Phụ Lục
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về sơ lược và cách thức vận hành của Nintendo Switch trong thực tế sử dụng. Phần này sẽ chia sẻ những thông tin về phần cứng, phần mềm và giao diện cùng các tính năng của hệ máy.
Trước khi nói đến phần mềm, chúng ta sẽ nhắc lại sơ lược về phần cứng của Switch. Chiếc console này có màn hình 6,2 inch và hai tay Joy-Con có thể gắn vào hai bên của thiết bị. Người dùng cũng có thể gắn vào grip để có được tay bấm mang hình hài như kiểu truyền thống quen thuộc hơn.
Để chơi game với TV, người chơi có thể gắn thiết bị vào dock bán kèm và kết nối vào màn hình TV thông qua cổng HDMI. Đây gọi là TV mode. Khi gắn vào dock, màn hình trên Switch sẽ không hiển thị nữa mà chỉ xuất hình ra TV.
Switch không hỗ trợ tai nghe bluetooth, điều này có hơi đáng tiếc trong khi thiết bị có thể sử dụng màn hình độc lập với tay bấm tách rời.
Như hình trên, bạn có thể thấy Joy-Con là tay bấm điều khiển chính của Switch, với rất nhiều tính năng. Bên cạnh các nút bấm thông thường khác, cả hai tay Joy-Con đều có con quay hồi chuyển (gyroscopes) và cảm biến gia tốc (accelerometer) sử dụng cho điều khiển cảm ứng, NFC để đọc Amiibo và bộ mô tơ rung tạo cảm giác như tay cầm của các hệ máy khác.
Riêng tay Joy-Con phải còn có cảm biến hồng ngoại cho khả năng điều khiển bằng cử chỉ. Và mặc dù khả năng tay thành hai tay bấm riêng lẻ khá hay, nhưng Joy-Con phải thật sự sử dụng không được thoải mái cho lắm. Đây là điều bạn nên lưu ý.
Dây đeo bán kèm là ý tưởng không tồi để đảm bảo bạn sẽ không bất cẩn ném Joy-Con vào màn hình trong giây phút cao trào. Thời Wii, có rất nhiều tai nạn như thế đã xảy ra vì người chơi không dùng dây đeo. Hơn nữa nó cũng giúp định hình cảm giác cầm tay bấm được thoải mái hơn một chút. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận không đeo ngược, vì lúc đó sẽ rất khó gỡ nó ra.
Đi kèm với thiết bị mới cũng là những phụ kiện mới hoặc dùng để thay thế. Dưới đây là danh sách các phụ kiện sẽ được bán ra cùng với mức giá:
Nintendo Switch Pro Controller -- 70 USD
Joy-Con controllers (gồm tay Joy-Con trái và phải) -- 80 USD
Joy-Con riêng lẻ trái hoặc phải -- 50 USD
Joy-Con Charging Grip (Grip có khả năng sạc Joy-Con khi gắn vào) -- 30 USD
Nintendo Switch Dock Set -- 90 USD
Nintendo Switch AC Adapter -- 30 USD
Joy-Con Wheel (vô lăng bằng nhựa để gắn Joy-Con vào, một bộ gồm hai cái) -- 20 USD
Accessory Set (miếng dán màn hình và túi đựng máy) -- 20 USD
Ở thời điểm này, chúng ta chưa thể biết eShop hay hệ thống tài khoản hoạt động như thế nào. Lý do đơn giản là Nintendo chưa "mở" tính năng này ở thời điểm viết bài. Do vậy, liệu Nintendo Switch có hỗ trợ chơi trực tuyến ngay khi ra mắt hay không vẫn chưa có lời giải đáp.
Theo thông tin chính thức từ Nintendo, chiếc máy Switch hỗ trợ 8 console ở chế độ chơi multiplayer local thông qua Wi-Fi. Nếu tôi không lầm thì Super Bomberman R là tựa game duy nhất ra mắt với các tính năng trực tuyến, gần như chắc chắn trò chơi cũng sẽ hỗ trợ multiplayer local nói trên.
Giao diện màn hình chính của Switch khá giống 3DS và rất hợp lý. Khi mở nguồn, Swtich sẽ có tùy chọn tương tự như menu chọn nhanh trên Wii U, với tùy chọn cho phép bạn chơi game ngay hay sử dụng phần tin tức, eShop và những liên kết khác ở bên trái.
Phía trên tay cầm có một nút riêng để chụp màn hình, và đồng thời cũng cho phép bạn ghi hình video. Bạn có thể chia sẻ clip hoặc screenshot này lên mạng xã hội, hoặc lưu nó vào thẻ nhớ MicroSD.
