Phụ Lục
Tiếp theo phần trước trong danh sách những tựa game bị thu hồi, hãy cùng đến với các lý do khác quái dị hơn bao gồm: đạo văn, kiện tụng chửi bới lẫn nhau và tham lam phát hành game mà không thèm test thử xem nó có bị lỗi gì hay không.
Trái với những tựa game bị thu hồi vì các lý do khách quan hay xui xẻo, Limbo of the Lost là trường hợp biết chắc sẽ chết khi nó là một cái nồi thập cẩm “đạo văn” đủ các thể loại game, tiểu thuyết và phim nổi tiếng. Limbo of the Lost được lên ý tưởng từ tận những năm 1990, nhưng rồi vì những lý do khác nhau mà tới tận 2008 nó mới được chính thức ra mắt, 18 năm thai nghén nghe có vẻ sẽ rất hoành tráng, nhưng thực tế thì khá là phũ phàng.
Ngay khi vừa xuất hiện, Limbo of the Lost đã bị chỉ trích là “đạo” ý tưởng lẫn phong cách hình ảnh từ The Elder Scrolls IV: Oblivion, sau lời cáo buộc này, người ta còn tìm ra thêm các chi tiết từ Sea Dogs và World of Warcraft. Chưa dừng lại đó, Limbo of the Lost còn nhái sang cả các bộ phim lẫn live-action nổi tiếng, trong đó nổi bật nhất là Pirates of the Caribbean, các bạn có thể so sánh chúng với các hình ở dưới (bên trái là Limbo of the Lost).
Tựa game này thậm chí còn bị chửi rủa vì độ lười biếng trong vấn đề sáng tạo, khi nó bưng nguyên xi phần Keeper Library trong Thief: Deadly Shadows vào. Cụ thể là Limbo of the Lost có một khu vực bao gồm những cánh cửa có tên "Famine", "Drought" và "Disease" – thứ vốn dĩ là bắt chước y hệt không sai một chữ của Thief: Deadly Shadows.
Tới tháng 12/2008, nhà phát hành của Limbo of the Lost là Tri Synergy đã tuyên bố tạm dừng phát hành game và liên lạc với Majestic Studios (studio sản xuất) để làm rõ vụ đạo văn này. Mọi việc càng ngày càng bung bét tới mức chỉ sau đó 1 tháng, 2 cha đẻ của Limbo of the Lost là Tim Croucher và Laurence Francis đột ngột tuyên bố sẽ rời Majestic Studios, cắt đứt toàn bộ liên lạc và không còn liên quan gì tới đứa con của mình nữa.
Rốt cuộc thì Limbo of the Lost là một game bị thu hồi và dừng sản xuất, với bề dày “đạo văn” cực kỳ hoành tráng còn bị lôi mãi ra tuốt các chủ đề sau này, mỗi khi người ta nhắc tới chuyện có ai đó “cầm nhầm” ý tưởng trong ngành game.
Có nhiều vụ xích mích giữa nhà phát hành và những ông nội lập trình game, nhưng tới mức làm game bị thu hồi hết thì rất hiếm. Chúng ta đang nói về vụ kiện tụng giữa Silicon Knights và Epic Game, đầu tiên thì chúng ta đầu biết Epic Game là cha đẻ của Unreal Engine 3 – một trong những engine nổi tiếng nhất và được rất nhiều các nhà phát triển lựa chọn. Tựa game Too Human của Silicon Knights cũng là một sản phẩm sử dụng Unreal Engine 3, nhưng không biết vì lý do gì đó mà vào ngày 19/07/2007, Silicon Knights đột nhiên khởi kiện Epic Game với lý do bản Unreal Engine 3 mà họ đang sử dụng không đúng với chất lượng giao kèo, thiếu sự hỗ trợ từ phía Epic Game, cũng như chậm trễ deadline trong quá trình sản xuất.
Ờ thì Epic Game cũng không hề vừa, họ tức tốc kiện ngược lại Silicon Knights, họ khẳng định rằng ở thời điểm hai bên ký hợp đồng, bộ kit Unreal Engine 3 của mình chưa hoàn chỉnh và chính Silicon Knights cũng biết điều này. Sau đó Epic Game còn đưa ra bằng chứng Silicon Knights đã cố tình sử dụng Unreal Engine 3 để tạo ra một engine cho riêng mình, đó là vi phạm bản quyền và ăn cắp công sức lao động của Epic Game.
Vụ kiện này kéo dài tới tận năm 2012, Epic Game đã đánh bại Silicon Knights và thắng 4,5 triệu USD tiền kiện tụng. Sau đó Silicon Knights còn phải thu hồi toàn bộ những bản Too Human còn lại trên thị trường, cũng như toàn bộ tất cả các game của hãng có sử dụng Unreal Engine, coi như vụ xích mích dẫn đến một đống game bị thu hồi này đã một tay bóp chết luôn Silicon Knights.
Kết cục của Silicon Knights khá cay đắng, khi vào tháng 05/2014 studio này tuyên bố phá sản. Tổng cộng vụ kiện này kéo dài gần 10 năm này ngốn của Silicon Knights gần 100 triệu USD và kết quả là bị xóa sổ khỏi làng game luôn.
Thường thì những game bị thu hồi đều bị vướng phải vấn đề lỗi, gameplay hoặc những xích mích ngoài lề là chủ yếu, nhưng Batman: Arkham Knight lại là trường hợp đặc biệt, khi nó được giới chuyên môn đánh giá rất cao về nội dung, cũng như có doanh số cực kỳ ấn tượng, nhưng cuối cùng lại chết ngu do một lỗi cực kỳ ngớ ngẩn, đó là không kiểm tra trước khi ra mắt.
Mọi sự của Batman: Arkham Knight bắt đầu từ việc Warner Bros phát hành phiên bản PC của tựa game này, sau thành công rực rỡ trên console. Nhưng ngay từ hôm phát hành bản port PC vào ngày 23/06/2015, Batman: Arkham Knight đã nhận phải một cơn mưa chửi rủa, với việc phiên bản PC có chất lượng tệ hại tới mức không thể chơi nổi. Các game thủ liệt kê ra hàng tá lỗi, chủ yếu là việc khung hình bị giảm trầm trọng, các hiệu ứng trong game làm máy họ lag một cách điên cuồng bất chấp cấu hình ra sao.
Kể cả với những máy có cấu hình mạnh nhất với card GeForce GTX 970 cũng gặp các vấn đề tương tự, Nvidia và AMD sau đó cũng phải tự cho ra các bản patch của riêng mình để giúp game thủ sửa cái lỗi của Batman: Arkham Knight. Warner Bros ngay sau đó phải tạm dừng việc phân phối Batman: Arkham Knight để tìm cách sửa lỗi, nhưng ngay cả khi họ tung ra bản patch mới thì mọi việc cũng y chang như vậy.
Game thủ về sau mới biết được là vốn Warner Bros đã biết là trong quá trình port Batman: Arkham Knight lên PC sẽ có vấn đề, nhưng họ cứ lờ đi và mặc kệ nó. Cuối cùng cái vụ này không thể kiểm soát nổi nữa, Warner Bros quyết định phải thu hồi toàn bộ các bản game trên PC đã bán ra, cũng như hoàn tiền lại cho những game thủ có mua Batman: Arkham Knight. Trong số các game bị thu hồi, thì đây có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất, và cũng đáng đời nhất, chẳng oan tí nào.
(còn tiếp...)