Phụ Lục
Chiếc bàn phím cơ G512 Carbon của Logitech không gây được nhiều ấn tượng với Mọt tui khi mở hộp. Có vẻ ngoài khá bình thường với kích thước tiêu chuẩn, mang layout 104 phím truyền thống và hoàn toàn không có bất kỳ nút bấm phụ thêm nào như chiếc bàn phím G213 ở tầm thấp hơn, G512 tỏ ra mộc mạc và đơn giản.
Dấu hiệu bề ngoài duy nhất cho thấy rằng nó là một bàn phím chơi game có lẽ nằm ở chỗ bề mặt nhôm phay xước và các switch được “khoe hàng” nổi bật trên bề mặt khay bàn phím phẳng thay vì được ẩn giấu vào bên trong theo dạng khay lõm. Thế nhưng bên dưới bề ngoài này, bạn sẽ nhận ra rằng G512 là một bàn phím chơi game chuẩn mực và xứng đáng với số tiền bỏ ra để sở hữu nó. Vậy điều gì đã khiến G512 trở thành chiếc bàn phím được chọn sử dụng bởi các game thủ chuyên nghiệp đến từ các đội esports danh tiếng như Team Flash, GAM hay Divine?
Nhưng trước khi đến với trải nghiệm thực tế với G512, hãy để Mọt nói cho bạn nghe về ngoại hình của bàn phím này. Nhờ mặt kim loại che phủ mặt trên, G512 đem lại cảm giác rắn chắc, bền bỉ xứng đáng với mức giá của nó khi cầm trên tay. Có vẻ như tất cả những con ốc lắp ráp bàn phím cũng đều nằm ở mặt trên nên có lẽ việc tháo rời để vệ sinh hoặc mod sẽ rất dễ dàng. Mọt tui chưa thử tháo tung bàn phím này nên không dám khẳng định rằng liệu có con ốc nào bị che giấu bên dưới các chân đế hay không.
Các phím bấm màu đen có sự tách biệt rõ ràng, nổi bật trên nền nhôm xám, đem lại một vẻ ngoài trông khá dịu mắt và là phông nền phù hợp cho ánh đèn LED đầy màu sắc của bàn phím. Chúng có cảm giác khá tốt dù vẫn mỏng chứ không được dày và cứng cáp như những keycap bạn mua rời với giá cao hơn. Bề mặt phím có độ lõm xuống nhẹ nhàng nên ngón tay của Mọt tui dễ dàng tìm đến đúng vị trí giữa phím và kích hoạt phím bấm một cách chính xác. Đặc biệt, các bàn phím mà Mọt tui dùng thử sử dụng switch GX đời mới được thiết kế với chân cắm (stem) có hình dấu + giống hệt Cherry nên bạn có thể dễ dàng thay bộ keycap của nó, chứ không phải switch Romer cũ. Logitech cũng đã bổ sung 2 phiên bản sử dụng switch GX Red và GX Brown mới kết hợp cùng phiên bản sử dụng switch GX Blue tạo thành một bộ 3 lựa chọn đầy đủ dành cho game thủ trên mẫu G512 này.
Khi lật ngửa G512 để xem xét mặt dưới của bàn phím, bạn sẽ thấy nó được trang bị các chân đế chống trượt bằng cao su giúp cố định G512 trên mặt bàn, cộng thêm hai chân chống được thiết kế để mở ngang thay vì mở dọc khá thú vị. Ngoài ra mặt dưới này còn có rãnh cho dây tai nghe tiện dụng, giúp tránh sự vướng víu khi game thủ sử dụng headset để giao tiếp với bạn bè khi chơi game.
Hơn nữa, khả năng USB Passthrough vẫn tồn tại trên bàn phím này khi nó có một cổng USB nằm ở bên góc phải phía trên, giúp game thủ dễ dàng cắm các thiết bị USB mà không phải chạm vào thùng máy. Dây cáp của G512 có đường kính lớn, chiếm dụng hai đầu cắm USB trên mainboard (một cho bàn phím và một cho cổng USB tăng cường) và được bọc chống rối vững chắc.
Tóm lại, dù vẻ ngoài của G512 không đập vào mắt game thủ ngay lập tức và cũng không gào lên rằng nó là một bàn phím chơi game, Logitech đã chăm chút cho nó bằng những chi tiết nhỏ nhưng tinh tế mà bạn có thể dễ dàng nhận ra và yêu thích trong quá trình sử dụng.
