Phụ Lục
Cũng tương tự như các loại hình nghệ thuật khác, các nhân vật trong video game cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những người tạo ra chúng. Ngay cả những nhân vật mang tính hoạt hình, biểu tượng của ngành công nghiệp game đương đại cũng xuất phát từ yếu tố rất đời thường.
Không chỉ cách thiết kế các nhân vật game, ngay cả việc lồng tiếng đôi khi cũng được truyền cảm hứng bởi một người nổi tiếng. Hãy cùng Mọt tôi điểm qua danh sách các nhân vật game quen thuộc được lấy cảm hứng từ những người ngoài đời thực.
Nếu đã từng chơi Uncharted ngay từ những phần đầu tiên, ta có thể dễ dàng nhận thấy Nathan Drake là một người tinh tế, quyến rũ, không ngại hiểm nguy, thông minh và ưa mạo hiểm. Có thể nhiều bạn sẽ cho rằng Nathan Drake được lấy nguyên mẫu từ thương hiệu phim Indiana Jones. Nhưng thực tế lại khác.
Nguồn cảm hứng ban đầu của Nathan Drake chính là ngôi sao của bộ phim Jackass, Johnny Knoxville. Thậm chí ngay cả kiểu tóc ban đầu của nhân vật game này cũng được dựa trên nguyên mẫu từ Knoxville. Khi Uncharted còn chưa có tên gọi chính thức, mới chỉ được biết tới cái tên Project Big, Naughty Dog đã phác thảo những tạo hình đầu tiên của Nathan với khuôn mặt hoạt hình hơn, kiểu tóc “chôm chôm” trông khá trẻ (trâu).
Tuy nhiên, Naughty Dog đã quyết định đưa tạo hình của Nathan về dạng truyền thống và thực tế hơn. Và cuối cùng chúng ta có phiên bản Nathan như ngày nay.
Thật khó tin rằng một nhân vật game mang tính biểu tượng như Mario lại có nguồn cảm hứng ban đầu là từ ngoài đời thực. Anh chàng thợ sửa ống nước ngày nay có tên họ đầy đủ là Mario Mario. Tuy nhiên, trước đó, nhân vật này được gọi dưới cái tên Jumpman. Lúc bấy giờ, chủ tịch Nintendo của Mỹ, Minoru Arakawa, cùng các giám đốc điều hành đang cố gắng tìm một cái tên nào đó thật “Mỹ” cho thợ sửa ống nước.
Họ liển nhớ tới một người đàn ông tên Mario Segale, người khi đó đang sở hữu tòa nhà mà Nintendo tại Mỹ thuê để sử dụng làm văn phòng. Câu chuyện kể rằng Mario Segale đã tới văn phòng yêu cầu phía Nintendo thanh toán tiền thuê nhà bị trễ hạn. Quyền lực của Mario Segale khi đó lớn tới mức khi ông rời đi, một trong những giám đốc điều hành của Nintendo đã phải hét lên “Super Mario!”. Và thế là Mario, một trong những nhân vật game biểu tượng của ngành công nghiệp game đã được ra đời.
Hai điều khiến game thủ nhớ nhất về Sonic the Hedgehog là bộ lông màu xanh đặc trưng và sở thích chạy ở tốc độ cao. Nhưng ít ai biết rằng nhân vật game này lại được lấy cảm hứng ban đầu là từ Ông hoàng nhạc pop - Michael Jackson.
Đôi sneaker mà Sonic đi được lấy cảm hứng từ album Bad của Michael Jackson. Đó là chia sẻ của nhà thiết kế Sonic, Naoto Ohshima, khi được hỏi tại sao đôi giày của nhân vật này lại có màu đỏ và trắng. Bên cạnh đó, Naoto còn nói thêm 2 màu sắc này có sự tương phản lớn và có mối liên hệ tới Ông già Noel.
Hơn thế nữa, Michael Jackson còn có mối liên hệ thân mật với Sonic. Theo nhiều nguồn tin, ông cũng đã từng viết nhạc cho phần game Sonic the Hedgehog 3, nhưng sau đó đã bị loại bỏ bởi một số scandal mà Michael Jackson dính vào lúc bấy giờ.
Khi nhắc tới Pokemon, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng luôn tới Pikachu - biểu tượng của thương hiệu này. Tuy nhiên, nếu để nói loài Pokemon thú vị nhất, tôi sẽ chọn Snorlax. Đây là Pokemon được lấy cảm hứng từ chính người thiết kế đã làm việc với phần game đầu tiên, Koji Nishino.
Ngay từ khuôn mặt của Snorlax, bạn đọc cũng có thể thấy được sự tương đồng với Nishino. Thậm chí cái tên Snorlax cũng bắt nguồn từ Nishino. Biệt danh của anh trong tiếng Nhật là Kabigon, cũng là tên tiếng Nhật của loài Snorlax. Kabigon bao gồm “kabi”, có nghĩa là “nấm mốc”. Điều này ám chỉ tới việc Nishino có một sự thèm ăn lớn tới mức có thể ăn gọn luôn cả những thực phẩm bị mốc.
