Kỷ lục mức tiền thưởng cao nhất (prize pool) cho một giải đấu eSports trước khi The International 2019 diễn ra thuộc về Fornite Worldcup 2019 với con số 30 triệu đô. Đơn vị đăng cai giải đấu này là Epic Game – một đối thủ mới của Valve, đối thủ cũ tất nhiên là Riot. Đáng nói hơn, Fornite Worldcup vượt mặt chính The International 2018 để giữ kỷ lục này. Và lẽ dĩ nhiên, điều này khiến Valve nóng mặt.
Ăn một cái tát của đối thủ, Valve đương nhiên quyết tâm phục thù. Trong suốt mùa giải DPC 2018 – 2019, Valve luôn im hơi lặng tiếng, nhưng đó chỉ là sự bình yên trước cơn bão. Và cơn bão bắt đầu đổ ập đến khi ông lớn ngành game tung ra Battle Pass TI9, vật phẩm hút máu số một của họ. Bằng việc tích hợp nhiều chức năng, chế độ chơi và những phần thưởng rất "đáng đồng tiền bát gạo", Valve gián tiếp khiến người chơi cống nạp cho mình. Cứ thế, kỷ lục tiền thưởng của The International tăng phi mã, vượt qua tỷ lệ của tất cả các năm trước và nhanh chóng đạt đến con số họ mong muốn: 30 triệu đô. Tuy nhiên, tham vọng của Valve chưa dừng lại ở đó.
Đã chơi là phải chơi lớn, Valve tiếp tục tung ra Immortal Treasure III và những thứ khác họ hứa hẹn trước thời điểm trình làng Battle Pass. Dĩ nhiên, những set item cực đẹp này không làm GabeN thất vọng. Nó nhanh chóng đẩy tiền thưởng lên một con số không tưởng: 34 triệu đô. Từ đó, The International 2019 chính thức trở thành giải đấu eSports có prizepool lớn nhất lịch sử.
Để làm rõ hơn, mức tiền thưởng cụ thể là 34.322.191 đô, trong đó có 1,6 triệu đô là con số Valve bỏ ra ban đầu. Tức là cộng đồng đã đóng góp cho TI9 đến 32.722.191$, và về túi cho Valve gấp 3 lần số đó, nghĩa là... 98.166.573$.
Như đã nói ở trên, Fornite Worldcup 2019 đồng sở hữu kỷ lục player thu được số tiền thưởng cao nhất với 3 triệu đô. Và để Valve nóng mặt lần hai thì không ổn chút nào.
Ngay khi The International 2019 đang diễn ra, Valve đã quyết định điều chỉnh lại cơ cấu phân bổ giải thưởng. Cụ thể, tỷ trọng trong cơ cấu phân phối của nhà vô địch tăng từ 44% lên 45.5%, vị trí từ thứ 2 đến thứ 6 giảm nhưng do tổng prize pool tăng nên các đội này vẫn đảm bảo nhận được số tiền ngang bằng hoặc lớn hơn TI8, các vị trí từ thứ 7 đến 18 giữ nguyên hoặc tăng kết hợp với việc tổng prize pool tăng khiến cho số tiền các đội này nhận được tăng hơn nhiều so với TI8.
Nhìn vào con số cả tương đối lẫn tuyệt đối trên, ta có thể thấy Valve đang cố thực hiện 2 điều. Thứ nhất, cân bằng lại cơ cấu phân phối giải thưởng và tăng giải thưởng cho các team đạt thứ hạng thấp. Thứ hai, tăng số tiền thưởng mà đội vô địch đem về nhà. Với điều thứ nhất, ta có thể dễ dàng lý giải khi việc cân bằng cơ cấu phân phối giải thưởng là vô cùng cần thiết. Nên biết 6 đội đứng cuối TI8 chỉ nhận 2.5% prize pool, trong khi 6 đội đứng đầu nhận tới 76.5% tổng giải thưởng. Và điều thứ hai, chính là làm cho gã hàng xóm ồn ào ngậm miệng lại. Giờ đây, The International 2019 giữ thêm một kỷ lục nữa, giải đấu có player sở hữu tiền thưởng cao nhất, đó là 5 thành viên của OG.
