Như các bạn đã biết, Koch Media - một công ty con của THQ Nordic nắm quyền sở hữu nhà phát hành Deep Silver và các thương hiệu như Metro, Dead Island, Saints Row… đã ký kết hợp đồng biến Metro: Exodus thành tựa game độc quyền có thời hạn (1 năm) cho Epic Games Store. Ngay sau khi điều này xảy ra, các tựa game Metro còn lại trên Steam là Metro 2033 và Metro Last Light đã lập tức bị “đánh bom review.” Các vụ đánh bom này tỏ ra hết sức khốc liệt, với khoảng 3.000 “quả bom” như vậy đã được ném xuống cả hai mục tiêu đó.
“Bom review” cũng chính là lý do mà giám đốc chiến lược phát hành của Epic, ông Sergey Galyonkin lựa chọn việc không cho phép game thủ chia sẻ đánh giá về trò chơi trên cửa hàng của mình. Tốt thôi, đó là quyết định của Epic, và còn có rất nhiều nơi mà bạn có thể xem điểm số cũng như đánh giá của một trò chơi.
Nhưng vì đâu các game thủ Steam thực hiện điều này, ngay cả khi nhà phát hành Deep Silver đã hứa rằng những ai đã mua game trên Steam trước ngày thỏa thuận độc quyền cho Epic sẽ vẫn nhận được trò chơi trên Steam? Đó là bởi vì các fan nhận ra rằng họ phải chơi Metro Exodus trên một nền tảng khác mà cho đến lúc này, vẫn chỉ là một bộ khung chưa hoàn thiện, và rất nhiều tính năng họ đã quen thuộc trên Steam hứa hẹn sẽ không bao giờ xuất hiện bởi Epic muốn có một trải nghiệm “đơn giản, dễ hiểu” hơn cho các nhà phát hành và game thủ. Thật ra, Mọt không rõ Epic muốn cửa hàng của họ đơn giản đến mức nào, bởi cho đến lúc này – 2 tháng sau ngày ra mắt - thanh tìm kiếm vẫn chưa xuất hiện trên Epic Games Store.
Nhưng có một điều “chướng tai gai mắt” mà Mọt nhận thấy khi một vài trang tin đăng tải vụ việc này: họ xem việc đánh bom review là hành vi ngớ ngẩn, của những game thủ cho mình là trung tâm của trái đất. Mọt tui không đồng ý với những nhận định này, và tin rằng trong thời điểm hiện tại, bom review là cách duy nhất để nhà phát triển / phát hành nghe được tiếng nói của game thủ, dù nó không phải là phương thức tốt hay hữu dụng nhất.
Hãy nghĩ mà xem. Rất nhiều game thủ nước ngoài thường dùng câu cửa miệng “vote with your wallet” tức “bầu bằng ví của bạn” hay nôm na là “không thích thì đừng mua.” Nhưng Mọt muốn hỏi rằng những "phiếu bầu” này được ghi nhận bằng cách nào? Phải chăng nhà phát triển / phát hành trò chơi có một thiết bị nhiệm màu nào đó có khả năng phát hiện những đồng tiền KHÔNG bay ra khỏi túi của bạn, hay KHÔNG bị trừ khỏi tài khoản VISA của bạn? Những bài post bạn đăng trên Facebook, Twitter có bao nhiêu người xem, và bao nhiêu đến được với nhà phát triển ngay cả khi bạn đã tag họ? Những email bạn gửi đến nhà phát hành, có ai rảnh để quan tâm? Liệu họ có phân biệt được một nhóm game thủ đóng góp nghiêm túc với một bầy troll? Những chiến dịch vận động trên Change.org, nó có ảnh hưởng gì đến doanh số của nhà phát hành không, và đã có thay đổi nào được tạo ra nhờ chúng?
