Phụ Lục
Những game để có thể nằm nhà và chơi trong dịch Corona cách đây 20 năm cũng phải khác bây giờ, tất nhiên là nó phải là game offline, có nội dung phong phú và chơi đi chơi lại nhiều lần được. Một điều nữa là cũng phải tính là năm 2000 thì game hầu hết là PC hoặc không thì Playstation 1 thôi, nhưng chúng ta cũng không thiếu sự lựa chọn đâu.
Cho tới tận bây giờ tức là hơn 20 năm sau ngày chạm vào Minesweeper lần đầu tiên, tôi vẫn méo thể biết được chắc chắn cái cơ chế của tựa game này như thế nào và chắc chắn là rất nhiều người đang đọc bài này cũng vậy. Có một điều thần bí của Minesweeper là lối chơi của nó cực kỳ gây nghiện và có chiến thuật đàng hoàng, về cơ bản là bạn phải tính toán và ước lượng số lượng mìn qua các thông tin những ô đã mở được, nói một cách cao cấp thì Minesweeper là game giải đố, chiến thuật và cả kinh dị nữa (thử ngồi mò nửa ngày rồi nhấn vào mìn đi là biết kinh dị ngay).
Trong thời gian nằm nhà méo biết chơi gì vì Resident Evil 3 Remake đã phá xong platinum còn Final Fantasy VII Remake còn chưa ra, tôi ngứa tay bắt đầu vọc Minesweeper và sau nửa tiếng đồng hồ toàn thua ngay 5 nước đầu tiên thì đã quyết định nghiên cứu sâu hơn. Hóa ra Minesweeper có hẳn một cộng đồng lớn và tính tương tác gần giống như mấy game giải đố cổ điển vậy, nó có công thức, các cách tính toán dựa trên số ô đã mở đàng hoàng như chơi Rubick ấy.
Thực tế thì vào những năm 2000 cái Minesweeper thực sự là một trò hay nhất là đối với dân văn phòng, có nhiều người đã ngồi hàng giờ đồng hồ chơi cái game này ở mức độ khó cao nhất (về sau các bố nâng cấp lên Lines vì nó có save). Thường thì các game đơn giản luôn là các game rất dễ gây nghiện, thế nên trong thời gian rảnh rỗi vì corona này sao bạn không thử qua Minesweeper đi nhỉ.
Có lẽ chưa có game nào làm thay đổi thị trường như Diablo II, cũng hiếm có game nào từng thống trị tuyệt đối các quán game như tựa game này đã làm được. Tôi từng nhớ vào thời điểm khi nó ra mắt thì 10 máy phải hết 7 máy chơi Diablo II và 1 máy để riêng đóng vai trò làm host – vì Diablo II chơi qua mạng LAN thì cái máy chủ sẽ lag như đúng rồi. Cái trò này thực sự gây nghiện kinh khủng và bà con cày ngày cày đêm y như Võ Lâm về sau, chỉ khác là nó không nối mạng mà thôi.
Chỉ riêng việc cày hết 4 Act của Diablo II chắc cũng tốn của bạn vài tuần lễ, chứ chưa nói là chơi hết tất cả các class hay kiếm đồ. Vấn đề duy nhất của trong mùa dịch Diablo II lúc đó có lẽ là việc không thể chơi trò “dupe đồ” khi chơ LAN được, vì rõ ràng là chúng ta đâu có thể tụ tập đông người được. Nhưng nói gì thì nói Diablo II vẫn là lựa chọn hoàn hảo, vì nhẽ bạn chẳng cần phải suy nghĩ gì cả.
