Bạn nghĩ rằng cứ tựa game nào là bom tấn sẽ mặc định có màn ra mắt suôn sẻ từ đầu tới cuối? Ngành công nghiệp game đã có rất nhiều trường hợp các game bom tấn AAA, các trò chơi huyền thoại đều không mấy thuận buồm xuôi gió trong những ngày đầu phát hành.
Sau đó, nhờ vào nỗ lực của nhà phát triển, các trò chơi đó có một màn trở lại đầy ngoạn mục và khiến người chơi phải thay đổi cách nhìn. Và cũng có thế... chết hẳn chả kịp lành bệnh.
10 - Battlefield 4
Để nói về những lỗi mà Battlefield 4 gặp phải trong ngày đầu ra mắt, tôi chỉ có thể dùng từ: đa dạng và phong phú. Trò chơi gặp phải vô số lỗi ở trên trời khiến người chơi không thể nào thấy dễ chịu được. Ngắt kết nối, trục trặc server, lag, lỗi ngẫu nhiên trong trò chơi; thậm chí khi người chơi sử dụng giảm thanh cho một khẩu sniper, nó đã...tắt âm cho toàn bộ máy chủ.
Mặc dù DICE liên tục phát hành các bản vá lỗi nhưng nó lại tồi tệ đi là đằng khác. Hàng loạt lỗi ngớ ngẩn hơn xuất hiện trong nhiều tuần sau đó. Nó nhiều tới mức DICE buộc phải triển khai toàn bộ máy chủ mới, mạnh hơn để ổn định được một đấu trường lên tới 64 người chơi.
9 - Diablo 3
Nếu đã sát cánh cùng Diablo 3 từ những ngày đầu tiên, chắc hẳn bạn không thể nào quên được Error 37 đã cực kỳ ám ảnh. Đó là món quà Blizzard dành tặng cho fan sau hơn một thập kỷ, khiến ai ai cũng cảm thấy phẫn nộ.
Thật khó hiểu khi Blizzard yêu cầu người chơi phải kết nối internet liên tục khi trải nghiệm Diablo 3, kể cả với phần chơi đơn. Và điều tất yếu đã xảy ra, server bị nghẽn do có quá nhiều người đăng nhập. Tình trạng khó chịu đó xảy ra trong nhiều ngày trời. Tuy nhiên, Blizzard vẫn kiên định với việc yêu cầu kết nối mạng 100% vì muốn tránh nạn sao chép game lậu. Thật may mắn làm sao khi ít ngày sau tình hình đã ổn định lại và chúng ta vẫn có 1 Diablo 3 để chơi ngày nay.
8 - Total War: Rome 2
Có một điều khá lạ là những tựa game càng được game thủ hi vọng nhiều thì nó lại càng đem tới sự thất vọng. Total War Rome 2 từng được coi là một trong những bước tiến lớn của series Total War với nhiều tính năng mới. Nhưng khi phát hành, người chơi lại nhận được những lỗi mới nhiều hơn khi còn chưa kịp cảm nhận những điều khác.
Từ việc AI của trò chơi tự động đưa quân đi lòng vòng, những chiến thuyền bơi...xuyên mặt đất; cho tới việc đồ họa game bị mất texture, khả năng tối ưu PC rất kém ngay cả với những cỗ máy vượt thông số nhà phát triển đưa ra. Trên diễn đàn của Total War, một người ẩn danh, tự xưng là đại diện của nhà phát triển đã đăng đàn đổ lỗi cho việc thiếu thử nghiệm trước khi ra mắt chính thức.
7 - World of Warcraft
Vâng, tiếp tục lại là Blizzard. Vào năm 2004, khi bắt đầu phát hành World of Warcraft, hãng đã chuẩn bị một nguồn lực khổng lồ, bao gồm 500 nhân viên với 40 server để phục vụ game thủ. Nhưng người tính không bằng trời tính, lượng người đăng nhập khủng khiếp hơn dự tính của Blizzard rất nhiều lần khiến hãng không kịp trở tay.
Toàn bộ hệ thống máy chủ bị nghẽn nặng khiến người chơi phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ liền mới có thể đăng nhập. Nhưng rồi server tắc nghẽn lại đá họ trở về điểm xuất phát. Dẫu có khởi đầu không mấy suôn sẻ nhưng World of Warcraft vẫn là một biểu tượng của MMORPG mà không một game thủ nào không biết tới.
6 - The War Z
Chuyện gì xảy ra với The War Z? Tôi xin được tóm gọn lại trong 2 chữ “LỪA ĐẢO”. Trên cửa hàng Steam, The War Z thôi miên game thủ bằng những tính năng mỹ miều như “bản đồ rộng 400km vuông”, hay “trò chơi có thể tạo máy chủ riêng biệt”, “game sẽ tự động học kỹ năng của người chơi”,... Kết quả là gì, game thủ cứ thế lao đầu vào một trò chơi chỉ rộng cỡ...10km vuông, hay hàng tá những thứ không hề đúng với quảng cáo.
