Sau khi đã chơi hết mấy game mèo và mê mẩn em Tappy Cat thì tui lại lên cơn thèm chơi mấy game âm nhạc (rhythm game), thế là bao nhiêu ngày nghỉ ở nhà tui đã cống hiến hết cho tụi nó. Thôi thì đang trong cơn cuồng, tui phải kéo anh em dính chưởng theo vậy.
Trong bài viết này tui sẽ không nhắc tới những cái tên quá to bự quen thuộc kiểu VOEZ, Osu!, Deemo, Cytus... vì hẳn ai nấy đều biết hết rồi. Cũng phải nói luôn rằng, game âm nhạc có thể miễn phí nhưng hầu hết để unlock những bài nhạc hay và độc, hầu như chúng ta đều phải đành móc hầu bao cho nhà sản xuất. Thôi thì tui cũng không tiếc rẻ lắm nếu thực sự quá mê một pack nhạc nào đó, còn nếu anh em tìm được cách hack thì... tui hông có biết gì đâu à nha.
Hãy mở màn bằng một game âm nhạc cơ bản hết sức có thể. Piano Tail chính xác là một phiên bản khác của Piano Tiles vốn đã quá quen thuộc, cách chơi đơn giản là nhấn đúng những phím đàn đang trôi xuống để không bị miss và tạo ra giai điệu thật hay.
Điểm nổi bật nhất của Piano Tail mà tui muốn nhắc đến ở đây chắc chắn chính là kho nhạc của game. QUÁ KHỦNG KHIẾP. Từ nhạc anime đến game tới K-pop hay thậm chí nhạc US-UK đều có đầy đủ, nhìn vào kho nhạc của game mà tui choáng ngợp luôn không biết nên chơi bài nào trước! Chưa kể Piano Tail còn cho phép bạn điều chỉnh tốc độ bài nhạc để phù hợp với nhịp chơi của từng người, nhưng tin tui đi, mấy bài nhạc này có cấu trúc vô cùng lắc léo lẫn bmp cao nên hầu như tui toàn chỉnh xuống chậm thật chậm thôi.
Tựa game thứ 2 đặc biệt dành cho những Mọt Game có niềm đam mê với piano cổ điển. Cách chơi quen thuộc với những ai đã chơi qua Deemo với kiểu gõ, kéo thả... nhưng Noah's Bottle tập trung vào các bản nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới của những nhà soạn nhạc lẫy lừng. Ngoài những bài nhạc cho sẵn, người chơi sẽ phải unlock thêm nhạc bằng cách thu thập các viên pha lê qua mỗi thành tích mà mình chơi được.
Game có đồ họa đẹp ấn tượng, ngoài ra nếu không thích chơi trong Rhythm mode với các bài nhạc cổ điển, anh em có thể đi theo Story Mode để vừa xem nội dung vừa chơi nhạc riêng của game. Beats mode thì lại cho phép anh em tải chính nhạc trong máy của mình vào để tạo thành bài mới, ngoài ra Suite Mode là những nhiệm vụ đặc biệt để unlock những bài nhạc mới theo yêu cầu được đưa ra. Noah's Bottle rõ ràng là một game rất đa dụng, anh em thích giải trí cũng được mà cày cuốc cũng ổn.
Chắc hẳn này là cái game âm nhạc bựa nhất mà tui từng thấy từ đó đến giờ luôn rồi. Không lạm bàn về cách chơi hay âm nhạc hay đồ họa của nó, cái mà khiến tui bái phục Behind You!! chính là ở cái ý tưởng quái chiêu hết chỗ nói. Game vẫn trung thành với cách chơi đúng kiểu những game nhạc như Lovelive này nọ, chỉ có điều trong Behind You!! anh em sẽ phải vừa nhảy vừa... trốn. Trốn ai? Trốn mẹ đó chứ còn ai. Ở mỗi màn chơi mình phải theo dõi những nốt nhạc để đặt perfect vừa canh cửa, vừa hé ra là phải tạm ngưng mọi hoạt động nhảy nhót lại ngay!
