Phụ Lục
Dù là một tựa game mới, Valorant thực sự không quá xa lạ với Mọt hay bất kỳ game thủ nào từng chơi game bắn súng, bởi luật chơi của nó gần như là sự kết hợp giữa Rainbow Six Siege với Counter-Strike. Điều này có nghĩa là game đòi hỏi cả khả năng ngắm bắn chính xác, tư duy chiến thuật cũng như sự phối hợp đồng đội, thay vì thuần túy là phản xạ hay bộ kỹ năng của nhân vật kiểu Overwatch.
Nền tảng của Valorant là hệ thống nhân vật (game gọi là Agent) với bộ kỹ năng riêng của mình. Tương tự Rainbow Six Siege, game thủ sẽ phải chọn một nhân vật mình muốn chơi trong lobby trước trận đấu, và không được phép chọn trùng với những người khác trong đội. Game thủ sẽ tham gia vào những trận đấu kiểu đặt bom với luật chơi đơn giản: hai bên thay phiên nhau phòng thủ / tấn công sau 12 hiệp. Mỗi game thủ chỉ có một “mạng” duy nhất trong hiệp đấu và không được phép hồi sinh. Đội nào thắng 13 hiệp trước – dù là bằng cách diệt hết kẻ địch hay thành công trong việc đặt / gỡ bom sẽ giành lấy chiến thắng chung cuộc.
Video gameplay Valorant do Riot ghi lại.
Trong khi đó, yếu tố mà Valorant vay mượn từ Counter-Strike được thể hiện qua hệ thống tiền của trò chơi. Game thủ sẽ nhận được tiền sau mỗi hiệp tùy vào chiến tích của mình và của cả đội ở hiệp trước rồi dùng nó để mua đủ thứ trang bị, kỹ năng, súng đạn, giáp… Tuy nhiên khác với Counter-Strike, game thủ chỉ có thể mua trang bị trong Buy Phase (trong giai đoạn này, bạn không thể rời khu vực spawn của đội mình). Nếu sống sót ở hiệp trước, game thủ sẽ được giữ tất cả vũ khí mình đang cầm trên tay, giáp trên người và những kỹ năng chưa sử dụng sang hiệp sau.
Phải nói rằng khi chơi thử Valorant, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng làm quen với trò chơi bởi phần súng đạn của game đem lại cảm giác rất giống với Counter-Strike, đến mức bạn có thể chạy nhanh hơn khi rút dao thay vì cầm súng. Bạn cũng có thể mua thêm giáp cho nhân vật và cách chúng hoạt động có phần tương tự Counter-Strike: chúng hấp thu 70% sát thương nhưng có giới hạn 25 giáp (400 Creds) hoặc 50 giáp (1000 Creds).
Các kỹ năng của nhân vật thực ra cũng hoạt động như một kiểu trang bị. Mỗi nhân vật có bốn kỹ năng khác nhau – hai “bình thường,” một “đặc trưng” (Signature) và một “tối thượng” (Ultimate). Bạn buộc phải mua số lần sử dụng cho ba kỹ năng đầu tiên bằng Creds kiếm được sau mỗi màn chơi, trong khi kỹ năng tối thượng tự động phục hồi trong hiệp đấu. Như vậy, số lần sử dụng ba kỹ năng đầu là có giới hạn tùy vào độ sâu của túi tiền, còn kỹ năng tối thượng có thể được dùng nhiều lần và chỉ bị giới hạn bởi cooldown.
Để có thể đạt được lợi thế trước đối thủ khi chơi Valorant, game thủ cần phải học cách “đọc” những âm thanh mà kẻ địch tạo ra khi di chuyển trong khi che giấu âm thanh của mình. Game có hỗ trợ người chơi đôi chút khi trực tiếp hiển thị tiếng bước chân của nhân vật khi họ chạy một cách trực quan trên minimap dưới dạng một vòng tròn nhỏ. Vì vậy việc giữ phím Shift để chuyển sang đi chậm và che giấu tiếng bước chân là một điều rất cần thiết. Điều này cũng giúp các phát đạn trở nên chính xác hơn, nên những game thủ thích vừa chạy vừa bắn sẽ gặp những bất ngờ không có gì là thú vị khi chơi Valorant.
