Phụ Lục
Xã hội chúng ta đang ngày càng nhấn mạnh hơn về vấn đề nhân quyền hay bình đẳng giới. Những vụ biểu tình, những đợt vận động bầu cử, truyền thông, phim ảnh, âm nhạc... tất cả đều đang hướng tới một thế hệ không còn nạn phân biệt. Ngành công nghiệp game cũng không nằm ngoài cuộc.
Hiện nay, ngoài những trò chơi mang ý nghĩa giải trí đơn thuần, game thủ cũng thấy rất nhiều trò chơi với nội dung chống lại sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là sự phân biệt sắc tộc hay giới tính. Video game ngày nay đã mang thêm trong mình một sứ mệnh truyền bá một thông điệp nhân văn nào đó tới toàn thể cộng đồng game thủ. Tuy nhiên tranh cãi cũng nổ ra từ đó.
Sự tranh cãi này đã âm ỉ diễn ra nhiều năm qua với rất nhiều các video chế giễu, nói móc hay thậm chí phỉ báng, lăng mạ nhà phát triển, diễn viên đóng motion capture khi đưa một nhân vật nữ, nhân vật da màu vào các game lấy bối cảnh chiến tranh. Việc phân biệt nữ quyền nó không chỉ diễn ra trong game mà ở cuộc sống đời tư bên ngoài, nơi những con người làm việc trong ngành game quan hệ xã giao - tình cảm với nhau.
Chỉ cần các chị em phụ nữ làm việc trong ngành này có bất cứ hành động nhỏ nhặt nào đáng ngờ cũng đều bị đem lên mạng xã hội bàn tán xôn xao. Và tất nhiên những người ở phe đối lập với khái niệm bình đẳng sẽ buộc tội họ bằng những từ ngữ dơ bẩn nhất, khiến cho bất cứ ai nghe thấy cũng đều phẫn nộ.
Sự phân biệt sắc tộc - giới tính này còn được thể hiện ở một mức độ khác nữa gọi là “Political Correctness”. Thời điểm gần đây, tranh cãi nổ ra rất căng thẳng khi EA giới thiệu Battlefield 1 và Battlefield 5. Cả 2 trò chơi này đều lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới nhưng đưa nhân vật da đen và nhân vật nữ vào trong game và mang đi quảng bá. Chính điều này đã tạo ra 2 phe đối lập nhau, tranh cãi nổ ra suốt nhiều ngày trời.
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ phân biệt giới tính – sắc tộc trong ngành công nghiệp game nói riêng và ngành giải trí nói chung. Về cơ bản, Political Correctness (hay còn gọi tắt là PC) là một khái niệm được sử dụng để mô tả ngôn ngữ, chính sách, hay các biện pháp nhắm tránh các hành vi gây bất lợi cho các thành viên thuộc một nhóm người nhất định trong xã hội.
Từ cuối những năm 1980, thuật ngữ này đề cập tới việc tránh sử dụng ngôn từ, hành vi có thể bị coi là phân biệt đối xử liên quan tới giới tính hoặc chủng tộc. Những người bảo thủ thường sử dụng thuật ngữ này để hạ thấp và kì thị những nhóm thiệt thòi. Đây là một thuật ngữ có vai trò quan trọng trong các cuộc chiến văn hóa Mỹ.
Trong video game, một số game lấy đề tài chiến tranh dựa trên các bối cảnh lịch sử như Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai,… Và tất nhiên các nhà làm game sẽ ủng hộ bình đẳng giới nên sẽ đưa tạo hình các nhân vật nữ hoặc da màu vào trong trò chơi. Cộng đồng game thủ sẽ tự động chia làm 2 phe: Ủng hộ và Không ủng hộ.
Phe ủng hộ cho rằng điều này là cần thiết, thậm chí có thể cải biên lại một chút so với lịch sử để cho những nhóm người bị thiệt thòi thấy rằng họ vẫn có quyền bình đẳng trong xã hội này. Còn phe đối lập lại phản bác lại rằng việc thay đổi lịch sử trong các trò chơi chiến tranh là điều cấm kỵ và không được phép. Nhưng tại đây lại xuất hiện vấn đề, một số thành phần phe đối lập bắt đầu có những phản ứng dữ dội hơn, chuyển qua miệt thị phụ nữ và người da màu. Họ lợi dụng Political Correctness để bắt đầu nói đến những vấn đề nghiêm trọng hơn về nhân quyền.
Những tranh cãi kiểu như vậy nổi lên mạnh mẽ bắt đầu từ khoảng năm 2010 tới nay. Và cứ đều như vắt chanh, mỗi năm phải có vài ba game lớn nhỏ được đưa lên “thớt” để cộng đồng game thủ mổ xẻ. Có thể với đại đa số game thủ Việt Nam thì vấn đề đưa nhân vật nào vào game không quá quan trọng, chúng ta vẫn nghĩ game chỉ là game. Nhưng với người Mỹ, tôi không chắc là do họ mong manh hay quá tôn trọng lịch sử mà chỉ cần có một động thái nhỏ thôi là game thủ Mỹ sẵn sàng để “khẩu chiến”.
Đúng vậy, nếu những người bày tỏ bức xúc bằng cách miệt thị sắc tộc – giới tính, liệu họ có thật sự am hiểu chính xác về lịch sử? Trong các trò chơi lấy bối cảnh chiến tranh thế giới, các trận chiến rõ ràng đều có sự góp mặt của phụ nữ. Thậm chí, họ còn có vai trò rất quan trọng, lập thành một nhóm để tiêu diệt lực lượng địch hay có những thành tích đáng nể sau cuộc chiến.
Bên cạnh đó, lịch sử là những việc đã xảy ra, chúng ta dù có am hiểu cũng chỉ biết ở mức độ tương đối chứ không hiểu sâu hết thời thế chiến. Liệu ai dám chắc chiến tranh thế giới không có sự tham chiến của người da màu và phụ nữ?
Sự phát triển của ngành công nghiệp game đã biến đây trở thành công cụ để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, lên án những nạn bạo hành, mặt tối của xã hội hiện đại, bên cạnh phim ảnh hay âm nhạc. Ngoài ra đây là một ngành nghề yêu cầu sự sáng tạo không có giới hạn. Thật buồn cười khi một số thành phần cho rằng các trò chơi nhất thiết phải theo một khuôn mẫu nào đó.
Game sinh ra với mục đích mang lại niềm vui, tiếng cười, giúp mọi người giải trí dù có truyền tải bất cứ thông điệp nào. Nhưng giờ đây, nhiều người đã biến nó trở thành lý do cho những cuộc tranh cãi nảy lửa không hồi kết. Thậm chí có người còn sử dụng nó như một nguyên nhân để tự cho phép mình miệt thị người khác.
Với các ông lớn trong ngành game, họ cũng quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới trong game đang ngày càng được coi trọng hơn trong xã hội. Vì vậy, họ cũng đã có những đáp trả rất mạnh mẽ, thẳng thắn với những ai không ủng hộ việc đưa các nhân vật nữ và da màu vào game.
Cuộc chiến này có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng các ông lớn ngành game nói riêng và ngành giải trí nói chung vẫn tiếp tục ủng hộ công khai bình đẳng giới tính và sắc tộc trong các sản phẩm và trò chơi tiếp theo của họ.