Để có thể mua thêm nhạc và có thêm nhân vật người chơi, anh em phải thu thập xu trong mỗi lần chơi. Cứ 10 xu thì ta lại được một lần quay Gacha - kiểu quay trứng ngẫu nhiên rất thịnh hành ở Nhật. Tui thề luôn, game chỉ có thể bựa đến bựa hơn, bạn có nghĩ tới cảnh một con bọ chét hay một con sò nhảy đầm thì sẽ ra sao không? Tui hoàn toàn chào thua với độ bá đạo của Behind You!!, mà nó còn làm tui nhớ tới thời lén má chơi game mà bị bắt gặp nữa. Vui phải biết.
Vẫn là một game âm nhạc hay có đồ họa đẹp cho cả nhà, Nora lại khác biệt ở cách chơi của mình. Nếu ở những game nhạc piano khác thì ta thường thấy cách nốt thanh âm trôi xuống thì trong Nora, nó sẽ biến thành những nốt tròn. Thú vị hơn, bạn sẽ không thể ăn gian kiểu dùng một ngón tay nhấn hai nốt như trong cách game khác, mà mỗi nốt phải được nhấn bằng một ngón tay.
Tốc độ của mỗi bài nhạc khi chơi cũng tùy thuộc vào bạn, nếu bạn nhấn trôi chảy thì bài nhạc sẽ đi xuống trôi chảy. Còn nếu lỡ miss thì nó sẽ đứng lại, chừng nào đã nhấn đủ mọi nốt nhạc thì mới chạy tiếp. Nora cũng tập trung nhạc ở những bài piano cổ điển, nhưng ở những level sau anh em có thể unlock thêm nhạc cụ như organ điện, hộp nhạc, guitar... để tạo nên âm thanh khác. Game có đến 8 chương với câu chuyện xuyên suốt về một đôi trai gái. Tui thì chưa rõ lắm nội dung vì vẫn đang chật vật với chương đầu tiên, các bài nhạc cũng được unlock bằng điểm thu thập nên xem ra không bất khả thi lắm nếu ta thực sự muốn chơi hết nhạc trong này.
Đích thị cái game này là thủ phạm khiến tui bù đầu bù cổ mấy ngày nay đây. Không rõ cộng đồng Hachi Hachi ở Việt Nam mình có mạnh không, nhưng đây là game âm nhạc gây sốt tại Hong Kong năm qua với nhiều giải thưởng lớn. Hachi Hachi nổi bật lên hẳn chính nhờ cơ chế đấu PvP thời gian thật, anh em có thể thách đấu với bạn bè hay với những thành viên khác trong Arena để cược điểm. Cách chơi của game này cũng vô cùng hấp dẫn và phải nói là KHÓ hơn hẳn những game âm nhạc mà ta từng chơi qua. Mỗi màn chơi được thiết kế theo hình tròn như một bánh xe, những nốt nhạc sẽ từ tâm bay ra và dĩ nhiên anh em phải nhấn đúng vị trí chúng chạm đến vòng tròn, theo đúng nhịp để được perfect. Ngay cả ở chế độ normal, nhiều bài nhạc của game cũng sẽ khiến anh em chật vật khá nhiều để được điểm B đấy.
Nhạc của game thì miễn bàn. Giống như những anh lớn Deemo, Cytus... nhạc của game mang đậm chất anime: sôi động, dễ thương có mà hoành tráng cũng có. Mỗi tội nhạc của game khó lấy cực kì. Bạn phải thu thập tiền hoặc kinh nghiệm để có một lượt xoay ngẫu nhiên những bài nhạc trong này. Có những pack nhạc lại chỉ để bán hoặc chờ event mới lấy được. Hachi Hachi sẽ thích hợp hơn cho những tay chơi hardcore và cày cuốc thực sự, còn nếu để giải trí thì chắc hẳn chúng ta sẽ chào thua sớm thôi.
Trên đây là 5 game âm nhạc nổi bật mà tui đã "đãi cát tìm vàng" được trong mấy ngày qua. Điều tốt là chúng hoàn toàn miễn phí và chơi cực kì đã, nên anh em có thể thoải mái trải nghiệm thử để thỏa lòng ham mê.
Hẹn gặp lại anh em nhà mình ở kì sau của Mobile giải sầu với nhiều game mobile hấp dẫn hơn nha.