Phụ Lục
Ở thời điểm hiện tại, dòng máy handheld gần như đã bị lãng quên trên thị trường máy chơi game, hay như Nintendo giờ đây đã tạo ra một sản phẩm Nintendo Switch pha trộn giữa handheld và console hay mới nhất là Switch Lite y chang một cái handheld tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận được sự thành công mà các dòng máy chơi game cầm tay từng đạt được trong thời hoàng kim của nền tảng cầm tay. Và Game Boy Advance là một trong những tượng đài của giai đoạn đó. Đây được coi như một trong những thế hệ máy cầm tay nổi bật nhất của Nintendo, một nét văn hóa đã in sâu vào tiềm thức của hầu hết các thế hệ game thủ.
Hệ máy Game Boy Advance được tung ra vào ngày 21 tháng 3 năm 2001 tại Nhật Bản và ngày 11 tháng 6 năm 2001 tại Mỹ. Sự kiện ra mắt của thế hệ máy chơi game này tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và giới truyền thông, cũng như cộng đồng người hâm mộ. Các đánh giá ban đầu cho những chiếc Game Boy Advance là chúng sở hữu màn hình tối, lại không có đèn nền.
Tuy nhiên, nhược điểm đó lại được bù lại bằng bởi thời lượng pin dài, kéo theo doanh số bán ra khá nhanh. Cuối cùng, thành công của Game Boy Advance kéo dài lên tới 7 năm, kết thúc vào năm 2008 tại Mỹ và 9 năm, kết thúc vào năm 2010 ở một số vùng lãnh thổ khác. Riêng tại Nhật Bản, tuổi đời của Game Boy Advance chỉ là 5 năm, kết thúc vào năm 2006.
Với Game Boy Advance, Nintendo đã xây dựng dựa trên những kinh nghiệm trước đó, từ những thế hệ máy chơi game cầm tay cũng bán chạy không kém của hãng. Và Advance là thế hệ máy chơi game cầm tay thứ ba của Nintendo vào thời điểm bấy giờ.
Năm 1989, Nintendo đã phát hành thế hệ cầm tay đầu tiên, Game Boy. Tới năm 1998, thế hệ đầu tiên này được sửa đổi phần cứng biến nó thành Game Boy Color, chiếc máy chơi game cầm tay đầu tiên có màn hình màu. Và tới năm 2001, Game Boy Advance ra mắt với kiến trúc 32-bit có thể xử lý các tựa game từng chỉ dành cho console. Bên cạnh đó, Advance cũng có thể tương thích ngược lại với 2 người tiền nhiệm của mình.
Trong vòng đời của mình, Game Boy Advance đã được Nintendo phát hành tổng cộng 3 phiên bản, bao gồm: Bản gốc (2001), Game Boy Advance SP (2003) và Game Boy Micro (2005) với rất nhiều nâng cấp thú vị ở phần cứng.
Ngoài ra, người chơi cũng có thể chơi các tựa game của Game Boy Advance trên các dòng máy khác của Nintendo như GameCube hay Nintendo DS. Thậm chí người hâm mộ còn có thể download chính thức phiên bản mô phỏng lại các game trên Advance, chơi bằng trình giả lập trên Wii U và Nintendo 3DS.
Game Boy Advance được trang bị màn hình màu LCD, CPU 32-bit cùng khả năng render được những hình ảnh có chất lượng vượt xa thế hệ tiền nhiệm. Do đó, các trò chơi trên Advance có đồ họa tương đương (đôi khi là vượt xa) chiếc console Super NES. Nhờ vậy, Advance được kế thừa rất nhiều phần tiếp theo của các trò chơi từ thời Super NES như Super Mario World 2: Yoshi's Island, The Legend of Zelda: A Link to the Past, và F-Zero.
Trong suốt vòng đời tại Bắc Mỹ, Game Boy Advance đã phát hành tổng cộng 17 series game lớn. Bán chạy nhất trong số đó phải kể tới Pokémon Ruby và Sapphire (thường được tính cùng nhau) với khoảng 16,22 triệu bản game bán ra trên toàn thế giới. Tiếp đó là Mario Kart: Super Circuit với 5,91 triệu bản được bán ra.
Bên cạnh đó, Game Boy Advance có thể tận dụng được kho game cầm tay trước đó của Nintendo với tính năng tương thích ngược. Do vậy, thế hệ Game Boy thứ ba này sở hữu một thư viện game khổng lồ và cũng đầy thành công.
Thị trường game đã chứng kiến rất nhiều thiết bị ngoại vi có sẵn dành cho Game Boy Advance, bao gồm cả những món đồ kỳ quái nhất. Một vài sản phẩm đáng chú ý ta có thể liệt kê như cáp kết nối giữa GameCube và Game Boy Advance, phụ kiện đầu đọc thẻ e-Render hay cáp kết nối nhiều người chơi.
Còn các thiết bị có phần kỳ quái hơn có thể kể tới máy GlucoBoy (2007), một sản phẩm biến việc xét nghiệm máu bệnh tiểu đường thành… một trò chơi. Hay iCard (2004), một thiết bị không dây thu thập thông tin về các cuộc đua xe tại Mỹ.
Cuối cùng, trong suốt vòng đời của mình, Game Boy Advance đã tẩu tán được tới 81,51 triệu chiếc. Riêng thị trường Hoa Kỳ là 36,2 triệu máy. Trong phần lớn vòng đời, Advance đã cố gắng duy trì thị phần máy chơi game cầm tay ở thị trường Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là trước những đối thủ sừng sỏ như SNK Neo Geo Pocket Color, the Bandai WonderSwan, hay Nokia N-Gage.
Cho tới ngày nay, các thế hệ Game Boy vẫn là dòng sản phẩm đã in sâu vào tâm trí mỗi game thủ. Sự phát triển của Game Boy Advance nói riêng hay Game Boy nói chung đã có tác động lớn tới sự phát triển chung về mặt công nghệ hay nét văn hóa của toàn bộ ngành công nghiệp trò chơi.