Một yếu tố khác game thủ cần “đọc” là kích thước của tâm ngắm trên màn hình bởi nó là cách game cho bạn biết mức độ chính xác của phát đạn mình sắp bắn ra. Khi chạy, tâm ngắm này sẽ giãn nở tối đa và sẽ thu nhỏ lại khi bạn đi bộ (Shift) rồi đạt mức nhỏ nhất khi dừng lại. Hẳn bạn có thể dễ dàng đoán được rằng các phát đạn cực kỳ thiếu chính xác khi chạy và chính xác nhất khi nhân vật dừng lại hoàn toàn. Tuy nhiên sau khi bắt đầu nhả đạn, độ chính xác của đạn cũng sẽ giảm đi sau vài phát đầu tiên tùy vào loại vũ khí được dùng.
Cũng như Counter-Strike, Time to kill (TTK) của Valorant nhanh đến mức chóng mặt. Nhân vật của game thủ có thể bật ngửa ra nằm chờ hiệp tới chỉ sau một hoặc hai phát đạn chuẩn xác, nên khả năng ngắm bắn và bóp cò luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Các kỹ năng đầy màu sắc của Valorant chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ cho phe ta hoặc phá hoại phe địch.
Point Shop có thể coi là hệ thống chuyển đổi của chế độ Mercenary trong Resident Evil 3 Remake, nơi bạn dùng điểm để mua trang bị và súng bất tử.
Mọt nhận thấy rằng với Valorant, Riot muốn kết hợp những chi tiết tốt nhất của các tựa game bắn súng đối kháng trên thị trường để tạo ra một trò chơi thân thiện và dễ tiếp cận cho game thủ, thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Bên cạnh kênh chat truyền thống, bạn còn có thể tìm thấy các nút lệnh đơn giản trên menu như “Let’s Buy, I Have Extra Creds, Let’s Save” để báo hiệu cho đồng đội mình có kế hoạch gì – mua sắm, dư tiền, tiết kiệm…
Minimap của game cũng là một kho thông tin mà game thủ có thể khai thác. Ngoài việc báo hiệu tiếng bước chân của kẻ địch như Mọt đã nhắc đến bên trên, nó cũng đem lại cho game thủ thông tin về tầm nhìn của mình và đồng đội, một điều khá hữu ích khi cần phải chia nhau phòng thủ các hướng của khu vực đặt bom hay phát hiện đâu là góc chết cần được ngăn chặn. Vị trí “tử nạn” của các nhân vật cũng được đánh dấu rõ ràng, giúp người chơi có thể phán đoán hướng đi của kẻ địch dễ dàng hơn. Minimap này thậm chí còn thể hiện rõ các kỹ năng được sử dụng qua các biểu tượng đơn giản, dễ nhớ - điều có lẽ Riot học được khi thiết kế các biểu tượng trong LMHT.
Phần đồ họa của game không phải là điểm sáng như các bạn có thể dễ dàng nhận ra, nhưng Riot đã nói rõ là họ cố ý làm vậy nhằm phục vụ cho gameplay. Ưu điểm của đồ họa thấp là làm nền tảng tạo ra sự nổi bật cho những thông tin quan trọng mà game thủ cần thấy. Bạn có thể dễ dàng nhận ra những gì đang xảy ra trong cuộc chiến khi các kỹ năng luôn có màu sắc rực rỡ bắt mắt, nhân vật có đường nét rõ ràng trong khi bản đồ luôn có màu sắc nhạt, ít chi tiết để tránh “gây nhiễu” tầm mắt của game thủ. Bên cạnh đó, nền đồ họa đơn giản này cho phép game thủ dễ dàng đạt tới các mức khung hình cao – một chiếc card GTX 1050 đã khá cũ cũng có thể đạt tới mức 144 khung hình / giây một cách rất dễ dàng.
Cả hai điều trên thực ra phục vụ cho cùng một mục tiêu: cho game thủ nhiều thông tin nhất theo cách dễ dàng nhất có thể. Bởi một vài bản đồ của Valorant có đến 3 khu vực để đặt bom / phòng thủ thay vì chỉ hai như Counter-Strike, việc biết được kẻ địch của mình đang ở đâu và làm gì là một điều cực kỳ quan trọng trong game. Một số nhân vật thậm chí được thiết kế riêng cho mục tiêu thu thập thông tin, chẳng hạn Sova và Cypher với những kỹ năng do thám của họ.
Đó là tất cả những điều mà Mọt nhận thấy được trong quá trình chơi thử Valorant (và ăn hành) ngắn ngủi của mình. Game rõ ràng là có tiềm năng để trở thành một thế lực mới trong làng eSports và trở thành con gà đẻ trứng vàng mới cho Riot, đặc biệt là với nguồn tiền của và kinh nghiệm mà họ gầy dựng được trong quá trình vận hành LMHT suốt nhiều năm qua.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]