Như đã nói ở trên, các bàn phím G512 cũng có ba phiên bản sử dụng ba loại switch khác nhau là GX Blue, GX Brown, GX Red đời mới, mỗi loại switch có sự khác biệt về âm thanh phát ra và cảm giác ấn. Trong số này, switch GX Blue đem lại phản hồi trực quan bao gồm cả cảm giác và âm thanh phù hợp với việc chơi game đòi hỏi sự chính xác trong thao tác (và nếu bạn thích tiếng lách tách vui tai của nó). switch GX Brown có phản hồi nhẹ nhàng, ít ồn hơn dưới hình thức cảm giác trên đầu ngón tay, và cuối cùng GX Red có cảm giác bấm êm ái, hành trình phím thấp đem lại lợi thế trong các game hành động khi bạn có thể kích hoạt lệnh nhanh chóng hơn. Cá nhân Mọt tui đã được hãng Logitech hỗ trợ để thử qua cả ba loại switch này, và cảm thấy thích G512 phiên bản GX Brown nhất bởi nó gần giống nhất với chiếc bàn phím mà Mọt đang sử dụng cho công việc. Cảm ơn Logitech đã giúp đỡ Mọt!
Thử nghiệm G512 GX Brown với Doom Eternal vừa ra mắt đem lại cho Mọt tui một trải nghiệm tuyệt vời. Với các thông số quãng di chuyển 4 mm, điểm kích hoạt 1.9 mm, lực nhấn 50 gram (60 gram để bottom out), nó không tạo ra sự ồn ào mất tập trung khi Doom Slayer phải di chuyển, leo trèo, đu bám, rip & tear với tốc độ chóng mặt trong game. Hơn thế nữa, nó cũng không làm phiền "hàng xóm" vì tiếng ồn dồn dập do bấm phím cường độ cao. Tác giả thích thú với cảm giác phản hồi nhẹ nhàng của nó trong quá trình chơi, trong khi khoảng cách chuẩn giữa các phím bấm giúp Mọt làm quen với chiếc bàn phím này ngay lập tức sau khi cắm vào máy.
Khả năng tùy biến của G512 nhờ phần mềm Logitech GHub cũng là một điểm cộng. Giống như các bàn phím khác từ cùng nhà sản xuất, game thủ có thể lập trình tất cả các phím bấm trên G512 để thỏa mãn nhu cầu của mình trong các tựa game bắn súng, thay đổi chế độ phát sáng của từng đèn LED dưới ngón tay của mình dựa trên hàng chục tùy chọn khác nhau và dãy 16,8 triệu màu RGB.
Do Mọt tui có sẵn một chú chuột G502, tính năng Lightsync của phần mềm cũng tự động đồng bộ đèn của G512 vào chế độ sáng “Breathing,” nhưng việc thay đổi nó thành các chế độ màu mè hoa lá hơn có thể được thực hiện chỉ bằng vài cú click chuột. Nếu lo ngại sự tồn tại của phím Windows ảnh hưởng đến thành tích của mình trong game, bạn có thể vô hiệu hóa phím bấm này thông qua Logitech GHub bằng cách chọn một profile bạn tự định nghĩa hoặc để phần mềm tự quét máy và tải các profile cần thiết về máy.
Về tổng thể, G512 Carbon là dòng sản phẩm bàn phím chơi game chất lượng của Logitech. Dù không có ngoại hình hầm hố đầy những vết cắt cá tính hay thêm hàng chục nút bấm đủ loại, nó đem lại cho game thủ sự lựa chọn loại switch mình thích, đèn RGB hào nhoáng và trên hết là chất lượng xứng đáng với giá tiền.
Nó giống như một thanh kiếm đơn giản không có trang trí hoa lá màu mè gai nhọn tua tủa nhưng nó đủ sắc bén để cắt lát một thỏi thép như cắt dưa leo, ngôn ngữ thiết kế của G512 chính là sức mạnh thần kỳ ẩn giấu trong một ngoại hình đơn giản mộc mạc. Mọt cũng thích sự đơn giản trong thiết kế của bàn phím này, một xu thế mà ngày càng nhiều nhà sản xuất gaming gear theo đuổi trong thời gian gần đây.