Phụ Lục
Trong thời gian gần đây các bộ phim được chuyển thể từ game đã không còn là cái đó quá xa lại với khán giả nữa. Những tựa game lâu đời luôn là mỏ vàng về kịch bản để các đạo diễn tha hồ đào sâu khai thác, tuy vậy chúng thường luôn bị đánh giá tiêu cực, bất kể có hoành tá tràng ra sao.
Hãy cùng điểm qua những lý do các fan cuồng không hài lòng về những bộ phim chuyển thể từ game, bạn sẽ phải ngạc nhiên về độ “vô lý” khi đọc những thứ này đấy.
Đây là vấn đề cốt lõi nhất để đánh giá một bộ phim chuyển thể từ game, thường các đạo diễn sẽ chọn những tựa game nổi tiếng, có lượng người chơi đông đảo hoặc phù hợp khi chuyển lên màn ảnh rộng. Thường là những tựa game mang đậm tính hành động hoặc FPS, bởi chúng rất dễ để thu hút khán giả, các lựa chọn khác như game chiến thuật hoặc nhập vai ngược lại khá hiếm, đơn giản vì chúng có cốt truyện quá rộng.
Vấn đề lớn nhất ở đây là không ai có thể nhồi nhét mấy trăm giờ đồng hồ cày cuốc của bạn thành phim được, cũng như làm sao để kể hết về cả thế giới Warcraft chỉ trong vài giờ đồng hồ. Có điều các Hardcore gamer thường không quan tâm tới điều đó, họ muốn bộ phim phải chuyển tải hết được tất cả những gì tinh túy nhất của game, bất chấp là nếu thực sự viết thành kịch bản thì nó chắc phải dài thành mấy nghìn trang A4.
Thêm nữa là khác với game nhập vai, nhân vật chính trong các bộ phim chẳng có thời gian đâu để luyện cấp từ từ như vậy. Nhưng nếu Final Fantasy 8 được chuyển thể thành phim, liệu bạn có xem nếu Squall không cầm vũ khí cuối chém Lion Heart ầm ầm?
Là một người chơi, bất kể là game gì miễn là offline thì cũng sẽ có lúc đến điểm đích, khi mà bạn đã max level, đồ đạc toàn thứ tốt nhất có thể và đánh boss chẳng khác gì mấy con quái dọc đường, đó là cái làm nên sự hứng thú và với những người tốn hàng trăm giờ thì đây còn là cái mà họ cảm thấy tự hào.
Nhưng khi game được chuyển thành phim thì lại là chuyện khác, nhân vật chính sẽ do một diễn viên nào đó đảm nhận và hiển nhiên người này chẳng bao giờ làm chúng ta vừa ý. Thay vì được trực tiếp điểu khiển nhân vật tung hoành trong game, thì bạn lại phải xem một đám người cực “gà” thế chỗ, điều này rõ ràng chẳng dễ chịu chút nào.
Tôi dám cá rằng khi xem một bộ tiểu thuyết hoặc xem ai đó chơi qua mạng, bạn đã từng thốt lên rằng: “con gà này làm ăn như ….., để tao chơi là xong lâu rồi”. Thế đó, thay vì bạn chơi một game có cốt truyện tuyệt vời như phim, thì nay bạn lại xem một kẻ khác chơi cái game mà bạn đã cày nó nát bét từ lúc nào rồi, và hắn còn làm cực tệ nữa chứ.
Với công nghệ CGI phát triển tới trình độ hiện nay, cộng thêm số lượng modder đông đảo, các tựa game ra mắt đều sở hữu những hình ảnh đẹp lung linh, thậm chí là không thua gì những bộ phim thực sự… miễn là máy bạn đủ mạnh. So ra phim chỉ hay hơn khi bạn xem ngoài rạp với màn hình 3D, nhưng hiện tại các loại kính VR đã đầy rẫy ra rồi.
Thêm nữa là phim không bao giờ có thể truyền tải hết về mặt hình ảnh cũng như âm thanh như game. Đi đâu để kiếm ra một Yuna thánh thiện như trong Final Fantasy X, hoặc nét lãng tử của Leon trong Resident Evil .v.v, game thủ đã quá quen với những hình ảnh này và luôn mặc định nó mỗi lần có một bộ phim nào đó liên quan, kiểu gì thì họ cũng sẽ chê: “quá là không giống”.
Độ khó giữa game và phim cũng là thứ tạo nên khác biệt, mỗi thành quả đạt được luôn là niềm tự hào của game thủ, cái làm họ trở nên siêu việt. Nhưng rõ ràng là các đạo diễn không chơi game, hoặc họ quá “gà” và buộc phải làm nó ở chế độ easy, nếu Resident Evil luôn lùa chúng ta như vịt mỗi lần bọn Tyrant xuất hiện, Alice trong phim lại đang dùng cheat một cách trắng trợn khi cô ta chả khác gì siêu nhân, số nhân vật phụ còn lại đưa vào cho nó có tên với thiên hạ là chính.
Nếu không phải là một fan cuồng của vũ trụ DC, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được tại sao Batman lại có thể chiến đấu được với Superman, khi đối thủ của người dơi là một thực thể vô đối chỉ cần thở một phát là bay luôn cả cái thành phố Gotham.
Tương tự như vậy, các nhà làm phim luôn cố gắng tiết giảm tối đa các tình tiết phức tạp trước khi lên phim. Hãy nhìn sang siêu phẩm Warcraft sắp ra mắt và tự hỏi: những Titan sáng tạo ra thế giới đang ở đâu, người Night elf khi nào mới xuất hiện, bọn Undead đã ra đời hay chưa và tầm vài trăm cái thắc mắc nữa về số phận các nhân vật khác. Thế giới của Warcraft trải dài dằng dặc và vùng sắp lên phim chỉ là một góc bé tí xíu của nó, nhưng tất nhiên ngoài một số người đã chịu khó cày nát mấy trăm giờ trong World of Warcraft thì ai quan tâm tới chuyện này.
Do vậy những dân “chuyên nghiệp” của từng game sẽ rất khó chịu khi nghe bọn noob bàn luận cốt truyện theo phong trào, mặc dù đó chỉ là mớ kiến thức chúng vừa xem wiki cách đó 3 giây, điều này làm họ cảm thấy cái game mà mình đã bỏ công ra tìm hiểu đang bị hạ thấp. Mỗi con trùm trong game đôi khi là sự phấn đấu ròng rã muốn phát rồ để tiêu diệt được, nay lên phim thì nó xuất hiện không quá 1 phút, bọn noob tiện thể khoe khoang rằng mình cũng đã hạ nó như vậy, còn những người thực sự làm được chỉ biết lắc đầu chán nản.