Có lẽ đáp án chung cho những câu hỏi trên là không hề. Chẳng ai biết lý do tại sao những đồng tiền đó vẫn nằm trong túi bạn, và sẽ chẳng có thay đổi nào được suy xét. Chẳng ai quan tâm đến những email lẻ tẻ, những dòng status vu vơ hay những con số vô nghĩa trên Change.org. Hãy lấy một ví dụ hơi cực đoan về Fallout 76: do trò chơi không nằm trên Steam, nó không bị bom review và cho đến lúc này, Bethesda vẫn đang “tù tì, đủng đỉnh” bổ sung bug mới vào game. Chưa hết, studio này còn đang rao bán một chiếc áo khoác được quảng cáo là bằng da thật giá 276 USD trong khi game thủ vẫn còn đang cay cú về chiếc túi nilon mà họ nhận được trong Fallout 76 Power Armor Edition.
Nhưng “bom review” thì khác. Khi một tựa game nào đó trở thành nạn nhân của cơn cuồng nộ từ phía game thủ, bạn có thể biết chắc chắn rằng nhà phát triển đã làm một điều gì đó sai, rất sai. Một lượng lớn những review như vậy sẽ giúp những game thủ có hứng thú với trò chơi biết điều gì vừa xảy ra, và để nhà phát triển biết game thủ muốn gì. Vì vậy, “bom review” có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hay không mua trò chơi của khách hàng, và là một trong những cách để buộc nhà phát triển phải chú ý đến ý kiến của những người đã bỏ tiền mua game, dù nó có thể gây oan khuất cho bản thân trò chơi.
Bên cạnh đó, cho những game thủ thực sự có hứng thú với trò chơi, Steam cung cấp đầy đủ những công cụ cần thiết để sàng lọc thông tin. Bạn có thể xem mọi thứ, từ số liệu thống kê cụ thể đến biểu đồ trực quan, và loại bỏ những đánh giá thuộc về vụ đánh bom review nếu cần. Những công cụ này giúp những khách hàng tiềm năng dễ dàng sàng lọc thông tin để biết tại sao trò chơi bị chỉ trích, chất lượng thực sự của trò chơi ra sao và tự đưa ra quyết định cho mình. Bởi thế nên ở một khía cạnh nào đó, Mọt nghĩ rằng bom review còn cực kỳ hữu dụng cho những khách hàng tiềm năng của trò chơi đó.
Và trong trí nhớ của mình, Mọt từng biết một trường hợp đáng chú ý mà nhà phát triển buộc phải thay đổi khi dòng chữ màu cam “Mostly Negative” xuất hiện ngay dưới tên trò chơi. Bạn có nhớ hồi tháng 6/2017, Take-Two từng đưa ra yêu cầu buộc đội ngũ phát triển bộ công cụ mod game OpenIV phải ngừng việc phát triển OpenIV?
Lý do của quyết định này là bởi kẻ gian dùng OpenIV làm nền tảng cho các bản hack trong GTA Online, và thay vì bắt kẻ gian, Take-Two quyết định “thà giết lầm hơn bỏ sót” bằng cách ra lệnh triệt hạ OpenIV. GTA V lập tức bị đánh bom review, khiến đánh giá của game trên Steam chuyển từ Positive (tích cực) thành Mixed (trung bình), buộc Take-Two phải thu hồi quyết định của mình và để cho OpenIV tồn tại.
Vậy đấy, “bom review” thực sự từng có đóng góp tích cực cho làng game. Mọt không nói rằng mình khuyến khích hay thích thú khi một vụ đánh bom review xảy ra, bởi lẽ ra review chỉ nên được dùng cho việc đánh giá chất lượng trò chơi. Nhưng chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo nơi nhà phát triển biết điều gì game thủ cần, và luôn luôn đáp ứng nhu cầu của họ. Đôi khi bom review là cách tốt nhất để game thủ nói cho nhà phát triển biết rằng mình không hài lòng – bằng cách trực tiếp đánh vào những con số mà nhà phát triển sẽ nhìn thấy trong các báo cáo tài chính hàng năm.