Một điểm ngon lành nữa của Diablo II để chơi trong khi trốn Corona là nó rất trực quan, kiểu như bạn không cần bản hướng dẫn và cũng chẳng cần tiếng Anh, xét theo mức độ phổ cập ngoại ngữ trong game lúc đó thì bà con chỉ xem trang bị cái nào màu xanh và cộng là gắn vào người thôi. Cày cuốc đối với game thủ Việt Nam thì chưa bao giờ lỗi thời, nên nếu giả sử chúng ta bị cách ly trong nhà vì Corona cách đây 20 năm thì Diablo II sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Một mặt tích cực hiếm hoi của đại dịch, đó là nó cho chúng ta thấy mức độ não tàn của một bộ phận streamer hoặc “Influencer” tưởng chừng như “thượng đẳng”.
Riêng về khoản đốt thời gian hồi đó thì khó có game nào qua nổi Heroes of Might and Magic III hay gọi tắt là Heroes III, vì một trận của nó bèo cũng phải là 2 tiếng mà nếu như bạn còn chơi LAN nữa thì nửa ngày là chuyện bình thường. Tôi còn nhớ những trận đánh Heroes III lên tới 4 người chơi, kéo dài suốt từ sáng tới tối mịt qua hàng tháng trời trong game, nói chung là nếu so sánh thì đúng nghĩa là tra tấn trí não.
Riêng việc Heroes III là game chiến thuật theo lượt đã là tốn thời gian, nhưng để tăng thêm phần khổ dâm thì bà con còn kéo LAN mà chiến nữa. Tất nhiên cũng có luật đàng hoàng thí dụ như một nước không quá 5 phút, tất cả đều phải vào quick-combat và cấm các tướng, thành hoặc kỹ năng cụ thể... nhưng nó vẫn không ngăn cản được việc hành xác, bạn lo lắng cách ly trong nhà vì corona sẽ chán hả, làm một trận Heroes III ròng rã 12 giờ liên tục đi rồi nói chuyện.
Cuối cùng điểm ăn tiền nữa của Heroes III là nó hỗ trợ 2 người cùng chơi một máy, tính năng này cực hay khi bạn không thể ra ngoài. Cái tính năng này hầu hết là vô dụng, nhưng khi mà bạn bị nhốt ở nhà thì nó lại cực kỳ hoàn hảo, chúng ta có thể rủ bạn bè, anh em hàng xóm làm một trận Heroes III mà vẫn bảo đảm ai cũng có phần và nó rất vui nữa, vì thằng này địa map thằng kia trực tiếp luôn.
Có khá nhiều sự lựa chọn cho những ai sở hữu Playstation để chơi trong dịch Corona, nhưng để tối đa hóa thời gian thì bạn nên tìm tới các game Final Fantasy – tùy seri nhưng 7 hoặc 8 có lẽ là thứ quen thuộc với game thủ Việt hơn. Thời đó mỗi khi ra các tiệm PS và thấy có ai đó đang chơi FF, thì chắc kèo là bên cạnh game thủ đó sẽ có cuốn sách hướng dẫn.
Nói chung thì với việc gà mờ tiếng Anh, đống bí mật tổ bố của dòng FF và nhất là chưa có Youtube mà soi, thì đám game thủ rất phụ thuộc vào mấy tờ hướng dẫn. Gần như bất kì tiệm PS1 nào thời đó đầu sỡ hữu hàng chục tờ hướng dẫn, từ FF tới Resident Evil, Quả lắc thời gian (Chrono Cross) và nhiều nhiều nữa. Tất nhiên nếu như bỏ hướng dẫn đi thì hầu hết mọi người sẽ bí đường ngay từ đĩa một, hoặc yếu như một con cóc chết về sau vì không lấy được đồ xịn.
Chơi các game FF mà không có hướng dẫn bảo đảm sẽ là một cách giết thời gian cực kỳ hiệu quả trong dịch corona, vì chỉ riêng chuyện bạn chạy vòng vòng đánh quái thôi đã mất cụ nó nửa ngày rồi. Nhất là với FF8 còn thêm trò draw phép nữa thì lại càng khổ sở, nhìn lại quá khứ để thấy bây giờ chúng ta lười biếng ra sao, vì cứ bí đường một chút là lại mò lên mạng kiếm gợi ý rồi.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]