Nếu bạn có ý định phàn nàn về trò chơi ư? Hãng phát hành The War Z sẽ xóa toàn bộ những khiếu nại của game thủ ra khỏi diễn đàn, người chơi bị cấm đưa ra điểm số đánh giá. Và cuối cùng The War Z đã bị Steam trảm vì tội “bán hàng sai sự thật”. Tới năm 2013, trò chơi quay trở lại với cái tên mới nhưng vấn đề thì vẫn y nguyên như cũ.
5 - Final Fantasy 14
Sau một bản beta ngắn, ai ai cũng khẳng định rằng Final Fantasy 14 thực sự chưa sẵn sàng để ra mắt. Nhưng Square Enix phớt lờ những lời nhận xét, đánh giá nó ngoài tai và bất chấp mọi thứ cho phần game thứ 14 của series Final Fantasy huyền thoại. Và kết quả trò chơi liên tục xảy ra lỗi ảnh hưởng nặng tới trải nghiệm của người hâm mộ.
Giao diện game xấu điên đảo, tốc độ khung hình bất ổn định một cách khủng khiếp, hay thường xuyên có độ trễ,... tất cả những thứ đó đã phá nát hoàn toàn Final Fantasy 14 trong thời điểm đầu ra mắt chính thức. Square Enix buộc phải thu hồi lại trò chơi, chủ tịch Square Enix lúc đó là ông Yoichi Wada phải đăng đàn xin lỗi người hâm mộ lẫn các cổ đông vì đã cho ra một sản phẩm quá kém chất lượng. Game được phát triển lại rồi phát hành lần 2 dưới cái tên khác là Final Fantasy 14: A Realm Reborn với rất nhiều thay đổi. Rất may là phiên bản này đã được cộng đồng đón nhận tích cực hơn rất nhiều.
4 - ArcheAge
Trong ngày đầu phát hành ArcheAge, người chơi đã phát hiện ra một vấn đề khá nghiêm trọng. Mỗi máy chủ của ArcheAge sẽ chỉ có một lượng đất nhất định cho người chơi tranh đoạt lẫn nhau. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ đầu trò chơi phát hành, toàn bộ số đất này đã bị chiếm dụng. Cách duy nhất để những người chơi mới có được đất là mua hoặc chiếm đoạt từ người chơi khác.
Cách “chiếm đoạt” lại không hề khả thi cho lắm khi trò chơi ở thời điểm ban đầu có chế độ bảo mật rất kém. Các hacker nhân cơ hội cài phần mềm bên thứ ba để chiếm đất một cách nhanh chóng. Chính những kẻ như vậy đã khiến cho toàn bộ nền kinh tế trong game bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới việc game thủ hoàn toàn thất vọng về ArcheAge.
3 - Anarchy Online
Với trường hợp của Anarchy Online, ngay từ những ngày đầu tiên, game thủ đã phàn nàn vì key đi kèm đĩa hoàn toàn không hợp lệ khi nhập vào trò chơi, máy chủ thường xuyên bị sập, hay như có nhiều khu vực trên bản đồ mà game thủ không thể truy cập được. Rất nhiều lời phàn nàn được gửi tới hãng phát triển Funcom khiến họ bị choáng.
Rất may là sau 6 tháng nỗ lực hết mình, Funcom đã gây dựng lại được lòng tin của người hâm mộ. Họ đưa ra gói thử nghiệm miễn phí để người chơi có thể theo dõi, đánh giá cũng như đưa ra ý kiến về trò chơi. Và cho tới nay, Anarchy Online vẫn đang hoạt động ổn định.
2 - Battlecruiser 3000 AD
Battlecruiser 3000 AD là một trong những tham vọng lớn của ngành công nghiệp game trong những năm của thập niên 90. Tuy nhiên, Battlecruiser 3000 AD đã đáp lại kỳ vọng của cộng đồng bằng số lượng lỗi không đếm xuể, độ ổn định không hề có, hay thậm chí còn không thể chơi được khi mới phát hành.
Bên cạnh sự tối ưu quá tồi tệ, Battlecruiser 3000 AD có nội dung thực sự là một mớ hổ lốn. Các nội dung trong game phức tạp tới mức phi lý, khiến người chơi mất cả tá giờ đồng hồ trong vô vọng. Và điều quan trọng là nhà phát triển trò chơi này vẫn cố gắng để phát hành ra các phiên bản tiếp theo nhưng vẫn không hề có dấu hiệu tích cực hơn.
1 - EVE Online: Trinity
Có lẽ nếu đã từng chờ đợi và trải nghiệm trong những ngày đầu tiên phát hành EVE Online: Trinity vào năm 2007, người chơi sẽ không thể nào quên được sự ức chế của trò chơi này gây ra. Bộ cài của Trinity vô tình đã xóa đi file boot.ini của Windows khiến cho PC của người dùng thậm chí còn không thể khởi động lại được.
Cho tới ngày nay, boot.ini vẫn là một trò đùa mà cộng đồng game thủ vẫn hay đùa cợt với nhau. Thậm chí nếu bạn có search Google thì vẫn sẽ có hàng trăm kết quả hiện về rất nhanh chóng. Đây có thể coi là một vết nhơ mà hãng phát triển của EVE Online: Trinity không bao giờ muốn nhớ và lặp lại.