Tui cá chắc mấy Mọt Game ở đây, mỗi khi nhắc đến game đối kháng thì đa phần sẽ đều nghĩ ngay tới series King of Fighters đình đám, hay còn có cái tên dân dã hơn là Siêu Cấp. Những Siêu Cấp 98,99, Kyo, Iori, Mai, Andy,… chắc chắn vẫn còn in dấu trong tâm trí của rất nhiều người như một phần tuổi thơ cực đẹp.
Nhớ hồi xửa hồi xưa, cái thời mà internet chưa phát triển ấy, thì chỉ có trốn học mà chui ra mấy quán game thùng mà chơi thôi. Mà hồi đó ra đấy, mười máy thì tui nhận thấy đã 7-8 máy bọn nó ngồi chơi Siêu Cấp rồi, ở đủ các phiên bản từ 97 cho tới 2002,2003,... Game nào cũng động nghịt đứa nhóc bu đông bu đỏ xem hay đợi tới lượt mình chơi cả. Không ngoa khi nói rằng, King of Fighters từng là thanh xuân của khá nhiều game thủ Việt Nam bây giờ. Thế mà tựa game mới nhất của series, King of Fighters XIV, lại đang bị "hắt như hủi" không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nơi mà tình yêu dành cho tựa game này chưa bao giờ nguội lạnh và Trung Quốc chính là một nơi như vậy.
Máy mà trống như thế này hiếm lắm luôn...
Từ tình yêu dành cho KOF 97'...
Nếu bạn hỏi bất cứ một game thủ game đối kháng Trung Quốc nào về tựa game KOF mà họ ưa thích, đảm bảo phần lớn họ sẽ trả lời là phiên bản King of Fighters 97'. Được phát triển bởi SNK Playmore và phát hành vào năm 1997, nó đã tạo nên một cơn địa chấn đối với những game thủ Trung Quốc thời điểm đó. Với lối chơi 3vs3 khác biệt hoàn toàn với lối đại đa phần game đối kháng thời điểm đó, kể cả Street Fighters, thực sự đã thu hút sự chú ý của cộng đồng Trung Quốc.
Intro huyền thoại "tuổi thơ"
Tuy rằng sau này cả thế giới bắt đầu phát cuồng vì phiên bản 98', thì ở Trung Quốc, 97' vẫn là số một. Có thể là do sự "thô sơ" của chính King of Fighters 97, sự thiếu hụt về mechanics vẫn chưa được phát triển đã làm một số nhân vật trở nên quá mạnh so với phần còn lại khi chỉ cần một chạm là đã đủ tiễn đối phương đi tập đếm rồi. Nó làm cho trận đấu trong 97' trở nên nhanh hơn rất nhiều và thu hút rất nhiều người chơi hơn do công sức bỏ ra ít hơn so với các phiên bản. Kèm theo đó là cốt truyện của 97' cũng là một phần làm cho game thủ gắn bó với nó nhiều hơn. Đó là điều mà King of Fighters 98', được cân bằng và được đón nhận ở phương Tây và thế giới, lại không thể hạ bệ được người tiền nhiệm của mình tại Trung Quốc.
... đến sự "hẩm hiu" của KOF XIV.
Sau phiên bản 98, SNK đã cố gắng tạo nên một thế hệ mới với hàng loạt các 99, 2000, 2002... Nhất là phiên bản 2002 luôn được đánh giá là một trong các phiên bản hay nhất game. Thế nhưng, chưa cái nào có tạo được cú hit như cách mà 97 từng làm với thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, vẫn là do mechanics không có gì thực sự nổi bật mà ở một vài phương diện còn làm game trở nên kém sắc hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm. Thứ hai là do sự phá sản của SNK vào năm 2001, những tựa game và tài nguyên của họ được làm lại bởi một bên khác là Eolith. Chính ông chủ mới này đã tạo nên 2001 và 2002, nhưng sự thiếu hụt về cân bằng game, đồ họa lởm chởm và thiếu hụt về soundtrack,.. không thể thay đổi được tình hình. Về sau thì KOF XII là dở nhất vì đầy bug lỗi và sự nghèo nàn đến khó tin về số lượng nhân vật, KOF XIII sau đó thì được đánh giá cao về đồ họa và artwork được nâng cao tuyệt đẹp nhưng lối chơi lại hơi khác một chút so với chính thống. Chỉ đến khi King of Fighters XIV xuất hiện và có mặt trên hệ thống PC, nó đã trở nên phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc chưa từng thấy. Đó là điều cực kỳ lạ lùng khi tựa game này bị "ghẻ lanh" ở nước ngoài, kể cả Việt Nam cũng không ngoại lệ, lại thành công ở Trung Quốc.
Qua đó, mới thấy tình yêu của người Trung Quốc dành cho tựa game này là lớn như thế nào. King of Fighters XIV được xem là một "thất bại" chưa từng có mà SNK đem đến cho người hâm mộ của mình. Gạt bỏ hết những tinh hoa đã xây dựng được từ trước đến nay, King of Fighters XIV nhận được sự ghẻ lạnh và thờ ơ đến từ chính các fan lâu năm, một vài người đã gần như bỏ game vì không thể chịu được sự thay đổi này. Dù SNK đã rất cố gắng trong việc quảng bá và thúc đẩy phong trào thi đấu của game, dù đã hỗ trợ tới mức chỉ cần một giải đấu có đủ 20 người đăng ký tham gia thi đấu thì SNK sẽ ngay lập tức hỗ trợ trực tiếp tiền giải mà không cần điều kiện khắt khe gì. Nhưng nhìn lại trận chung kết KOF XIV tại EVO 2017 là cuộc chiến của những người Trung Quốc, hay mới đây hơn là Đại Hội Thể Thao Trong Nhà Và Võ Thuật Châu Á 2017 nơi eSports là một nội dung thi đấu và trận chung kết King of Fighters XIV cũng không thể thoát khỏi tay người Trung Quốc. Công bằng mà nói, thì sự thành công của King of Fighters XIV là nhờ một phần rất lớn của Trung Quốc.
Trận chung kết nghẹt thở giữa E.T và XiaoHai tại EVO 2017
Và chung kết giữa ET và GXBridget tại Đại Hội Thể Thao Trong Nhà Và Võ Thuật 2017.
Cuộc sống đổi thay, con người cũng thay đổi, nhưng tình yêu dành cho một thứ gì đó không dễ gì mà chuyển xoay được. Nhất là trong game đối kháng, thể loại vốn đã rất kén người chơi. Mong rằng các fan của King of Fighters XIV sẽ có thể tiếp tục phát triển và vực dậy phong trào đối kháng của game này, mong nhất là ở Việt Nam. Như cái cách Trung Quốc say mê và yêu thích tựa game này vậy.