Tựa game bom tấn hành động đầu tiên trong tháng 3 này – Nioh 2 cuối cùng đã phát hành chính thức, với những fan của dòng Souls-like thì hẳn không hề xa lạ gì với cái tên này, khi nó được mệnh danh là Dark Souls phiên bản Samurai rồi. Có thể xem Nioh 2 như một phần nâng cấp toàn diện, với độ khó được điều chỉnh theo kiểu sẽ hành hạ người chơi tới chết vài ngàn lần ở bất kì thời điểm nào.
Nioh 2 trên thực tế là phần tiền truyện (prequel) nói về các sự kiện diễn ra trước khi William vượt biển tới Nhật, nhân vật chính lần này sẽ là một đứa con lai giữa người và quỷ (không phải Inuyasha đâu) do người chơi tự tạo. Bối cảnh của Nioh 2 là lúc mà Nhật Bản còn chưa rơi vào khói lửa chiến tranh và các lãnh chúa vẫn đang tích trữ lực lượng, với những viên đá Amrita chưa được khai thác rộng rãi để sử dụng. Nhân vật chính của Nioh 2 là một lính đánh thuê nhưng tình cờ bị cuốn vào những phân tranh trong thời loạn này, cũng như tìm hiểu thân phận bán quỷ của mình.
Lối chơi của Nioh 2 về cơ bản không có gì khác với phần một, nhưng nó bổ sung rất nhiều thay đổi quan trọng. Đầu tiên là 2 món vũ khí mới là Switchglaive (lưỡi hái gấp) và Hachet (song búa dùng để ném), có thể xem Switchglaive như một phiên bản kết hợp giữa giáo và Odachi, với tầm đánh xa đi cùng combo lằng nhằng và sát thương ở mức khá. Hachet thì nhìn qua khá giống Dual Sword nhưng thay vì dùng để chém thì nó lại thiên về ném, đây là thay đổi rất đáng giá của Nioh 2, vì chúng ta chưa từng thấy món vũ khí chính nào lại có phong cách đánh xa cả.
Thay đổi tiếp theo là bảng kỹ năng giờ đây có thêm nhiều mục mới, trong đó bao gồm Shiftling và Samurai. Shiftling là một thứ mới hoàn toàn trong Nioh vì nhân vật chính là bán quỷ, trong quá trình chơi bạn có thể thu thập được các mảnh Quỷ hồn rơi ra từ đám lính thường hoặc trùm, nó cho phép chúng ta sử dụng chính đòn thế của chúng để tấn công.
Các kỹ năng Shiftling sẽ tiêu tốn một loại tài nguyên mới gọi là Anima, thứ sẽ tự động hồi khi bạn ra đòn trúng đích hoặc trúng đòn từ kẻ địch. Quỷ hồn có rất nhiều loại và tất cả đều có thể lên cấp, chúng còn cung cấp cả những chỉ số phụ cộng thêm như kiểu nội tại nữa. Hơn nữa Nioh 2 giờ đây cũng có phản đòn, bằng cách nhấn R2 + O đúng lúc nhân vật chính sẽ hóa thành quỷ và đánh ngược lại đối thủ, nó rất khó để canh nhưng phần thưởng nhận được thì khỏi bàn.
Phần cải tiến đáng giá nhất có lẽ là giờ đây các kỹ năng thuộc nhánh Ninja và Onmyo Magic sẽ tự động tăng nếu bạn dùng chúng trong chiến đấu, vì hẳn ai từng chơi Nioh đều biết 2 nhánh này quan trọng thế nào nhưng lúc đầu thì đào đâu ra điểm mà táng vào, cải tiến này cho phép người chơi sử dụng chúng từ sớm mà không phải tốn quá nhiều tài nguyên. Hệ thống kỹ năng và combo của vũ khí gần như không có gì thay đổi, chỉ là ai muốn làm quen 2 loại vũ khí mới thì phải bắt đầu lại.
Và cái độ khó kinh hoàng từ phần một vẫn được giữ nguyên, thậm chí nó còn được nâng cấp trong Nioh 2, khi mà game đưa ra một thứ mới gọi là Dark Realm hay Yokai Realm. Đây là những vùng đất đặc biệt, khi mà kẻ thù mạnh lên đáng kể và người chơi bị giảm tốc độ hồi Ki – có thể hiểu đơn giản là giống những cái vũng ô uế nhưng tầm hoạt động là toàn màn hình ấy.
Cách duy nhất để dọn một Yokai Realm là phải tiêu diệt một con trùm phụ, nhưng việc này không hề dễ vì ngoài việc bị giảm tốc độ hồi Ki ra thì đám quái trong Yokai Realm cũng trâu chó hơn nhiều, hơn nữa bạn cũng chẳng có cách nào bỏ qua Yokai Realm vì thường là chúng chắn thẳng đường chính vào trùm.
Trùm trong Nioh 2 cũng sẽ gọi ra Yokai Realm mỗi khi chúng mất khoảng 40% và càng ít máu càng gọi nhiều, có thể hiểu trong cái thế giới mà đối thủ mạnh gấp đôi còn chúng ta thì yếu hơn hẳn, khỏi cần nói cũng biết kết quả thế nào. Nhưng may mắn là Nioh 2 còn chưa triệt đường sống của game thủ, vì giờ đây nó cho phép co-op hoặc gọi trợ giúp từ các ngôi mộ.
Trong Nioh 2 có những ngôi mộ màu xanh dương, đó chính là những linh hồn của người chơi bị tiêu diệt nhưng khác với mộ đỏ ở phần một, bạn có thể dùng Okocho cup để gọi chúng dậy và chiến đấu cho mình. Đây là tính năng cực kỳ hữu ích nhất là ở thời gian đầu, vì có những ngôi mộ đạt cấp độ 30 hoặc 40 (gấp đôi cấp người chơi) và có hàng đống trang bị xịn để làm cận vệ giúp chúng ta, tất nhiên nếu bạn chết thì đám cận vệ này cũng đi tong luôn.
Có điều đừng nghĩ là có cận vệ là ngon, vì vào trùm chúng vẫn bị giã cho mềm người chẳng khác gì bia thịt. Hơn nữa mỗi lần triệu hồi sẽ tốn một số lượng Okocho cup nhất định và đâu phải lúc nào cũng có mộ ngon cho bạn sử dụng, thành ra cận vệ cũng chỉ giúp đỡ được một phần mà thôi, mấu chốt vẫn là khả năng của người chơi – nói chung là chết vài chục lần chắc cũng hạ được trùm thôi.
Nhìn chung với những gì mà Nioh 2 đã thể hiện, nó rất xứng đáng là một tựa game Souls-like có chất lượng và đạt được những gì mà game thủ kì vọng. Bạn đã ăn hành đủ đầy trong phần một chưa? Sao không tiếp tục chuỗi ngày khổ dâm cùng Nioh 2 nào?
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]