cho Hogwarts Legacy. Chỉ hơi buồn cười ở chỗ, đã tẩy chay thì có mua hay chơi game quái đâu mà đi đánh giá như đúng rồi vậy? Nếu bạn còn nhớ thì vụ này cũng từng xảy ra The Last of Us Part II.
Vụ việc lần đó thì còn hư cấu hơn khi game bị chấm 1 điểm ngay từ khi chưa ra mắt, bởi các bomb thủ được xem đoạn leak game và cảm thấy không hài lòng với nhân vật mới Abby lẫn kết cục của Joel nên thi nhau oanh tạc Metacritic cho bõ ghét. Trở lại câu chuyện hôm nay thì khi một tựa game ra mắt, bạn có quyền thích hoặc không thích.
Cơ bản là vì nhân sinh sinh quan của mỗi người khác nhau nên yêu ghét thì cũng tùy cảm nhận và trải nghiệm. Tuy nhiên, việc cộng đồng antifan ném bom Hogwarts Legacy chẳng làm trò chơi tệ đi mà chỉ tổ khiến người ta có ác cảm với các giá trị mà họ đang cố bảo vệ thôi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà “Anh bạn à, lớn rồi, bớt vô tri lại” là câu hay được dùng nhất khi nói về những người bỏ bom Hogwarts Legacy.
Tôi chẳng bênh vực cho Hogwarts Legacy vì rõ ràng trò chơi này còn lâu mới ở tier tuyệt vời nếu bạn không phải là một Potterhead. Trừ lâu đài Hogwarts, thế giới trong game khá đơn điệu. Cốt truyện khá nhạt nếu bạn không thật sự thích thế giới phù thủy hay bản thân con game này chưa được tối ưu tốt khi ngốn nhiều RAM trên PC.
Nhưng nếu đánh giá công tâm thì Mọt tôi nghĩ nó không đến mức phải nhận đánh giá 0/10 như một số bài anti bất chấp trên mạng. Nếu đọc thử những đánh giá tiêu cực về Hogwarts Legacy, bạn sẽ thấy có rất ít những đánh giá mang tính xây dựng. Phần lớn chỉ toàn là những đánh giá vô tri hết sức buồn cười, và bạn biết những đánh giá đó dành cho mục đích nào rồi đấy.
Nhưng không như Forspoken, những gì mà Hogwarts Legacy tạo ra đủ để nó có một chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Dù là fan của thế giới phù thủy hay không thì game thủ trung lập vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, Hogwarts Legacy là một tựa game thú vị. Đó là lý do vì sao, bất chấp những lùm xùm trên mạng, trò chơi vẫn cứ phá vỡ hàng loạt kỷ lục của làng game.
Qua Hogwarts Legacy, có thể thấy bomb review cách thần thánh để hạ bệ một tựa game nhưng nếu tựa game đó đủ hay thì “thần đằng” ở đây là mấy đứa vô tri chuyên anti bất chấp.
Sau Hogwarts Legacy và Forspoken, tôi nghĩ mình không thể không nói về tựa game mới nổi gần đây nhất là Wo Long: Fallen Dynasty hay Ngọa Long - Thương Thiên Vẫn Lạc. Khác với Forspoken bị ném đá vì game tệ, Hogwarts Legacy bị ném đá vì mình thích thế, lý do Ngọa Long bị ném đá phần lớn nằm ở phần tối ưu game cho phiên bản trên PC.
Có thể nói, từ trước khi ra mắt, Ngọa Long đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ cộng đồng game thủ, nhất là khi nó đến từ Team Ninja - một nhà phát triển đến từ đất nước mặt trời mọc và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển game hành động. Tuy nhiên trong tuần đầu ra mắt, Wo Long lại nhận về hàng loạt bomb review của game thủ về hiệu suất và cơ chế hoạt động cực kỳ tệ của trò chơi.
Thậm chí có nhiều người còn chỉ trích rằng, Wo Long chắc chắn sẽ flop dập mặt nếu cứ thế này mãi. Cụ thể hơn những đánh giá tiêu cực này đa phần đến từ các game thủ hệ PC. Bởi vì phiên bản Ngọa Long dành cho PC lúc vừa ra mắt khá kém. Dù tần suất đánh giá tiêu cực nhiều nhưng đều nhằm mục đích mong chờ nhà phát triển thay đổi và cải tiến tựa game.
Team Ninja sau đó cũng có một nước đi cực kỳ thông minh khi đã nhanh chóng sửa lỗi và cập nhật trò chơi để xoa dịu game thủ. Tuy nhiên chỉ vậy là chưa đủ, vì tốc độ khung hình của Ngọa Long không được ổn định, dễ bị giật lag trong những pha combat, khiến các game thủ muốn outplay boss cũng khó.
Ở thời điểm hiện tại, Team Ninja vẫn cố gắng sửa những lỗi mà Ngọa Long gặp phải. Những bản cập nhật liên tục được tải lên, dù chưa thể tối ưu hóa và giải quyết triệt để những lỗi đang tồn tại trong Ngọa Long. Có điều sự cầu thị đúng lúc của Team Ninja lại rất được lòng game thủ, bằng chứng là những đánh giá tích cực về tựa game đang dần dần tăng lên thấy rõ.
Và ở thời điểm tôi đang viết bài, dù Ngọa Long vẫn còn những đánh giá trái chiều trên Steam nhưng nó đã ở mức cân bằng chứ không phải là bomb review khủng khiếp như ban đầu nữa. Từ câu chuyện của Ngọa Long, ta thấy một góc nhìn khác về bomb review. Ấy là nếu áp dụng đúng chỗ, đúng cách thì đây cũng là một cách trực tiếp và hiệu quả để các game thủ gửi gắm tâm tư đến với nhà phát hành.
Với 3 trường hợp trên, hy vọng mọi người sẽ có một cái nhìn tổng quan về vấn đề bomb review trong làng game. Không phải nhiều đánh giá tiêu cực là đang bị bomb review hay tai bay vạ gió. Ở hướng ngược lại, không phải màn bomb review nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực hay đưa đến những kết quả tồi tệ cho nhà sản xuất.
Đó cũng là lời kết cho video ngày hôm nay, nếu bạn thấy thích những đề tài như thế này thì hãy để lại bình luận bên dưới nhé. Giờ thì tôi là Mọt Game, xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau nhé, bye bye.
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~