Phụ Lục
Game thủ chúng ta ai ai cũng đều hào hứng với các tựa game mới. Tuy nhiên, có vẻ như các hãng phát hành quá vội vàng, sợ người hâm mộ của mình chờ quá lâu mà đã đánh liều phát hành những tựa game còn chưa được hoàn thiện. Và các game thủ đã hoàn toàn bị đánh lừa, phí phạm 40 tới 60 USD một cách vô nghĩa cho đến khi họ chơi được một đoạn mới nhận ra mình bị... hố và quay lại chửi tan nát.
Hãy cùng xem những tựa game ra mắt trên PC một cách tệ hại để bị game thủ chửi như tế sống nhé. Tuy nhiên cần lưu ý rằng có một số trò chơi trong danh sách này lại rất thành công với phiên bản Console, chỉ là phiên bản port lên PC quá tệ nên ăn chửi thôi.
Fallout 76 đã không nhận được cái nhìn thiện cảm của người hâm mộ ngay từ khi những thông tin đầu tiên được hé lộ và nó đã thực sự gặp rắc rối lớn ngay từ khi bắt đầu beta. Người hâm mộ phát hiện ra hàng loạt vấn đề khó chịu. Phiên bản beta của tựa game này chỉ cho chơi vào các khung giờ nhất định trong ngày, và thường là những khung giờ...không mấy ai có thể chơi được.
Ngoài ra, Bethesda còn bị gọi hồn bởi những phốt của bản beta như: Buộc người chơi phải tải lại 45GB của bản beta, hay không thể gỡ bỏ bản beta. Đó còn chưa kể Bethesda gặp phải cú phốt quá lớn với phiên bản Power Armor Edition khi bị tố lừa đảo, thay vì tặng game thủ một chiếc bao vải canvas chống thấm nước theo phong cách quân đội, hãng chỉ cho vào một chiếc túi nilon tầm thường. Nó hoàn toàn không xứng đáng với cái giá 200USD.
Hàng loạt cú phốt xảy ra khiến Fallout 76 trở thành một trong những trò chơi có màn ra mắt tệ hại nhất trong lịch sử Bethesda cũng như của ngành công nghiệp game.
Danh sách này thiếu No Man’s Sky thì quả là đáng tiếc. Có thể bây giờ bạn đang được thấy một No Man’s Sky rất đáng đồng tiền bát gạo nhưng bạn có biết rằng thời điểm mới ra mắt, trò chơi đã bị tố là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Khi mới ra mắt vào năm 2016, tựa game này có đồ họa khác quá xa so với lúc giới thiệu, nó chỉ là một thế giới hoang tàn, các loài sinh vật chỉ là những bản chắp vá các bộ phận của nhiều loài vật khác nhau trông cực kỳ lố bịch. Gameplay quá nhàm chán, không hề vui như quảng bá.
Khi chơi, mức khung hình còn thất thường không khác gì biểu đồ hình sin, trò chơi tự động “sập” khi khởi động hoặc khi sử dụng bản đồ thiên hà. Điều gây thất vọng nhất là tính năng kết nối multiplayer hoàn toàn chỉ là lừa dối, người chơi không thể gặp và nhìn thấy nhau.
Để kể tới những lỗi mà No Man’s Sky gặp phải khi mới ra mắt có lẽ phải một bài văn sớ rất dài mất. Nhưng thật may là thời điểm hiện tại, sau 2 năm update tích cực, trò chơi nhận được phản hồi ngày càng tốt hơn từ phía người dùng.
Có thể Batman: Arkham Knight rất thành công trên hệ máy console, nhưng với PC thì lại là câu chuyện khác. Khi mới ra mắt, các fan đã cực kỳ phẫn nộ với Warner Bros. Trò chơi bị khóa mức khung hình ở 30fps, khả năng tối ưu kém dù cả trên các cấu hình máy cao cấp và có quá nhiều lỗi nghiêm trọng. Warner Bros thậm chí đã phải rút Batman: Arkham Knight xuống khỏi Steam để sửa chữa lại lỗi lầm của mình.
Tuy nhiên, khi tái xuất, tựa game này vẫn không khá khẩm hơn là bao khi các lỗi vẫn y nguyên. Batman: Arkham Knight bản PC chỉ được coi là chơi tạm ổn khi một bản patch được phát hành, nhưng nó đòi hỏi lượng RAM lên tới 12 GB.
Nhờ những điều trên, hầu hết các trang tin game trên thế giới đều dành tặng cho Batman: Arkham Knight một cái tên mỹ miều “Một trong những game PC tồi tệ chưa từng có”.
Ngay từ khi SimCity 2013 được công bố, người hâm mộ đã mơ mộng sẽ được sống lại những ngày tháng hào hùng thuở nào của loạt game SimCity. Tuy nhiên, giấc mơ đó đã hoàn toàn bị vỡ vụn khi ngay ở tuần đầu tiên ra mắt, trò chơi liên tục gặp phải tình trạng nghẽn server. Các fan còn thấy khó chịu khi SimCity 2013 còn bắt kết nối internet 24/24.
Dù sự cố server đã được khắc phục nhưng người chơi lại tiếp tục thất vọng khi phần Multiplayer thực chất không phải là cùng nhau xây dựng thành phố, đã thế bản đồ trong tựa game này còn bị hạn chế nhiều hơn so với các phiên bản trước đó.
SimCity 2013 thực sự đã không thành công nhưng vẫn bán được 2 triệu bản sau một năm. Một thành tích không tệ.
