Phụ Lục
Cách đây khoảng 5 năm, game độc quyền vẫn còn là một khái niệm mang tính đối kháng rất mãnh liệt giữa 3 nền tảng chơi game chiếm thị phần nhiều nhất bao gồm PC, Xbox và Playstation. Tất nhiên phía chiến thắng cuộc đấu này luôn là Playstation của nhà Sony. Số lượng cũng như chất lượng mà các trò chơi được phát triển riêng cho Playstation luôn khiến các game thủ khác phải thèm khát, và đó cũng là nguyên nhân giúp cho doanh số máy chơi game của Sony luôn đứng đầu.
Bất lợi nhất có lẽ phải là game thủ PC, khi hệ máy này có thể đẩy được giới hạn đồ họa của một trò chơi lên cao nhất nhưng lại không thể sở hữu cho mình nhiều trò chơi độc quyền.
Hiện nay, khái niệm game độc quyền gần như đã không còn mang tính chất đấu đá, cạnh tranh giữa các hãng game hay hãng phát hành nữa. Các nền tảng gần như đã có sự liên kết rõ ràng với nhau hơn. Mọt tôi đang tự hỏi: Liệu một ngày không xa, chúng ta sẽ không còn game độc quyền?
Cuộc chiến game độc quyền giữa Xbox và Playstation vẫn luôn diễn ra một cách sôi nổi trong ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, phía chịu thiệt thòi nhất lại chính là người dùng PC. Trong khi Microsoft và Sony đang tập trung mọi nguồn lực để có thể phát triển những sản phẩm của riêng mình ở mức hoàn hảo nhất cung cấp cho người dùng, thì phía PC lại rất ít hãng game lại lựa chọn đây là nền tảng chính cho một tựa game.
Nguyên do có lẽ nằm ở việc PC quá đa dạng về mảng phần cứng cũng như việc crack/hack tràn lan khiến cho nhiều hãng khá dè dặt với nền tảng này. Kể cả khi ý thức mua game của người chơi đã cải thiện hơn nhưng để tập trung cho riêng một hệ máy có quá nhiều mức cấu hình khác nhau không phải điều dễ dàng.
Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Hãy nhìn về hiện tại, game thủ PC giờ đây không còn phải ghen tỵ với Console nữa. Sony đã phát triển dịch vụ streaming game giúp cho người dùng PC có thể trải nghiệm toàn bộ những trò chơi độc quyền có trong thư viện. Mặc dù phải trả phí hàng tháng và người dùng phải bảo đảm đường truyền mạng nhanh, ổn định; nhưng đó vẫn là động thái mở đường cho người dùng PC về khoản game độc quyền.
Còn về phía Microsoft, họ đã gần như bỏ cuộc trong cuộc chiến game độc quyền với Sony. Với hệ điều hành Windows 10, Microsoft hỗ trợ rất nhiều để người dùng PC có thể chơi game của Xbox. Hãng đã ra mắt một tính năng Xbox Play Anywhere, người dùng chỉ cần mua game trên Xbox One một lần và có thể trải nghiệm nó ngay trên máy tính chạy Windows 10.
Có thể thấy các hãng phát triển Console đang ngày càng hướng tới người dùng PC nhiều hơn. Nếu như trước đây việc trải nghiệm game độc quyền trên Console chỉ là mơ ước và được thực hiện trên Youtube, thì nay giấc mơ đó đang được Microsoft và Sony dần hiện thực hóa.
Bên cạnh PS Now của Sony thì Microsoft cũng đã giới thiệu tới game thủ Project xCloud. Một phần mềm cho phép người chơi có thể trải nghiệm game Xbox trên nền tảng…smartphone. Hay như Google cũng giới thiệu Project Stream, còn cho phép bạn có thể chạy game trên trình duyệt web Chrome.
Có thể thấy tương lai của ngành công nghiệp game là người dùng có thể trải nghiệm trò chơi điện tử ở bất cứ đâu, trên bất cứ thiết bị nào. Tuy nhiên, dịch vụ streaming game vẫn còn hiện hữu những nhược điểm khiến trải nghiệm của người dùng bị ảnh hưởng nặng.
