Phụ Lục
Vài tháng trước đây, nhà phát triển game đến từ nước Nga là Mundfish đã âm thầm tung ra một đoạn trailer cho Atomic Heart, một tựa game lấy bối cảnh nước Nga Soviet trong một thế giới giả tưởng. Dù ngắn ngủi, những hình ảnh trong đoạn trailer đã nhanh chóng chinh phục fan của thể loại bắn súng khắp thế giới, khiến cộng đồng game thủ khao khát muốn được biết thêm những thông tin cụ thể hơn về trò chơi.
Tuy nhiên, Mundfish rất kín tiếng về tựa game của mình, làm cho game thủ không thể thỏa mãn cơn khát thông tin về Atomic Heart. Thêm vào đó, việc trò chơi bị hoãn ngày phát hành từ 2018 sang 2019 cũng khiến việc chờ đợi càng trở nên “dày vò” với game thủ. Mọt tôi là một trong số những kẻ đang bị dày vò như vậy. Vì đã lỡ hứa trong một bài viết trước, và cũng vì tuân theo lời dạy bảo của ông cha “cái tốt phải chia sẻ với mọi người,” bài viết này được thực hiện nhằm giúp các bạn cũng bị dày vò háo hức như Mọt.
Atomic Heart là một tựa game thế giới mở, với môi trường cực kỳ rộng lớn. Đó là điều được tổng giám đốc Mundfish, ông Robert Bagratuni tiết lộ. Trò chơi lấy bối cảnh một thế giới giả định song song, nội dung của nó bao phủ toàn bộ liên bang Soviet.
Vẫn theo phong cách Digimon nhưng Digimon Survive sẽ kết hợp cả yếu tố của game sinh tồn, thứ không thường thấy trong seri này.
Đây sẽ là một bản đồ khổng lồ trải dài từ châu Âu sang châu Á, biên giới của nó chạm vùng cực ở hướng bắc, dãy Altai ở phía nam, với rất nhiều đồi núi, sông hồ và những bình nguyên vô tận. Điểm xuyết trên vùng đất này là những công trình thuộc về Plant 3826 (nhà máy 3826), một nhà máy khổng lồ trải rộng cả trên mặt đất lẫn trong lòng đất liên bang, được kết nối với nhau bằng những đường ray xe lửa.
Plant 3826 là gì? Trong thời đại hoàng kim của liên bang Soviet, Plant 3826 là những nhà máy sản xuất robot phục vụ cho cả liên bang. Những robot của nó thay thế nông dân trồng trọt trên đồng, đốn củi trong rừng, phục vụ công việc gia đình, tham gia vào quân đội. “Chúng cực kỳ phổ biến trong liên bang, và xuất hiện ở khắp nơi,” ông Bagratuni nói. “Robot có mặt ở trong từng nhà, từng công ty. Rồi chúng nổi điên.”
Chưa hết, trong một bài blog được đăng tải hồi tháng 3 vừa qua về “nỗi kinh hoàng của nhà máy 3826,” Mundfish nói rằng có những tin đồn đáng sợ lan truyền trong đội ngũ công nhân của nhà máy. “Chuyện về những xác chết vùng dậy và lang thang giữa người sống, những sinh vật biến dị từ thử nghiệm của tiến sĩ Stockhausen… Hãy thử tìm tất cả manh mối dẫn đến đáp án, nếu ngươi dám!”
Đáp án của nó là gì? Không cần phải đoán, vì đoạn trailer trên đã tiết lộ đáp án: zombie!
P-3, nhân vật chính của trò chơi là một mật vụ của liên bang, chịu trách nhiệm tiến vào Plant 3826 để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra khiến lũ robot phát cuồng và nhà máy hoàn toàn không phản hồi lại những yêu cầu liên lạc từ nhà chức trách.
Anh ta được giới thiệu là một nhân vật “điên chứ không ngu,” theo lời của ông Bagratuni. Trong bối cảnh của game, gần như mọi hoạt động sản xuất của con người đều đã đình trệ khi lũ robot nổi loạn, vì thế để sống sót, P-3 phải tự làm nên những món vũ khí của riêng mình.
“Vũ khí được tạo thành từ các linh kiện kim loại khác nhau, được gỡ ra từ lũ robot hoặc đồ điện gia dụng, hay các mảnh bạn nhặt được khi chơi. Gần như mọi thứ trên đường đi đều có thể dùng như một món vũ khí. Vũ khí cận chiến cũng tương tự: bạn dùng bất kỳ thứ gì mình tìm thấy.”
Vậy Atomic Heart là một game thế giới mở, bắn súng trong đó người chơi phải tự chế vũ khí, bối cảnh hậu tận thế, và những đường ray xe lửa – quá giống Metro. Lũ robot trong game phần nào nhắc nhở game thủ về Nier: Automata, đặc biệt là con trùm to mọng mà bạn thấy ở thời điểm 1:14. Nhưng thật ra nó không chỉ là tập hợp của Metro, Nier, Fallout hay bất kỳ tựa game nào khác.
Khi được hỏi về những ý tưởng nào đã góp phần tạo ra Atomic Heart, ông Bagratuni tiết lộ những thông tin thú vị.
“Artyom, tác giả của cốt truyện Atomic Heart đã bỏ ra 7 năm để viết nó. Vì ông ấy và một số thành viên trong nhóm phát triển được sinh ra thời Soviet, nhiều ý tưởng đến từ thời đại đó. Rất nhiều game thủ đang so sánh trò chơi với BioShock và Fallout, nhưng thật ra chúng tôi lấy ý tưởng từ thời thơ ấu của mình, từ những cuốn sách mình đọc. Strugasky, Lem, Harrison (ba nhà văn viết truyện viễn tưởng). Những cuốn sách đó có một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Soviet. Và khi ghép tất cả chúng với internet, robot, liên bang Soviet và tem phiếu, bạn có Atomic Heart.”
Như bạn đã biết, robot và zombie là những kẻ địch chính của P-3. Nhưng trong khi nhân vật chính của chúng ta bận rộn hàn, cưa, đục, gõ để tạo những món vũ khí mới tiêu diệt kẻ địch, nhà phát triển Mundfish vẫn tìm ra chỗ để nhét… tình yêu vào tựa game của mình. Một bài blog của họ nhắc đến “ngay cả những thời điểm khó khăn nhất cũng không thể ngăn cản hai trái tim yêu đương ôm lấy nhau,” và đi kèm hình minh họa là hai trái tim đã được cơ giới hóa theo đúng phong cách của trò chơi.
Đó là tất cả những gì chúng ta được nghe về Atomic Heart ở thời điểm hiện tại. Nhưng thật ra, còn một nơi mà bạn có thể tìm hiểu thêm một ít thông tin về trò chơi: Soviet Lunapark VR, một tựa game thực tế ảo mà Mundfish phát triển. “Đây là một game bắn súng thực tế ảo không có liên quan gì đến Atomic Heart về cốt truyện hay lối chơi, nhưng các sự kiện trong Lunapark xảy ra cùng một vũ trụ với Atomic Heart, và cho bạn cơ hội nhìn thấy một số khu vực của Plant 3826.”
Nói cách khác, Soviet Lunarpark VR là một phần rất nhỏ trong thế giới của Atomic Heart. Trò chơi này đã ra mắt vào ngày 23/7 vừa qua, bạn có thể chơi thử nó nếu muốn.