Ngay khi ra mắt những ngày đầu tiên, hàng loạt chỉ trích về Assassin’s Creed: Unity đã bùng nổ trên nhiều diễn đàn. Tốc độ khung hình tụt thê thảm, lỗi đồ họa hay bugs quá nhiều, các NPC hay nhân vật chính có bộ mặt không thể kinh dị hơn, chế độ chơi co-op liên tục gặp lỗi,... Ubisoft khi đó đã biết rằng mình hoàn toàn bị hớ với Unity và hãng đã giải quyết như thế nào?
Ubisoft đã hủy bỏ season pass và tặng một trò chơi miễn phí trên Uplay cho bất cứ ai mua DLC của AC Unity. Điều này nghe có vẻ tốt đẹp, nhưng trong các điều khoản thỏa thuận, Ubisoft đã bí mật đưa vào điều khoản “nếu đã chấp nhận ưu đãi này, tức là bạn sẽ không bao giờ có thể kiện Ubisoft với tựa game Assassin’s Creed: Unity được nữa”. Không cần phải hỏi cũng biết khi thông tin này bị lộ ra ngoài, cộng đồng game thủ đã giận dữ như thế nào với Ubisoft.
Ngay cả với huyền thoại Half-Life 2 cũng gặp phải vấn đề trong những ngày đầu ra mắt. Vào thời điểm đó, Valve đang muốn thử nghiệm một phiên bản đơn sơ của Steam và hãng đã áp dụng hệ thống còn mới đó lên chính Half-Life 2. Với cơ sở hạ tầng khi đó của Steam, nó đã không thể đáp ứng được lượng người truy cập quá khủng khiếp. Người dùng phải chờ cả tiếng hoặc vài tiếng đồng hồ may ra mới có thể đăng nhập vào Steam.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã được tận tay trải nghiệm HL2 rồi, game thủ vẫn khó chịu bởi lỗi vỡ âm thanh xảy ra liên tục trong trò chơi, hiệu suất tối ưu chưa được tốt hay mức khung hình tụt xuống quá thấp. Phải mất vài tháng sau Valve mới có thể sửa đổi, hoàn thiện nó trở thành một trong những huyền thoại của thể loại game bắn súng FPS.
Khi giới thiệu, APB được hi vọng sẽ trở thành một phiên bản online của Grand Theft Auto hay Saint’s Row khi gameplay có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, người hâm mộ đã hoàn toàn thất vọng khi tựa game online này ra mắt chính thức. Cơ chế lái xe và bắn súng của APB đã hoàn toàn lỗi thời so với thời điểm đó, bối cảnh thành phố quá buồn tẻ, các màn chiến đấu diễn ra quá hời hợt,...
Ba tháng sau đó, máy chủ của APB dần vắng bóng người chơi hơn. Dù đã được hồi sinh vào năm 2011 và hiện tại là một trò chơi free, nhưng lượng người chơi vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”. Nhà phát triển RealTimes Worlds đã hoàn toàn tiếc nuối khi bỏ ra 100 triệu USD vào dự án này.
Mặc dù đã phải vật lộn nhiều năm để phát triển, Sony Online Entertainment đã quá vội vàng khi cho ra mắt Vanguard: Saga of Heroes. Ở thời điểm đó, tựa game này thậm chí còn chưa phải là một sản phẩm hoàn thiện cả về máy chủ lẫn các cơ chế trong gameplay, nó chưa sẵn sàng để ra mắt người hâm mộ.
Các game thủ rất háo hức với sản phẩm này nhưng những gì họ nhận lại được là một lượng lớn lỗi, bao gồm cả những trục trặc liên quan tới nhiệm vụ, nó yêu cầu người chơi phải từ bỏ hoàn toàn các nhân vật và...tạo lại từ đầu. Mặc dù đã cố gắng sửa chữa, nhưng vào tháng 7 năm 2014, Sony đã chính thức đưa Vanguard: Saga of Heroes xuống mồ.
Quay trở lại năm 2005, thời điểm mà X3 của Egosoft bị cáo buộc dính quá nhiều lỗi, thậm chí còn khiến toàn bộ hệ thống PC của người chơi chậm đi dù đã tắt hoàn toàn ứng dụng. Và bằng một cách thần kỳ nào đó, X Rebirth được phát hành vào năm 2013 (8 năm sau), vẫn gặp phải lỗi tương tự X3 của năm 2005, thậm chí là còn tệ hại hơn.
Các reviewer trò chơi trên thế giới đều cho rằng mình không có đủ không gian để liệt kê được toàn bộ những lỗi mà X Rebirth gặp phải. Hiếm khi nào người chơi có thể trải nghiệm quá 30 phút mà không gặp một lỗi gì. Egosoft đã dành nhiều năm trời để sửa lại trò chơi, với hơn 30 bản vá lỗi cùng một số tính năng mới. Điều này giúp cho cái nhìn của người hâm mộ về X Rebirth đã phần nào đó được tốt lên.
Điều khiến người hâm mộ phẫn nộ với Dead Island là nó đã bị cho ra mắt quá sớm, khi còn chưa hoàn chỉnh. Nó được tối ưu hóa rất kém trên PC, nhiều lỗi vụn vặt xảy ra khiến tổng thể trò chơi rơi vào tình trạng nghiêm trọng, phá vỡ các nhiệm vụ có trong Dead Island. Bên cạnh đó, người chơi cũng tìm thấy danh sách các mã lệnh có thể giúp người chơi “bất khả xâm phạm hay đi xuyên tường”.
Techland sau đó đã phải khẩn trương phát hành ngay một bản vá để sửa đổi toàn bộ lỗi có trong Dead Island. Tuy nhiên, có thể nói cho tới nay, tựa game này vẫn chưa thể ổn định được dù đã qua rất nhiều bản vá.
(Còn tiếp...)