Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo từ ngành công nghiệp game và thế giới Olympic nhằm định hình một cuộc thi toàn cầu mới dưới danh nghĩa Thế vận hội.
Thế vận hội Esports Olympic đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2027 và sẽ gắn liền với Esports World Cup, đồng nghĩa với việc 3 kỳ đầu tiên sẽ diễn ra tại Ả Rập Xê-út. Tuy nhiên, với cộng đồng game thủ, một số lựa chọn này dường như không phù hợp với các giá trị như sự hòa nhập và đa dạng – những yếu tố mà IOC đã đặt làm trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn.
![]() |
IOC công bố Thế vận hội Esports Olympic vào năm 2023 như một nỗ lực kết nối với khán giả trẻ và đưa các cuộc thi kỹ thuật số vào chương trình của mình. Tuy nhiên, việc hợp tác với Quỹ Esports World Cup – được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn – đã vấp phải nhiều chỉ trích. Nhiều người trong ngành cho rằng việc tổ chức sự kiện tại một quốc gia có chính sách xã hội và pháp lý hà khắc có thể làm suy yếu mục tiêu hòa nhập của esports.
Những lo ngại này đến từ người chơi, người hâm mộ và các nhóm vận động thuộc nhiều tựa game khác nhau. Họ chỉ ra các luật của Ả Rập Xê-út hạn chế quyền phụ nữ, hình sự hóa cộng đồng LGBTQ+ và kiểm soát tự do ngôn luận. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Olympics, khi gắn kết với những điều kiện này, có thể giữ vững cam kết về bình đẳng và hòa nhập – những giá trị vốn được nhấn mạnh tại Diễn đàn hay không.
Diễn đàn quy tụ hơn 100 đại diện từ các tổ chức thể thao quốc tế, nhà phát hành game, nhà phát triển và ủy ban Olympic các nước.
Theo thông tin từ trang web của Olympics, mục tiêu của sự kiện là thúc đẩy hợp tác sâu hơn giữa thể thao Olympic và game kỹ thuật số, đồng thời xây dựng khuôn khổ cho Thế vận hội Esports sắp tới. Các cuộc thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề như phát triển cộng đồng, tích hợp công nghệ và định dạng thi đấu.
Chủ tịch IOC Thomas Bach mô tả sáng kiến này là "thứ có sức mạnh truyền cảm hứng cho một thế hệ mới" bằng cách kết hợp thể thao và game.
![]() |
Một phiên thảo luận tập trung vào sự đa dạng trong esports. Các đại biểu nhấn mạnh "sự phong phú của thể loại và tựa game", nhưng dường như tránh né những vấn đề đa dạng cấp bách hơn trong ngành, như rào cản về giới tính và văn hóa.
Trong khi đó, một phiên khác bàn về hòa nhập và bình đẳng giới. Chủ tịch IOC tương lai Kirsty Coventry nhắc đến thành tựu cân bằng giới tại Olympics Paris 2024, nhưng báo cáo trên trang Olympic lại không đề cập đến những hạn chế hiện tại đối với phụ nữ tại Ả Rập Xê-út – nơi tiếp cận thể thao và đời sống công cộng vẫn chưa công bằng, và các rào cản cơ cấu có thể ngăn cản sự tham gia bình đẳng trong Thế vận hội Esports.
Công nghệ cũng là chủ đề quan trọng. Các đại biểu thảo luận về cách AI, thực tế ảo (VR) và phân tích dữ liệu có thể thay đổi huấn luyện, tương tác với người hâm mộ và an toàn của vận động viên.
Một số phiên khác nhấn mạnh sự hợp tác giữa nhà phát hành game và tổ chức thể thao truyền thống – một động thái từ IOC nhằm thúc đẩy esports trở thành một ngành thể thao được công nhận rộng rãi.
Sau các bài phát biểu, Kirsty Coventry mời các chuyên gia chia sẻ về thách thức chung giữa vận động viên và game thủ, bao gồm sức khỏe tinh thần và quấy rối trực tuyến.
"Sẽ có nhiều khó khăn phía trước, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là các vận động viên và người chơi", bà Coventry nhấn mạnh.
Diễn đàn này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch đưa Olympics tiến vào không gian esports. Nhưng để thành công, Thế vận hội Esports Olympic không chỉ cần công nghệ và đối tác, mà còn phải giải quyết được những lo ngại từ cộng đồng mà họ muốn thu hút.
Liệu IOC có thể cân bằng giữa tham vọng thể thao và các giá trị nhân quyền? Câu trả lời sẽ quyết định tương lai của sự kiện này.