Hình bên dưới là giao diện phần News với một số thông tin hỗ trợ, eShop, Album, Controllers và System Settings. Trong Controllers chỉ có các thông tin về pairing và pin của tay cầm. Switch cũng có một số thiết lập nhanh chẳng hạn như giữ nút Home sẽ có thể truy xuất ngay vào Flight mode và điều chỉnh độ sáng cũng như Sleep Mode.
Một vấn đề tuy không quan trọng lắm nhưng cũng đáng nhắc đến là bạn không thể import Mii từ Wii U hay 3DS. Nhưng nếu có 3DS ở bên cạnh, chúng ta vẫn dễ dàng tạo lại Mii bằng cách xem những lựa chọn trước đó là gì. Người dùng cũng có thể chọn một bức hình tĩnh cho hình đại diện của họ. System Settings còn có phần theme nhưng hiện chỉ có lựa chọn backdrop trắng hoặc đen.
Nhìn chung, giao diện khá đơn giản, giúp việc sử dụng nhanh chóng hơn. Mọi thứ khác, có lẽ phải đợi đến khi Nintendo mở tính năng online cho hệ máy. Tuy vậy, dường như ông lớn này không có ý vội vã tạo trình duyệt cho Switch. Phải chăng sau bao lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng từ các hệ máy tiền bối, giờ đây Nintendo đang cẩn trọng hơn với trình duyệt web trên máy chơi game của họ?
Song hành ra mắt cùng Nintendo Switch là các game sau:
• The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild (Nintendo)
• 1-2-Switch (Nintendo)
• Super Bomberman R (Konami)
• Skylanders Imaginators (Activision)
• Just Dance 2017 (Ubisoft)
• I Am Setsuna (Square Enix)
• World of Goo (Tomorrow Corporation)
• Little Inferno (Tomorrow Corporation)
• Human Resource Machine (Tomorrow Corporation)
• Snipperclips (Nintendo)
Không nói cũng thấy, số lượng game ra mắt cùng Nintendo Switch khá bèo, phân nửa là những game cũ đã phát hành trên những nền tảng khác từ lâu. Nói cho cùng, có lẽ chỉ có Zelda là thứ mà bạn có thể hy vọng trong đợt ra mắt này.
Thực tế, danh sách các game sẽ phát hành sau đó cũng không khá hơn. Chúng ta có một số tên tuổi lớn phát hành trong năm nay như sau:
• Trong mùa xuân – ARMS (Nintendo)
• Trong mùa xuân – Sonic Mania (Sega)
• Trong mùa xuân – Lego City Undercover (Warner Bros.)
• 28/4 – Puyo Puyo Tetris (Sega)
• 28/4 – Mario Kart 8 Deluxe (Nintendo)
• Trong mùa hè – Splatoon 2 (Nintendo)
• Trong mùa thu – The Elder Scrolls V: Skyrim (Bethesda)
• Giáng Sinh – Super Mario Odyssey (Nintendo)
• Không rõ thời điểm nhưng trong năm 2017 – Xenoblade Chronicles 2 (Nintendo)
• Không rõ thời điểm nhưng trong năm 2017 – Ultra Street Fighter II (Capcom)
• Không rõ thời điểm nhưng trong năm 2017 – Minecraft (Mojang)
• Không rõ thời điểm nhưng trong năm 2017 – Project Sonic 2017 (Sega)
Bên cạnh đó, eShop cũng sẽ có mặt vào thời điểm ra mắt Switch, đi kèm với ba tựa game nữa là Fast RMX, Shovel Knight: Specter of Torment và Shovel Knight: Treasure Trove. Nintendo cũng cho biết có ít nhất hơn 60 game indie khác sẽ ra mắt trên eShop trong năm nay.
Hy vọng thông tin trong bài giúp bạn có cái nhìn toàn diện về hệ console mới nhất của Nintendo. Nếu chỉ tính độ hoàn thiện và tính năng, tôi dám nói Switch là hệ console tốt nhất của Nintendo kể từ thời GameCube. Tuy nhiên, vấn đề phần mềm game có vẻ sẽ khiến người chơi đắn đo trước khi quyết định móc hầu bao rước Switch về sớm, trừ khi bạn là fan ruột của dòng game Legend of Zelda.
Mà tôi quên một điều cũng quan trọng không kém. Nếu bạn có ý định đặt Nintendo Switch ở vị trí đẹp trong nhà, ví dụ như phòng khách, hãy cân nhắc mua bản Nintendo Switch with Gray Joy‑Con thay vì bản Nintendo Switch with Neon Blue and Neon Red Joy‑Con. Bản Gray Joy-Con, như cái tên của nó sẽ đi kèm tay Joy-Con màu xám, sẽ đẹp và nhìn sang chảnh hơn khi trưng bày so với bản kèm Joy-Con xanh, đỏ./.