Khuôn mặt tròn với đôi mắt híp, nếu đặt cả 2 ở cạnh nhau, mọi người sẽ thấy Snorlax đã bị ảnh hưởng bởi Koji Nishino nhiều tới mức nào.
Thật sự không khó để tìm ra sự tương đồng giữa Balrog trong Street Fighter V với nhà vô địch quyền anh Mike Tyson. Vào thời điểm Street Fighter II đang phát triển, Mike Tyson đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Người sáng tạo trò chơi rất muốn có một nhân vật game giống như Mike xuất hiện trong game, nhưng điều này sẽ kéo theo vô vàn rắc rối liên quan tới bản quyền.
Cuối cùng phiên bản tiếng Nhật của Street Fighter đã gắn cái tên của Balrog thành Mike Bison (có phát âm gần giống với Mike Tyson). Balrog là tên dùng cho phiên bản được phát hành bên ngoài nước Nhật. Thậm chí khi phát hành game tại Mỹ, tên của các nhân vật bao gồm cả Vega, Balrog và M. Bison đều phải thay đổi.
Giải thích cho việc tên của các nhân vật game bị chuyển đổi lung tung khi phát hành tại Mỹ, Yoshinori Ono, người điều hành Street Fighter chia sẻ rằng đây chỉ đơn giản là do phần lập trình. Việc chuyển đổi các con số lập trình khi chuyển đổi từ bản Nhật sang bản Mỹ đã vô tình khiến cho tên các nhân vật bị thay đổi.
Điều đó cũng giải thích tại sao ở phiên bản Mỹ, M. Bison không phải là tay đấm bốc. Trong khi ở phiên bản Nhật, M. Bison lại mang ngoại hình khá tương đồng với Mike Tyson.
Nếu nhắc tới đề tài cao bồi viễn Tây, chắc hẳn cái tên Arthur Morgan trong Red Dead Redemption 2 đã gây ấn tượng mạnh với game thủ. Ở góc độ đạo đức, bản thân anh luôn bị giằng xé giữa những việc làm đúng - sai.
Roger Clark, người chịu trách nhiệm lồng tiếng cho Arthur Morgan đã nói rằng nguồn cảm hứng cho việc anh thể hiện nhân vật game này chính là Toshiro Mifune, một vị đạo diễn, nhà sản xuất và cũng là một trong những biên kịch xuất chúng nhất trong nền điện ảnh Nhật Bản. Ông nổi tiếng với việc hợp tác cùng nhà làm phim huyền thoại Akira Kurosawa trong các tác phẩm như Seven Samurai hay Throne of Blood.
Clark đã dựa trên những gì mình yêu thích về các tác phẩm của Toshiro Mifune để thể hiện lại một nhân vật Arthur Morgan như chúng ta đã biết. Anh đã kết hợp tốt yếu tố Samurai của Mifune trong bối cảnh miền viễn Tây. Mặc dù Roger Clark cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều diễn viên nổi tiếng khác nhưng cái chất Ronin của Toshiro Mifune trong Arthur Morgan vẫn là lớn nhất.
Cuối cùng, chúng ta sẽ tới với công chúa Zelda. Cô nổi tiếng tới mức có hẳn một loạt game mang tên mình nhưng lại chẳng hề đóng vai chính. Tuy nhiên, The Legend of Zelda sẽ không giống như hiện giờ nếu thiếu đi sự hỗ trợ của công chúa xứ Hyrule, một trong những thành viên có khả năng vượt trội hơn tất cả những người trong hoàng tộc. Bên cạnh đó, Zelda còn là đồng minh rất hữu ích và mạnh mẽ của nhân vật chính Link.
Và hình tượng của công chúa Zelda được lấy cảm hứng từ Zelda Fitzgerald – một nhà xã hội học. Chính người sáng tạo ra series The Legend of Zelda đã nói rằng nhân vật công chúa Zelda được dựng lên là nhờ Zelda Fitzgerald.
Quả thực giữa công chúa Zelda và bà Fitzgerald có sự tương đồng rất lớn. Zelda Fitzgerald là một nhà xã hội học, bà có tài năng đặc biệt ở bất cứ lĩnh vực nào bà quan tâm. Tuy tài giỏi là vậy, nhưng bà lại thường chỉ được nhắc tên cùng với đồng nghiệp của mình, chứ không mấy ai lại quan tâm hay hâm mộ riêng Fitzgerald cả. Còn công chúa Zelda cũng là một nhà xã hội học, cô cũng có tài năng đặc biệt trong nhiều lĩnh vực. Nhưng cuối cùng cô lại bị lu mờ bởi Link, nhân vật chính của tựa game mang tên cô.
Tôi dám cá rằng cho tới giờ, vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng nhân vật chính của loạt game này là Zelda.