Ngày thi đấu cuối cùng của The International 2019 cũng trở thành ngày có số lượng người xem cao nhất trong lịch sử Dota 2. Theo thống kê của Esports Charts, TI9 sở hữu 1,97 triệu người xem trong suốt trận chung kết tổng giữa OG và Liquid. Số lượng này được thống kê dựa trên lượt like và view trên các nền tảng như Twitch, YouTube, Stream.tv... Đấy là chưa kể những người xem qua Client, qua các channel YouTube không chính thống và lượng view tại Trung Quốc. Năm ngoái, mặc dù được tổ chức tại Canada, TI8 vẫn thu hút được 14,98 triệu lượt view của Trung Quốc. Hãy tưởng tượng con số này khi giải đấu được tổ chức tại Thượng Hải nhé.
Trước đó, kỷ lục này thuộc về chính trận siêu kinh điển EG vs OG ở bán kết nhánh thắng. Cụ thể, đã có 1.318.790 lượng view theo dõi trận đấu. Đứng thứ 3 trong danh sách này là trận Chung kết Tổng TI8 giữa OG và PSG.LGD. Các bạn đã nhìn thấy điểm chung chưa ạ? Đó chính là OG.
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện eSports nói chung, TI9 Grand Final vẫn đứng sau 3 giải đấu lớn khác của hàng xóm là Fornite WC 2019 (2.33 triệu), CKTG LMHT 2017 (2,1 triệu) và CKTG LMHT 2018 (2.05 triệu).
Trước khi TI8 diễn ra, có hai quy luật bất thành văn trong suốt lịch sử các kỳ TI. Thứ nhất, cứ mỗi năm một đội phương Tây vô địch, sang năm sẽ là đội của Trung Quốc. Quy luật sẽ là “not Tàu – Tàu – not Tàu...”. Tuy nhiên, OG là đội đầu tiên phá được quy luật ấy khi hạ PSG.LGD sau 5 game đấu căng thẳng vào ngày 25/8/2018.
Đúng 365 ngày sau, OG và Liquid đứng trước ngưỡng cửa một kỷ lục khác: không đội nào vô địch TI hai lần. Sau trận Chung kết Tổng, chắc chắn sẽ có ít nhất 4 player có vinh dự 2 lần được nâng khiên. Và với màn thể hiện được cho là “lấy cảm hứng từ Wings Gaming”, OG đã trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chiếc Aegis danh giá với cùng một đội hình. Một kết quả quá xứng đáng cho những nỗ lực của Notail và đồng đội.
Kết quả tốt nhất của một team khởi đầu Main Event từ round 1 nhánh thua trước khi The International 2019 diễn ra là lọt vào top 4. Và Liquid chứng minh họ có thể làm tốt hơn rất nhiều.
Sau vòng bảng thi đấu bết bát, Liquid bước vào Main Event với loạt Bo1 sinh tử. Từ đó trở đi, Liquid thể hiện một bộ mặt khác hẳn. Họ không thua một game nào cho đến trận Chung kết nhánh thua. Tại đây, Liquid lội ngược dòng trước niềm hi vọng duy nhất của nước chủ nhà: PSG.LGD để gặp OG tại Chung kết Tổng. Tuy đã để thua trậu chung kết, nhưng những gì Liquid thể hiện là cực kỳ xuất sắc. Vị trí thứ hai cùng phần thưởng 4.5 triệu đô chính là sự đền đáp cho những nỗ lực của Kky và đồng đội.
Ngoài ra, với việc dẫn dắt OG đến với chức vô địch thứ hai liên tiếp, Notail đã tự biến mình trở thành player xuất sắc nhất lịch sử. Với 2 Aegis và 4 Major loại xịn (1,1 củ một cái), Notail cũng trở thành player có thu nhập khủng nhất từ các giải đấu eSports. Hiện tại, tổng số tiền mà “sát thủ có gương mặt trẻ thơ” kiếm được từ các giải đấu mình tham dự đã lên đến gần 7 triệu đô.