Đầu tiên phải kể tới là tốc độ kết nối internet. Đây là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất cho dịch vụ streaming game. Hãy lấy ví dụ là dịch vụ PS Now. Sony cho phép người dùng PC chơi game Playstation thông qua một cụm máy chủ. Tức là bạn không hoàn toàn phải trực tiếp chạy xử lý tựa game đó. Từng phản hồi về nút bấm người dùng thao tác sẽ được gửi tới cụm máy chủ đó thông qua kết nối mạng, và server sẽ phản hồi lại theo hành động của nhân vật qua tính hiệu hình ảnh truyền ngược lại cũng theo đường truyền internet đó. Vậy nên game thủ bắt buộc phải sở hữu cho mình một đường truyền mạng nhanh, ổn định nếu không muốn thấy nhân vật cử động theo dạng giật và lag.
Tiếp theo là bạn sẽ phải bỏ tiền ra thuê hàng tháng nhưng chỉ chơi được các game cũ. Với dịch vụ streaming game, bạn bắt buộc phải bỏ ra khoảng 20 USD hoặc có thể hơn hàng tháng để thuê game console về chơi. Cái hay là game thủ không phải bỏ ra cả chục triệu mua console, nhưng bạn phải chờ cho tới khi hãng đó cập nhật lên thư viện thì mới có thể chơi. Đôi lúc, tựa game bạn muốn trải nghiệm phải vài tháng hoặc cả năm sau mới có trên thư viện. Và nếu tính ra 20 USD một tháng, thì nếu chơi cả năm thì số tiền bỏ ra cũng xấp xỉ một chiếc console rồi.
Và cuối cùng là với dịch vụ streaming game, bạn không thể trải nghiệm phần chơi Multiplayer. Đây có lẽ là hạn chế khá khó chịu nhưng giới hạn công nghệ hiện tại vẫn chưa thể khắc phục nó. Hiện giờ bạn chỉ có thể trải nghiệm các trò chơi có phần chơi đơn mà thư viện của Sony hay các hãng khác cho phép mà thôi. Trên console, để có thể tham gia chơi Multiplayer, game thủ phải bỏ ra tầm chục USD một tháng, sẽ rẻ hơn nếu mua gói theo năm. Nhưng tôi không nghĩ người dùng PC sẽ chấp nhận nó.
Bạn đọc thấy đó, mặc dù streaming game có thể rút ngắn khoảng cách các hệ máy lại, dần xóa bỏ đi khái niệm game độc quyền. Nhưng nếu bạn muốn chơi Multiplayer, muốn có một trải nghiệm game hoàn hảo thì việc sở hữu một chiếc console vẫn là bắt buộc mà thôi.
Để game độc quyền biến mất hoàn toàn khỏi ngành công nghiệp game là việc khá khó khăn. Đây vẫn là chiêu bài quyết định để Sony hay Microsoft có bán được máy hay không. Kết quả hiện giờ có lẽ ai cũng đã biết, Sony đã làm tốt khoản này như thế nào. Và các hãng phát triển, các cá nhân hay tổ chức đều muốn hợp tác với phía Sony vì danh tiếng cũng như thị phần chiếm lĩnh mà Sony dành được trong ngành công nghiệp game.
Game độc quyền không hẳn chỉ là chia ra ranh giới giữa console và PC, mà nó còn là chiến lược để bán máy, đánh chiếm thị phần của ngành công nghiệp game. Từ đó các hãng mới có những bước tiến xa hơn là cả một hệ sinh thái.
Ngay từ thời điểm ban đầu, nếu như không có game độc quyền thì thị phần game thủ sẽ chỉ rơi vào tay của nền tảng PC. Và nếu như trải nghiệm game độc quyền trên máy tính hoàn hảo ngang trên console thì chắc chắn, người dùng sẽ chuyển hoàn toàn qua PC vì tính tiện dụng trong nhiều công việc khác.
Game độc quyền vốn là một món ăn để phân chia thị phần giữa PC và Console. Cũng chính bởi nó độc quyền duy nhất trên một nền tảng nên việc tập trung tối ưu, phát triển cả về cốt truyện lẫn gameplay, diễn biến tâm lý nhân vật đều sẽ được sâu sắc và tỉ mỉ hơn.
Nếu một ngày game độc quyền biến mất, khi đó chúng ta sẽ chẳng cần phải phân chia các hệ máy làm gì cả. Playstation, Xbox hay PC đều sẽ có ưu và nhược điểm riêng biệt về phần cứng cũng như nội dung. Và điều đó mới làm cho ngành công nghiệp game trở nên phong phú, đa dạng hơn.
Mọt game khẳng định độc quyền sẽ không thể biết mất. Thậm chí, Sony hay Microsoft sẽ còn cho thấy cuộc chiến game độc quyền nói riêng hay console nói chung trở nên hấp dẫn hơn khi mỗi hãng đều đã có những sự chuẩn bị và lên kế hoạch phát triển trong tương lai.